Tổ chức ân xá quốc tế hôm 28 tháng 3 đưa ra một bản báo cáo về việc thi hành án tử hình trên thế giới năm 2010. Theo báo cáo này, trên thế giới hiện đã có 96 nước loại bỏ án tử hình hoàn toàn và có 31 nước đã bỏ việc thi hành án tử hình.
Số lượng án tử hình cũng đã giảm từ 714 người năm 2009 xuống còn 527 người năm 2010. Tuy nhiên Tổ chức Ân xá quốc tế vẫn tỏ ra quan ngại về tình hình thi hành án tử hình ở một số quốc gia và châu lục đặc biệt là châu Á, châu Phi và Trung Đông, trong đó Trung Quốc là một điển hình. Việt Hà có cuộc phỏng vấn với bà Roseann Rife liên quan đến bản báo cáo mới này. Bà Roseann Rife hiện Phụ trách các dự án đặc biệt thuộc các vấn đề toàn cầu của Tổ chức Ân xá quốc tế. Trước hết bà Rife cho biết vắn tắt về bản báo cáo năm 2010 như sau:
Tiến bộ lẫn thụt lùi
Roseann Rife: trong năm 2010 tổ chức Ân xá quốc tế ghi nhận cả những tiến bộ lẫn những thụt lùi trên thế giới liên quan đến việc loại bỏ án tử hình. Nhưng điều quan trọng là trong vòng khoảng 10 năm qua chúng ta thấy có nhiều tiến bộ hơn, ví dụ như có 31 nước đã loại bỏ án tử hình trong luật pháp và trên thực tế. Một số nhỏ các nước vẫn sử dụng án tử hình thực sự đang đi ngược lại xu hướng này.
Con số những án tử hình được thi hành trong năm 2010 đã giảm xuống, nhưng đây chỉ là những số tối thiểu, và nó không bao gồm hàng ngàn án tử hình mà chúng tôi cho rằng đã xảy ra ở Trung Quốc, vì tại nước này thông tin về án tử hình vẫn là bí mật quốc gia, đặc biệt là bây giờ chính phủ Trung Quốc nói rằng họ đã có những bước tiến trong việc giảm sử dụng án tử hình. Vì vậy, chúng tôi đã đề nghị họ phải công khai số án tử hình ra công chúng và quốc tế, để họ có thể chứng minh những điều mình nói.
Việt Hà: Vậy những khu vực và quốc gia nào trên thế giới hiện vẫn thi hành nhiều án tử hình nhất và đáng quan tâm nhất trong bản báo cáo này?
Roseann Rife: hai khu vực có nhiều án tử hình nhất vẫn là Trung Đông, Bắc Phi và châu Á Thái Bình Dương, ở đây ta phải chú ý là mặc dù chúng tôi đặt chung châu Á vào với Thái Bình Dương theo địa lý nhưng khu vực Thái Bình Dương không thôi trên thực chất không thực hiện án tử hình năm 2010. Năm nay chúng tôi vẫn thấy những nước vẫn tiếp tục nằm trong top 10 nước kể từ năm 2003 đến giờ, đó là Trung Quốc, Iran, Ả rập Saudi, Hoa Kỳ và Yemen.
Việt Hà: Chính phủ các quốc gia này có đưa ra lời hứa hay đã thực hiện những biện pháp nào để giảm việc thi hành án tử hình trên thực tế chưa thưa bà?
Roseann Rife: Trung Quốc hiện tại đã có những thay đổi trong luật hình sự, giảm 13 số tội phải chịu án tử hình. Nhưng trên thực tế chúng tôi thấy đó là những tội mà họ không có án tử hình trong thời gian gần đây, cho nên chúng ta không thể chắc về nhữngtiến bộ trong việc giảm án tử hình thực sự tại Trung Quốc.
Tại Hoa Kỳ, chúng tôi thấy là năm 2010, các nhà lập pháp tại bang Illinois đã bỏ án tử hình và ông thống đốc đã ký thành luật trong năm 2011 và như vậy là Hoa kỳ có 16 bang bỏ án tử hình. Cho nên ở đó ta thấy có tiến bộ. Tuy nhiên chúng tôi rất quan ngại đối việc sử dụng án tử hình đi ngược lại luật pháp quốc tế, ví dụ như việc sử dụng án tử hình đối với những tội không nghiêm trọng bao gồm áp dụng án tử hình với tội buôn lậu ma túy tại châu Á. Đây là nơi tội này bị áp dụng án tử hình nhiều nhất, đặc biệt là ở Trung Quốc và Việt Nam.
Án tử hình ở Việt Nam
Việt Hà: Bà có nói đến Việt Nam, nếu nhìn vào danh sách 10 nước thi hành nhiều án tử hình nhất năm 2010, Việt Nam đã không nằm trong danh sách này, trong khi đó Việt Nam đã nằm trong danh sách 10 nước các năm trước. Liệu ta có thể coi đây là một tiến bộ mà Việt Nam đã đạt được không?
Roseann Rife: cũng giống như Trung Quốc, án tử hình ở Việt Nam được coi là bí mật quốc gia, cho nên không có sự rõ ràng ở Việt Nam khi thu thập các thông tin về số án tử hình được thi hành. Tổ chức Ân xá quốc tế đã đề nghị chính phủ Việt Nam cung cấp thông tin và họ đã không trả lời, trừ Bộ Tư pháp có trả lời là đây là vấn đề thuộc phạm vi quản lý của Bộ Nội Vụ. Cho nên lấy thông tin này ở Việt Nam là rất khó. Tuy nhiên, chúng tôi có nhận được những báo cáo là năm 2010 Việt Nam có 24 án tử hình cho tội buôn bán vận chuyển ma túy, và 10 án tử hình vì tội giết người. Ngoài ra chúng tôi cũng quan ngại đối với những phiên tòa xử ở Việt Nam không theo đúng các tiêu chuẩn của quốc tế và do đó không công bằng.
Việt Hà: Việt Nam đã giảm số tội bị kết án tử hình từ 44 xuống còn 22 tội, trong khi đó tội chống phá nhà nước, đe dọa an ninh quốc gia ở Việt Nam vẫn có thể bị kết án tử hình. Đây là điều đã bị các tổ chức nhân quyền quốc tế chỉ trích. Tổ chức Ân xá quốc tế có ghi nhận trường hợp nào như vậy trong thời gian qua và theo bà thì Việt Nam có dấu hiệu tiến bộ rõ rệt nào trong việc tiến tới bỏ án tử hình?
Roseann Rife: trong năm 2010 chúng tôi không thể xác định được có bao nhiêu án tử hình áp dụng cho tội chống phá nhà nước, đe dọa an ninh quốc gia, nhưng đó là một trong những quan ngại lớn nhất của tổ chức Ân xá quốc tế. Cách thức mà họ dùng từ ngữ để định nghĩa các tội này ở Việt Nam cũng như ở một số nước đã luôn là một vấn đề. Vài cách định nghĩa mập mờ như vậy cho phép họ sử dụng án tử hình đối với những người chỉ thường xuyên nói lên ý kiến của mình trái ngược với chính phủ, tức là những người bất đồng chính kiến.
Mặc dù vậy Việt Nam cũng có những tiến bộ nhất định, chúng tôi thấy là số tội bị kết án tử hình đã giảm xuống. Ngoài ra quốc hội Việt Nam cũng đang bàn thảo về vấn đề này. Việt Nam hiện vẫn trì hoãn bỏ phiếu cho việc hoãn sử dụng án tử hình trên thực tế. Cho nên có thể nói là đang có những thảo luận tại Việt Nam về án tử hình và chúng tôi cho rằng đó là một dấu hiệu tốt và chúng tôi hy vọng là Việt Nam sẽ sớm tuyên bố việc hoãn sử dụng án tử hình.
Việt Hà: Xin cảm ơn bà đã dành cho đài Á châu Tự do buổi phỏng vấn này.
No comments:
Post a Comment