Nhìn AiCâp Mong ViệtNam

Wednesday, May 18, 2011

Hàng hóa Việt Nam chiếm 70% thị phần Campuchia

Trong lúc tình hình biên giới Campuchia-Thái Lan tiếp tục căng thẳng, Campuchia quyết định hoãn tổ chức triển lãm thương mại Thái Lan tại thủ đô Phnom Penh.Ngay sau đó, hàng hóa Việt Nam đã chiếm giữ khoảng 70% thị phần Campuchia. Để biết được lý do tại sao người tiêu dùng Campuchia ưa chuộng sản phẩm Việt Nam từ Campuchia, Quốc Việt có bài tường trình sau đây.


Giá phải chăng, chất lượng cao


Chủ tịch Hội kinh doanh Việt Kiều tại Campuchia là ông Nguyễn Văn Định cho biết hoạt động xúc tiến đầu tư, đưa hàng hóa Việt Nam vào thị trường Campuchia đang có tác dụng tích cực. Ngoài các dự án đầu tư quy mô lớn về xây dựng cơ sở hạ tầng, trồng, khai thác và chế biến cao su, khai thác khoáng sản, xây dựng và kinh doanh bất động sản, kinh doanh thủy điện…, thì nhiều doanh nghiệp Việt Nam còn mạnh dạn đưa hàng hóa, đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất ở đây. Trong đó, hàng gia dụng và thực phẩm chế biến đang chiếm 70% thị trường Campuchia.


Theo ông Định, có rất nhiều hàng hóa từ các nước như Thái Lan, Trung Quốc, Singapore, Hàn Quốc… đang thâm nhập thị trường Campuchia, tuy nhiên Việt Nam là nước có thuận lợi nhất vì việc vận chuyển qua biên giới gần hơn và có điều kiện tốt hơn so với các nước vừa nêu. Ông có nhận định:


“Tăng là do nhu cầu người sử dụng. Hàng Thái bây giờ giảm thâm nhập thị trường Campuchia. Vì sức người tiêu dùng cần nhiều cho nên hàng Việt Nam phát triển. Thứ hai, hàng Việt Nam bây giờ cũng là hàng có chất lượng, có thương hiệu rồi, thành ra người tiêu dùng cũng biết giá cả vừa phải, chất lượng hàng hóa mẫu mã cũng tốt thì người sử dụng nhiều.


Hàng Thái giảm là do tình hình biên giới qua lại khó khăn, do biên giới có chiến tranh, xung đột biên giới, hàng hóa cũng chậm qua. Kết hợp mấy cái lợi đó, thì hàng hóa Việt Nam phát triển rất là nhanh. Thứ ba, hàng của Thái vẫn mắc hơn hàng Việt Nam, mà chất lượng và mẫu mã thì giống nhau cho nên người sử dụng hàng Việt Nam nhiều hơn. Nói chung hàng mình rẻ, giá cả tương đối là do thuận lợi đường biên giới gần nhau đi sở hữu nó ít. Thuế má cũng đóng như nhau nhưng sở hữu nó ít, sở hữu nó rẻ hơn được 5%, thì giá thành mình rẻ hơn được 5% thì người tiêu dùng thấy được rồi.”
Ngoài các loại hàng hóa, đồ gia dụng, thực phẩm chế biến của Việt Nam đang được người tiêu dùng Campuchia ưa chuộng, hiện hàng may mặc cũng đang chiếm tỷ trọng khá lớn tại xứ này. Ông Nguyễn Văn Định cũng cho biết trước đây hàng may mặc của Việt Nam bán không được tại thị trường Campuchia vì người tiếp thị thiếu kinh nghiệm nhưng bây giờ đã nắm được thị trường và hàng may mặc đã phát triển rất nhiều.


Cũng do tình hình biên giới giữa Campuchia và Thái Lan bất ổn, cuối tuần qua, Bộ trưởng Thương mại Campuchia là ông Cham Prasidh đã quyết định hoãn tổ chức hội chợ triển lãm thương mại Thái Lan tại thủ đô Phnom Penh với lý do thời điểm này không thích hợp để quảng bá sản phẩm của Thái.


Campuchia không thể đảm bảo phản ứng của du khách trước sản phẩm của Thái sau khi Thái Lan đã tuyên bố dừng xuất khẩu thêm nhiên liệu và các sản phẩm khác vào Campuchia. Ông Cham Prasidh cũng khẳng định ông đã hướng dẫn cho Cục Xúc tiến thương mại thuộc Bộ thương mại liên hệ với những người tổ chức triển lãm Thái Lan 2011 để hoãn lại triển lãm được dự kiến tổ chức từ ngày 19-22/5.


Cạnh tranh với hàng Trung Quốc
Ông Nguyễn Văn Định cho rằng, việc hoãn tổ chức hội chợ triển lãm này cũng là một phần có lợi cho hàng hóa Việt Nam có mặt tại thị trường Campuchia, “cũng là một cái có lợi cho Việt Nam thôi mà chủ yếu hàng Việt Nam bây giờ có chất lượng, mẫu mã, giá cả ổn định. Hoãn lại hội chợ thì cũng không có ảnh hưởng gì lớn tới chuyện đó. Quan trọng là cái mình có chất lượng, mẫu mã ổn định tốt thì người sử dụng bình chọn thì sẽ phát triển thị trường được thôi.”


Giám đốc một Đại lý bán hàng hóa Việt Nam tại thủ đô Phnom Penh nhận định rằng bấy lâu nay hàng hóa Thái Lan không thể cạnh tranh trên thị trường Campuchia vì giá thành cao cho nên ít người tiêu dùng. Bà thừa nhận hàng hóa Việt Nam bán chạy tại đây tuy nhiên không được lợi nhiều lắm. Bên cạnh đó, hàng hóa của Trung Quốc cũng đang cạnh tranh khá mạnh. Bà cho biết:


“Nói chung đồ Trung Quốc nó nhiều, đồ Trung Quốc nó rẻ. Vậy đem đồ Việt Nam lên bán không lợi như đồ Trung Quốc đâu vì đồ Việt Nam hơi cứng giá hơn đồ Trung Quốc. Đồ người ta đâu có lên giá mà đồ Việt Nam lên giá. Đồ Việt Nam cũng có hàng rẻ mà mình bán giá cao hơn. Còn đồ Thái bán không được đâu.”
Còn phát ngôn viên đảng Sam Rainsy là ông Yim Sovann nhận định bất cứ cuộc giao tranh hay chiến tranh nào đều gây ảnh hưởng đến vấn đề kinh tế. Không có doanh nghiệp nào đến đầu từ tại đất nước đang có chiến tranh. Vấn đề vận chuyển hàng hóa qua biên giới giữa hai nước đang có xung đột thì đương nhiên phải gặp khó khăn. Điều này đã khiến số lượng hàng hóa phải giảm đi phần nào đó.


Ông Yim Sovann cũng thừa nhận, bây giờ là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp Việt Nam mạnh dạn đưa hàng hóa vào thị trường Campuchia. Tuy nhiên ông thúc đẩy chính phủ và các nhà đầu tư nước ngoài xây dựng nhà máy sản xuất ở đây để biến Campuchia thành một nước sản xuất với sản phẩm giá cả phù hợp, có chất lượng để cạnh tranh trên thị trường tự do.


Hàng hóa Việt Nam có mặt chậm hơn so với hàng của Trung Quốc, và Thái Lan tại Campuchia. Thế nhưng, thương mại giữa 2 nước trong thời gian qua đã đẩy nhanh tăng trưởng về thương mại và đầu tư. Việt Nam đang có tỷ trọng xuất siêu và giá trị thặng dư khá lớn ở thị trường này.

No comments:

Post a Comment