Nhìn AiCâp Mong ViệtNam

Friday, April 15, 2011

Kinh tế Việt Nam khó ổn định

SINGAPORE (TH) - Nền kinh tế của Việt Nam sẽ trở lại ổn định hay không còn tùy Hà Nội có giữ cam kết giới hạn tín dụng từng cấp phát vung vãi những năm trước đó.

Công ty tham vấn đầu tư quốc tế Standard and Poor (S&P) kết luận như vậy về nền kinh tế Việt Nam khi phân tích rằng còn quá sớm để biết kết quả về các giải pháp về chính sách của nhà nước Việt Nam, gồm cả giới hạn tăng trưởng ngân sách và siết chặt chính sách tiền tệ.

Kim Eng Tan, phân tích gia của S&P tại Singapore viết trong một bản nhận định ngày 11 tháng 4, 2011: “Nguy hiểm của vấn đề rất cao vì nhà cầm quyền Việt Nam có thể không kiên quyết đi tới cùng khi đưa ra những biện pháp như vậy.”

Nhà cầm quyền Việt Nam loan báo dự trù cắt giảm tăng trưởng tín dụng (cấp cho các tập đoàn, tổng công ty, xí nghiệp đảng đoàn quốc doanh) xuống còn dưới 20% thay vì hơn 23% như năm trước. Ðồng thời siết chặt chính sách tiền tệ trong khi giá xăng giá điện đẩy lên cao và giá trị đồng tiền sụt giảm làm tăng lạm phát.

Ngân hàng nhà nước tăng lãi suất tái tài trợ từ ngày 1 tháng 4, 2011 và dự trù bắt buộc các ngân hàng gia tăng tỉ lệ dự trữ ngoại hối từ tháng 5.

“Hiện còn quá sớm để kết luận là tình hình kinh tế (của Việt Nam) đang ổn định hay dù là có cải thiện.” Ông Tan viết. “Kết quả tùy thuộc vào khả năng của các người làm chính sách có thực hiện lời cam kết hay không.”

Lạm phát của Việt Nam lên đến 13.89% trong tháng 3, 2011, mức cao nhất từ tháng 2, 2009 trong khi thâm thủng mậu dịch lên thành $1.15 tỉ cũng trong tháng 3 trong khi thâm thủng hồi tháng 2 trước đó là $1.1 tỉ, theo các con số thống kê sơ khởi.

Sự ổn định tài chính của Việt Nam đã mất thăng bằng vì chỉ số giá tiêu thụ tăng quá nhanh so với các nước trong khu vực trong khi thâm thủng mậu dịch kinh niên, ông Tan nhận định.

Nguy cơ khốn đốn tài chính của Việt Nam đã có hậu quả xấu đối với mức độ khả tín của nhà cầm quyền khi cần đến tín dụng quốc tế, theo nhận định của S&P từng hạ thấp thứ bậc của Việt Nam trên bảng thang điểm lượng giá đầu tư hồi tháng 12 năm ngoái.

Thời gian này đang nổ lớn vụ tập đoàn đóng tầu Vinashin không trả nổi số tiền đầu tiên đã đáo hạn trong số nợ $600 triệu của một số ngân hàng và công ty đầu tư tài chính quốc tế.

Cho đến nay, S&P vẫn giữ vị trí của Việt Nam ở mức “tiêu cực” để đầu tư trên bảng đánh giá nợ tín dụng quốc gia bằng ngoại tệ.

Cả hai tổ chức lượng giá đầu tư quốc tế khác, Moody's Investors Service và Fitch Ratings, cũng đều hạ thấp vị trí của Việt Nam trên bảng lượng giá của họ hồi năm ngoái.

Ngân Hàng Thế Giới hồi tháng 2, rồi gần đây Ngân Hàng Phát Triển Á Châu đều cho hay, dự trữ ngoại tệ của Việt Nam chỉ còn khoảng $12.4 tỉ hồi cuối năm 2010 trong khi cuối năm 2009 còn được $14.1 tỉ và một năm trước đó còn những $23 tỉ.

“Nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam đã loay hoay khó khăn tìm ngoại tệ để hoạt động.” Ông Tan viết. “Người Việt Nam đổ xô mua ngoại tệ và vàng (vì không tin tưởng vào giá trị đồng bạc nội tệ) nên đã làm cho đồng bạc khi trao đổi trở nên yếu.”

No comments:

Post a Comment