Nhìn AiCâp Mong ViệtNam

Sunday, May 1, 2011

Hàng loạt sinh hoạt 30 tháng 4 tại Little Saigon

Tưởng niệm, chào cờ, hồi tưởng


WESTMINSTER (NV) - Với ngày tưởng niệm 30 tháng 4 rơi vào cuối tuần, một loạt các sinh hoạt khác nhau, đa hình đa dạng, diễn ra tại Little Saigon, phản ảnh sự phong phú trong sinh hoạt chính trị, văn nghệ, lịch sử của miền đất đông người Việt Nam nhất nước Mỹ.

Các sinh hoạt này có nhiều hình thức, từ văn nghệ tưởng niệm, đến chào cờ làm lễ, tới một buổi chiếu phim về một chuyến tàu vượt biên kinh hoàng, và một buổi chiếu phim khác gặp mặt những người quân nhân Mỹ từng tham gia giúp di tản người Việt Nam trong những ngày cuối cuộc chiến.



Văn nghệ Tháng Tư Ðen



Vào chiều Thứ Sáu 29, hơn 500 đồng hương người Việt phần lớn là các cựu quân nhân, cựu tù nhân chính trị đã đến đông chật trong ngoài thư viện Việt Nam trong khuôn viên thương mại chợ Người Việt nằm trên đường Westminster, thành phố Garden Grove để tham gia một đêm văn nghệ Tưởng Niệm Tháng Tư Ðen do nhà báo Du Miên, nhà thơ Trạch Gầm và Biệt Ðội Văn Nghệ đứng ra tổ chức.

Nhà thơ Du Miên cho biết: “Khỏi cần nhiều lời, cứ nhìn nhau là đủ hiểu thôi”. Một bữa tiệc nhẹ trong đó Sắn là món chính (cũng là món ăn thường ngày của quân cán chính VNCH khi CSVN tập trung họ vào các trại tù cải tạo) được cựu giám đốc đài Sống Trên Ðất Mỹ, cựu Hải Quân Vạn Võ tự tay phục vụ anh em chiến hữu đến tham dự để nhớ lại quá khứ đau nhục ngày nào.

Tiếng hát của cựu hải quân Vũ Hùng hát những ca khúc phổ những bài thơ nhức buốt tâm tư của nhà thơ Trạch Gầm đã nhanh chóng thổi lên ngọn lửa sôi sục lòng đấu tranh từ những đau thương mất mát từ 36 năm trước nhưng vẫn còn day dứt khôn nguôi. Trong khi đó Biệt Ðội Văn Nghệ đã xuất sắc khi nhắc nhớ là thời chinh chiến điêu linh qua những khúc tình ca của lính vừa oai hùng vừa lãng mạn như Biển Mặn, Tuyết Trắng, Anh Không Chết Ðâu Anh...

Loáng thoáng trong khối cựu Quân Cán Chính VNCH ấy, bỗng hai khuôn mặt thật trẻ hiện ra. Các em cho biết tên là Hoàng Nam và Thế Nam mới 16, 17 tuổi đều được sanh tại Hoa Kỳ được mẹ là bà Trần Thị Hoài Hương hướng dẫn đến. Cả hai em khi được hỏi đến chữ Quốc Hận treo trên sân khấu thì các em đọc được nhưng chỉ hiểu lờ mờ. Bà mẹ Hoài Hương vội nói: “Các cháu chưa được hiểu nhiều về ngày mất nước 30 tháng 4 nên tôi dẫn các cháu tới để cho các cháu tiếp xúc với quá khứ của người Việt”.



Tưởng niệm tại Ðài Tưởng Niệm Anh Hùng



Ðúng ngày 30, vào buổi sáng, một buổi lễ tưởng niệm diễn ra lúc 11 giờ sáng tại Ðài Tưởng Niệm Anh Hùng, Roger Stanton Park ở Midway City khoảng hơn 300 đồng hương cùng đại diện các hội đoàn, chính đảng với sự hiện diện của nhiều viên chức chính quyền tiểu bang, quận hạt, và địa phương.

Sau nghi thức khai mạc, GSV Janet Nguyễn cùng các đoàn thể đặt vòng hoa tưởng niệm trước khi lễ niệm hương và đọc văn tế nhân ngày 30 tháng 4.

Hơn 20 em học sinh tiếng Việt của Trung Tâm Giáo Dục Thế Hệ 2000 cũng được thầy cô giáo đưa đến để đặt hoa tưởng niệm cho những người đã hy sinh vì đất nước.

Cô Phương Nam, thành viên của Hội Thanh Niên Cờ Vàng và ban tổ chức:

“Lễ tưởng niệm này do Thanh Sinh Phó Ðức Chính và Thanh Niên Cờ Vàng được sự yểm trợ của cộng đồng Việt Nam Nam California cũng như tất cả các chính đảng, đoàn thể và hội đoàn Việt Nam miền Nam Nam Cali yểm trợ tổ chức. Trước đây 2 tổ chức này đều hỗ trợ cho tất cả các đoàn thể trong cộng đồng tổ chức 30 tháng 4, nhưng đây là lần đầu tiên hội chính thức đứng ra đảm nhận trách nhiệm tổ chức lễ tưởng niệm 30 tháng 4 này.”

Bé Phương Phương Lê, 10 tuổi, học sinh tiếng Việt của Trung Tâm Giáo Dục Thế Hệ 2000, nói:

“Con đến đây để đưa bó hoa hồng này cho những người đã hy sinh tương lai của mình cho Vietnamese War.” Em nói “con nghe nói đến điều này từ bố mẹ và thầy cô ở trường Việt ngữ.”

Bà Tô Kiều, cư dân thành phố Westminster, tâm sự:

“Ðây là lần thứ 2 tôi đến dự lễ tưởng niệm 30 tháng 4, để nhớ lại những hình ảnh về quê hương, tưởng niệm về quê hương, về những vị anh hùng đã hy sinh cứu nước. Mỗi lần đến ngày này đều cảm thấy buồn và nhớ quê hương quá.

“Sáng ngày 30 tháng 4, 1975, tôi đã lên tàu ở Khánh Hội để ra đi. Khi nghe Sài Gòn thất thủ cảm thấy buồn lắm, không biết bao giờ còn có thể trở lại quê hương.”

Vợ chồng ông bà Phạm Bình ở thành phố Tustin nói:

“Mỗi lần đến ngày này là thấy buồn lắm. Dù rằng cuộc sống hiện tại rất êm đềm nhưng trong lòng cứ bùi ngùi nhớ lại ngày 30 tháng 4, 1975 ở Sài Gòn. Khi đó mình không có sự sửa soạn gì trước, cứ chạy ngược chạy xuôi, chạy quanh quẩn mà không biết đi đâu. Lại nhớ hình ảnh những quân trang quân dụng của người lính vứt đầy trên đường phố, thấy đau lòng lắm.”



Lễ Chào Cờ và Tưởng Niệm giữa Little Saigon



Vào đúng trưa, hàng trăm đồng hương người Việt ở Nam California đã tập trung tại trung khu Little Saigon để cùng với đài Little Saigon Radio và đài TV Hồn Việt làm lễ chào Quốc Kỳ VNCH tưởng niệm đến ngày giờ này 36 năm trước đất nước và dân tộc Việt Nam bắt đầu bước vào một giai đoạn đen tối của lịch sử. Hàng trăm ngàn người đã phải vào tù cải tạo hàng chục năm trời. Hàng triệu người phải bỏ nhà cửa ruộng vườn ra đi chỉ mong được sống trong tự do bất chấp hiểm nguy hải tặc bão tố. Con số người không may mắn đến được bến bờ tự do, cơ quan HCR của Liên Hiệp Quốc phỏng đoán có thể lên tới nửa triệu người.

Nhiều đại diện tôn giáo và đoàn thể trong dịp này đã nhắc đến một cuộc cách mạng xanh để Việt Nam thoát ách Cộng Sản. Anh Billy Lê thuộc Tổng Hội Sinh Viên, trưởng ban tổ chức cuộc tưởng niệm và biểu tình này cho biết: “Ðây là một tổ chức gồm nhiều thành phần hội đoàn trong cộng đồng mà cháu chỉ là đại diện. Riêng với Tổng Hội Sinh Viên chúng cháu thì từ nhiều ngày qua trong Tháng Tư Ðen chúng cháu đã cùng các chú bác đi treo cờ trong khu Little Saigon, gắn những Nơ Ðen để Tưởng Niệm đến đồng hương và dựng lên Bức Tường Ðen trình bày tất cả những thảm cảnh mà chế độ CS đã, đang gây ra cho người dân và đất nước Việt. Tuổi trẻ Việt Nam hải ngoại xin hứa là sẽ vững tiến trên con đường tranh đấu cho Dân Chủ, Tự Do và Nhân Quyền tại Việt Nam”.

Một đoàn khoảng 20 chục học sinh trường Garden Grove School trong y phục đen giương cao những lá cờ Vàng đi theo người thầy còn rất trẻ là Nguyễn Phan Robert. Thầy Nguyễn Phan Robert cho biết: “Chúng tôi dậy lớp tiếng Việt tại trường Garden Grove High School, năm nào cũng tổ chức cho các học sinh của tôi biết đến biến cố 30 Tháng Tư đau thương cho dân tộc Việt Nam”. Ðoàn học sinh này tiếp tục cuộc biểu tình hai bên đường Bolsa trước Phước Lộc Thọ cho mãi đến 3 giờ chiều.



Tưởng Niệm Tháng Tư Ðen tại Tượng Ðài Thuyền Nhân



Cùng ngày, vào buổi trưa, ở trước Tượng Ðài Thuyền Nhân đặt trong nghĩa trang Peek Family, Ủy Ban Xây Dựng Tượng Ðài Thuyền Nhân đã làm lễ kỷ niệm hai năm Ngày Thuyền Nhân Việt Nam. Ông Thái Tú Hạp, trưởng ban xây dựng tượng đài trong dịp này đã nhắc đến những cái chết của những người đi tìm tự do sau khi CSVN đã cưỡng chiếm được miền Nam.

Ông Thái Tú Hạp gọi ngày 30 Tháng Tư “như một ngày Giỗ chung cho những người kém may mắn đó.”

Cũng trong dịp này, ông còn nhắc tới những tấm lòng hỗ trợ cho ủy ban hình thành được tượng đài này tại nghĩa trang này. Ðó là bà Thị Trưởng Margie Rice và Hội Ðồng Thành Phố Westminster. Ðó là ban giám đốc nghĩa trang Peek Family mà Giám Ðốc Jeff Gibson cũng có mặt và phát biểu ca tụng tinh thần tự do của người Việt.



Lễ Tưởng Niệm tại Tượng Ðài Việt Mỹ



Vào buổi chiều, tại Tượng Ðài Chiến Sĩ Việt Mỹ, một buổi lễ tưởng niệm diễn ra trang nghiêm với sự tham gia của hàng ngàn người đứng đầy khu vực này. Buổi lễ do Ban Ðại Diện Cộng Ðồng Người Việt Quốc Gia tổ chức. Nhiều viên chức chính quyền tiểu bang, quận hạt, và địa phương cũng có mặt.

Tại buổi lễ, ông Nguyễn Văn Hiển, ở Westminster, cho biết từ năm 1994 đến nay năm nào ông cũng dự lễ tưởng niệm tại tượng đài.

“Cảm xúc rất buồn,” ông nói. “Bao nhiêu năm các chiến sĩ VNCH đã đổ xương máu để bảo vệ đất nước mà cuối cùng lại bỏ chạy, bỏ chạy không phải vì mình chịu nhục mà vì áp lực của một thế lực lớn hơn.”

Bà Nguyễn Thanh Thủy, cư dân Anaheim và chính bà cũng là một cựu sĩ quan, nói năm nào bà cũng dự, từ 19 năm nay.

“Mỗi lần cứ tới ngày này trong lòng lại cảm thấy bứt rứt, bồn chồn, phải đi đến tham dự những buổi tưởng niệm,” bà nói. “Ðến tham dự tại đây vì ở đây có nhiều quân binh chủng cùng tham dự. Ðến tham dự, gặp bạn bè, những đồng đội ngày xưa, chia sẻ những tâm tư, về cảm thấy trong lòng an tâm hơn một chút, không thì bức xúc khó chịu.”

Từng là một sĩ quan cảnh sát nên ngày 30 Tháng Tư với bà Thanh Thủy là “ngày đau thương nhất vì phải bỏ hết cả một đoàn công tác, phải thu xếp hồ sơ cho nhân viên. Do tính chất công việc của chúng tôi khá phức tạp nên phải tính toán kỹ lưỡng để không bị ảnh hưởng đến mọi người về sau.”



Chiếu phim ‘Bolinao 52’



Tới chiều, tại hội trường báo Viet Herald, cuốn phim tỵ nạn “Bolinao 52” được trình chiếu. Gần 1 ngàn vé cho hai suất chiếu đã bán hết, người xem ngồi chật hội trường tờ báo để xem cuốn phim từng được hai giải Emmy của Hoa Kỳ.

Ðây là “một hình thức Tưởng Niệm khác trong cộng đồng người Việt ở Nam California nhân Tháng Tư Ðen lại đến,” như lời ông bà Khiêm Nguyễn ở Irvine đến xem nhưng không mua được vé suất đầu phải chờ đến suất sau.

Phim Bolinao 52 là một phim tài liệu về một chuyến vượt biên của 110 người trên một con thuyền nhỏ để đi tìm tự do vào ngày 22 Tháng Năm năm 1988 tại Bến Tre. Sau 37 ngày lênh đênh trên biển cả, chỉ còn có 52 người sống sót tới được bến bờ tự do.

Bolinao 52 diễn lại cảnh tang thương trong chuyến đi này do đạo diễn Nguyễn Hữu Ðức thực hiện. Phim đã được hai giải thưởng của giải Emmy năm 2009 và đã được chiếu tại nhiều quốc gia như Anh, Ðức, Hòa Lan, Canada, Nhật và Ba Lan.

Ðạo diễn Nguyễn Hữu Ðức nói với báo chí: “Ðối với tôi, Bolinao 52 không chỉ là một phim tài liệu. Ðó là một cuộc hành trình để khám phá bản thân, cộng đồng của mình và lịch sử của chúng ta... Cuộc hành trình để kể câu chuyện này là để phá vỡ sự im lặng của hàng triệu người, những người đã đạt đến bến bờ tự do, kể cả những người không bao giờ thấy bờ”.

Sau buổi chiếu phim, nhân vật chính trong phim cũng là trong câu chuyện thương tâm này là chị Trịnh Thanh Tùng có mặt để gặp gỡ cùng bà con đến xem phim.



Buổi chiếu phim “The Lucky Few”



Vào buổi tối, hàng ngàn đồng hương Việt Nam cùng nhiều quân nhân người Mỹ gốc Việt đang tại ngũ trong lực lựơng Hải Quân Hoa Kỳ, cựu quân nhân VNCH đã có mặt tại hội trường trường trung học Garden Grove High School để tham dự buổi chiếu phim “Những người may mắn” (The Lucky Few).

Trước khi cuốn phim được trình chiếu, cuộc gặp gỡ giữa Phó Ðô Ðốc Adam M. Robinson, người chịu trách nhiệm thực hiện cuốn phim, Hạm Trưởng USS Kirk Paul Jacobs, Executive Officer Richard McKenna, Ðại Tá Ðỗ Kiểm, cùng nhiều thành viên trên chiến hạm năm xưa đã cứu 32 ngàn người Việt Nam trong những ngày cuối Tháng Tư đầu Tháng Năm, 1975, đã tạo nên một sự xúc động mạnh đối với người tham dự.

Bài phát biểu của họ, những người đã làm được công việc “cứu người bằng tấm lòng bao la vô bờ” đã làm nhiều khán giả bật khóc. Những tràng pháo tay cứ không ngớt vang lên xen lẫn trong những lời phát biểu. Những vị hạm trưởng, phó đô đốc, Executive Officer không nói nhiều về công việc vĩ đại họ đã làm, họ lại cảm kích sự thành đạt của những người Việt mà họ đã giúp, trên vùng đất tự do này. Câu chuyện về chiến hạm Kirk, câu chuyện về những con người có mặt trên chiếc hạm lịch sử đó có thể xem như một trong những câu chuyện hay nhất của thời đại này.

Chị Thu Trang, cư dân thành phố Garden Grove, trong lúc đứng chờ đến lượt mình đưa cuốn DVD The Lucky Few cho Hạm Trưởng Paul Jacobs ký tên lưu niệm, đã chia sẻ cảm xúc với Người Việt, “Tới dự buổi chiếu phim này, tôi cảm thấy mình rất may mắn và vinh dự vì lúc đầu chỉ nghĩ là đến xem phim thôi chứ không ngờ chương trình ban tổ chức làm rất hay khi đã mời và giới thiệu những người từng làm việc trên chiếc USS Kirk đến đây.”

“Tôi thấy xúc động lắm vì không ngờ là trên thế giới này lại có những người có lòng bao la đã cứu vớt mình trong năm 1975 để mình có cơ hội đến đây. Tôi rất cám ơn nước Mỹ, cám ơn những người Mỹ đã cứu vớt mình.” Chị Thu Trang, là thuyền nhân vượt biên đến Mỹ năm 1980, nói tiếp.

Anh Tuấn Phạm ở thành phố Westminster, cùng vợ và con gái nhỏ đến xem phim vì “vợ tôi đến coi cho hiểu thêm về lịch sử của những người vượt biên vì vợ tôi đến đây theo diện H.O.”

Anh Tuấn đi vượt biên năm 1980 và cho rằng cả đời anh “vẫn không thể nào quên cảm giác như được sống lại khi đặt chân đến đảo, khó diễn tả lắm. Nên hằng năm, cứ hễ ở đâu nghe nói những gì liên quan đến thuyền nhân là tôi vẫn muốn đến xem, đó như một phần cuộc đời mình vậy.”

Anh Tuấn mang về 2 DVD phim “Những Người May Mắn” một bản tiếng Anh, một bản tiếng Việt để vợ và con xem thêm.

Bà Mỹ Thanh Nguyễn, ở Cerritos, nói trong sự xúc động sau khi nghe những lời phát biểu của những người có trách nhiệm trên chiếc hạm USS Kirk, “Tôi khóc khi ngồi nghe họ. Thấy cảm động, bồi hồi, thương xót đoàn tàu đã cứu dân mình, cả 32 ngàn người chứ đâu ít. Có ai giúp mình được như vậy không? Chỉ có người Mỹ thôi. Tôi đi vượt biên năm 82, dù không may mắn được đi trên chiếc tàu đó nhưng nghe thấy vẫn rất cảm động. Mỗi năm cứ đến ngày 30 Tháng Tư, tôi không biết phải diễn tả như thế nào nhưng lòng mình cứ bồn chồn, nôn nao, đầy những thương cảm, không thể nào bỏ qua được hết. Trong suốt cuộc đời có lẽ sẽ không bao giờ tôi quên được cái hận mất nước này.”

Chị Thảo Phạm, ở Santa Ana, đến Mỹ theo diện bảo lãnh nhưng cô có tới 9 anh chị em đi vượt biên nên cô muốn đến xem phim cho hiểu. Cô cho biết, “Rất cảm động. Người ta là người ngoại quốc mà người ta có tình thương người bao la quá, người ta cứu vớt mình bằng cả tấm lòng của họ.”

Ký giả Hà Giang, đại diện nhật báo Người Việt, một trong những đơn vị bảo trợ buổi chiếu phim, đã tặng những thành viên trên chiến hạm USS Kirk bức tranh trại tị nạn Pulau Bidong của họa sĩ Nguyễn Thị Hợp, do họa sĩ vẽ ngay trong trại và được giữ gìn mấy chục năm từ đó tới nay. “Bức tranh đó không mang ý nghĩa của một tác phẩm nghệ thuật đơn thuần, mà hơn thế, nó ghi nhận lại lịch sử một thời của những thuyền nhân Việt Nam trên hành trình tìm đến tự do,” Hà Giang phát biểu.

No comments:

Post a Comment