Nhìn AiCâp Mong ViệtNam

Thursday, May 26, 2011

Nguy cơ sóng thần ở vùng bờ biển Việt Nam

Mới đây các chuyên gia nghiên cứu về động đất, sóng thần Việt Nam đánh giá các trận động đất có cường độ lớn hơn 6,5 độ richter ở các vùng biển của Philippines sẽ có khả năng gây ra sóng thần.Từ những nghiên cứu này cho thấy nguy cơ xảy ra sóng thần ở vùng bờ biển Việt Nam là có thật và cần phải được quan tâm.


Hiện tượng sóng bất thường

Mặc Lâm phỏng vấn TS. Lê Huy Minh, Phó Viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu, Giám đốc Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần để tìm hiểu thêm về mối lo này. Trước tiên TS Lê Huy Minh cho biết:

TS Lê Huy Minh: Cho tới hiện nay chưa có bằng chứng nào khẳng định là có dấu vết ảnh hưởng của sóng thần trên các vùng bờ biển Việt Nam. Tuy nhiên, trong những nghiên cứu người ta thấy có hiện tượng sóng bất thường. Những hiện tượng sóng bất thường này nguyên nhân như thế nào thì chưa được rõ ràng lắm. Trước đây người ta chưa có khái niệm gì vì không hiểu nó là sóng thần hoặc sóng do bão. Thành thử người ta còn có nhầm lẫn là vậy.

Mặc Lâm: Thưa xin TS cho biết thêm một chút về điều này, đó là sóng do bão gây ra khác với sóng do động đất gây ra như thế nào?
TS Lê Huy Minh: Anh cũng biết là bão gây ra sóng lớn tuy nhiên do nhưng dân mình chưa quen cứ gặp những con sóng lớn thì họ gọi là sóng thần! Thực tế sóng thần mà nước ngoài gọi là Tsunami nó phải liên quan đến động đất. Tức là động đất ở khu vực đáy biển mà có có sự thay đổi dưới đáy biển rất lớn thì sóng ấy mới được gọi là sóng thần. Hoặc là liên quan đến hiện tượng phun trào núi lửa ở dưới biển thì cũng có thể gây ra sóng thần. Hay do những thiên thạch rơi xuống biển cũng tạo ra sóng thần. Còn sóng do bão thì người ta không gọi là Tsunami mà người ta chỉ gọi là bão khí tượng thôi.

Mặc Lâm: Xin TS cho biết khu vực nào trong vùng biển gần chúng ta nhất có khả năng tạo nên sóng thần khi có động đất xảy ra?

TS Lê Huy Minh: Dấu hiệu khẳng định chắc chắn đến bờ biển Việt Nam là chưa có, thế nhưng trong những nghiên cứu gần đây về các vùng nguồn động đất ở khu vực biển Đông và lân cận mà có thề ảnh hưởng sóng thần tới các bờ biển Việt Nam chúng tôi đánh giá vùng nguy hiểm nhất là vùng nguồn phía Tây của Philippines nó gọi là bãi nước sâu hoặc là đới hút chìm Manila. Nếu động đất lớn xảy ra ở đấy thì sẽ gây ra sóng thần cho vùng bờ biển Việt Nam. Trận động đất năm 2006 ở phía bắc của đới hút chìm Manila có độ chấn động là 8,2 độ Richte. Trên nguyên tắc nếu động dất trên 5,5 độ Richte thì có khả năng gây nên sóng thần, thế nhưng rất may trận động đất lúc ấy đã không gây nên sóng thần.

Mặc Lâm: Cho tới nay sau những nghiên cứu thì Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần đã thiết lập được vùng nào có nguy cơ bị ảnh hưởng sóng thần cao nhất hay chưa?

TS Lê Huy Minh: Những vùng có độ nhiệt sóng thần cao nhất nếu tính ở vùng nguồn đới hút chìm Manila thì vùng nguy cơ nhất là vùng biển Quảng Ngãi, những vùng khu vực miền Trung Việt Nam. Nếu theo kịch bản thì động đất tại khu vực hút chìm Manila xảy ra thì sóng thần sẽ đến Việt Nam sau hai tiếng đồng hồ. Trong những đề tài nghiên cứu về nguy cơ động đất sóng thần trong khu vực vùng biển Việt Nam lân cận thì chúng tôi cũng đã có đánh giá các bản đồ rủi ro về độ nhiệt sóng thần. Tất cả những bản đồ này đã được thành lập.
Theo những nghiên cứu về kịch bản nếu xảy ra ở khu vực Philippines như đã nói thì có thể gây sóng thần ở vùng bờ biển Việt Nam. Chúng tôi tính toán những kịch bản như thế. Ví dụ như nếu động đất hơn 9 độ Richte ở khu vực đấy thì sóng thần sẽ xảy ra tại vùng bờ biển Quảng Ngãi cao cỡ hàng chục mét, hoặc là ở Vũng Tàu sóng thần có thể lên đến 5 mét. Tuy nhiên đấy chỉ là tính toán kịch bản thôi chứ chưa phải là khẳng định một cách chắc chắn là có sóng thần ở khu vực Việt Nam hay không.


Biện pháp đối phó

Mặc Lâm: Tuy không chắc chắn nhưng khả năng không phải là hoàn toàn không xảy ra, xin TS cho biết chính phủ đã có những biện pháp hay kế hoạch nào nhằm đối phó khi có sóng thần xảy ra hay không?

TS Lê Huy Minh: Sau trận động đất và sóng thần ở Sumatra năm 2004 thì chính phủ Việt Nam cũng bắt đầu quan tâm tới việc nghiên cứu về động đất cũng như sóng thần trên vùng bờ biển Việt Nam. Riêng về trận động đất sóng thần tại Nhật ngày 11 tháng 3 vừa qua thì quan tâm đó lại càng được rõ nét hơn bởi nhiều lý do. Thứ nhất là những kiểu động đất, sóng thần không biết nó như thế nào.
Thực tế thì hai năm gần đây 2010 và 2011 tại Việt Nam chúng tôi quan sát được rất nhìêu trận động đất trong khu vực đất liền. Khi động đất ngoài khơi trên đới nứt gãy kinh tuyến 109-110 dọc vùng thềm lục địa Việt Nam thì cũng quan sát thấy rất nhiều trận động đất. Tất nhiên là những trận động đất ấy nó cũng nhỏ thôi, dưới 5,5 độ Richte, thế nhưng rõ ràng là động đất đã xảy ra nhiều hơn và trong tương lai nếu động đất với mật độ này mà độ Richte lớn hơn thì rất nguy hiểm.

Theo ý kiến của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải thì mình phải giả định ở mức cao nhất để đưa ra kế hoạch phòng chống giảm hậu quả. Hai nữa mình cũng sắp sửa xây dựng nhà máy điện nguyên tử ở khu vực Ninh Thuận nên rõ ràng là phải quan tâm đầy đủ hơn.

Mặc Lâm: Chúng tôi cũng được biết Việt Nam đã xây dựng một số trạm cảnh báo động đất và sóng thần cho người dân dọc theo ven biển, tiến trình xây dựng các trạm này ra sao và liệu nó có hiệu quả hay không?

TS Lê Huy Minh: Thật ra bắt đầu từ 2011 thì đã có chỉ thị xây dựng hệ thống báo động gọi là báo động giảm nhẹ hậu quả của thiên tai, tất cả các loại thiên tai thí dụ như bão lũ hay sóng thần. Vừa rồi ngày 15 tháng 5 vừa qua thì đã xây dựng thí điểm 10 trạm ở khu vực Đà Nẵng và cũng đã tổ chức thử nghiệm truyền tin cảnh báo sóng thần từ Viện Vật Lý Địa Cầu tới các trạm báo động đấy. Nói chung cũng tốt đẹp và trong tương lai sẽ xây dựng thêm nhiều trạm như thế dọc vùng bờ biển Việt Nam.

Ý kiến của chính phủ vẫn là xây dựng những trạm trực canh này phụ vục cho nhiều mục đích mới tiết kiệm được nếu chỉ với mục đích cảnh bào sóng thần thôi thì rất lãng phí.

Mình cũng khuyến khích xã hội hóa những trạm trực canh này. Thí dụ những khách sạn ở ven biển, người ta sẵn sàng bỏ tiền ra đặt những trạm như thế để đảm bảo an toàn cho khách du lịch. Hai nữa mình đặt các đài phát thanh ở khu dân cư ven biển, hoặc khu vực đồn biên phòng. Như vậy thì mình có thể sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau và liên tục.

Mặc Lâm: Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần có phối hợp với những cơ quan khác để huấn luyện cho người dân phải chạy trốn sóng thần như thế nào?

TS Lê Huy Minh: Cái này thì cũng bắt đầu nghĩ tới. Kế hoạch sơ tán dân khi có sóng thần xảy ra theo kế hoạch thì khoảng tháng 10 sẽ có một cuộc luyện tập đầu tiên. Vừa qua cuộc diễn tập tại Đà Nẵng chỉ mới là sơ bộ thôi. Trước khi làm những cuộc sơ tán như vậy thì phải xác định xem những vị trí sơ tán phải chọn xem là ở đâu. Thí dụ như những vùng đất cao, hay những nhà kiên cố như thế nào phải chọn trước. Những điều này thì các cơ quan khoa học phải kết hợp với chính quyền địa phương để làm những phương án như thế. Sau đó mới làm những cuộc diễn tập được, nếu không khi phát tin cảnh báo mà chưa có nơi chỉ dẫn cho người ta sơ tán thì sẽ hỗn loạn.

Những việc như thế phải làm nhưng từ từ và đồng thời phải có những tổ chức sắp xếp và làm cho mọi việc ổn thỏa tránh gây ra những hậu quả. Như mấy năm trứơc đây có một lần Việt Nam mình cảnh báo sóng thần nhưng lúc đấy mới là thử nghiệm, chưa biết nhiều về sóng thần lắm nên khi động đất xảy ra ở khu vực Đài Loan thì 5 giờ sau mới đưa ra lời cảnh báo! Nếu có sóng thần thì nó đã vào Việt Nam mấy tiếng đồng hồ rồi!

Cảnh báo như thế làm cho dân người ta rất sợ không biết phản ứng như thế nào hoặc phản ứng không hợp lý. Có người chạy lên núi một hai ngày không dám về, chẳng hạn như thế, họăc có thể gây ra tại nạn giao thông. Tất cả những vấn đề này phải đựơc xem xét và tuyên truyền một cách chu đáo.

Mặc Lâm: Xin cám ơn ông.

No comments:

Post a Comment