Nhìn AiCâp Mong ViệtNam

Monday, May 23, 2011

“Lâm Tặc" tấn công kiểm lâm - Vì đâu nên nỗi?

Nguyên nhân vì sao nhiều người dân vẫn lao vào làm nghề khai thác gỗ trái phép dù luôn phải đối mặt rất nhiều hiểm nguy đối với tính mạng và cả nguy cơ bị tù tội? Có phải lợi nhuận là nguyên nhất duy nhất? Ngoài mức lợi nhuận béo bở mà rừng mang lại cho những người được gọi là “lâm tặc”, lực lượng kiểm lâm đóng một vai trò rất lớn trong việc tiếp tay cho nạn khai thác rừng bất hợp pháp tồn tại và hoành hành tại Việt Nam.


Muốn đi buôn gỗ, phải biết “giao dịch”


Đã là luật bất thành văn, bất cứ ai làm nghề buôn gỗ trái phép đều phải chung chi cho nhân viên kiểm lâm. Nếu không chi, theo lời của “lâm tặc” mà chúng tôi tạm gọi tên là Lâm, thì không thể làm ăn được:


"Không thể. Nếu mà không bắt tay với kiểm lâm thì hạt kiểm lâm đó sẽ không cho vận chuyển số gỗ đó đi và họ sẽ gây nhiều khó khăn, có khi họ bắt cả xe."


Vì chuyện chung chi cho kiểm lâm đã thành “luật” nên bắt buộc các tay buôn gỗ phải tính toán khoản tiền chung chi như là một khoản chi phí giống như các khoản chi phí khác và gọi nó dưới cái tên là “tiền giao dịch”.


"Buôn là người tiêu thụ gỗ. Người ta quyết định mua về thì người ta ăn chia, ví dụ chuyến này người ta đi ít thì đưa cho kiểm lâm ít, mà đi nhiều thì đưa cho kiểm lâm nhiều. Nếu người ta cảm thấy vừa túi tiền mà người ta hạch toán từ khi mua của người dân và đưa (tiền đút lót) cho kiểm lâm là hết bao nhiêu, có xứng đáng với khúc gỗ đó hay không."


Một khi đã chi trả khoản tiền giao dịch trước đó thì các chuyến hàng chở gỗ lậu sẽ được kiểm lâm nhắm mắt bỏ qua. Tuy nhiên, giao dịch trước không có nghĩa là bảo đảm 100% các chuyến hàng sẽ trót lọt. Nếu chẳng may gặp đợt “quan lớn” xuống, kiểm lâm vẫn buộc phải “làm thịt” thân chủ của mình như thường. Lâm cho biết:


"Người ta “giao dịch” trước, ví dụ người ta (kiểm lâm) đã lấy tiền rồi thì nếu có lệnh báo của dân hoặc của ai đó đến cấp chính quyền cao hơn người kiểm lâm đó, ví dụ như trưởng hay phó (hạt kiểm lâm) hay ai đó (cấp trên) người ta có lệnh thì phải bắt."
Giá “giao dịch” với kiểm lâm rất vô chừng, dao động tùy theo khối lượng gỗ vận chuyển và tùy từng trường hợp cụ thể, bị bắt hay không. Lâm nói:


"Nói chung, hắn mà bình an thì không phải là có giá hay không có giá mà do nói chung là có nhiều trường hợp lắm, có khi kiểm lâm bắt thì vô giá, có khi không bắt thì nó lại có giá chẳng hạn."


Nếu hợp tác tốt, kiểm lâm có khi lại là trợ thủ đắc lực cho “lâm tặc” trong việc làm ăn, bằng chứng là đã có vụ kiểm lâm nhắn tin báo cho “lâm tặc” trước khi diễn ra một đợt kiểm tra ở Vườn quốc gia Yok Đôn, tỉnh Đăk Lăk và vụ này đã bị báo giới phanh phui.


“Lâm tặc” tấn công kiểm lâm, vì đâu nên nỗi?
Mối quan hệ giữa kiểm lâm là “lâm tặc” vừa là thù vừa là bạn, hai bên dựa vào nhau để tồn tại, nhưng một khi quyền lợi không được phân phát đồng đều, một bên sẵn sàng “thanh toán” bên kia để bảo vệ lợi ích của mình.


Chuyện kiểm lâm bị “lâm tặc” tấn công xảy ra như cơm bữa, có thể kể đến một số vụ tiêu biểu như vụ “lâm tặc” chặt đứt lìa tay của một cán bộ kiểm lâm của vườn quốc gia Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước vào cuối năm 2009; đánh trọng thương 4 kiểm lâm ở tỉnh Quảng Nam vào tháng Giêng năm 2011; lóc da đầu cán bộ bảo vệ rừng ở tỉnh tỉnh Quảng Bình vào tháng 3, dùng dao tấn công các cán bộ Ban Quản lý Khu bảo tồn Kẻ Gỗ, tỉnh Hà Tĩnh vào ngày 15/5 vừa qua. Anh Nguyễn Văn Ngân, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Kẻ Gỗ, xã Cẩm Mỹ, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh, kể lại sự việc xảy ra:


"Sự việc là nó (lâm tặc) vào rừng chặt gỗ. Họ lén lút một tốp 4, 5 người vào rừng dùng cưa khai thác gỗ rồi buôn bán động vật rừng. Kiểm lâm tuần tra phát hiện, họ chống cự lại người thi hành công vụ, bắt họ về rồi họ chống cự lại. Họ dùng dao rựa, gậy gộc thôi."


Vấn đề “lâm tặc” ngày càng lộng hành, tấn công kiểm lâm, theo lời của những người bị gọi là “lâm tặc” thì một phần nguyên nhân là do phía kiểm lâm “làm quá”. Chẳng hạn sau khi đã chung chi rồi, thỉnh thoảng kiểm lâm lại bắt xe và đòi chi thêm, hoặc vì “chơi” nhau, kiểm lâm cố tình ra tay khiến cho “lâm tặc” không còn đất sống. “Lâm tặc” tên Lâm cũng xác nhận chuyện tấn công kiểm lâm và nói:


"Nhiều nơi như vậy, ví dụ người ta đã xác định đi làm khoảng 1 xe hoặc 2, 3 xe thì người ta xác định là một sống, một còn. Nếu mất thì mất tất cả mà còn thì còn tất cả. Biết làm răng được chị?"


Với một chuyến xe chở gỗ lậu có giá trị từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng, để cho kiểm lâm “phỗng tay trên” là điều không thể chấp nhận được đối với công sức của cả nhóm “lâm tặc”. Lâm kể:
"Cách đây khoảng 1 năm, bằng chừ năm ngoái thì trên đoạn em làm, người ta dựa vào mưa lũ, người ta cưa gỗ rồi (thả) theo dòng nước trôi về. Kiểm lâm chỉ đứng dưới lấy thôi mà."

Hoặc như trên các tuyến đường xuyên qua khu vực rừng núi, gỗ đã bị đốn được “lâm tặc” công khai chất thành đống dọc tuyến đường để xe vào “bốc” đi, kiểm lâm thường đón ở ngoài bìa rừng để chặn bắt số gỗ trên. Cũng chính vì hay bị kiểm lâm “phỗng tay trên” số gỗ được xem là “thành quả lao động” nhiều ngày của cả nhóm nên “lâm tặc” thường tìm cách để “xin” lại số gỗ trên qua thương lượng, bằng tiền bạc. Một khi việc thương lượng không thành, “lâm tặc” ra tay tấn công để giành lại hàng.


Theo lời một số người khai thác gỗ trái phép, số gỗ bị bắt thường được kiểm lâm bán lại cho người tiêu thụ, nhiều khi cho chính những tay buôn gỗ là chủ nhân số gỗ bị bắt. "Người ta gọi đó là thanh lý để bỏ vào quỹ."


Tuy nhiên, số tiền thanh lý ấy có thực sự được bỏ vào công quỹ hay không lại là điều không mấy ai dám khẳng định.


Như vậy, đâu là nguyên nhân mà những cán bộ được nhà nước giao trách nhiệm bảo vệ rừng lại trở thành kẻ tiếp tay làm chảy máu tài nguyên rừng? “Lâm tặc” có phải là tình trạng đáng lo ngại nhất trong việc gây thất thoát rừng hay không? Khánh An mời quý vị tiếp tục theo dõi bài tường trình cuối.

No comments:

Post a Comment