Giáo hội Việt Nam sẽ không thể không tham gia vào việc tái thiết đất nước. Nhưng, Giáo hội sẽ không thể tham gia tái thiết đất nước nếu không tích cực, can đảm dấn thân, vạch trần những sự giả dối, sự bất công rẫy tràn đang làm băng hoại môi trường xã hội. Giáo hội Việt Nam sẽ không thể góp phần tái thiết đất nước nếu cứ ‘lên tiếng như không lên tiếng”, im lặng không lên tiếng đòi chính quyền tôn trọng những quyền cơ bản, tự bản chất, vốn thuộc về sứ mạng của Hội thánh, như: giáo dục, y tế, truyền thông, an sinh xã hội…
Những ngày qua, nhiều bạn bè thắc mắc về một bài viết trên WHD có tựa đề: “Những hướng dẫn mục vụ của Chân phước Gioan Phaolô II đối với Giáo hội tại Việt Nam: Đừng sợ hy vọng – Đừng sợ đối thoại”.
Tác giả bài viết dẫn lại những bài huấn từ của Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II với các Giám mục Việt Nam nhân các chuyến viếng thăm mục vụ Ad Limina, bài giảng của Đức Giáo hoàng nhân dịp lễ phong thánh cho 117 vị thánh Tử đạo Việt Nam để khẳng định rằng:
“Có thể tóm tắt những hướng dẫn mục vụ của Đức cố Giáo hoàng Gioan Phaolô II (cho Giáo hội Việt Nam) trong phương châm “Đừng sợ”, gồm hai nội dung: Đừng sợ hy vọng và đừng sợ đối thoại.”
Trong mục “Đừng sợ đối thoại”, sau khi trích dẫn vài đoạn bài giảng của Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II trong thánh lễ phong thánh cho 117 Thánh Tử đạo Việt Nam, tác giả quả quyết:
“Như vậy “biết thinh lặng”, “biết tha thứ” và “biết cầu xin cho nước Cha trị đến trong tâm linh nhân loại, và đặc biệt tại quê hương” chính là sức mạnh nội lực của người kiên trì theo đuổi con đường đối thoại, nhất là đối thoại với những kẻ đang tìm cách làm hại mình.”
Thực ra, lý tưởng phải “đối thoại” trong mọi nơi, mọi lúc nhất là trong các cuộc tranh chấp, là một phương châm đúng đắn, không chỉ của Công đồng Vatican II, của Đức cố Giáo hoàng Gioan Phaolo II mà còn là hướng đi của cả nhân loại ngày nay.
Tuy nhiên, vấn đề là đối thoại như thế nào và bằng cách thức nào?
Giáo sư Đỗ Mạnh Tri, trong cuốn Ngón tay và Mặt trăng – Nói với 18 tác giả của Giao Điểm (Phụ bản Tin nhà), mùa đông 1996, khi nói về “ý nghĩa của Đối thoại” đã dẫn lại nguyên mẫu tiếng Hy lạp để định nghĩa đối thoại là gì:
“Đối thoại” trong tiếng Hy Lạp: động từ là dialegein, danh từ là dialogos. Từ đó có dialogue và dialectique – biện chứng pháp. “Logos” trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là lời, lời nói, lý trí, trí tuệ. Từ ấy cũng giống như từ Đạo của Đông phương, không thể chuyển ngữ mà không mất mát. Dia có nghĩa là thông qua (à travers). Đối thoại không chỉ là nói, càng không phải là thóa mạ người khác. Đối thoại trước hết là đi tới, lấp đầy cái khoảng cách giữa mình với người, để qua những lời nói và hành động, thông cảm được với những ý tứ của người khác. Muốn được vậy, cần vượt qua cảm xúc, tiên kiến, tập quán, và đặt vấn đề trên bình diện lý trí. Đối thoại: sự gặp gỡ giữa hai logos, hai trí tuệ, trên con đường tìm kiếm Chân Thiện Mỹ. Ta nói: Tri âm. Cũng một tiếng đàn, nhưng đàn gãy tai trâu vô ích. Tiếng đàn cũng trong tai, đúng hơn, trong tâm người nghe. Phát ra từ tâm để đi tới tâm, từ lương tri để gặp lương tri…. Không có đối thoại nếu không có sự tôn trọng người khác. Cần đi tới, lấp đầy khoảng cách giữa ta với người, và một trật cũng cần phải giữ khoảng cách. Tôi muốn nói, không có đối thoại nếu trước hết chúng ta không tìm gặp và trân trọng tha nhân; không có đối thoại, nếu chúng ta đặt Chân lý cao hơn con người.”
Như vậy, chấp nhận, thỏa hiệp với sự ác, với bất công, tiên vàn không phải là một cuộc đối thoại đích thực, sẽ càng không phải là đối thoại khi cúi gằm mặt để được hưởng một qui chế ‘xin-cho” nhất là trong những vấn đề nhân quyền và tự do tôn giáo.
Đức cố Giáo hoàng Gioan Phaolo II, trong Diễn từ gửi hàng Giám mục Việt Nam dịp Ad limina ngày 24/11/1990, sau khi khẳng định “đối thoại trong bầu khí hiểu biết, tôn trọng lẫn nhau” luôn là con đường tốt, ngài đã nói lên những ước mong của mình, một ước mong phải được người giáo dân Việt Nam thực hiện bằng hành động:
“Tôi cầu mong rằng trong tương lai tới đây, Giáo Hội Việt Nam sẽ thấy chỗ đứng của mình trong xã hội ngày càng được nhìn nhận. Cộng đồng Công Giáo tại đất nước anh em trong quá khứ đã đóng góp vào nền độc lập của quốc gia, và ngày nay mong muốn làm việc mưu ích lợi cho đồng bào của mình và tái thiết đất nước, nhờ sự đóng góp của mọi thành phần Giáo Hội: các linh mục, tu sĩ nam nữ và giáo dân.”
Giáo hội Việt Nam sẽ không thể không tham gia vào việc tái thiết đất nước. Nhưng, Giáo hội sẽ không thể tham gia tái thiết đất nước nếu không tích cực, can đảm dấn thân, vạch trần những sự giả dối, sự bất công rẫy tràn đang làm băng hoại môi trường xã hội. Giáo hội Việt Nam sẽ không thể góp phần tái thiết đất nước nếu cứ ‘lên tiếng như không lên tiếng”, im lặng không lên tiếng đòi chính quyền tôn trọng những quyền cơ bản, tự bản chất, vốn thuộc về sứ mạng của Hội thánh, như: giáo dục, y tế, truyền thông, an sinh xã hội…
Trong Diễn từ của Giáo Hoàng Gioan Phaolô II gửi Hàng giáo phẩm và người công giáo Việt Nam ngày 22 tháng giêng năm 2002, nhân chuyến viếng mộ hai thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô, Đức cố Giáo hoàng Gioan Phaolo II đã nhắn gửi cộng đồng Dân Chúa Việt Nam:
“Căn cứ vào vai trò và thẩm quyền của mình, Giáo Hội không cách nào bị đồng hóa với một cộng đồng chính trị, và cũng không hề cấu kết với bất cứ hệ thống chính trị nào”. Vì thế, “Cộng đồng chính trị và Giáo Hội, mỗi bên với lãnh vực riêng của mình, đều độc lập và tự trị”. Tuy nhiên, vì cả đôi bên đều có phận vụ chu toàn sứ mạng đặc loại của mình cho lợi ích của cùng những con người cụ thể, nên việc phục vụ nầy sẽ hữu hiệu hơn “nếu cả hai bên duy trì được sự cộng tác lành mạnh” (HC Vui Mừng và Hy Vọng, số 76). Nhân danh sự “cộng tác lành mạnh nầy”, Giáo Hội mời gọi mọi thành viên của mình dấn thân một cách cương trực để thăng tiến mọi người và xây dựng một xã hội công bình, liên đới và chính trực. Giáo Hội không hề muốn thay thế giới hữu trách của quốc gia và thay thế hành động của con người, với tư cách cá nhân hay tập thể, mà chỉ mong sao có thể thực thi sứ mạng đặc trưng của mình. Nhưng, trong tinh thần đối thoại và hợp tác huynh đệ, qua các thành phần của mình, Giáo Hội ao ước tham gia hợp lý vào đời sống quốc gia nhằm phục vụ toàn dân và sự đoàn kết xã hội. Khi tham gia tích cực vào sự phát triển về mặt nhân loại và siêu nhiên của con người, trong cương vị thích hợp và theo ơn gọi đặc trưng của mình, Giáo Hội “truyền thông sự sống Thiên Chúa cho con người, nhưng còn chiếu giãi ánh sáng của đời sống ấy… trước hết bằng cách chữa trị và nâng cao phẩm giá của nhân vị, củng cố sự đoàn kết xã hội nhân loại và thấm nhuần cho hoạt động thường nhật của con người một chiều hướng và một ý nghĩ sâu xa hơn”.
Ở đây, cần phải đặt những lời dạy này của Đức cố Giáo hoàng trong bối cảnh xã hội Việt Nam những năm 2002, lúc tình trạng tự do tôn giáo tại Việt Nam đang bị vi phạm một cách trắng trợn, để thấy sự không khoan nhượng trong ngôn từ của Đức cố Giáo hoàng; nhất là để thấy việc đối thoại chỉ thực sự có khi hai bên đều chung một lý tưởng xây dựng xã hội tốt đẹp hơn, trong “sự cộng tác lành mạnh và chân thành”.
Sinh thời, khi còn là Tổng Giám mục Krakow, kinh nghiệm đối thoại với chính quyền Cộng sản Ba Lan cũng độc ác không khác mấy với chính quyền cộng sản Việt Nam, đã cho Đức cố Giáo hoàng kinh nghiệm về một thái độ không khoan nhượng khi phải đối thoại với chính quyền cộng sản nếu muốn có những thành công.
Trong tác phẩm “Đức Giáo hoàng Gioan Phaolo II và Lịch sử bị che đậy trong thời đại chúng ta”, Carl Bernstein và Marco Politi đã cho thấy một Tổng Giám mục Carrol Woltyla thận trọng, khôn ngoan trong đường lối, mạnh mẽ trong ứng xử và cương quyết trong công cuộc đấu tranh cho sự thật và công bằng. Ngài luôn “ủng hộ nhân dân một cách mạnh mẽ khi người dân bị khốn khổ.”
Trong dịp mừng Năm mới 1977, trên tòa giảng, ngài đã mạnh mẽ lên án những giả dối của truyền thông cộng sản và kêu gọi tôn trọng sự thật: “Chúng ta muốn thấy một bức tranh chân chính về bản thân mình trên báo chí, trên đài phát thanh và trên truyền hình. Chúng ta không muốn một sự thật giả dối, một công luận bị chi phối… Chúng ta không muốn một chế độ được dựa trên dùi cui của cảnh sát” (sdd trang 224).
Cũng vậy, trong một bài giảng dành cho các bạn trẻ năm 1977, tại đồi Wawel, dưới sự theo dõi và phá đám của công an cảnh sát, ngài nói: “Nhân quyền không thể được ban cho dưới những nghượng bộ. Con người sinh ra với chúng và tìm cách thực hiện chúng trong quá trình sống của anh ta. Và nếu chúng không được thực hiện hay được tìm ra qua kinh nghiệm sống thì con người lúc đó sẽ nổi loạn. Và không thể có cách nào khác, bởi vì anh ta là con người. Lòng tự trọng của anh ta đòi hỏi điều đó… Và không thể nào giải quyết được những vấn đề này bằng biện pháp đàn áp. Cảnh sát và nhà tù cũng không phải là câu trả lời. Chúng chỉ nâng cao cái giá mà sau cùng sẽ phải trả…Chỉ có một con đường dẫn tới Hòa bình và đoàn kết dân tộc, đó là tôn trọng không hạn chế đối với các quyền con người, quyền của công dân và quyền của người Ba lan” (sdd tr. 230-231).
Như vậy, có thể nói rằng, trong các Diễn từ được coi như những hướng dẫn mục vụ gửi các Giám mục Việt Nam và trong chính kinh nghiệm đối thoại với chính quyền cộng sản thời ngài còn là Tổng Giám mục Krakow, Đức cố Giáo hoàng Gioan Phaolo II chưa bao giờ lấy sự ‘im lặng” làm sức mạnh và nội lực để đối thoại với những người cộng sản. Trái lại, với ngài đó là một cuộc đấu tranh không khoan nhượng cho nhân quyền và hạnh phúc của người dân.
Có lẽ nào, tác giả bài viết: ““Những hướng dẫn mục vụ của Chân phước Gioan Phaolô II đối với Giáo hội tại Việt Nam: Đừng sợ hy vọng – Đừng sợ đối thoại” – hình như là một giám mục, đang cố gắng lèo lái dư luận, bằng cách dùng Đức tân Chân phúc Giáo hoàng Gioan Phaolo II để phục vụ cho chủ trương đối thoại bằng cách “lên tiếng như không lên tiếng” vốn bị cộng đồng Dân Chúa Việt Nam chỉ trích trong suốt những thời gian qua?
No comments:
Post a Comment