Giới chuyên gia cảnh báo, đồng tiền Việt Nam có nguy cơ tiếp tục mất giá do thâm hụt thương mại cao. Theo số liệu do Tổng cục Thống kê công bố, trong tháng Năm, thâm hụt cán cân thương mại của Việt Nam lên tới 1,7 tỷ đô la, trong khi đó, nhập siêu của Việt Nam trong tháng Tư đã là 1,5 tỷ.
Trong 17 tháng qua, cán cân thương mại của Việt Nam luôn bị thâm hụt. Các chuyên gia kinh tế Việt Nam cho rằng tình trạng này có nguy cơ làm cho đồng tiền Việt Nam tiếp tục bị mất giá. Theo tiến sĩ Lê Đăng Doanh, được hãng tin của Đức DPA trích dẫn, thì để có tiền nhập khẩu, Việt Nam sẽ phải hạ giá tiền đồng qua đó khuyến khích xuất khẩu.
Do vậy, ông Võ Trí Thành Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, nhận định, "thâm hụt cán cân thương mại là một trong những yếu tố chính dẫn đến phá giá đồng tiền". Áp lực đối với đồng tiền quốc gia Việt Nam cũng tăng mạnh bởi các yếu tố khác như luợng kiều hối chuyển vào Việt Nam và dự trữ ngoại tệ ở trong nước bị giảm.
Việt Nam chưa công bố lượng tiền, vốn mà Việt kiều chuyển về nước trong 5 tháng đầu năm nay, nhưng trong tháng Tư, lượng kiều hối đã giảm gần 20%, chỉ đạt mức 367 triệu đô la ở thành phố Hồ Chí Minh, nơi nhận kiều hối nhiều nhất tại Việt Nam.
Trong tháng Hai năm nay, đồng tiền Việt Nam bị phá giá lần thứ tư kể tử năm 2009. Tính từ tháng Sáu năm 2008, giá trị tiền đồng Việt Nam đã giảm gần 20%.
Theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), vào cuối năm ngoái, dự trữ ngoại tệ của Việt Nam ước tính chỉ vào khoảng 12,4 tỷ đô la, đủ để thanh toán cho gần hai tháng nhập khẩu. Trong năm 2008, dự trữ ngoại tệ của Việt Nam là 24 tỷ đô la.
Chuyên gia Võ Trí Thành cho rằng, đồng tiền Việt Nam có thể sẽ bị phá giá nữa nếu như chính phủ không đủ khả năng nâng mức dự trữ đô la.
Chính phủ Việt Nam đề ra mục tiêu cố gắng giữ thâm hụt cán cân thương mại ở mức 16% trong năm 2011, thế nhưng, cho đến nay, tỷ lệ này đã lên tới 18,8%.
No comments:
Post a Comment