Nhìn AiCâp Mong ViệtNam

Saturday, April 2, 2011

Tái tục hoạt động xin con nuôi tại VN

Việc nhận con nuôi từ Việt Nam của các cặp vợ chồng Mỹ có thể sẽ sớm thành hiện thực trong thời gian ngắn sắp tới sau một thời gian gián đoạn
Nhân chuyến thăm gần đây tới Việt Nam, bà Susan Jacobs, cố vấn đặc biệt của chính phủ Hoa Kỳ về các vấn đề trẻ em, đã bày tỏ sự lạc quan về những dấu hiệu tích cực từ phía Việt Nam liên quan đến vấn đề giao nhận con nuôi xuyên quốc gia.


Từ ngày 13 đến 26 tháng 3 vừa qua, bà Susan Jacobs, Cố vấn đặc biệt của chính phủ Hoa Kỳ về các vấn đề trẻ em đã có chuyến thăm đến hai nước Đông Nam Á là Campuchia và Việt Nam để xem xét về khả năng nối lại việc giao nhận con nuôi của hai nước này với Hoa Kỳ.


Trở về Mỹ, bà Susan Jacobs đã bày tỏ sự lạc quan về kết quả của chuyến thăm và làm việc lần này, nhất là đối với thái độ tích cực từ chính phủ hai nước:


“Tôi đã đến Việt Nam và Campuchia và đây là một chuyến thăm làm việc rất tốt. Tôi rất hài lòng về các cuộc gặp cũng như thái độ của các quan chức ở cả hai nước.”


Bà Jacobs cho rằng mặc dù phía chính phủ Campuchia đã cho thấy những dấu hiệu tích cực muốn nối lại hoạt động này nhưng vẫn còn thiếu nhiều các điều kiện cơ bản cần thiết về mặt pháp lý. Trong khi đó bà đánh giá cao Việt Nam về công tác chuẩn bị.


Tóm lược hoạt động giao nhận con nuôi giữa hai nước
Cả hai nước Việt Nam và Campuchia trước kia đều có chương trình giao nhận con nuôi với Hoa Kỳ, nhưng sau đó đã bị dừng lại do những cáo buộc từ phía Hoa Kỳ đối với hai nước liên quan đến việc các quan chức tham nhũng trong hoạt động giao nhận con nuôi.


Trong bài điều tra của nhà nghiên cứu EJ Graff thuộc viện Schuster Institute hồi tháng chín năm ngoái, dựa trên các tài liệu thu thập được từ Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, thì từ năm 2006 đến 2009, các cặp vợ chồng Mỹ đã nhận nuôi 2.220 trẻ từ phía Việt Nam. Và chỉ riêng trong năm 2007, phía Mỹ đã cấp visa cho 800 trẻ Việt Nam nhập cư vào Mỹ theo con đường này, chỉ có 20 trường hợp bị từ chối.


Trước đó, Hoa Kỳ và Việt Nam đã ký thỏa thuận giao nhận con nuôi có thời hạn 3 năm vào năm 2005.


Tuy nhiên, theo tác giả E J Graff thì chẳng bao lâu sau khi thỏa thuận này được ký kết, phía Hoa Kỳ đã phát hiện những dấu hiệu đáng nghi ngờ trong hoạt động giao nhận con nuôi tại Việt Nam với hiện tượng trẻ sơ sinh bị bỏ rơi tăng cao tại các cơ sở nuôi dạy trẻ mồ côi có hợp đồng giao nhận con nuôi quốc tế.

Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam lúc đó là Michael Michalak đã điện về Washington và nói rằng trước năm 2005, số trẻ sơ sinh bị bỏ rơi tại các cơ sở này rất thấp nhưng sau khi thỏa thuận có hiệu lực thì con số trẻ bị bỏ rơi đã tăng lên đến mức 15 trẻ một tháng. Ông cho rằng việc trẻ bị bỏ rơi nhiều như vậy có dấu hiệu gian lận nhằm che giấu nguồn gốc trẻ.


Sau đó Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã tiến hành điều tra, và theo tài liệu mà tác giả E J Graff trích lại trong bài viết của mình thì các trạm xá, trại trẻ mồ côi của nhà nước đã tham gia vào hoạt động mua bán trẻ em, nói dối với các bà mẹ để trẻ có thể được giao cho phía nước ngoài làm con nuôi, ép buộc các nhân chứng, thậm chí cả các bà mẹ để đưa ra lời khai dối để có thể hoàn tất thủ tục giao nhận con nuôi.


Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ tin chắc là tại Việt Nam lúc đó đã tồn tại tham nhũng có hệ thống trên toàn quốc liên quan đến hoạt động giao nhận con nuôi bao gồm các văn phòng đại diện giao nhận con nuôi, quan chức địa phương, giám đốc các cơ sở nuôi dạy trẻ mồ côi, quản lý các bệnh viện, công an, và thậm chí quan chức chính phủ.


Phía Việt Nam lúc đó bác bỏ các cáo buộc này. Giám đốc cơ quan giao nhận con nuôi quốc tế Việt Nam lúc đó là Vũ Đức Long nói rằng Việt nam không tìm thấy bất cứ sai phạm nào.


Cuối cùng, không còn con đường nào khác, phía Hoa Kỳ đã không tiếp tục gia hạn thỏa thuận giao nhận con nuôi với Việt Nam khi thỏa thuận này hết hạn vào ngày 1 tháng 9 năm 2008.


Những tiến triển mới và hy vọng
Tuy nhiên chỉ khoảng 2 năm sau khi thỏa thuận với Hoa Kỳ chấm dứt, phía Việt Nam đã có những động thái tạo cơ sở cho việc nối lại hoạt động này. Tháng 6 năm ngoái, quốc hội Việt Nam đã thông qua luật nuôi con nuôi. Tháng 12 năm 2010, Việt nam gia nhập Công ước quốc tế Hague về con nuôi. Bà Susan Jacobs cho rằng, đây là một bước tiến hết sức quan trọng trong việc nối lại việc giao nhận con nuôi giữa hai nước:


“Việc Việt Nam gia nhập công ước Hague là một bước đi rất đáng kể, nó cho thấy là Việt Nam muốn được làm việc trong khuôn khổ quốc tế bao gồm những tiêu chuẩn và quy định liên quan đến cho nhận con nuôi, và làm cho hệ thống trở nên minh bạch hơn. Và vì vậy chúng tôi rất hài lòng khi thấy Việt Nam gia nhập công ước và chúng tôi mong đợi Việt Nam trở thành đối tác của chúng ta một khi họ đã có đầy đủ các quy định pháp lý cần thiết sẵn sàng cho thủ tục này.”


Theo quy định từ phía Mỹ, thì khi một nước đã gia nhập công ước Hague, đáp ứng được các đòi hỏi của công ước, và được phía Hoa Kỳ xem xét chấp thuận là một đối tác thì việc giao nhận con nuôi giữa hai nước sẽ được thực hiện mà không cần một thỏa thuận song phương riêng rẽ.


Cũng trong chuyến thăm tới Việt Nam lần này bà Susan Jacobs đã nêu lên những quan ngại về tham nhũng mà phía Hoa Kỳ có đối với các quan chức Việt Nam. Bà cho biết:

“Chúng tôi đã đưa vấn đề này ra trước kia, chính phủ Việt Nam biết những quan ngại của chúng tôi và đó là lý do vì sao mà chúng tôi để cho thỏa thuận song phương kết thúc mà chưa tái tục. Và Mỹ không phải là nước duy nhất làm việc này.


Việt Nam hiểu được những quan ngại của chúng tôi đối với hệ thống trước kia, và đó là một trong các lý do mà họ ngừng việc cho nhận con nuôi theo cách cũ và đào tạo người của mình theo cách mới đúng đắn, theo như công ước Hague, và theo tôi thì việc cho nhận con nuôi sắp tới sẽ không có các vấn đề về tham nhũng.”


Sau chuyến thăm bà Susan Jacobs cho biết bà không còn quan ngại nhiều như trước nhưng bà cho rằng cho đến khi hoạt động giao nhận con nuôi được tái tục, Việt Nam vẫn còn phải thực hiện một số việc quan trọng:


“Tôi không có lo lắng như trước kia nhưng tôi vẫn muốn biết những tiêu chuẩn mà họ sẽ đưa ra là gì trong việc cho phép các cơ sở cho nhận con nuôi, tôi muốn biết quy định về chi phí ra sao, và tôi mong đợi các thông tin đó và sẽ để cho đại sứ quán mỹ và các cơ quan liên quan xem xét.”


Theo bà Jacobs thì mục tiêu trước mắt là phía Việt nam hoàn thiện các cơ sở pháp lý, quy định cần thiết, và vì vậy quá trình sẽ không diễn ra nhanh chóng. Bà nhấn mạnh:


“Mục tiêu của chúng ta không phải là vội vã mà phải có các thủ tục sẵn sàng, và hệ thống vận hành không tham nhũng, và để bắt đầu chúng ta sẽ tiếp nhận các trường hợp con nuôi là trẻ có hoàn cảnh đặc biệt, và trẻ lớn tuổi mà không có gia đình ở Việt Nam.”


Trong chuyến thăm tới Việt Nam, bà cũng đến thăm một cơ sở nuôi dạy trẻ có hoàn cảnh đặc biệt và bà rất có ấn tượng về chất lượng chăm sóc trẻ tại đây. Bà cho rằng có nhiều khả năng hoạt động giao nhận con nuôi giữa hai nước sẽ được tái tục trong năm nay.

No comments:

Post a Comment