WESTMINSTER (NV) -Người ta có câu nói “Miếng bạc đâm toạc tờ giấy.” Nhưng cũng có khi miếng bạc đâm toạc nhiều thứ còn thắm thiết hơn tờ giấy.
Câu chuyện dưới đây, do chính những người trong gia đình kể ra, đã cho thấy thêm một phần sự thật của cuộc đời: Thâm tình bà cháu, cô-cháu, mẹ chồng-con dâu, chị dâu-em chồng sau mấy mươi năm đã rạn vỡ chỉ vì tranh giành một miếng đất ở Nhà Bè.
Ðùm bọc và nuôi nấng
Nhân vật của câu chuyện gồm có: Bà nội, 88 tuổi; 3 người cô - Phượng Huỳnh, Hương Huỳnh, và Kim Huỳnh, cũng ngót ghét 55 tuổi trở lên; và 3 người cháu gái - Nguyễn Phương Thảo, Nguyễn Phương Anh, hai chị em sinh đôi năm 1971, và Nguyễn Phương Châu, sinh năm 1973.
Bà nội, tên Nguyễn Thị Biên, cùng 3 người con gái và cô cháu nội Phương Châu hiện đang ở tại Nam California.
Hai cô cháu nội Thảo và Anh, cùng mẹ mình, vẫn đang sống tại Sài Gòn.
Người cha của ba cô cháu gái là con trai duy nhất của bà Biên, cũng là anh hai của ba người cô, đã chết trận từ năm 1973.
Thương người chị dâu sớm góa buộc, thương mấy đứa trẻ sớm mất cha, ông bà nội và các cô dành nhiều tình thương cho cả bốn mẹ con. Tất cả cùng chung sống thuận hòa dưới một mái nhà của ông bà nội ở Phú Xuân, Nhà Bè.
Người cô tên Kim Huỳnh nhớ lại, “Năm 1980, tôi và chị Hương đi vượt biên. Ba má tôi ở lại cùng chị Phượng, và mấy mẹ con chị dâu tôi.”
Cũng theo lời kể của cô Kim thì “chị dâu tôi đi buôn bán ở Sài Gòn, nên mấy đứa nhỏ ở nhà đều do ba má và bà chị tôi lo hết”.
Cũng chính vì điều này mà cô Phượng “không khác nào một bà mẹ nuôi, thương tụi nó như con”.
Cô cháu gái tên Châu cũng thừa nhận, “Tình cảm của tụi tôi đối với bà nội rất lớn.”
Không chỉ vậy, từ năm 1994, ông bà nội đã làm di chúc sau khi họ qua đời thì toàn bộ tài sản gồm nhà 9mX20m và đất hơn 3,600 m2 sẽ thuộc quyền thừa kế của ba cô cháu gái.
Ðây là miếng đất của tổ tiên bà Biên để lại. “Họ nhà tôi ở đây từ mấy đời rồi,” bà kể. Ngay cả ông Biên cũng là người về đây ở nhà vợ. Nhiều người trong xã biết gia đình bà Biên từ mấy thế hệ, và bà Biên cũng từng biết tới nhiều thế hệ bà con chòm xóm.
Bảo lãnh sang Mỹ
Khi các cô cháu gái đã lớn, cũng là lúc cô Phượng cùng chồng sang Mỹ theo diện H.O.
Ba người cháu cùng mẹ mình tiếp tục sống với ông bà nội dưới mái nhà ở Phú Xuân, Nhà Bè.
“Cuối năm 1999, ba tôi mất,” cô Kim kể. “Khoảng tháng 4 năm 2001, tụi tôi bảo lãnh má tôi sang Mỹ.”
Tuy nhiên, như những người lớn tuổi luôn quyến luyến quê nhà, bà Biên “cũng đi đi về về, vài tháng sống ở Mỹ, vài tháng sống ở Việt Nam”. Căn nhà ở Nhà Bè vẫn để cho người con dâu và cháu nội ở.
Riêng về phần cô Phượng, khi sang Mỹ, “rất vất vả để bắt đầu lại cuộc sống từ hai bàn tay trắng nên khó có thể giúp đỡ chị dâu tôi,” cô Phượng thổ lộ. “Tôi bàn trong gia đình là hai đứa cháu lớn là Thảo và Anh thì đã có gia đình rồi, riêng Châu thì chưa, nên tôi kiếm người mai mốt, giới thiệu, để nếu nó sang được bên này thì có thể sẽ giúp đỡ được cho mẹ nó.”
Với sự mai mối của cô Phượng, cô cháu tên Châu được giới thiệu với một thanh niên ở Mỹ. Anh này về Việt Nam làm đám cưới và đưa Châu sang Mỹ năm 2004.
Thời gian đầu sang Mỹ, Châu cũng sống trong nhà của cô Phượng. Thời gian sau, theo sự giới thiệu của cô Hương, Châu kiếm được việc làm, và lại ở nhờ nhà cô Hương để tiện việc đi làm.
Tất cả những mối quan hệ tình thân vẫn nguyên vẹn như ngày nào.
Miếng đất gia đình
Bà nội sau 2 lần đầu về Việt Nam được “con dâu và cháu nội săn đón, cưng chiều,” vẫn giữ ý định như nhiều người lớn tuổi, “khi chết, được chôn cạnh chồng, trên mảnh đất nhà mình.”
Thế nhưng, đến kỳ trở về lần thứ 3 thì mọi chuyện dường như đổi khác. Bà nói bà cảm thấy một thái độ hờ hững, lạnh nhạt của con dâu, của cháu nội, khiến bà bất an.
Tờ giấy thay tên chủ đất với “Lý do ông bà chết để lại” có chữ ký và con dấu của UBND Huyện Nhà Bè. (Hình: Người Việt)
Bà quyết định trở về Mỹ sớm hơn dự định, cùng suy nghĩ, “nếu có chết cũng chết và thiêu ở Mỹ rồi mang tro về chứ không bao giờ quay về Việt Nam nữa.”
Từ đó, bà Biên quyết định “bán căn nhà, lấy một nửa để lo cho mình vì không có được quyền lợi gì ở Mỹ do chưa có quốc tịch, còn một nửa là của mấy đứa cháu nội.”
Tuy nhiên, lời đề nghị của bà Biên đã gặp phải sự phản đối kịch liệt từ những đứa cháu nội của mình.
Người đầu tiên phản đối là cô cháu Châu đang ở Mỹ.
Châu nói rằng, “Trước khi bà nội sang Mỹ, đã có làm tờ giấy khước từ tài sản ở Việt Nam theo sự hướng dẫn của địa phương.”
Tờ “Ðơn xin khước từ tài sản” do cô Hương Huỳnh mang đến tòa soạn có ghi “Tôi,” tức bà Nguyễn Thị Biên, “tự nguyện làm đơn này xin khước từ toàn bộ tài sản hiện có cho ba người cháu nội của tôi.”
Bà nội nhớ lại, “Trước khi đi, tụi nó có đưa tôi một đống giấy tờ kêu tôi ký thì tôi ký thôi chứ có biết là giấy gì đâu.”
Cô cháu Châu kể thêm, “Trong một lần bà nội về Việt Nam chơi, bà nội đã kêu người bán một phần đất phía sau để mang tiền sang cho mấy cô mua nhà đất bên Mỹ.”
Cô Hương cũng có tờ “Giấy thỏa thuận” làm từ năm 2002, trong đó cho biết bà Biên đã đồng ý bán đứt 1,500m2 đất cho 3 cô cháu gái với giá tiền tương đương $26,000.
Chính vì vậy mà “bà nội không còn quyền hạn gì trên miếng đất đó nữa,” cô Châu khẳng định.
Nhưng những người cô ruột không đồng ý với lời giải thích của cháu mình, vì “phần đất đã bán chỉ là một cái ao nhỏ phía sau, khoảng một phần ba diện tích thôi”. Hơn nữa, “bà nội cũng chỉ muốn lấy một nửa phần còn lại chứ không phải giành hết của cháu mình”.
Những cuộc nói chuyện qua điện thoại tiếp theo với các cô cháu gái và người chị dâu còn lại ở Việt Nam liên quan đến chuyện bán đất cũng không thành. Thế là hết cô Hương, bà Biên, rồi đến cô Phượng lần lượt về Việt Nam để tìm hiểu lý do.
Nhưng trước sau các cô cháu gái vẫn khẳng định “đất đó đâu còn của bà nội nữa, bà nội đã bán cho tụi con hết rồi”. Thậm chí họ còn từ chối gặp cô mình, theo lời cô Hương kể lại.
Không được các cháu hợp tác, các cô thuê luật sư tại Việt Nam để kiện, “đòi tiền cho bà”. Qua người luật sư này, các cô thu thập được giấy tờ về chủ quyền miếng đất.
‘Ông bà chết để lại’
Trong số giấy tờ thu thập được, tờ giấy khiến bà nội và các cô nghi ngờ các cháu nhiều nhất, là tờ giấy chủ quyền, nay mang tên cô cháu Thảo ở Việt Nam.
Giấy chủ quyền, ở Việt Nam gọi là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, được cấp cho cô cháu Thảo, ký tên đóng dấu Ủy ban Nhân dân Huyện Nhà Bè.
Tờ giấy nêu lý do sang tên: “Lý do ông bà chết để lại.”
“Mẹ tôi chưa chết mà lại nói mẹ tôi chết,” cô Kim nói, giọng có phần giận dữ.
“Tui chưa chết mà nó ghi tui chết,” bà Biên nói, giọng buồn nhiều hơn giận.
“Tại sao bà nội còn sống sờ sờ ra đó mà dám khai là bà nội chết? Tại sao cả 3 đứa cháu đều được ông bà nội và các cô nuôi dưỡng lớn lên trong ngôi nhà đó mà lại có thể làm như vậy?,” cô Hương nói.
Các cô khẳng định, “Tụi nó đã âm mưu hết từ lâu rồi.”
Bồi thêm vào mối nghi này, cô Phượng nói ngay cả tờ giấy khước từ tài sản cũng là “tụi nó đã tính toán hết rồi”. Cô Phượng cho biết “ông luật sư nói ở thời điểm má tôi đi thì không cần phải làm thủ tục khước từ tài sản kiểu như vậy.”
Cô cháu Châu giải thích, “Tụi tôi không biết gì về thủ tục giấy tờ. Lúc bà nội đi, địa phương chỉ sao thì tụi tôi làm như vậy.”
Cô cháu Châu nói thêm, “Lúc bà nội đi Mỹ, chính quyền nói rằng nếu đã có tờ di chúc, cùng với giấy khước từ tài sản thì bà nội không thể ký giấy tờ mua bán đất về sau. Chính vì như vậy nên tên người đứng chủ quyền đất đã được chuyển sang cho chị Thảo.”
Nhưng còn dòng chữ “Lý do ông bà chết để lại” thì sao?
Cô cháu Châu nói, “Ðó là lỗi kỹ thuật nhầm lẫn của địa phương, không phải của tụi tôi. Tụi tôi khai đúng nhưng họ lại đánh sai.”
“Các cô cứ vịn vô cái câu đó để mà nói là tụi tôi làm giấy tờ giả mạo nói bà nội chết để giành đất đai.” Cô cháu Châu ngán ngẩm nhận xét.
Liệu một lỗi lầm như thế có thể xảy ra không? Báo Người Việt liên lạc với một nhân vật cao cấp trong ngành nhà đất ở một quận khác ở Sài Gòn. Nhân vật này có thẩm quyền trên phòng Quản lý Nhà đất tại quận đó.
Lúc được hỏi liệu một lỗi lầm như này có thể xảy ra không, thì lúc đầu ông này nói việc làm này là hoàn toàn sai và không bao giờ lại có thể xảy ra một lỗi như vậy. Ông nghi là có sự thông đồng.
Nhưng khi hỏi rõ hơn, nêu chi tiết, ông bà nội để lại di chúc, ông nội mất rồi, bà nội còn sống nhưng đã làm giấy khước từ, thì ông ngập ngừng đổi ý. “Nếu có nhiều yếu tố hơi rắc rối như vậy, thì cũng có thể nhân viên văn phòng ở quận huyện, người ta ghi đại là ông bà chết để lại. Chắc chắn là làm sai, làm tắc trách.”
“Nhưng cũng có thể,” ông nói tiếp với giọng do dự.
Vụ kiện giậm chân, kéo dài
Vụ kiện bắt đầu từ năm 2007 đến nay dường như vẫn giậm chân tại chỗ.
Mỗi ngày qua đi, tuổi già của bà Biên mỗi chồng lên, ba người cô băn khoăn, “Có phải ‘tụi nó’ muốn kéo dài thời gian chờ bà nội chết thì mọi chuyện coi như xong không?”
Ở Việt Nam, cô cháu Thảo nhất quyết không đổi ý. Khi phóng viên Người Việt gọi điện thoại về Việt Nam để muốn nghe ý kiến của cô Thảo về những điều bà nội và các cô ruột kể, cô Thảo nhất định không chịu nói chuyện.
Cô cháu Thảo nói như gằn từng chữ, “Việc này là việc của gia đình chúng tôi. Bản thân tôi cảm thấy vô cùng mắc cỡ khi mà nói chuyện này ra với người ngoài, nên tôi xin lỗi là tôi không thể nói gì hết.”
Nhưng cô Thảo vẫn tiếp tục nói, “Những cô của tôi đều là người lớn, có học, có hiểu biết, mấy cô cần tìm hiểu gì thì các cô cứ việc tìm hiểu, muốn biết thì cứ tới ủy ban nhân dân huyện, hoặc muốn điều tra thêm, thăm hỏi thêm thì cứ về Việt Nam mà điều tra.”
Nói chuyện với phóng viên Người Việt, bà nội của 3 cô cháu gái cười rồi khóc, “Ðất bán tiền là tiền. Tiền nhiều quá nên ai cũng giành.”
Các cô thì trách móc, “Chỉ vì đồng tiền mà con người ta có thể quên hết ơn nghĩa, công lao. Quên hết, chỉ thấy đồng tiền thôi.”
Cô cháu Châu cũng ngậm ngùi, “Bây giờ ở Việt Nam, giá nhà cửa tăng vọt thì lại xảy ra những chuyện đau lòng như vậy.”
Cuộc tranh chấp mảnh đất có giá, giữa bà nội già và 3 cháu nội được bà nuôi nấng từ bé, vẫn chưa ngã ngũ vì phiên xử chưa bắt đầu.
Tuy nhiên, mối thâm tình ruột thịt hơn ba mươi mấy năm qua coi như đã vỡ tan, chỉ vì một mảnh đất.
No comments:
Post a Comment