Nhìn AiCâp Mong ViệtNam

Wednesday, April 20, 2011

Trung Quốc : Philippines đã « xâm chiếm » Biển Đông

Trong số các nước Đông Nam Á đang tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc tại vùng Biển Đông, ngoại trừ Brunei không đáng kể, Philippines là nước thường bị xem là yếu thế nhất, và đã nhiều lần bị Bắc Kinh bắt nạt.




Mới đây, Trung Quốc đã tiếp tục đánh vào mắt xích yếu nhất trong số đối thủ của họ tại Biển Đông khi phản ứng quyết liệt đối với Philippines trên hồ sơ Trường Sa, nhưng lại tỏ thái độ hòa hoãn với Việt Nam và Malaysia.

Ngày 05/04/2011, Philippines chính thức gởi văn thư lên Liên Hiệp Quốc, phản đối tấm bản đồ 9 đường gián đoạn mà Bắc Kinh đã gởi đến định chế quốc tế này cách nay hai năm để khẳng định chủ quyền của Trung Quốc trên hầu như 80 % vùng Biển Đông, qua đó bác bỏ tất cả đòi hỏi của nước khác trong đó có Việt Nam, Malaysia, hay Philippines.

Việt Nam và Malaysia đã có công văn phản đối tức thời. Philippines, dưới thời Tổng thống Gloria Arroyo, vì không muốn gây căng thẳng với Trung Quốc, đã im hơi lặng tiếng trong gần hai năm, và mãi đến thượng tuần tháng tư này mới đưa ra lời bác bỏ chính thức các yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh.

Phản ứng của Trung Quốc trước hành động của Philippines đã gay gắt khác thường. Trong một công hàm đề ngày 14/04/11 gởi đến Liên Hiệp Quốc để trả lời công văn của Manila, Bắc Kinh kết tội Philippines là đã « xâm chiếm » Biển Đông của Trung Quốc một cách phi pháp vào thập niên 1970, do đó không có quyền đòi hỏi chủ quyền trên các khu vực đó. Bắc Kinh viện dẫn chủ thuyết « ex injuria jus non oritur », tức là quyền chính đáng không thể bắt nguồn từ một hành động sai trái.

Công hàm của Trung Quốc nêu rõ : « Kể từ những năm 1970, Cộng hoà Philippines bắt đầu xâm lược và chiếm đóng một số đảo và dải đá ngầm tại vùng Nam Sa (tức là Trường Sa) của Trung Quốc, rồi dựa trên đó để đòi hỏi chủ quyền, điều mà Trung Quốc cực lực bác bỏ ». Đối với Trung Quốc : « Việc Philippines đang chiếm giữ một số hải đảo và các rạn san hô thuộc quần đảo Nam Sa của Trung Quốc cũng như các hành động có liên quan khác đều vi phạm chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc ».

Theo ghi nhận của các nhà quan sát, cho đến nay, đã có tất cả 4 nước phản đối tấm bản đồ hình lưỡi bò của Trung Quốc, thoạt đầu là Việt Nam, Malaysia, qua năm 2010 đến lượt Indonesia, và sau cùng là Philippines. Thế nhưng, chính Philippines lại là nước bị Bắc Kinh nêu bật với những lời lẽ thật cứng rắn.

Tại sao Trung Quốc lại tỏ thái độ quyết liệt với Philippines vào lúc mà Bắc Kinh đang tỏ thái độ hòa dịu với cả Việt Nam lẫn Malaysia ?

Các phái viên Trung Quốc qua Việt Nam, từ Tướng Quách Bá Hùng, phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc, cho đến Thứ trưởng Ngoại giao Trương Chí Quân đều nhắc đi nhắc lại thiện chí hòa bình của Trung Quốc.

Cũng trong chiều hướng đó, đón tiếp Phó Thủ tướng Malaysia Tan Sri Muhyiddin Yassin tại Bắc Kinh ngày 18/04/11, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã cam kết rằng Bắc Kinh sẽ tiếp tục góp phần duy trì hòa bình và an ninh trên Biển Đông, và dùng con đường ngoại giao để giải quyết các tranh chấp về quần đảo Trường Sa.

Theo một số nhà phân tích, Trung Quốc hiện đang áp dụng chiến lược « chia để trị » cố hữu của họ trên vấn đề Biển Đông, đối xử khác nhau với từng nước ASEAN có tranh chấp, để dễ bề chia rẽ, khiến cho các nước khó tạo thành một khối thống nhất chống lại Trung Quốc.

Mặt khác, Bắc Kinh cũng muốn gây sức ép trên Manila, vốn từ hơn một chục năm qua vì muốn lấy lòng Trung Quốc cho nên đã nhiều lần nhượng bộ láng giềng phương bắc, kể cả trên vấn đề chủ quyền Biển Đông.

Vào năm 2004 chẳng hạn, Manila đã đột nhiên chiều ý Trung Quốc ký kết một thỏa thuận song phương nhằm cùng nhau khảo sát địa chấn trong khu vực quần đảo Trường Sa đang tranh chấp, buộc Việt Nam sau đó phải đi theo. Thỏa thuận tay ba đó tuy nhiên không đi đến đâu và sau đó đã không được gia hạn.

Đến năm 2009, khi Việt Nam và Malaysia quyết định đệ trình một đề xuất chung về thềm lục địa ở vùng Trường Sa và mời Philippines tham gia, thì nước này lại từ chối. Khi cả Hà Nội và Kuala Lumpur phản đối bản đồ lưỡi bò của Bắc Kinh, Manila cũng làm thinh và phải chờ đến hai năm sau, khi bị Trung Quốc làm quá thì Philippines mới chính thức lên tiếng.

Dẫu sao thì có thể nói không sai là quan hệ Philippines và Trung Quốc đang ‘’nổi sóng’’. Khẩu chiến trên chủ quyền tại vùng Trường Sa bùng lên vào lúc có tin là Tổng thống Philippines Benigno Aquino có ý muốn dời chuyến đi thăm Trung Quốc dự trù từ ngày 23 đến ngày 25 tháng 05 tới đây.

Nhật báo The Philippine Star ngày 15/04/11 đã tiết lộ rằng ông Aquino có thái độ không mặn mà lắm với chuyến công du Bắc Kinh. Chỉ còn một tháng nữa thì chuyến thăm trên nguyên tắc sẽ diễn ra, nhưng công việc chuẩn bị hầu như không có gì. Khi được hỏi là liệu thời điểm hạ tuần tháng 05 có chắc chắn không, chính Tổng thống Philippines đã cho rằng ‘’lịch trình đó chưa hề được thông qua dứt khoát’’.

No comments:

Post a Comment