Nhìn AiCâp Mong ViệtNam

Monday, May 23, 2011

Lo ngại việc giao đất tô nhượng kinh tế cho Việt Nam

Hoạt động khai thác rừng của các công ty Việt Nam nhằm san bằng để lấy đất trồng cao su đã bị cộng đồng người Dân tộc thiểu số ở Campuchia phản ứng mạnh mẽ.Họ cho rằng các công ty này đang phá hoại một loại rừng quý báu cần được bảo tồn của Campuchia. Người dân còn lên tiếng, việc chính phủ giao đất tô nhượng kinh tế cho các công ty Việt Nam để phát triển tại chỗ với thời hạn 99 năm là mối đe dọa đến chủ quyền lãnh thổ đất nước.


Di sản quốc gia


Mạng lưới bảo tồn rừng Lang và cộng đồng dân tộc thiểu số lên tiếng cho rằng họ đang phải chịu thiệt thòi bởi các công ty Việt Nam đang cạo trọc và san bằng để lấy đất trồng cao su. Mạng lưới cho biết sẽ tổ chức cuộc khiếu nại tại Công viên Tự do ở Phnom Penh vào ngày 25/5 sắp tới để kêu gọi chính phủ xứ này đưa ra giải pháp bảo vệ rừng Lang, một loại rừng theo tên gọi của dân tộc thiểu số, có nghĩa là “rừng của chúng ta”


Một thông cáo báo chí mà RFA nhận được sẽ có khoảng 200 người thuộc Mạng lưới bảo tồn rừng Lang và cộng đồng dân tộc thiểu số từ các tỉnh Stung Treng, Kratie, Preah Vihear và tỉnh Kampong Thom tập hợp và kêu gọi chính phủ ngưng cấp giấy phép giao đất tô nhượng kinh tế và đình chỉ tất cả những công ty đã được cấp giấy phép ở khu vực rừng Lang và các vùng đệm xung quanh thuộc bốn tỉnh trên. Họ yêu cầu được giữ và bảo tồn rừng Lang như là một di sản của Campuchia; đồng thời cũng yêu cầu chính phủ công nhận Mạng lưới của họ là đối tác với chính phủ để cùng làm việc quản lý rừng này.


Đại diện Mạng lưới rừng Lang ở tỉnh Kampong Thom là ông Sim Searn cho biết rừng Lang là loại rừng dày với diện tích 36.000 mét vuông thuộc bốn tỉnh là Stung Treng, Kratie, Preah Vihear và tỉnh Kampong Thom. Chính phủ được cấp đất tô nhượng kinh tế cho các công ty Việt Nam như Tân Biên, Bà Rịa, Phước Hòa và công ty Cao su Chư Sê (C.R.C.K)… để trồng cao su, các công ty này cũng đang gây tác động rất mạnh tới đời sống kinh tế họ vì người dân ở đây sống chủ yếu nghề vào rừng, nông nghiệp, đặc biệt là lo ngại đến vấn đề biến đổi khí hậu thất thường.


Theo ông Sim Searn, các hoạt động khai thác rừng, phá hoại tài nguyên thiên nhiên của các công ty này không được chính quyền thông báo cho dân địa phương biết trước. Điều này, Mạng lưới bảo tồn rừng Lang và cộng đồng dân tộc thiểu số cho rằng các công ty này đã có hoạt động sai trái pháp luật. Ông Sim Searn kêu gọi chính phủ giữ rừng Lang như là một di sản của quốc gia. Các hoạt động phá hoại rừng là hoạt động phá hoại nhà cửa và đời sống vật chất tinh thần người dân địa phương.


Ông Yus Theary, Giám đốc tổ chức phát triển kinh tế vì Cộng đồng đang có hoạt động bảo vệ rừng ở tỉnh Kratie cũng cho biết nếu chính phủ không có biện pháp cụ thể để ngăn chặn các hoạt động khai thác rừng, thì không lâu rừng Lang ở đây sẽ bị phá hoại tuyệt đối. Ông nói rằng, chính phủ đã giao đất tô nhượng kinh tế cho các công ty nước ngoài hàng trăm ngàn hécta để trồng cao su, điều này rừng ở đây đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng nếu như chính phủ không có biện pháp can thiệp kịp thời.


Trong ba tháng đầu của năm 2011, chính quyền tỉnh Kratie đã bắt được 112 vụ khai thác gỗ, trong đó đã tịch thu 500 ngàn mét vuông các loại gỗ quý và các loại gỗ thường khác hơn 4 ngàn mét vuông. Trong quá trình công tác, chính quyền đã tịch thu hơn 22 máy cưa tuy nhiên không có một nghi phạm nào bị bắt hay bị đưa ra tòa truy tố. Kể từ năm 1995 - 2006 các hoạt động khai thác rừng càng lan rộng khắp mọi huyện thành khiến diện tích rừng bị phá gần 50% sau khi có tổng cộng 48 công ty từ Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc và một số nước khác có mặt ở đây để trồng cao su, khai thác mỏ và trồng khoai mì…v.v.


Công tác bảo vệ


Một người dân từng tham gia khiếu nại chống các công ty Việt Nam cạo trọc rừng để lấy đất trồng cao su là ông Yem Sokhoy bày tỏ rằng rừng Lang là sở hữu của tất cả người chứ không phải của bất cứ cá nhân nào. Ông nói các công ty đã nhận được giấy phép trồng cao su đang đẩy đời sống người dân địa phương lâm vào cảnh không việc làm. Bây giờ, người dân đang thiếu đất canh tác tuy nhiên ông vẫn chưa thấy chính phủ cấp đất tô nhượng kinh tế cho họ.

Phó tỉnh trưởng tỉnh Kampong Thom là ông Uch Samorn giải thích rằng chính phủ giao đất tô nhượng kinh tế cho công ty Việt Nam bởi vì chính phủ muốn phát triển tại chỗ, đồng thời muốn thay đổi thói quen của dân vào rừng tìm hoa quả. Ông thừa nhận,việc quản lý rừng thiếu xác đáng cũng là vấn đề. Ông Uch Samorn cũng nhấn mạnh, còn vấn đề người dân làm đơn khiếu nại thì đó là quyền của họ.


Trong năm 2010, đã có 85 hợp đồng giao đất tô nhượng kinh tế với điện tích đất gần 957 ngàn hécta cho các công ty nước ngoài ở 16 tỉnh thành của Campuchia. Kể từ năm 2007 đến nay, chính phủ đã giao cho các công ty từ Việt Nam khoảng 500 nghàn hécta đất tô nhượng kinh tế với thời hạn trồng cao su là 99 năm tại các tỉnh như Preah Vihear, Kampong Thom, Kampong Cham, Kratie, Mondol Kiri, và tỉnh Ratanak Kiri. Hồi ngày 20/4/2011 Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã quyết định giao đất tô nhượng kinh tế 9.470 hécta cho một công ty Việt Nam tên Hồng Ang Andong Meas để trồng cao su ở tỉnh Ratanak Kiri giáp tỉnh Gia Lai của Việt Nam.


Dân biểu đảng Sam Rainsy ông Son Chhay là người giám sát vấn đề này đưa ra nhận định có lẽ là vì lý do chính trị và tham nhũng khiến quan chức cao cấp của đảng đang cầm quyền bảo vệ quyền lợi các công ty Việt Nam. Vẫn theo ông, riêng ở tỉnh Kampong Thom đã có một quan chức cao cấp trong Quốc hội đứng ra bảo vệ và họ có thể hưởng được lợi ích từ 3-10%, còn chính quyền địa phương thì cũng vậy.


Ông Son Chhay nói trong khi các công ty này trồng cao su chưa hết hạn, thì dân thường không có quyền vào dự án của họ. Thậm chí, họ còn không sử dụng lao động địa phương vì công ty giải thích là người dân không có kinh nghiệm và chuyên nghiệp. Ông cũng nhấn mạnh, các công ty này không thực thi đúng sự hướng dẫn của Hội đồng Bộ trưởng, chẳng hạn trước khi thực hiện hoạt động phát triển dự án thì buộc phải thông báo cho dân địa phương biết và có sự đồng ý từ họ, và cam kết không khai thác rừng, đặc biệt là rừng Lang mà dân đang khiếu nại mạnh mẽ.


Cho đến bây giờ, Campuchia vẫn chưa có Luật quy định bắt buộc các công ty nước ngoài trả tiền bao nhiêu thay cho việc hưởng được một hécta đất tô nhượng kinh tế. Tuy nhiên người dân xứ này đang đặt câu hỏi, liệu chính phủ Campuchia có thể lấy lại được số đất tô nhượng đó hay không nếu người Việt sống ở đó 99 năm mà con cái họ từ chối trả lại?

No comments:

Post a Comment