Nhìn AiCâp Mong ViệtNam

Wednesday, April 20, 2011

Tạm đình chỉ phim “Hãy cùng em điệu Sarikakeo”

Hãy cùng em điệu Sarikakeo là bộ phim truyền hình dài 30 tập của tác giả Nguyễn Thị Hồng Xuân. Câu chuyện xảy ra tại một làng nghèo của cộng đồng người Khmer sống ở miền Nam của Việt Nam. Lối sống, phong tục tập quán, tôn kính sư sãi và tín đồ của người Khmer được đưa vào phim; tuy nhiên, bộ phim này buộc phải đình chỉ để thẩm định sau khi phát sóng 1 tập trên VTV1. Để biết rõ lý do tại sao, Quốc Việt có bài tường trình sau đây.


Hãy cùng em điệu Sarikakeo là bộ phim truyền hình đầu tiên nói về đời sống, văn hóa, ca dao, sinh hoạt tôn giáo của cộng đồng người Khmer sống ở khu vực Nam bộ do hãng phim Vàng miền Nam sản xuất. Bộ phim này buộc phải tạm dừng phát sóng sau khi phát sóng 1 tập trên Đài truyền hình Việt Nam vì có phản ứng gay gắt từ cộng đồng người Khmer.


Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền, phát ngôn viên Ủy ban Dân tộc Chu Tuấn Thanh cho Đài Á Châu Tự Do biết, sau khi tập 1 của phim hãy cùng em điệu Sarikakeo phát sóng vào ngày 21 tháng 2 năm 2011, cộng đồng người Khmer đã có ý kiến phản ứng gay gắt vì cả nội dung và cảnh phim không đúng với thực tế. Hiện Ủy ban Dân tộc yêu cầu tạm dừng phát sóng để tiến hành thẩm định toàn bộ nội dung và hình ảnh. Vấn đề này đã giao cho bộ Văn hóa để tiến hành thẩm định, đến nay vẫn chưa có câu trả lời. Ông Chu Tuấn Thanh cho biết:


“Bây giờ không chiếu được. Tạm đình chỉ để cho Hội đồng thẩm định lại và sửa chữa một số chi tiết xong sẽ tiếp tục chiếu. Vì có một số chi tiết không đúng với thực tế. Mình nghĩ rằng, ý tưởng của họ vô tư thôi, tức là muốn làm điệu hóa lên về nghệ thuật để câu khách thôi, nhưng cộng đồng Khmer không đồng ý đâu. Họ phản đối đấy. Vì nó nhạy cảm như thế, cho nên Hội đồng tạm đình chỉ lại để mà Hội đồng thẩm định sửa chữa lại những chi tiết đó.”


Cộng đồng Khmer phản ứng


Sư Thạch Siêm, một tăng sinh đang học tại thành phố Cần Thơ cho biết rằng, bộ phim “hãy cùng em điệu Sarikakeo” là phim phản ánh một khía cảnh về cuộc sống sinh hoạt, tôn giáo của người dân tộc Khmer ở Nam bộ tại một làng nghèo trong những thập niên 80. Một số cảnh phim đã có nội dung phản cảm, gây khó chịu đối với người am hiểu Phật giáo Nam tông. Đặc biệt là hình ảnh nhà sư được xây dựng trong bộ phim chưa đúng, ngay cả lời thoại của các nhân vật trong phim cũng không thể hiện đúng lối sống, suy nghĩ và tín ngưỡng của người Khmer. Như nhân vật trong phim, người đã đi tu mà cha mẹ vẫn gọi bằng nó; người đã đi tu mà vẫn giữ chân mày, khi Sư khất thực hai tay cầm bát chứ không chắp lại như trong phim…v.v. Do đó, phim này sẽ làm ảnh hưởng, làm mất đi vẻ đẹp văn hóa Phật giáo Nam tông. Sư Thạch Siêm bày tỏ thêm:


“Nội dung của bộ phim không đúng với sự thật. Nghĩa là nó làm ô uế. Ví dụ, nền Phật giáo của Nam tông khi mình đi khất thực như vậy, vị chư tăng chỉ nhìn ra phía trước khoảng 2 mét thôi. Trong khi ấy, bộ phim này chiếu một vị chư tăng đi khất thực mà lại nói chuyện với phụ nữ. Bát thì mình đặt ở ngoài đấp y tay trái thôi…cho nên hình ảnh đó nó không đúng với sự thật Phật giáo Nam tông. Hơn nữa, cách nói, cách thể hiện, sử dụng lời nói cũng không đúng theo cách xưng hô của một vị chư tăng. Về ý nghĩa, cảm thấy nó sai. Giống như mình phải gọi Kana vậy đó, nhưng trong phim thì không gọi như thế.”
Qua bộ phim này không biết hãng phim Vàng miền Nam cố ý quảng bá hay làm xấu đi hình ảnh Phật giáo Nam tông hay thế nào, tuy nhiên việc phát sóng bộ phim này trên VTV1, cộng đồng người Khmer khẳng định nó sẽ làm ảnh hưởng rất mạnh đến tư tưởng tín đồ Phật giáo, dễ dẫn đến những ngộ nhận sai lầm.


Sư Thạch Siêm bày tỏ: “Theo các sư thăm hỏi, hỏi qua ý kiến nhau, ai cũng phàn nàn, ai cũng phản đối nhất thiết là không thể chiếu bộ phim này trên Đài truyền hình như thế. Chúng tôi tha thiết kêu gọi, mình không nên đóng, không nên trình chiếu trên các Đài, các báo để cho tất cả mọi người xem. Nếu mà xem như vậy, thì cảm thấy không mấy gì hay, rồi không tốt nữa vì nội dung không lành mạnh.”


Do văn hóa không đồng nhất?

Cô Tâm, đại diện Công ty cổ phần hãng phim Vàng miền Nam từ TP. HCM đưa ra lời giải thích rằng, những cảnh trong phim vừa nêu không phải không đúng sự thật mà vì người Khmer sống rải rác nhiều nơi và phong tục tập quán họ khác nhau nên có phản ứng. Còn bộ phim này sẽ phát sóng hay không là dựa vào sự quyết định của Đài VTV1 và Ủy ban Dân tộc. Cô Tâm nói:


“Cái phái Nam tông nói tu là không để chân mày, nhưng chùa mà bên em xuống quay thì tu có để chân mày, dẫn đến giữa hai cái nó khác biệt nhau. Nói chung, trong quá trình làm phim không thể tránh được những sai sót. Bên em thì không có ý gì, kịch bản nói chung là có ý tốt, muốn viết một đề tài mới mẻ vì phim Việt Nam bây giờ nó nói về tình yêu hôn nhân nhiều quá rồi, nên bên em tìm đề tài mới mẻ với ý tốt thôi. Nhưng mà sự việc nó đến như vậy, không ai muốn.”
Mặc dù phía Công ty giải thích như vậy, nhưng cộng đồng người Khmer ở Nam bộ cho rằng, Ủy ban Dân tộc nên xem xét lại quy trình và trách nhiệm cá nhân của tổ chức có liên quan vì việc sưu tầm kiến thức về lối sống, phong tục tập quán, tín ngưỡng và ca dao người Khmer vẫn còn thiếu sóat.


Tăng sinh Sơn Hành đang học tại tỉnh Sóc Trăng nhấn mạnh, Phật giáo Nam tông có phong tục tập quán tín ngưỡng giống nhau, “từ các xã tỉnh ở miền Nam này bên Phật giáo Nam tông giống nhau hết. Cách tu hành, làm lễ làm gì đều giống nhau hết mà, Phật giáo Nam tông đâu có gì khác nhau đâu. Bên Phật giáo Khmer giống nhau cả bên Phnom Penh từ cách tu hành, cách đọc kinh, cách ăn mặc, cách dùng sáng trưa…đều giống nhau.”

No comments:

Post a Comment