Việt Nam đang tăng cường hợp tác với Trung Quốc về mặt an ninh, quốc phòng, tư pháp để "đấu tranh chống các thế lực thù địch chống phá sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở mỗi nước".
Ngày 8/4 vừa qua, trên nguyên tắc, hai thành viên giáo phái Pháp Luân Công ở Việt Nam Vũ Đức Trung và Lê Văn Thành bị đem ra xử vì tội lắp đặt hệ thống máy phát sóng radio trái phép tại nhà để « tuyên truyền chống lại nước khác ». Báo chí chính thức không nói rõ « nước khác » là nước nào, nhưng ai cũng biết đó là Trung Quốc, nơi mà chính quyền đàn áp thẳng tay giáo phái Pháp Luân Công. Theo nguồn tin của tờ Đại Kỷ Nguyên Thời Báo, một tờ báo chuyên về thời sự Trung Quốc, ấn hành tại New York, chính phủ Việt Nam đã bắt giữ Vũ Đức Trung và Lê Văn Thành vào tháng 6 năm ngoái, sau khi nhận được một công văn từ Đại sứ quán Trung Quốc ngày 5/3/2010 gởi cho Bộ Công an Việt Nam. .
Nhưng bất ngờ vào giờ chót, phiên xử nói trên đã được hoãn lại. Theo nhận định của Đại Kỷ Nguyên Thời Báo, khi truy tố hai thành viên Pháp Luân Công nói trên, Việt Nam bị kẹt giữa một bên là yêu cầu của Trung Quốc, đòi phải trừng trị hai kẻ dám tuyên truyền chống Bắc Kinh, và bên kia là phản ứng của cộng đồng quốc tế, xem vụ xử này là một hành động vi phạm quyền tự do báo chí và tự do tín ngưỡng. Hơn nữa, phiên xử hai thành viên Pháp Luân Công nếu đúng theo dự trù thì đã diễn ra ngày 8/4, tức là chỉ vài ngày sau phiên xử tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ 4/4, một phiên xử đã bị dư luận Việt Nam và quốc tế phản đối kịch liệt. Chính quyền Hà Nội hoãn phiên tòa sang một thời điểm khác có lẽ để tránh bớt áp lực quốc tế.
Điều đáng nói là vụ truy tố hai thành viên giáo phái Pháp Luân Công xảy ra trong bối cảnh mà Việt Nam đang tăng cường hợp tác với Trung Quốc về mặt an ninh, quốc phòng cũng như tư pháp. Từ ngày 12 đến 15/4 vừa qua, một phái đoàn của Quân ủy Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, đứng đầu là Phó chủ tịch Quách Bá Hùng, đã đến thăm Việt Nam. Đây là phái đoàn quân sự cao cấp nhất của Trung Quốc đến Việt Nam trong thời gian gần đây. Tuy chỉ là Phó chủ tịch Quân ủy trung ương, nhưng tướng Quách Bá Hùng đã được cả Tổng bí thư kiêm Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng, lẫn Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp đón long trọng.
Cũng trong thời gian đó, Ủy viên Bộ chính trị, Bộ trưởng Công an Việt Nam Lê Hồng Anh đến thăm Trung Quốc. Chuyến đi này dường như không được báo chí trong nước loan tải, nhưng được Tân Hoa Xã tường thuật. Khi tiếp ông Lê Hồng Anh, ông Chu Vĩnh Khang, Ủy viên thường vụ Bộ chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã kêu gọi hợp tác thiết thực với Việt Nam trong lĩnh vực an ninh và thi hành luật pháp. Theo Tân Hoa Xã, đáp lời ông Chu Vĩnh Khang, Bộ trưởng Lê Hồng Anh cho biết, « Đảng và Chính phủ Việt Nam coi trọng cao việc hợp tác giữa cơ quan hành pháp và an ninh hai nước, sẵn sàng cùng với Trung Quốc bảo vệ sự lãnh đạo của Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa của hai nước. »
Bên cạnh an ninh và quốc phòng, Việt Nam và Trung Quốc cũng đang đẩy mạnh hợp tác về tư pháp, qua chuyến đi Việt Nam của Chánh án Toà án Nhân dân Tối cao Trung Quốc Vương Thắng Tuấn từ ngày 16 đến 20/4. Khi tiếp ông Vương Thắng Tuấn hôm qua, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã tuyên bố là ngành tòa án hai nước « cần tăng cường hợp tác đấu tranh với những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch trong việc xét xử tội phạm của mỗi nước », cũng như "đấu tranh chống các thế lực thù địch chống phá sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở mỗi nước".
« Thế lực thù địch » là nhóm từ cũng đã được sử dụng trong cuộc hội đàm giữa Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Phó chủ tịch Quân ủy trung ương Quách Bá Hùng, ngay cả khi nói về vấn đề lãnh thổ. Theo báo điện tử của chính phủ Việt Nam, Thượng tướng Quách Bá Hùng, tuy đồng với quan điểm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong việc xem xét, giải quyết vấn đề về Biển Đông, nhưng cũng yêu cầu Hà Nội « cảnh giác trước âm mưu của các thế lực thù địch nhằm chia rẽ quan hệ hợp tác hữu nghị, truyền thống tốt đẹp giữa hai nước Việt Nam và Trung Quốc.»
Chưa biết là hai nước vừa giải quyết vấn đề Biển Đông mà lại phải lo chống các « thế lực thù địch » như thế nào, nhưng trước mắt, theo tin báo chí trong nước, Việt Nam và Trung Quốc sẽ sớm thỏa thuận về việc khai thác du lịch Thác Bản Giốc, ở biên giới hai nước, theo kết quả cuộc thảo luận giữa Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Hồ Xuân Sơn với người đồng nhiệm Trung Quốc Trương Chí Quân hôm qua.
No comments:
Post a Comment