Nhìn AiCâp Mong ViệtNam

Tuesday, May 17, 2011

Liên minh cứu trợ sông Mekong kêu gọi hủy xây đập Xayaburi

Nhân cuộc họp thượng đỉnh các nước ASEAN tại Jakarta lần này, Liên minh cứu trợ sông Mekong đã ra thông cáo báo chí kêu gọi ASEAN lập tức hành động để hủy bỏ việc xây dựng đập Xayaburi của Lào trên sông Mekong.Khánh An phỏng vấn ông Trịnh Lê Nguyên, giám đốc Trung tâm Con người và Thiên nhiên, có trụ sở tại Hà Nội, về vấn đề này.


Hài hòa các lợi ích


Trước hết, ông Trịnh Lê Nguyên cho biết:


Thông cáo báo chí của Liên Minh cứu trợ sông Mekong được đưa ra nhân dịp Hội nghị thượng đỉnh của các lãnh đạo ASEAN vừa qua. Đây cũng là một trong những hoạt động của Liên minh liên quan đến việc vận động các chính phủ, các tổ chức trong khu vực về vấn đề các đập trên dòng chính sông Mekong.


Khánh An: Trong thông cáo báo chí lần này có nội dung kêu gọi bỏ việc xây dựng đập Xayaburi, vậy nguyên nhân tại sao từ đề nghị hoãn xây mà bây giờ lại trở thành đề nghị bỏ hẳn việc xây đập?


Ông Trịnh Lê Nguyên: Trong vấn đề thủy điện dòng chính sông Mekong cũng như việc xây đập Xayaburi, có nhiều bên tham gia khác nhau. Mỗi bên có một cách tiếp cận riêng, chẳng hạn phía chính phủ Việt Nam thì trong các cuộc đàm phán vừa rồi kêu gọi phía Lào hoãn 10 năm theo như khuyến nghị, đánh giá môi trường chiến lược của bên Ủy hội sông Mekong thực hiện.


Nhưng các tổ chức khác, chẳng hạn như các tổ chức trong Liên minh cứu trợ sông Mekong thì trong các cuộc thảo luận, có nhiều tổ chức đưa ra khuyến nghị mạnh mẽ hơn là đề nghị hủy chứ không phải là hoãn nữa. Vì vậy trong thông cáo báo chí vừa rồi gửi các lãnh đạo ASEAN, Liên minh đưa ra kiến nghị hủy kế hoạch này.


Khánh An: Đồng thời với việc kêu gọi hủy bỏ xây dựng các đập trên sông Mekong, điều này có nghĩa là một số lợi ích rất lớn của Lào cũng bị hủy bỏ, vậy các tổ chức, hiệp hội có đưa ra biện pháp nào thay thế để giúp cho Lào khi họ từ bỏ những lợi ích trên dòng Mekong không?
Ông Trịnh Lê Nguyên: Cũng phải khẳng định là Lào có quyền lợi chính đáng trong việc sử dụng dòng sông trên đất nước họ. Lợi ích của họ là chính đáng, tuy nhiên trên cơ sở hợp tác của sông Mekong thì cũng như tôi vừa nói, nguyên tắc là hài hòa các lợi ích. Vì thế khi Lào từ bỏ kế hoạch của họ thì có nghĩa là các quốc gia trong lưu vực cũng như trong hiệp hội ASEAN cũng nên có các biện pháp đền bù cho lợi ích mất đi của Lào.


Bên cạnh đó, cũng phải nhấn mạnh rằng sự tham gia của các nhà tài trợ cho Ủy hội sông Mekong cũng như các nhà tài trợ của Lào như Ngân hàng Thế giới hay Ngân hàng Phát triển Á châu chẳng hạn, những nhà tài trợ đó cũng nên tham gia vào để giúp Lào có những lợi ích khác, đền bù cho lợi ích mà phía Lào bị thiệt hại khi bỏ các dự án trên dòng chính của sông Mekong.


Trong câu chuyện này, nhiều nhà quan sát trong khu vực cũng như quốc tế đánh giá rất cao vai trò của chính phủ Việt Nam trong việc đưa ra các đàm phán đối với các nhà tài trợ, có thể là khuyến khích hoặc đưa ra các giải pháp để các nhà tài trợ quốc tế có thể giúp Lào bù lại những thiệt hại khi họ từ bỏ Xayaburi cũng như các dự án đập trên dòng chính.


Hoãn hay hủy
Khánh An: Sau việc đưa ra thông cáo báo chí kỳ này kêu gọi Lào chấm dứt xây đập trên sông Mekong, các hiệp hội và tổ chức có biện pháp nào khác để làm mạnh hơn lời kêu gọi này đến các chính phủ, đặc biệt là chính phủ Lào không?


Ông Trịnh Lê Nguyên: Trong bản văn thư Liên minh cứu trợ sông Mekong có nhiều tổ chức xã hội dân sự trong khu vực và trong các tổ chức khác có liên quan hay có quan tâm, chúng tôi đang trong quá trình trao đổi, thảo luận các bước tiếp theo. Hiện tại, mục tiêu trước mắt là kêu gọi các chính phủ các quốc gia trong khu vực cân nhắc, có thể tạm dừng, hoãn các dự án trên dòng chính để nghiên cứu các biện pháp thay thế.


Tuy nhiên, có một tin rất mới là trong buổi gặp gỡ chiều qua ở Jakarta, thủ tướng Lào đã thông báo cho thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là Lào đã quyết định hoãn kế hoạch xây dựng Xayaburi để có các nghiên cứu, cân nhắc, thận trọng tiếp theo.


Khánh An: Việc hoãn lại có phải là sẽ có nhiều khả năng hủy bỏ luôn việc xây dựng các con đập không?
Ông Trịnh Lê Nguyên: Việc hoãn lại đồng nghĩa với việc có nhiều khả năng xảy ra, trong đó việc trước mắt là phía chính phủ Lào cũng như chính phủ Việt Nam và các chính phủ trong lưu vực sẽ có các biện pháp nghiên cứu như tuyên bố hôm qua của hai thủ tướng là sẽ kêu gọi sự tham gia của các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học quốc tế và khu vực để đưa ra các kết quả, các khuyến nghị vững chắc trong việc có xây dựng đập Xayaburi hay không, hay là hủy hoặc có biện pháp thay thế như thế nào.


Tôi nghĩ, hủy cũng là một trong những khả năng, nếu như những nghiên cứu trong thời gian tạm hoãn đưa ra các kết quả chứng minh thuyết phục là việc xây đập Xayaburi có hại nhiều hơn có lợi.


Khánh An: Vâng, cảm ơn anh rất nhiều đã dành thời gian cho Đài.

No comments:

Post a Comment