Nhìn AiCâp Mong ViệtNam

Wednesday, April 13, 2011

Tui dự thi 'phong trào'

Chuyện Vỉa Hè

Tui dự thi 'phong trào'

Tui trở thành đoàn viên đoàn thanh niên cộng sản HCM từ năm 15 tuổi ở một trường cấp II nhà quê hồi năm 1983. Lúc đó, không có truyền hình và radio (không tiền mua và cũng không ai bán), không có báo chí (không tiền mua), không có sách đọc (không tiền mua), không xem hát hò giải trí (không tiền mua vé), không có Internet (dĩ nhiên) nên đoàn trường là nơi để cho bọn học sinh nhóc tha hồ tập trung lại hò hét, chạy nhảy, tí tửng... với nhiều trò chơi tập thể và là “tiêu chuẩn” để được dự thi đại học. Còn cán bộ đoàn thì thấy đứa nào học lực từ khá trở lên thì “túm lấy” kết nạp vào đoàn để cuối năm tổng kết có thành tích “phát triển đoàn.” Coi như trở thành đoàn viên thì hai bên đều “có lợi.”
Nhưng cũng từ đó, một nỗi khổ lớn hơn xuất hiện trong đời tui là tui suốt hai mươi năm tui phải gồng mình “dự thi” hết cuộc thi “tìm hiểu” này đến cuộc thi “tìm hiểu” khác do trung ương đoàn, tỉnh đoàn, thị đoàn... phát động, năm nào cũng lặp đi lặp lại nhân các ngày kỷ niệm cua đảng cộng sản VN, đoàn TNCS HCM, nhiều đến nỗi tui không còn nhớ nổi bản thân tui đã tham gia bao nhiêu cuộc thi rồi.

Hồi chưa có computer, bọn học trò chúng tui “dự thi” khá vất vả, tức là phải đốt cây đèn dầu lửa ống khói hột vịt nhỏ xíu ánh sáng leo lét, thức đêm thức hôm ngồi đưa thân “cúng muỗi” đến sần da để học bài rồi còn phải viết bài “dự thi” bằng cách trả lời hàng chục câu hỏi (về đảng, về đoàn), mỗi câu trả lời ít nhất 2 trang giấy học trò, để nộp cho bí thư chi đoàn lớp. Lớp sẽ gom bài nộp cho đoàn trường, đoàn trường nộp cho thị đoàn... Những năm là sinh viên đại học hay đã trở thành cán bộ công an thì có “khá” hơn một chút là viết bài dự thi dưới ánh sáng đèn điện.

Khi tui đã qua tuổi 20 cũng là lúc tui bắt đầu ngán tận óc o những trò tụ tập nam nữ thanh niên lại nhí nha nhí nhố ồn ào của đoàn TNCS HCM và cái sự “dự thi” lắm rồi, năm nào cũng đem bài cũ ra chép lại (có edit chút đỉnh) thiệt nó chán muốn chết, nhưng không có cách nào từ chối được, bởi cá nhân nào không có bài dự thi đồng nghĩa với bị xếp loại “đạo đức kém” (lỗi “không nhiệt tình với công tác đoàn”) nếu còn đi học, hay không được xếp loại “hoàn thành nhiệm vụ” (đồng nghĩa với không được tăng lương) thì có mà chết.

Từ năm 2001 trở về sau, computer bắt đầu được trang bị đại trà trong các cơ quan nhà nước, tuy không ngon lành như máy của các doanh nghiệp phần mềm nhưng nếu chỉ sử dụng để gõ văn bản, “copy and paste,” “edit and printers” thì máy tính cơ quan “trên cả tuyệt vời,” làm đám cán bộ trẻ bọn tui mừng húm.

Khi “ở trên” phát động cuộc thi, đưa câu hỏi xuống thì lãnh đạo đoàn cơ quan lén lén (chuyện “bí mật nội bộ” hổng dám nói lớn) “cử cán bộ” (thường là “cô em xinh xinh”) đi “quan hệ ngoại giao” kiếm xin đáp án. Nếu xin được đáp án là file Word copy vô đĩa mềm đem về là tốt nhất (em sẽ được các anh chị tung hô hết lời, thậm chí thay phiên nhau đãi em ăn sáng dài dài suốt tuần), nếu là bản in trên giấy thì chia ra tranh thủ cong lưng mỗi người ngồi vào máy gõ một trang rồi ráp lại thành 1 bài hoàn chỉnh. Sau đó copy ra mỗi người một bản đem về tự “thêm mắm dậm muối” vô cho khác nhau một tí (chớ chẳng lẽ để giống y chang nhau từng chữ), thêm họ tên, đơn vị của mình vô rồi “đường hoàng” nộp “bài của tui” cho cán bộ đoàn.

Trong cái “rừng” đại học tại chức ở cơ quan tui thì tui là đứa duy nhất “lỡ” tốt nghiệp đại học chính quy mà bài dự thi (mang tên tui) đọc lên nghe muốn ói thì “mất uy tín” tui, mà đầu tư công sức vô viết cho thiệt hay thì phần thưởng cũng không đến phần tui, nên dại gì mất công viết cho hay, tui không “dự thi” nữa là tốt nhất. Ðảng viên dưới 35 tuổi cũng phải tham gia sinh hoạt đoàn, nên ngày tui bước sang tuổi 36 (tức khỏi phải “dự thi dự thiếc” gì nữa của đoàn) tui vui đến nỗi muốn mở tiệc ăn mừng (nếu có tiền).

Thời gian năm 1997 đến 2001, cơ quan tui có vị lãnh đạo công tác phụ nữ buồn cười lắm. Hàng tháng, hội phụ nữ tỉnh đưa kế hoạch phải có phong trào dự thi (viết bài) hay văn nghệ văn gừng gì thì chị ta đem cái kế hoạch đó báo cáo Giám đốc để Giám đốc ra lịnh “sỉ xuống” lãnh đạo các phòng, lãnh đạo các phòng họp cán bộ lại “sỉ xuống” tiếp, kể cả cán bộ nam nếu cần thì cũng “lôi” đi luôn, ra lệnh kiểu này ai dám từ chối không tham gia. Gần đến ngày thi thì chị ta đi “gom quân” lại tập dợt rồi “lùa” đi thi. Làm công tác phụ nữ bằng cách “ôm chưn” giám đốc như chị ta thì ai cũng làm được, khỏi cần trình độ gì ráo. Tuy nhiên, năm nào chị ta cũng ôm đống đống bằng khen, giấy khen đủ các cấp do... “có thành tích trong phong trào (A, Bờ, Cờ gì đó),” còn bọn “thí sinh” như tụi tui thì không đứa nào có được tờ giấy để chùi... Cái phong trào của hội phụ nữ này nhớ lại thiệt đáng sợ còn hơn phong trào của đoàn thanh niên nữa, bởi đoàn thanh niên còn giới hạn tuổi tham gia chớ hội phụ nữ thì bạn có gần “xuống lỗ” bạn cũng là phụ nữ, không trốn đi đâu được.

Cán bộ lực lượng vũ trang (quân đội, công an) công chức cơ quan nhà nước nếu không là đoàn viên thì là đảng viên (không có cái loại “quần chúng tự phát”), tức là “lực lượng tiềm năng” bị bắt buộc tham dự tất cả các cuộc thi “trên từng cây số.” Tính đến năm 2006, tổng số biên chế cán bộ, công chức của cả nước là 1,971,172 người, không kể lực lượng quân đội và công an. Ngoài ra, còn có một lực lượng “ba sẵn sàng” được “lùa” đi dự thi tất cả các cuộc thi do đảng, đoàn, nhà nước phát động là sinh viên các trường được “nhà nước ta” đài thọ 100% kinh phí (sinh viên không phải đóng học phí) là: quân đội, công an, công đoàn... chưa biết chính xác tổng số cả nước bao nhiêu sinh viên.

Hôm qua, Tuổi Trẻ ngày 10 tháng 4, 2011 giật cái tít “Hứng khởi với Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh” và câu “Hơn 39,700 thí sinh đăng ký dự thi và 9,993 bài dự thi trong buổi thi đầu tiên” mà tui thấy mắc cười quá chừng. Hình ảnh kèm theo bài báo cho thấy thí sinh phần lớn là sinh viên trường đại học an ninh thuộc Bộ Công An.

Nhận xét về môn học chủ nghĩa Mác-Lênin, PGS.TS Vũ Tình - giám đốc Trung tâm lý Luận Chính Trị Ðại Học Quốc Gia TP.HCM thừa nhận “giữa lý luận và thực tiễn có một khoảng cách.” “Ăn cơm dưới đất, nói chuyện trên trời,” lý luận và thực tiễn chẳng ăn nhập gì với nhau hết thì có “hứng khởi” thiệt hông mấy cha nhà báo? So con số tui đã dẫn ở trên với con số báo Tuổi Trẻ nêu thì tui e rằng người ta “lùa” thí sinh đi thi chưa đủ số? Và số thí sinh đang dự thi hổng biết có bao nhiêu người đã “bị dự thi” giống như tui???

No comments:

Post a Comment