Nhìn AiCâp Mong ViệtNam

Sunday, April 17, 2011

Hệ thống tam quyền phân lập của Việt Nam

Tình trạng xem thường luật pháp tại Việt Nam ngày một nghiêm trọng hơn. Công an muốn bắt ai cũng được, tòa án muốn xử bao nhiêu năm cũng không bị bất cứ một giám sát chế tài nào.Liệu hai tiếng pháp quyền mà Việt Nam đang xử dụng thực chất là gì? Mặc Lâm phỏng vấn LS Lê Quốc Quân người đã hai lần bị giam giữ không có nguyên nhân để tìm hiểu thêm về hệ thống tam quyền phân lập của Việt Nam ra sao, mời quý vị nghe sau đây.


Mặc Lâm: Thưa luật sư Lê Quốc Quân, dưới quan điểm của một luật sư ông có nhận xét gì về bản án mà tòa án nhân dân thành phố Hà Nội vừa tuyên cho TS luật Cù Huy Hà Vũ?


LS Lê Quốc Quân: Tôi cho rằng bản án ấy là một bản án bất hợp pháp. Bản án ấy tự nó đã là vô hiệu rồi. Thứ hai, xét về mặt con người thì bản án ấy là bản án phi nhân tính. Tại sao tôi nói bản án ấy là bất hợp hiến bởi vì muốn ra một phán quyết thì bao giờ tòa án cũng phải lắng nghe tất cả các bên. Phải thực hiện đúng một quy trình tố tụng và phải nêu ra những bằng chứng chống lại công dân đó. Phải nêu ra và phân tích các bên, sau đó dựa vào bằng chứng để quyết định là có tội hay không có tội và nếu có tội thì tội ấy ở mức độ nào.

Thế nhưng khi các luật sư trình bày yêu cầu đưa các chứng cứ ra thì họ lại nói không cần trình bày các chứng cứ! Như vậy bản thân các chứng cứ buộc tội anh Cù Huy Hà Vũ đã không được xem xét. Thế mà tòa vẫn tuyên án thì rõ ràng là không hợp pháp, không hợp lý và không đúng quy trình. Nếu xét về con người theo tôi thì anh Cù Huy Hà Vũ là con người có công mà lẽ ra nhà nước này nên cám ơn chứ không thể tuyên một bản án 7 năm tù cộng 3 năm quản chế. Bản án này rất phi nhân tính, nó mang tính trả thù rất thô thiển. Trả thù mà cứ nói là tôi trả thù thế thôi, chứ không nói lên được cái lý do hoặc căn cứ nào cả!


Cá nhân tôi phản đối bản án đấy và tôi cho rằng đây là một bản án bất nhân đối với anh Vũ và đối với tất cả những người yêu mến đất nước Việt Nam này. Yêu mến một nền tư pháp độc lập.

Chỉ có hình thức

Mặc Lâm: Ông có nhận xét gì về yếu tố pháp quyền hiện nay tại Việt Nam? Liệu có đúng với những gì được ghi trong bản Hiến pháp của nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam hay không?


LS Lê Quốc Quân: Xét về mặt hình thức thì nó cũng có đầy đủ, thế nhưng thực tiễn áp dụng không được như thế. Mà nếu moi ra thực tiễn áp dụng này thì rất khó. Khó là vì thế này: tất cả những chuyện điều hành và quản lý đối với tư pháp mặc dù có luật nhưng Đảng Cộng sản vẫn là người quyết định. Trong mỗi tòa án đều có chi bộ. Trong ngành của họ còn có đảng bộ và mỗi một vụ án thì họ có họp và chỉ trong nội bộ mới biết là được chỉ đạo như thế nào thôi, và gần như chỉ đạo như thế rồi thì coi như tất cả những người thực thi bên dưới đều sẵn sàng ngồi lên trên pháp luật.

Cho nên đối với trường hợp của tôi cũng thế, hai ba lần va chạm với các cơ quan công quyền. Nếu tôi khởi kiện hoăc yêu cầu họ tiến hành đầy đủ các trình tự pháp lý thì họ tiến hành rất là bài bản! Có vẻ như rất chuẩn mực nhưng rồi đột ngột, chính họ, chính những người thực thi, đột ngột có một quyết định nào đó ở trên hay một chỉ đạo … bởi vì vẫn trong tinh thần đảng lãnh đạo thì y như rằng toàn bộ quy trình bài bản, thủ tục họ đã tiến hành liền bị họ vứt vào sọt rác luôn! Họ phải làm theo một hướng khác, hoàn toàn theo như chỉ đạo.


Hướng chỉ đạo này được nói rằng trong khuôn khổ pháp luật nhưng nó không bao giờ đi đúng trình tự pháp luật. Thậm chí để moi ra được những điều vi hiến, hay những gì đi ngược lại hiến pháp thì rất khó. Khó bởi cái nghị quyết đó nó chỉ nằm trong nội bộ của những người đảng viên đảng cộng sản thôi.


Thiệt thòi cho dân tộc
Mặc Lâm: Tình trạng không tôn trọng quy tắc tam quyền phân lập của Việt Nam đã ảnh hưởng thế nào đến đời sống pháp luật của người dân thưa LS?


LS Lê Quốc Quân: Thực sự nó ảnh hưởng rất lớn! Bởi vì nói tam quyền phân lập là nói đến Lập pháp, Tư pháp và Hành pháp phải độc lập, phải kiềm chế và đối trọng lẫn nhau. Còn ở đây, đảng cộng sản Việt Nam lại đưa ra khái niệm quyền lực tập trung vào đảng cộng sản nhưng có sự phân công phối hợp. Có nghĩa là quyền lực tối cao vẫn chỉ tập trung vào những người cộng sản. Mà người cộng sản có chiếm bao nhiêu phần trăm đâu, 3,5% trong toàn bộ 86 triệu dân này.


Chính vì vậy người dân chịu sự tác động của những người lãnh đạo này, và khi lãnh đạo thì họ lãnh đạo luôn cả Hành pháp, Tư pháp và Lập pháp!


Khi lãnh đạo mà như thế thì ý chỉ thế nào thì con dân phải chịu như vậy. Các cửa mà họ có thể kêu cứu, hoặc thậm chí khởi kiện hay tìm cách để tấn công những vấn đề sai trái cũng không có cửa cho họ. Bởi vì nếu Hành pháp sai kiện theo thủ tục hành chính thì họ cũng đẩy lên lãnh đạo của đảng ở bên trên. Nếu Tư pháp sai mình kiện lên Viện kiểm sát thì cũng được đẩy lên lãnh đạo của đảng! Và bản thân cao hơn nữa muốn làm một điều gì đó, căn cứ vào bộ luật để kiện lên Quốc hội thì Quốc hội lại cũng đẩy lên lãnh đạo đảng! Do vậy họ xác quyết rất rõ là Đảng Cộng sản lãnh đạo!

Ba cái quyền với sự phân công bên dưới chẳng qua là một sự điều phối, được đá đi đá lại vòng vo mà không phá vỡ một nhánh nào để cho người dân có quyền kêu cứu, phản đối hay thậm chí tấn công để giải quyết quyền lợi và nghĩa vụ của họ. Đó chính là thiệt thòi lớn mà tôi cho là thiệt thòi của cả dân tộc Việt Nam.


Mặc Lâm: Sau khi bị bắt lần trước và bị giam giữ hơn ba tháng ông đã bị rút giấy phép tranh cãi trước tòa, tuy nhiên vẫn giữ được quyền tư vấn luật cho khách hàng, LS có nhận thấy là nếu tiếp tục tranh đấu như trong thời gian vừa qua thì sẽ ảnh hưởng đến việc kinh doanh của ông hay không?


LS Lê Quốc Quân: Sau những biến cố đó thì tôi có thêm uy tín và thực sự có những khách hàng họ đến với mình vì cần nội dung tư vấn hơn chứ không cần con dấu hay một tư cách pháp nhân. Họ đến vì bản chất sự việc và tôi giải quyết sự việc đó cho họ. Họ vẫn đến cho nên mình vẫn có khách hàng.


Ngoài ra có một số tổ chức quốc tế họ thấy mình bất đồng chính kiến, nhưng mình là người trung thực và có tinh thần chống tham nhũng hay đòi hỏi những sự công khai, minh bạch, dân chủ do vậy trong một số hợp đồng liên quan đến những vấn đề đó trong tương quan với chính phủ Việt Nam thì họ cũng muốn mình xem xét với tư cách là một luật sư tư vấn và chỉ cần ký cái tên của tôi thôi chứ không cần đóng dấu luật sư.


Cần phải cải tổ


Mặc Lâm: Xin ông một câu cuối, sau khi bị bắt vô cớ và được thả ra rất tùy tiện ông có thay đổi quan điểm của mình về hệ thống luật pháp Việt Nam cũng như nhận xét của ông về các cơ quan thi hành luật hay không?

LS Lê Quốc Quân: Tôi hoàn toàn không thay đổi mà một lần nữa tôi lại trải nghiệm được chuyện đấy. Đó là họ có thể bắt người một cách vô cớ mà chỉ cần nói: đây là luật sư Lê Quốc Quân, bắt cái thằng này! Tức là con người ta bị bắt không phải vì hành vi mà vì nhân thân. Khi bắt thì đã đành rồi khi thả ra cũng hoàn toàn như anh dùng là tùy tiện. Khi thả là thả!


Nghe nói rất nhiều, nhưng chính cá nhân tôi là những bằng chứng sống động và tôi trải nghiệm nó từng ngày từng giờ về những chuyện đó. Tôi chỉ khẳng định thêm là hệ thống tư pháp này cần phải cải tổ. Đất nước này cần phải xây dựng một nhà nước pháp quyền chứ không thể để tùy tiện mãi như thế này. Cuối cùng chính người dân mới là những người chịu đau khổ nhất. Quan điểm của tôi không thay đổi một tí nào.


Mặc Lâm: Xin cám ơn Luật Sư Lê Quốc Quân.

No comments:

Post a Comment