Nhìn AiCâp Mong ViệtNam

Sunday, May 1, 2011

Diễn từ Đức Tân Chân phúc Gioan Phaolô II gửi Hàng Giám mục Việt Nam dịp “ad limina” (24-11-1990)

Nhân dịp Đức cố Giáo hoàng Gioan Phaolo II được Giáo hội nâng lên hàng Chân phước, Nữ Vương Công Lý xin gửi tới quý bạn đọc “Diễn từ của Đức Giáo hoàng Gioan Phaolo II gửi hàng Giám mục Việt Nam dịp “ad limina” ngày 24/11/1990, để một lần nữa đọc lại những hướng dẫn mục vụ của ngài dành cho mọi thành phần Dân Chúa tại Việt Nam.

Trong phần hướng dẫn dành cho các tín hữu Chúa tại Việt Nam, Đức tân Chân phúc Giáo Hoàng đã dặn dò các chủ chăn trong Giáo hội: “Anh chị em giáo dân Việt Nam cần phải được giúp đỡ để tiến triển trong việc nhận ra những thực tại trần thế theo tinh thần Kitô, trong việc thẩm định các tiêu chuẩn của đời sống luân lý và đức công bằng, trong việc tôn trọng sự thật, trong nỗ lực chống lại mọi thứ tham nhũng hối lộ, trong việc biểu lộ Đức Tin một cách cá nhân cũng như tập thể. Tôi hy vọng là anh em sẽ có thể thực hiện được những sáng kiến thích hợp, để các giáo dân có thể được tiếp tục huấn luyện về Giáo Lý và nhận được sự nâng đỡ tương ứng với vai trò của họ trong Giáo Hội.”

Quả là những hướng dân mục vụ hết sức thiết thực và chân tình. Chúng ta cùng cầu nguyện xin vị Tân Chân Phúc chúc lành cho Giáo hội Việt Nam và tiếp tục hướng dân Giáo hội Việt Nam vững bước trong sứ mạng làm chứng cho sự thật.



Anh em quý mến trong Hàng Giám Mục,



1. Niềm Vui Mừng Của Vị Cha Chung

Tôi rất vui mừng được gặp lại anh em để trao đổi chung, trong những ngày đáng ghi nhớ này đối với Giáo Hội tại Việt Nam. Thực vậy, chúng ta đã được cùng nhau kỷ niệm 30 năm thành lập Hàng Giáo Phẩm Công Giáo tại Việt Nam, và mừng kính các Thánh Tử Đạo mà tôi được đặc ân tôn phong các vị lên bậc Hiển Thánh vào năm 1988.

Như vậy cuộc hành hương của anh em nơi mộ thánh tông đồ Tử Đạo đã thành lập Giáo Hội Rôma, trùng hợp với việc mừng kính các vị Tử Đạo đã làm cho Giáo Hội Việt Nam được phong phú. Thật là cảm động khi nghĩ tới sự kiện anh em đang sống sứ vụ Giám mục của mình dưới sự bảo trợ của các Thánh Tử Đạo Việt Nam. Cách đây 5 năm, chỉ có vài Giám mục đại biểu của anh em được đến Rôma để viếng mộ hai thánh tông đồ, ước gì cuộc viếng thăm của anh em lần này ở Rôma là dịp bồi bổ tinh thần, đồng thời là một điều khích lệ cho anh em trong công tác mục vụ.

Trong dịp tiếp đón anh em trong tinh thần huynh đệ này, tôi muốn bày tỏ với anh em tất cả lòng quý mến nồng nhiệt của người kế vị Thánh Phêrô đối với Giáo Hội Việt Nam, vì lòng trung thành của Giáo Hội Việt Nam trong Đức Tin, trong lòng đạo đức và trong tình bác ái huynh đệ. Các Giám mục tụ họp trong Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới tháng vừa qua cũng đã bày tỏ tâm tình ngưỡng mộ và hiệp thông sâu xa đó với Giáo Hội Việt Nam. Nay tôi xúc động tái bày tỏ với anh em những tâm tình đó và xin anh em chuyển lại tâm tình ngưỡng mộ và hiệp thông sâu xa đó với các linh mục, tu sĩ nam nữ và giáo dân các giáo phận của anh em, vì những thử thách mà họ phải chịu, làm cho họ càng hiện diện trong kinh nguyện mỗi ngày của tôi.

2. Quan Hệ Giữa Giáo Hội Và Nhà Nước Việt Nam

Cuộc viếng thăm của anh em diễn ra vài ngày sau khi phái đoàn do Đức Hồng Y Roger Etchegaray hướng dẫn, từ Việt Nam trở về. Như anh em đã biết, đây là cuộc viếng thăm đầu tiên của một đại diện chính thức của Tòa Thánh tại Việt Nam, để thảo luận với các nhà chức trách của chính phủ về những vấn đề quan trọng và rất khẩn cấp mà Giáo Hội tại đất nước anh em đang phải đương đầu.

Trong bầu khí tôn trọng lẫn nhau, hiểu biết và thiện chí, một cuộc đối thoại đã được mở ra, báo hiệu tương lai tốt đẹp. Con đường vẫn còn dài và không thiếu những khó khăn, nhưng dường như đây là con đường tốt. Vì vậy, tôi cầu mong rằng trong tương lai tới đây, Giáo Hội Việt Nam sẽ thấy chỗ đứng của mình trong xã hội ngày càng được nhìn nhận. Cộng đồng Công Giáo tại đất nước anh em trong quá khứ đã đóng góp vào nền độc lập của quốc gia, và ngày nay mong muốn làm việc mưu ích lợi cho đồng bào của mình và tái thiết đất nước, nhờ sự đóng góp của mọi thành phần Giáo Hội: các linh mục, tu sĩ nam nữ và giáo dân. Tôi vẫn biết cộng đồng Công Giáo đã đóng góp quảng đại, kín đáo và trung thành. Không ai có thể nghi ngờ rằng người Công Giáo không thật sự sẵn sàng dấn thân phục vụ người nghèo, người kém may mắn, những người bệnh, trong viễn tượng xây dựng một xã hội công bằng, yêu thương và thịnh vượng.

Xin anh em tin chắc rằng Tòa Thánh sẽ làm tất cả những gì có thể để những bước đầu này trong công cuộc đối thoại có thể đưa tới một thỏa hiệp, mang lại những thành quả lâu bền, có lợi cho Giáo Hội tại Việt Nam.

3. Hoạt Động Của Hội Đồng Giám Mục

Anh em đã trao đổi với tôi về việc chu toàn trọng trách mục vụ của anh em. Tôi muốn nhắc lại nơi đây lòng quý mến của tôi đối với anh em là những người đang phải mang những gánh nhiều khi rất nặng. Tôi nhiệt liệt khích lệ anh em hãy tiếp tục trên con đường khó khăn nhưng cũng rất đẹp, trong sứ mạng của anh em là người kế vị các Tông Đồ. Các cộng đoàn của anh em biết rõ là trong mọi lúc, họ có thể trông cậy vào lòng tận tụy của anh em, như những người cha trong Đức Tin, vì anh em là những người làm đầu trong đức bác ái bắt nguồn từ chính Thiên Chúa.

Nhân tiện đây, tôi xin anh em lưu ý về sứ mạng của cơ cấu Hội Đồng Giám Mục, hội đồng có nhiệm vụ giúp anh em củng cố tình đoàn kết của các giáo phận trong những miền khác nhau của đất nước. Cùng nhau, anh em có thể nâng đỡ nhau một cách hữu hiệu, để có thể đảm đương hơn trách vụ mục tử của anh em và đối thoại xây dựng với các người lãnh đạo xã hội. Việc thành lập các ủy ban khác nhau và công việc sau đó với sự cộng tác tích cực của anh em, sẽ góp phần đào sâu suy tư của anh em về những dấu chỉ thời đại, về những nhu cầu thiêng liêng của các tín hữu, về việc linh hoạt phụng vụ, về những phương tiện huấn luyện cần dự trù.

Hội Đồng Giám Mục của anh em, với những bộ phận khác nhau, sẽ giúp anh em định vị trí của Giáo Hội trong quốc gia một cách rõ rệt hơn. Sự cộng tác tín nhiệm nhau sẽ giúp anh em tạo những điều kiện tốt đẹp hơn để phát triển đời sống nội bộ của Giáo Hội, đồng thời để thi hành những dịch vụ mà Giáo Hội muốn dành cho dân tộc Việt Nam; vì các thành phần của Giáo Hội thuộc về dân tộc này và chân thành gắn bó với dân tộc, trong thời kỳ phải làm dịu bớt những hậu quả đau thương của quá khứ và tái tạo đời sống chung, xứng đáng với gia sản cao thượng mà tổ tiên của anh em để lại.

4. Nhắn Nhủ Các Linh Mục

Giờ đây tôi nghĩ tới các linh mục trong các giáo phận của anh em, đặc biệt các linh mục đang trở nên già yếu tuổi tác mà vẫn tiếp tục đảm nhận sứ vụ quan trọng. Tôi cũng nghĩ tới các linh mục đã và vẫn còn bị cấm cản không được thi hành chức vụ Linh Mục. Xin anh em nói với tất cả các linh mục, già cũng như trẻ, rằng tôi hết lòng và nhiệt tâm ca ngợi lòng trung thành của các vị ấy đối với đời sống Linh Mục. Tôi ca ngợi lòng kiên trì của các linh mục giữa thời kỳ thử thách, lòng tận tụy của các linh mục đối với các cộng đoàn của mình, nhiều khi đi tới mức độ hầu như khả năng con người không thể làm nổi. Xin Chúa nâng đỡ các linh mục của anh em, Ngài là Đấng thưởng công những đầy tớ tốt lành và trung tín mà Ngài đã giao phó cho nhiệm vụ quản lý các mầu nhiệm của Ngài (Mt. 24, 25 và 1Cor. 4, 1).

Các linh mục mà anh em biết rõ lòng trung thành của họ đối với những lời khấn hứa của mình, cũng như biết rõ lòng nhiệt thành mục vụ của họ. Các vị ấy phải là những người đầu tiên nhận lãnh với tâm tình biết ơn những thành quả suy tư của Ủy Ban Giám Mục và các chỉ thị của các Giám mục của mình. Trong những tiếp xúc hàng ngày, xin anh em hãy làm sao để điều hợp tốt đẹp hơn hoạt động của các linh mục, đồng thời để cho các linh mục có cơ hội bồi bổ tinh thần và huấn luyện trường kỳ mà họ cần thiết. Để được như thế, tôi mong ước anh em có thể thành lập và điều khiển các tổ chức phối hợp khác nhau, như Giáo Hội đã dự trù. Nhưng, ngoài các khuôn khổ chính thức và mặc dù có những khó khăn trầm trọng mà anh em đang gặp phải, cần phải làm sao để các linh mục có thể canh tân việc học Kinh Thánh, suy tư thần học và mục vụ để nuôi dưỡng công tác mục vụ hằng ngày.

Dĩ nhiên là anh em cũng lo lắng về vấn đề làm sao để các linh mục trẻ tuổi tiếp nối, vì Hàng giáo sĩ của anh em hiện quá ít oi và đã cao niên, không thể đủ để chu toàn sứ mạng của mình. Nhờ sức sinh động quảng đại của tín hữu trung thành, nhiều bạn trẻ đang nghe tiếng gọi hiến thân cho Chúa trong chức Linh Mục. Về phần các Chủng sinh đã hoàn tất việc chuẩn bị của mình, cần phải hy vọng họ sẽ được các Giám mục của họ tự do truyền chức Linh Mục cho và có thể bắt đầu sứ mạng của họ càng sớm càng tốt.

Hiện nay, anh em mới có 4 Đại chủng viện, 2 Đại chủng viện khác phải được mở cửa ở miền Trung. Tôi nhiệt liệt mong ước làm sao để không một trở ngại nào cản trở việc mở cửa lại các Chủng viện này, và anh em có thể tự do tiếp nhận vào các Chủng viện những Ứng sinh có đủ khả năng cần thiết, mà không bị giới hạn sĩ số. Một linh mục được huấn luyện kỹ lưỡng không những là một lợi ích cho Giáo Hội, nhưng còn là một hồng ân quý giá cho dân tộc mà vị linh mục đó có sứ mạng phục vụ. Và tôi cũng cầu mong cho anh em có thể chuẩn bị được các cha linh hướng và các giáo sư mà các chủng sinh đang cần đến; chuẩn bị bằng cách gửi ra nước ngoài những linh mục mà anh em muốn ủy thác cho các sứ mạng vừa nói, để các linh mục thủ đắc được những khả năng cần thiết trong những đại học tốt nhất. Cũng vậy, tôi hy vọng anh em sẽ không thiếu các phương tiện để ấn hành các tác phẩm tôn giáo cần thiết cho các chủng sinh và cho toàn thể Dân Chúa.



5. Về Các Tu Sĩ Nam Nữ

Anh em đã nói cho tôi biết, anh em đánh giá cao lòng quảng đại của các tu sĩ nam nữ, là những người, mặc dù gặp khó khăn, nhưng vẫn biết ở lại phục vụ anh chị em mình, làm chứng tá can trường cho Đức Tin, trong lòng trung thành đơn sơ nhưng hùng hồn với những lời khấn và với sự tận hiến cho Thiên Chúa. Xin anh em nói với họ rằng cùng với anh em, tôi cám ơn Chúa vì tất cả những gì mà các Tu Sĩ Nam Nữ cũng như các thành viên các Tu Hội đời tại Việt Nam dành cho Giáo Hội và dân tộc anh em.

Theo các đặc sủng riêng của mình, các tu sĩ nam nữ có thể giữ một vai trò quan trọng trong đời sống mục vụ, và trong những dịch vụ giáo dục và từ thiện khác mà Giáo Hội luôn luôn tham gia tích cực. Các tu sĩ nam nữ thi hành các dịch vụ đó trong khuôn khổ các cơ sở của mình, hoặc hội nhập vào cơ sở của quốc gia. Tôi biết rằng tại đất nước anh em, các tu sĩ nam nữ tỏ ra sẵn sàng đảm nhận các trách vụ giáo dục, phục vụ trong ngành y tế và các công tác xã hội khác. Đây là một cách thức rất được ưa chuộng để góp phần vào công ích của dân tộc mình, vào việc tái thiết đất nước, vốn đang cần đến sự tận tụy của mọi công dân. Khi làm việc cho công ích, dưới sự thúc đẩy của tinh thần Phúc Âm như vậy, các tu sĩ nam nữ Việt Nam đang và sẽ chứng tỏ một cách cụ thể rằng các tín hữu Công Giáo liên đới với mọi người anh em mình. Giáo Hội không xin đặc ân, nhưng chỉ yêu cầu được tự do phục vụ đất nước với tất cả mọi khả năng của mình.

Tôi mong ước cho các Dòng Tu được tiếp nhận ơn gọi và được huấn luyện một cách kỹ lưỡng. Để được như vậy, các Dòng Tu cần phải được tự do mở các nhà huấn luyện mà không bị cản trở. Ngoài ra các Dòng Tu cũng phải được tự do gửi các thành viên của mình tới những nơi họ được chờ đợi, phù hợp với tính cách linh động và sẵn sàng của các tu sĩ hoạt động tông đồ. Chúng tôi đặc biệt mong ước cho đời sống tu trì tại Việt Nam được triển nở tốt, đất nước Việt Nam đã cung cấp bao nhiêu ơn gọi tốt đẹp.

6. Về Anh Chị Em Giáo Dân

Hoàn cảnh đã đưa các giáo dân không những tới chỗ có lòng nhiệt thành sốt sắng hơn trong việc đạo đức và lãnh nhận các phép Bí Tích, nhưng còn phát triển sự tham gia tích cực của họ vào sứ mạng của Giáo Hội. Nhiều khi trong những hoàn cảnh rất thiếu thốn, các giáo dân đã là những chứng nhân đích thực của Đức Tin. Họ quảng đại chia sẻ kinh nghiệm thiêng liêng, đảm nhận việc dạy Giáo Lý cho người trẻ và người lớn tuổi. Ước gì họ tìm được phần thưởng của mình trong Đức Tin và Đức Cậy vững mạnh nơi các cộng đồng của họ.

Anh em có thể mong đợi nhiều nơi các giáo dân, nơi sự tham gia có trách nhiệm của họ vào đời sống Giáo Hội, nơi cách sống đơn sơ của họ, những đòi hỏi của Phúc Âm, trong đời sống gia đình và nghề nghiệp của họ cũng như trong toàn thể các dịch vụ mà họ làm cho công ích. Giáo huấn của Công Đồng Vatican II và những giáo huấn sau đó đều nhấn mạnh đến tầm quan trọng của sứ mạng “thánh hóa trần thế” mà anh chị em giáo dân cần chu toàn vì sứ mạng này cũng là hình thức chứng tá đầu tiên của giáo dân. Với những thay đổi sâu xa đang xẩy ra trong xã hội tại tất cả mọi quốc gia, anh chị em giáo dân Việt Nam cần phải được giúp đỡ để tiến triển trong việc nhận ra những thực tại trần thế theo tinh thần Kitô, trong việc thẩm định các tiêu chuẩn của đời sống luân lý và đức công bằng, trong việc tôn trọng sự thật, trong nỗ lực chống lại mọi thứ tham nhũng hối lộ, trong việc biểu lộ Đức Tin một cách cá nhân cũng như tập thể. Tôi hy vọng là anh em sẽ có thể thực hiện được những sáng kiến thích hợp, để các giáo dân có thể được tiếp tục huấn luyện về Giáo Lý và nhận được sự nâng đỡ tương ứng với vai trò của họ trong Giáo Hội.

7. Các Giáo Hội Địa Phương

Anh em có lẽ đã tiên đoán được điều này là, khi nghĩ tới các nhóm người khác nhau họp thành các Giáo Hội địa phương của anh em, và khi nhắc lại sứ mạng của họ, tôi luôn luôn thấy hiện diện trong tâm trí giáo huấn của Công Đồng Vatican II, Công Đồng đã chiếu giải ánh sáng của Chúa Kitô trên Giáo Hội. Trách vụ của anh em sẽ được sáng tỏ nếu anh em quan niệm nó như một việc mang lại thực hành đà tiến mà Công Đồng đã đề ra. Tôi đặc biệt nhắc đến Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới khóa ngoại lệ năm 1985, mà Đức cố Hồng Y Trịnh Văn Căn đã tham dự: Thượng Hội Đồng Giám Mục đã nêu rõ những trực giác nồng cốt của Công Đồng nhất là sự nhấn mạnh tới Giáo Hội Học về việc hiệp thông mà chúng ta phải luôn tham chiếu.

Trong tinh thần đó, xin anh em càng ngày càng chứng tỏ cho các anh em của mình rằng Giáo Hội, Thân Thể sống động với Chúa Kitô là đầu, chính là dấu hiệu và là dụng cụ hiệp nhất và hòa giải.

Xin anh em hãy mời gọi tất cả mọi tín hữu, linh mục, tu sĩ và giáo dân, lãnh nhận trách nhiệm của họ, nhờ sự phối hợp liên lỉ cạnh anh em, là những người đang thi hành sứ vụ của các Tông Đồ. Khi chia sẻ kinh nghiệm và ý kiến, ước gì tất cả mọi người hãy học cách dấn thân phục vụ con người và xã hội. Xin hãy tìm lại những nền tảng của quan niệm đích thực về con người, biết cởi mở hướng về siêu việt, được Đức Tin chiếu sáng về thân phận của mình, được học thuyết luân lý và xã hội của Hội Thánh hướng dẫn trong công việc và trong cuộc sống với tha nhân, và sau cùng trở nên anh em đối với mọi người, và là con đã được Thiên Chúa sáng tạo và cứu rỗi.

8. Đời Sống Cầu Nguyện

Anh em quý mến,

Xin anh em hãy dẫn đưa toàn thể Dân Chúa đã được ủy thác cho anh em, vào trong phong trào cầu nguyện nhiệt thành, để họ tiếp nhận ơn của Chúa Cứu Thế và đi vào con đường thánh thiện. Với lòng khiêm tốn thành thật, vô vị lợi, các tín hữu hãy biết chiếu tỏa ánh sáng đã lãnh nhận khi chịu phép Rửa tội, chiếu tỏa tình thương đã được chia sẻ trong bí tích Thánh Thể. Các tín hữu hãy hoạt động để canh tân Giáo Hội và đất nước của mình, trong tinh thần hòa giải, giữa các tín hữu Công Giáo với nhau tại những nơi cần thiết, giữa những tín hữu Công Giáo với những đồng bào khác xác tín tại những nơi nào sự chống đối nhau trở nên gay go. Ước gì không còn những cay đắng giữa các anh chị em cùng một dân tộc với nhau. Ước gì tất cả mọi người đều cởi mở đón nhận sự mới mẻ của Phúc Âm và hy vọng một thế giới hòa giải trong an bình.

9. Tình Hiệp Thông Của Đấng Kế Vị Thánh Phêrô

Cuối buổi nói chuyện này, tôi chỉ muốn nhắc lại với anh em rằng, người kế vị Thánh Phêrô rất gần gũi với anh em. Cho dù những cuộc gặp gỡ của chúng ta thật hiếm hoi, qua dòng thời gian, nhưng tình hiệp thông và tình liên đới của chúng ta thật sâu đậm. Và anh em có thể trông cậy vào những tâm tình huynh đệ của toàn thể các vị Chủ Chăn và các tín hữu của Giáo Hội.

Cùng với anh em, tôi khẩn cầu sự phù trợ của Thánh Phêrô và Thánh Phaolô, cũng như các Thánh Tử Đạo Việt Nam, cho Giáo Hội tại đất nước anh em. Tôi đặc biệt phó thác Giáo Hội Việt Nam, cho sự trung gian hiền mẫu của Đức Trinh Nữ Maria rất thánh. Và tôi thành tâm khẩn cầu cho chính anh em, cho các linh mục, tu sĩ nam nữ và giáo hữu trong các giáo phận của anh em được ơn phù trợ do Phúc Lành của Chúa Cha đầy tình thương yêu, của Chúa Con đã nhập thể làm người vì phần rỗi chúng ta, và của Chúa Thánh Thần ánh sáng và tình thương ban xuống.

24/11/1990

Gioan Phaolo II

No comments:

Post a Comment