Nhìn AiCâp Mong ViệtNam

Sunday, May 1, 2011

Giới lao động Á-Âu biểu tình đòi cải thiện mức sống

Tại Châu Á, nơi có mức tăng trưởng rất khả quan, nhưng kèm theo là chênh lệch giàu nghèo ngày càng nghiêm trọng, những người xuống đường chủ yếu tập trung trên việc đòi tăng lương và chống tăng giá nhu yếu phẩm.




Tại Philippines, hàng chục ngàn người xuống đường ở nhiều thành phố lớn, chống lại chính sách xuất khẩu lao động và đòi tăng lương, trong bối cảnh giá cả nhu yếu phẩm tại nước này tăng vọt.

Chính sách xuất khẩu lao động là một trong những nguồn thu nhập ngoại tệ chủ chốt của chính quyền Philippines, nhờ lượng kiều hối đáng kể do khoảng 9 triệu người làm việc ở ngoại quốc gởi về. Những người chống chính sách này tố cáo tình trạng lương thấp trong nước đã khiến cho khoảng 10% dân số Philippines phải tha hương cầu thực.

Tại Hồng Kông, hàng ngàn người cũng đã xuống đường để phản đối việc tăng giá lương thực và tiền thuê nhà. Tại vùng lãnh thổ Trung Quốc này, ngày 01/05 năm nay cũng là ngày đầu tiên mà luật về tiền lương tối thiểu có hiệu lực. Mức lương tối thiểu do chính quyền ấn định lên đến 28 đô la Hồng Kông (tương đương với 3,6 đô la Mỹ) một giờ, nhưng theo giới công đoàn, khoảng thu nhập đó vẫn chưa đủ để nuôi sống một gia đình bình thường.

Chênh lệch giầu nghèo tại Hồng Kông rất lớn. Trong số 7 triệu dân tại cựu thuộc địa Anh Quốc, có một số nhà tài phiệt tỷ phú, điều hành các tập đoàn bao trùm mọi lãnh vực của nền kinh tế, nhưng cũng có hàng trăm ngàn người lao động mà đồng lương không quá 2 đô la một giờ.

Tại Seoul, Hàn Quốc, hơn 50.000 người cũng rầm rộ biểu tình đòi chính quyền bảo đảm tốt hơn công ăn việc làm cho người dân, và đòi tăng lương, vì cho rằng tình trạng bất bình đẳng trong xã hội đã tăng lên đáng kể từ khi Tổng thống Lee Myung Bak lên cầm quyền.

Riêng tại Nhật Bản, các công đoàn đã dặc biệt kêu gọi chính quyền từ bỏ năng lượng hạt nhân, một tháng rưỡi sau thiên tai động đất và sóng thần đã gây ra tai nạn tại nhà máy điện nguyên tử Fukushima.

Phát biểu nhân một cuộc biểu tình của 21.000 người tại Tokyo, ông Sakuji Daikoku, lãnh đạo Liên hiệp Quốc gia các Công đoàn ZENROREN đã kêu gọi : "Hãy ngăn không cho chính phủ thúc đẩy năng lượng hạt nhân và đòi hỏi chính phủ thay đổi chính sách năng lượng của mình".

Châu Âu

Còn tại châu Âu, nhiều cuộc tuần hành được tổ chức ở Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hy Lạp, Đức, Pháp… theo lời kêu gọi của giới công đoàn, trong bối cảnh nhiều nước đang phải áp dụng các biện pháp thắt lưng buộc bụng, để đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính, giảm thâm hụt tài chính công và nợ nước ngoài.

Riêng tại Pháp, giới công đoàn cho biết có gần 200 cuộc biểu tình tuần hành nhân Ngày Quốc tế Lao động.

Năm tổ chức công đoàn là CGT, CFDT, FSU, Unsa và Solidairess phối hợp tổ chức tuần hành chung tại 173 thành phố trên toàn nước Pháp.

Ở thủ đô Paris, lãnh đạo hai công đoàn lớn là CGT CFDT cùng tham gia cuộc tuần hành. Theo giới quan sát, hành trình cuộc tuần hành năm nay ngắn hơn so với hai năm trước, là dấu hiệu cho thấy khả năng huy động của giới công đoàn có giảm sút, cho dù ngày càng có nhiều cuộc xung đột xã hội.

Khẩu hiệu chung của cuộc tuần hành năm nay là bảo vệ đời sống và sức mua của người lao động, một trong những mối quan tâm chính của những người làm công ăn lương. Bên cạnh đó, các tổ chức công đoàn cũng bày tỏ tình đoàn kết với nhân dân các nước Ả Rập, ủng hộ các tiến bộ xã hội, chống phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử, đặc biệt là đối với những lao động nhập cư.

Tại Hy Lạp, hàng ngàn người đã tuần hành ở thủ đô Athens để phản đối những biện pháp hà khắc của chính phủ.

Giới lao động Thổ Nhĩ Kỳ cũng xuống đường chủ yếu ở Istanbul. Những người biểu tình sau đó đã tụ tập về quảng trường Taksim, nơi đã xẩy ra thảm họa cách nay 34 năm, cũng vào dịp Ngày Quốc tế Lao động, làm hàng chục người thiệt mạng. Khoảng 38 ngàn cảnh sát được huy động để bảo đảm an ninh cho sự kiện này.

Trong khi đó, Ngày Quốc tế Lao động là dịp để phe thân chính quyền Nga biểu dương sức mạnh.

Theo AFP, tại Matxcơva, đảng Nước Nga thống nhất và các tổ chức công đoàn thân chính quyền đã huy động được khoảng 25 ngàn người tuần hành, với các khẩu hiệu ủng hộ cặp lãnh đạo hiện nay là tổng thống Dmitri Medvedev và thủ tướng Vladimir Putin. Vào cuối tháng 12 năm nay, Nga tổ chức bầu Quốc hội và tháng Ba năm sau, bầu tổng thống.

No comments:

Post a Comment