Nhìn AiCâp Mong ViệtNam

Thursday, May 19, 2011

Thủ tướng Ý bị cử tri trừng phạt, kể cả tại «lãnh địa» Milano

Theo kết quả chinh thức, đảng của đương kim thủ tướng Ý Silvio Berlucsoni đã bị thất bại nặng nhân vòng một cuộc bầu cử bán phần cấp tỉnh thành hôm 15/05/2011. Trong số các thành phố quan trọng, không những đảng của ông Berluconi bị thua đậm ở các nơi có truyền thống thiên tả, mà còn thụt lùi tại các lãnh địa của mình.




Từ Roma, thông tín viên Huê Đăng đã nêu bật thí dụ điển hình cho thất bại của thủ tướng Berlusconi là trường hợp của thành phố Milano, từ trước đến nay được coi là thành trì của chính ông Berlusconi. Tại đấy, trái ngược hẳn với dự đoán, thị trưởng mãn nhiệm thuộc đảng của thủ tướng Ý đã chỉ được gần 42% số phiếu, trong lúc ứng viên đối lập cánh tả được đến 48%. Đối với thông tín viên Huê Đăng, rõ ràng là cử tri đã trừng phạt các hành động bê bối của ông Berlusconi.
Milano là thành phố trọng tâm của các hoạt động kinh tế tài chính của Ý, nơi tập trung toàn bộ các cơ quan đầu não của các tập đoàn kinh tế trong và ngoài nước Ý, là một trong những thành phố giàu có của Ý. Và quan trọng nhất, Milano là vùng “căn cứ địa” của chính Thủ tướng Berlusconi, là cái nôi của toàn bộ quá trình phát triển cơ sản sự nghiệp kinh tế tài chính của chính Berlusconi. So với thời điểm huy hoàng rực rỡ của Berlusconi, thí dụ như trong kỳ bầu cử địa phương hồi năm 2006, riêng Berlusconi đã thu được 53 ngàn phiếu ở đây, thế mà lần này, con số phiếu có tên Berlusconi chỉ lên đến 27 ngàn phiếu, tức là con số cử tri tín nhiệm riêng cá nhân của Berlusconi đã giảm đi gần quá nửa.

Nhưng có lẽ điều lo lắng nhất của Berlusconi hiện nay là quan hệ liên minh có tính sống còn đối với đảng Lega Nord. Đảng này vốn chỉ là một đảng có hoạt động mạnh ở vùng Bắc nước Ý. Chủ yếu là dựa vào đường lối kỳ thị và chiến lược ly khai mị dân, đảng này đã dồn hết đầu tư chính trị vào các thành phố công nghệ phía Bắc nước Ý, trong đó có thành phố Milano. Nếu lực lượng chính trị của đảng Berlusconi đang gặp cảnh thoái trào thì đảng Lega Nord cũng sẽ chẳng dại gì mà tiếp tục đeo đuổi cái liên minh này để phải hứng chịu cảnh chết chìm chung với Berlusconi. Do đó, hiện nay, thái độ của Lega Nord đang là ẩn số lớn đối với Berlusconi. Trong những ngày sắp tới, ẩn số này sẽ có quyết định đến vận mạng của chính phủ Berlusconi.

Thành phố Napoli, với những vấn đề phức tạp của nó, và nhất là với bi kịch rác rưởi từ mấy năm nay vẫn chưa được giải quyết, vốn là thành phố được Berlusconi chọn để mở đường tiến công đánh vào các lực lượng trung tả, vì thành phố này vốn vẫn đang có thị trưởng là người của phe đối lập. Chính Berlusconi trong những năm qua đã đích thân đến tận thành phố Napoli để huy động các chiến dịch giải quyết rác rưởi với những lời hứa kiểu trong vòng 48 tiếng đồng hồ, trong vòng một tuần, trong vòng nửa tháng ..., nhưng cho đến nay sau hơn 4 năm huy động, rác rưởi ở Napoli vẫn là câu chuyện đầu môi của công luận.

Ở cả hai thành phố lớn nói trên, Berlusconi đều đánh giá rằng, phe chính phủ sẽ thắng cử toàn bộ ngay trong vòng đầu, nhưng kết quả là : ở cả hai thành phố, cử tri đều phải đi bỏ phiếu vòng hai, thậm chí ở Milano, số phiếu của ứng cử viên của phe Berlusconi, với 41%, lại còn thấp hơn số phiếu của ứng cử viên phe trung tả là đến 48%.

Nguyên nhân thất bại vòng đầu của thủ tướng Berlusconi

Phân tích ra thì có thể thấy, có nhiều nguyên nhân và lỗi lầm đã dẫn đến thất bại tranh cử trong lần này của phe đa số của Berlusconi.

Khách quan mà nói, với những vấn đề bức bách về kinh tế, về công ăn việc làm, về tình trạng suy thoái cộng thêm những cắt xén ngân sách nhà nước dành cho các hoạt động giáo dục, y tế, phúc lợi xã hội ..., bất cứ một chính phủ nào, tả hay hữu, đều có thể bị cử tri trừng phạt. Đây không phải là điều gì đáng ngạc nhiên.

Nhưng với chính phủ Berlusconi, những khó khăn khách quan nói trên đã nhanh chóng trở thành những lỗi lầm chủ quan, bởi vì trong suốt mấy năm nay, trong khi các chính phủ của tất cả các nước Tây Âu đều đang dốc hết sức mình để đối đầu với tình trạng kinh tế tài chính thế giới suy thoái ... riêng chính phủ Berlusconi lại lôi cả quốc hội vào một cuộc thánh chiến tấn công ngành tư pháp để đưa ra những điều luật mang tính “riêng tư” để chạy tội cho chính Berlusconi đang bị các tòa án réo tên trong các bản cáo trạng về các tội tham nhũng hối lộ, trốn thuế và gian lận sổ sách. Trì trệ toàn bộ quốc hội như thế chưa đủ, bản thân Thủ tướng Berlusconi lại còn “phô trương” những màn ăn chơi trác táng của mình đến độ tòa án đã phải mở bản cáo trạng xét nghi tội về có quan hệ với các mạng lưới tổ chức đĩ điếm và thậm chí nghi tội có quan hệ tình dục với trẻ vị thành niên (vụ Rubygate) ...Và từ đó, Quốc hội lại mở thêm một cuộc thánh chiến chống lại ngành tư pháp để tìm cách chạy tội ăn chơi đĩ điếm và quan hệ tính dục với trẻ vị thành niên.

Cả toàn bộ sân khấu chính trị ở Ý trong khoảng 5 năm trở lại đây, từ lập pháp đến hành pháp đến tư pháp ... chỉ châu đầu vào những vấn đề buộc tội hay chạy tội cá nhân Berlusconi. Tất cả các cuộc tranh hùng trong Quốc hội ... rốt cuộc vẫn chạy quanh con người Berlusconi. Tất cả các thảm trạng tê liệt đó đã diễn ra công khai trước mắt quần chúng, trong khi người dân ngày ngày đã phải đối đầu một thân một mình với những vấn đề bức bách về công ăn việc làm, về kinh tế, về nợ nần nhà cửa, về giáo dục, y tế.

Rất có thể là Berlusconi đã sớm nhận thức ra được rằng phe chính phủ sẽ không thắng cử ở các thành phố lớn, nhất là ở Milano. Do đó trong quá trình hoạt động tranh cử vừa qua, bản thân Berlsuconi đã quyết định đưa một cuộc bầu cử hội đồng thành phố trở thành một cuộc trưng cầu dân ý đối với cá nhân ôn ta, với dụng tâm thúc ép cử tri trung hữu phải bỏ phiếu tín nhiệm Berlusconi như một cuộc thánh chiến chống cộng thời chiến tranh lạnh.

Berlusconi đã huy động toàn bộ máy tuyên truyền khích bác thóa mạ ngành tư pháp, thậm chí ông còn cho người dán những bích chương trong đó nội dung so sánh những vị thẩm phán của tòa án Milano tương đương với những tên khủng bố, hoặc ông tuyên bố rùng rợn rằng các vị thẩm phán là một thứ ung thư cần phải cắt xén ra khỏi guồng máy xã hội. Kết quả bầu cử cho thấy là chiến lược tranh cử “sặc mùi tử khí” của Berlusconi vừa qua đã thất bại. Nhưng có lẽ không phải là điều ngạc nhiên cho chính Berlusconi. Nhưng ông ta chẳng còn con đường nào khác để tranh cử: vì nếu không dấy lên một phong trào chửi bới nguyền rủa khích bác ... thì bản thân Berlusconi chẳng có gì để nói trong một chiến dịch tranh cử, vì nếu nói bất cứ về một đề tài gì, kinh tế hay tài chính, giáo dục hay y tế, xã hội hay công ăn việc làm ... tất đều sẽ quy về những thất bại của chính chính phủ Berlusconi. Thôi thì đành phải dùng dao to búa lớn, kiểu cả vú lắp miệng em ... còn hơn là phải đối đầu với thực tế phá sản của chính phủ.

Còn riêng các lực lượng phe trung tả đối lập thì lần này, sau bao nhiêu năm thất cử liên tục từ năm 2008, đây là lần đầu tiêng cánh trung tả “ngóc đầu”. Nhưng có lẽ chiến thắng, nếu có thể nói là chiến thắng lần này của phe trung tả không phải là nhờ vào những ưu điểm của chính mình mà lại nhờ vào những lỗi lầm khuyết điểm của phe chính phủ. Vấn đề lớn là : hiện nay các lực lượng thuộc phe đối lập vẫn chưa nặn ra được một mô hình liên minh nào có thể tồn tại lâu dài, mà hình như chỉ là những liên minh mang tính chất số học để lấy đủ số phiếu hòng lật đổ chính phủ Berlsuconi, nhưng khi đã thắng cử rồi thì chính những liên minh số học đó lại nhanh chóng rơi vào cảnh nồi da xáo thịt ... như trong quá khứ đã hai lần xẩy ra với chính phủ trung tả của Romano Prodi hồi năm 1998 và 2008.

No comments:

Post a Comment