Nhìn AiCâp Mong ViệtNam

Thursday, May 26, 2011

Quyết định xét xử cựu Tổng thống Ai Cập đe dọa “Mùa xuân Ả Rập”

Vào hôm qua, ngành tư pháp Ai Cập đã có một quyết định chưa từng thấy: sẽ đưa cựu Tổng thống Hosni Mubarak ra tòa xét xử về tội cố sát và làm giầu bất chánh. Quyết định này được xem là một bước ngoặt trong phong trào “Mùa Xuân Ả Rập” đang làm lung lay một loạt chế độ độc đoán tại vùng Trung Đông và Bắc Phi. Tuy nhiên, việc xét xử cựu lãnh đạo Ai Cập cũng hàm chứa một nguy cơ.




Nguy cơ đó là làm cho một số nhà độc tài đương chức trong vùng ngoan cố thêm.

Nếu được tiến hành đến nơi đến chốn, thì phiên tòa xét xử cựu Tổng thống Ai Cập sẽ mang một giá trị biểu tượng rất lớn vì từ trước đến nay, chưa một lãnh đạo tại một quốc gia Ả Rập nào bị triệu ra tòa để bị xét xử.

Theo chánh biện lý Ai Cập vào hôm qua, ông Mubarak cùng hai người con trai sẽ phải trả lời về các tội danh cố sát, khi cho đàn áp đám đông biểu tình, và lạm dụng chức quyền để phí phạm của công và làm giầu bất chính cho bản thân cũng như những người khác. Nếu tội danh cố sát được chứng minh, cựu Tổng thống Ai Cập có thể bị mức án cao nhất là tử hình.

Câu hỏi đang được đặt ra là liệu ngành tư pháp Ai Cập có dứt khoát đưa ông Mubarak ra xét xử hay không, vì sự kiện này được cho là sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến toàn vùng Trung Cận Đông, nơi mà phong trào nổi dậy của quần chúng chống lại các chế độ độc tài tương tự như chế độ của ông Mubarak đang diễn ra, và đang bị đàn áp ở nhiều nơi như tại Yemen hay Syria.

Sở dĩ vấn đề được đặt ra, đó là vì cựu Tổng thống Mubarak, có thể là dưới sức ép ngấm ngầm của đồng minh Hoa Kỳ, đã đồng ý rời bỏ chính quyền một cách ôn hòa và bàn giao lại quyền hành cho người khác. Giờ đây, khi không còn chút quyền lực nào trong tay, thì ông lại bị đưa ra tòa để bị xét xử về các hành vi trong lúc đang cầm quyền.

Theo giới phân tích, đối với Mỹ, quốc gia đỡ đầu cho Ai Cập, từng là đồng minh thân thiết của ông Mubarak trong hàng chục năm trước đây, việc cựu Tổng thống Ai Cập phải ra trước vành móng ngựa sẽ tác hại đến các nỗ lực ngoại giao mà Washington đang thúc đẩy trong vùng.

Trong thời gian gần đây, Hoa Kỳ không ngừng thuyết phục các lãnh đạo Ả Rập đang bị dân chúng phản đối dữ dội là nên rời bỏ quyền lực một cách ôn hòa, tránh những hành động đàn áp quá đáng. Tấm gương của ông Mubarak bị trừng phạt sau khi đồng ý chuyển giao quyền lực, có thể làm suy yếu những cố gắng của Mỹ.

Một cách cụ thể, tổng thống Yemen, Ali Abdullah Saleh - mà Hoa Kỳ đang cố gắng vận động để ông nhượng quyền một cách ôn hòa – hoàn toàn có thể nghĩ rằng cần phải tiếp tục duy trì quyền lực để khỏi rơi vào hoàn cảnh tương tự như cựu Tổng thống Ai Cập, cho dù ông Saleh đã được cam kết là sẽ không bị truy tố sau khi rời chính quyền.

Đối với Tổng thống Kadhafi của Libya, hay Bashar Al Assad của Syria cũng vậy, quốc tế đều kêu gọi các nhân vật này trao lại quyền hành một cách ôn hòa, tránh việc dùng võ lực để dẹp tan phong trào chống đối. Việc ông Mubarak bị xét xử sẽ khó mà thuyết phục được các lãnh đạo này theo gương cựu Tổng thống Ai Cập.

Ông Nasser Amin, một luật gia Ai Cập là thành viên của Tòa án Hình sự Quốc tế đã cho rằng phiên tòa xét xử ông Mubarak là “Một thông điệp rất mạnh mẽ gởi đến các nhà lãnh đạo Ả Rập khác ... Các phản ứng của những chế độ này chống lại chống lại người dân sẽ rất dữ dội. Tất cả các lãnh đạo Ả Rập trong vùng sẽ không muốn lâm vào cảnh ngộ như ông Mubarak”.

Nhìn chung, trong tình hình chưa ngã ngũ hiện nay tại Trung Đông hay Bắc Phi, quyết định của tư pháp Ai Cập được cho là có thể ảnh hưởng không tốt đến phong trào phản kháng đang được mệnh danh là “Mùa xuân Ả Rập”.

No comments:

Post a Comment