BẮC KINH (AP) - Quân đội Trung Quốc hôm Thứ Năm hứa hẹn sẽ xây dựng sự tin cậy với các quốc gia láng giềng tiếp theo nhiều tháng có sự căng thẳng với Mỹ và các nước khác do thái độ ngày càng hung hãn của Bắc Kinh.
Trong thực tế đây mới chỉ là một hứa hẹn suông chưa có bảo đảm gì cụ thể nhất là những tháng gần đây đã xảy ra nhiều vụ va chạm giữa tàu thuyền Trung Quốc với Nhật, Philippines và ngư dân Việt Nam. Mặt khác sự phát triển nhanh chóng của hải quân Trung Quốc được coi là tiềm năng đe dọa đối với những quốc gia trong vùng Tây Thái Bình Dương.
Lời hứa này được đưa ra trong một tập tài liệu, một hình thức bạch thư, về chính sách nhà nước được công bố mỗi hai năm và tiếp theo các than phiền của Mỹ cũng như các quốc gia khác là Trung Quốc không giải thích rõ ràng mục tiêu của việc nhanh chóng phát triển khả năng quốc phòng trong ba thập niên qua.
Tất cả các quốc gia láng giềng với Trung Quốc đều báo động trước việc họ bắt giữ các tàu đánh cá ngoại quốc một cách bất hợp pháp, ngăn trở các tàu nghiên cứu trong vùng Biển Ðông, cùng với việc cảnh cáo Mỹ không được có hoạt động hải quân trong vùng Hoàng Hải, nơi Trung Quốc coi là sân nhà của mình, và sử dụng tàu chiến lẫn trực thăng thách đố các chiến hạm Nhật.
Việc Trung Quốc hung hăng khẳng định lãnh thổ của mình ở những nơi đang có tranh chấp cũng tạo ra các phản ứng ngược từ khu vực, khiến các láng giềng Bắc Kinh tiến đến gần hơn với Mỹ và tạo ra các thử thách mới cho ngoại giao Trung Quốc.
Trong điều rõ ràng là sự công nhận nhu cầu phải có trao đổi tin tức rõ ràng hơn, bản báo cáo quốc phòng Trung Quốc lần đầu tiên có một mục nói về việc gây dựng sự tin cậy với các quốc gia khác, nêu lên việc tham khảo quốc phòng, có các cuộc huấn luyện chung cũng như trao đổi tin tức giữa các đơn vị trấn đóng biên giới.
Trung Quốc, theo bản báo cáo này, đang theo đuổi những bước như “tìm phương cách hiệu quả để duy trì an ninh quốc gia đồng thời phát triển và duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực.”
Tuy nhiên, dù đưa ra mục tiêu tạo sự tin cậy trong lãnh vực quân sự, bộ Ngoại Giao Trung Quốc hôm Thứ Ba bác bỏ phản đối của Nhật về sự kiện hồi đầu tháng này một trực thăng Trung Quốc bay sà xuống thấp, chỉ cách một khu trục hạm Nhật khoảng 70m khi chiếc tàu này đang tuần tiễu gần khu vực có tranh chấp.
Washington trong thời gian qua kêu gọi có sự liên lạc chặt chẽ hơn với quân đội Trung Quốc, tuy rằng phía Bắc Kinh tiếp tục tỏ ra ngần ngại.
Bắc Kinh hủy bỏ các trao đổi quân sự năm ngoái sau khi Mỹ hứa bán cho Ðài Loan số võ khí và quân dụng trị giá khoảng $6.4 tỉ.
Với 2.3 triệu lính dưới cờ, quân đội Trung Quốc hiện lớn nhất thế giới và tiến trình canh tân của họ đi cùng với những bước mở rộng ra thế giới bên ngoài, kể cả việc gửi khoảng 17,000 quân tham dự vào các đội quân bảo vệ hòa bình Liên Hiệp Quốc.
Khi giới thiệu bản báo cáo, phát ngôn viên bộ Quốc Phòng Trung Quốc, Ghen Yansheng, nhắc lại lập trường của Bắc Kinh là “sẽ không bao giờ dùng sức mạnh quân sự bắt nạt láng giềng.”
“Hiện giờ và trong tương lai, bất kể là Trung Quốc phát triển tới đâu, Trung Quốc sẽ không bao giờ có ý muốn thống trị hoặc theo đuổi các chính sách bành trướng,” ông Ghen nói.
Bạch thư quốc phòng này cũng lập lại sự khó chịu của Trung Quốc trước sự hỗ trợ Mỹ dành cho Ðài Loan. Việc Mỹ bán võ khí cho Ðài Loan đang “gây cản trở nặng nề cho mối quan hệ Mỹ-Trung Quốc và ảnh hưởng tới việc phát triển mối quan hệ hòa hoãn qua eo biển Ðài Loan.”
No comments:
Post a Comment