Nhìn AiCâp Mong ViệtNam

Tuesday, April 19, 2011

Những bữa cơm hai mặt Sài Gòn

Giàu có, vương giả chen lẫn với khốn khổ, bần cùng



SÀI GÒN - Chạy trốn cái nắng nghiệt ngã, thời tiết mới lạnh cóng đã chuyển sang nắng cháy da cháy thịt của miền Trung, tôi dắt đứa em lang thang Sài Gòn. Với nó, Sài Gòn còn quá mới lạ, lần đầu tiên nó đến đây. Và cũng lần đầu tiên nó chứng kiến một Sài Gòn mà theo như nó nói là quá khó chịu, bứt rứt và nhiều người đi bán vé số, đi bán hàng rong chưa từng thấy.

Ngày đầu, tôi chở nó đi dọc đường Ðiện Biên Phủ, nó lắc đầu: “Trời ơi, kẹt xe kinh khủng, ở đây có cảm giác như người ta không còn là những con người ngồi trên xe mà là những đoàn xe máy đang chạy theo kiểu bầy kiến!”

Cũng lạ, giữa cái xứ “ngựa xe như nước áo quần như nêm,” giữa cái nơi tôi từng tới lui không biết bao nhiêu lần, từng lăn lóc từ xó chợ này đến vỉa hè kia trong thời đi bụi, rồi vào đại học... Nhưng sao tôi thấy Sài Gòn lúc nào cũng mới lạ, cũng có chút gì đó buồn buồn nấp sau sự ồn ào, náo nhiệt của nó.

Có thể nói rằng không có thành phố nào trên đất nước Việt Nam năng động, náo nhiệt hơn Sài Gòn.

Cũng có thể nói rằng không có thành phố nào ở Việt Nam lại giống cái nồi lẩu tả pí lù hơn Sài Gòn. Cái hào nhoáng đi song song với cái ám tối và xám xịt; giàu có, vương giả nằm chen lẫn với khốn khổ, bần cùng.

Và không có nơi nào dễ nhận diện hai mặt của nó nhanh hơn ở Sài Gòn. Nhìn sang phải là chiếc Rollroy, Mecerdes hay Toyota mới cáu, liếc sang trái đã thấy người ăn mày ngồi ngủ co ro dưới hiên lạnh hay người bán vé số ngồi thiu thiu dưới bóng cây. Mới ngước lên trên đã thấy cao ốc chót vót, nhìn xuống dưới lại thấy những mái nhà lụp sụp giữa xóm nước đen, vô lối...

Sài Gòn có những nhà hàng mà ở đó, chỉ cần trong một bữa tiệc nhỏ, một bữa ăn không có gì là cao lương mỹ vị người ta đã chi ra cả mấy trăm đô la, một số tiền nhiều bằng cả một gia đình lao động nghèo sống trong xóm nước đen chi tiêu cho cả năm trời. Bởi mỗi bữa ăn cho gia đình năm, sáu người, có khi cả mười mấy người cho một ngày của họ chỉ tốn chưa tới bốn chục ngàn đồng.

Một ngày, cái khái niệm thời gian ấy cũng khác màu khi đặt nó trong một biệt thự và trong một mái nhà lợp tôn tạm bợ, chưa biết sẽ bị di dời theo qui hoạch, theo chính sách... bất cứ giờ nào.

Một ngày của người giàu, công chức ở Sài Gòn là văn phòng, máy lạnh, cà phê, ngồi tán gẫu, chat qua mạng, những cú áp phe hàng triệu, hàng tỉ đồng, thậm chí hàng trăm tỉ đồng, những cuộc hẹn hò nơi khách sạn sang trọng với mùi nước hoa cao cấp... Một ngày của người nghèo với xe kẹo kéo, xe mì gõ, gánh ve chai, chiếc xe đạp cà tàng đi qua phố cùng tiếng rao mài dao mài kéo...

Ðêm Sài Gòn của giới có tiền ăn chơi thâu đêm suốt sáng, rượu chảy, tiền đốt, Sài Gòn không có đêm!

Ðêm Sài Gòn với những cô cậu không nhìn thấy tương lai, đốt đời vào những quán nhậu, vũ trường, bar và rượu, đốt luôn cả một ngày trong ngủ vùi.

Ðêm Sài Gòn của những người bất phùng thời lang thang trong hẻm sâu, mắt sâu soi xoáy vào ký ức.

Ðêm Sài Gòn của những người ngủ bụi lạnh không tấm chăn, của những cụ già tám chín mươi tuổi lạnh co dưới gầm cầu.



Sài Gòn với những quán cơm giữa chợ, cho cảm giác tạm bợ, chơi vơi, buồn khó tả...

Một ông bạn nhà thơ nói: “Nếu chịu khó đi dạo một vòng quanh các chợ Sài Gòn, sẽ gặp những quán cơm nằng nặng, u uất và những số phận buồn hiu hắt, ở đó bạn sẽ gặp nhiều chuyện lắm!”

Tôi dắt đứa em vào chợ Tân Bình, cũng như bao chợ khác, cũng ngần ấy thức hàng, có khác chăng là số lượng hàng hóa nhiều hơn và rẻ hơn bởi đây là chợ đầu mới của các loại hàng vải vóc, thực phẩm... Nhưng, buổi trưa, các quán cơm trong chợ đông người, sự đông đúc của nó không cho cảm giác vui mà làm đứa em tôi rươm rướm, nó muốn khóc.

Sau khi đã tự làm “nguội” mình, nó nói: “Sao những gương mặt của họ (người đang ăn cơm) buồn quá vậy hả anh? Hình như họ đang nuốt vội nỗi khổ của mình thì phải, họ không ăn, họ đang nuốt khổ!” Nói tới đây, giọng nó nghẹn lại.

Nó làm tôi cũng thêm ngậm ngùi trong phút chốc, tội nghiệp nó, một sinh viên kinh tế vừa tốt nghiệp loại xuất sắc, nó vào Sài Gòn với ý nghĩ xanh non rằng mình sẽ học hỏi sự năng động của Sài Gòn lẫn trong cái nhộn nhịp của nó để tìm cho mình một hướng đi. Nhưng rồi thật sự buồn sau hai ngày có mặt ở Sài Gòn, nó chỉ muốn về quê ngay tức khắc.

Những gương mặt của người lao động, nếu như trong giờ phút làm lụng vất vả, bốc vác, tranh giành khách hàng... họ căng thẳng, bực bội bao nhiêu thì lúc ngồi ăn cơm, nét buồn tủi, não nùng lại hiện lên trên gương mặt khắc khổ, cam phận của họ bấy nhiêu.

Ở những quán cơm trong các chợ Tân Ðịnh, Bà Chiểu, Thị Nghè, Gò Vấp, Bà Hoa... thậm chí chợ Lớn cũng chẳng cho cảm giác khác mấy.

Chị Hương, chủ quán cơm ở Chợ Lớn cho biết: “Ở đây có mấy người ăn xin, họ cứ đúng giờ lại ghé quán chị ăn cơm, họ ngồi cùng mấy người phu khuân vác trong chợ, mỗi bữa họ gọi một dĩa cơm chừng năm ngàn đồng, mười ngàn đồng. Giá một dĩa cơm chị bán là mười lăm ngàn đồng em à. Nhưng vì họ nghèo, họ muốn được ngồi ăn cơm trên ghế cho đàng hoàng, họ lại vào đây, và chị bán. Vậy thôi em à!” Nói xong chị mỉm cười, đôi mắt đẹp, hiền và thoáng buồn.

Nếu như nói rằng Sài Gòn nhộn nhịp, năng động, là nơi chốn của cơ hội, là mảnh đất hy vọng... Dường như không có gì sai. Nhưng e rằng thiếu, vì cần phải nhận biết rằng câu nói ấy được dùng ở những năm trước 1975.

Còn bây giờ, đó là mảnh đất của mất mát, có biết bao gia đình lưu vong khi trở về nhìn ngôi nhà xưa của mình bằng con mắt rướm lệ của một “kẻ lạ.” Và cũng có không ít những thanh niên, sinh viên ra trường vào đây với hy vọng lập nghiệp đã trở về trong nỗi ê chề, tuyệt vọng. Bởi Sài Gòn bây giờ không còn mang tên của nó, và cũng không còn là hòn ngọc viễn đông.

Một Sài Gòn chật chội, kẹt xe và ngột ngạt, không lối thoát của những thân phận làm thuê đến từ tứ xứ.

Một Sài Gòn có nguy cơ ngập lụt, vùng tự do của những con chuột bơi trên phố cùng con người.

Một Sài Gòn với những cuộc đình công có thể diễn ra bất cứ giờ phút nào ở các khu công nghiệp bởi người lao động không thể gánh nổi đời sống trên đôi vai tiền lương èo ọp.

Một Sài Gòn với hai mặt sấp ngửa, kẻ giàu người nghèo, kẻ mất - người được, kẻ ăn không hết - người làm không ra, kẻ sống tận đỉnh lạc thú - người lam lũ tận đáy lầm than... Với thứ gần nhất, tục lụy nhất, dễ nhìn thấy diện mạo của đời sống nhất - bữa cơm, nó cũng mang hai mặt của Sài Gòn.

No comments:

Post a Comment