Nhìn AiCâp Mong ViệtNam

Sunday, April 17, 2011

phóng sự: Theo dấu chân dân làm than

Leo núi khuân củi để làm ra vài ba đồng




Họ không phải là những lâm tặc xấu xa theo cách chính quyền hay báo chí vẫn gọi khi nói về công việc đốn cây làm than của họ. Họ là những con người chân chất, hiền lành, mà nghề chính để nuôi sống gia đình là bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, dõi theo thời tiết mà gieo trồng những loại hoa màu cho thích hợp. Song khi sống giữa vùng đồng bằng duyên hải, đất đai dùng để trồng trọt chia cho đầu người chẳng đáng là bao, để tồn tại tự họ phải kiêm thêm cả nghề đốt than trên tuốt tận núi cao. Gồng gánh về đồng bằng để bán.

Tôi chẳng mấy khó khăn để lân la bắt chuyện, tỏ ý muốn theo họ đi rừng cho biết cái nghề làm than nó gian nan như thế nào. Không gặp phải sự phản đối nào, họ nhanh chóng chấp nhận cho tôi tham gia để đi theo cho biết. Cái duy nhất họ e ngại là với thân hình mảnh khảnh, thư sinh thì liệu tôi có đủ sức để leo núi, vượt qua những con đường dốc khúc khuỷu chỉ với bằng đôi chân? Tôi thuyết phục họ bằng cách kể ra những “chiến tích” của mình nào là đã từng leo qua biết bao nhiêu ngọn đồi ở Sapa, đi bộ hằng mấy giờ liền đồng hồ... Cuối cùng, tôi đã làm cho những người đốt than kia là tôi có thể và hẹn vào sáng mai sẽ bắt đầu.

Như đã hẹn, sáng hôm sau chúng tôi lên đường. Nhóm chúng tôi gồm có 5 người, trong đó có một phụ nữ là vợ của một anh lớn tuổi nhất trong nhóm tên Ngọc, năm này đã 41 tuổi. Chị ta có nhiệm vụ là đi chợ và nấu ăn cho cả nhóm. Còn lại đều là anh em họ hàng của anh Ngọc. Trong đó có một người cháu của anh tên Thanh là cha của 2 đứa con.

Mất khoảng 30 phút đi xe máy thì đến được một cái nhà mà họ gọi là trạm. Nơi đó cũng là quán café, nhận giữ xe, bán những mặt hàng lặt vặt để phục vụ cho dân làm than.

Tại khu vực này, có đến 2 tụ điểm trông giữ xe máy như vậy. Nếu căn cứ vào số lượng xe máy được gửi thì số lượng dân làm than phải có đến hằng trăm đang ở trên rừng. Có những gia đình bốn cha con cùng nhau đi làm than.

Sau khi nhâm nhi ly café, nghe dân làm than tán dóc với nhau từ chuyện đồng áng đến chuyện rừng rú. Từ chuyện xăng lên, đến chuyện cầm tờ một trăm ngàn mà chẳng mua được cái gì ra hồn chúng tôi quyết định lên đường. Trước khi đi, anh Ngọc nói với tôi:

“Ðể đi đến trại phải mất đến hai tiếng đồng hồ, đó là với sức đi của tụi tui. Còn với anh thì có khi phải hơn.”

Sự hăm hở của tôi sau khi nghe nói hai tiếng đồng hồ leo núi có phần hơi e dè. Song, đã hạ quyết tâm nên tôi dứt khoát là phải đi cho bằng được. Nai nịt gọn gàng, mặc thêm cái áo khoác ngoài để tránh lá cây, gai hoặc những loại sâu bọ không thân thiện với con người.

Ðoạn đường đầu còn bằng phẳng, đó là một con đường mòn mà cánh làm than, dân làm gỗ vẫn thường hay đi. Hai bên đường là một rừng cây lồ ô thuộc loại tre mọc thẳng tắp. Nó làm cho tôi nhớ về những cuốn phim kiếm hiệp của Tàu với những pha đánh đấm, bay lộn trong rừng trúc.

Ði được 20 phút, con đường bắt đầu trở nên khó khăn, tốn nhiều sức lực vì đã lên cao hơn, bước qua những tảng đá chắn ngang qua đường, lội qua những con suối nhỏ lầy lội. Từ đoạn này trở đi, con đường không còn được bằng phẳng như trước, mà nhấp nhô, chi chít những tảng đá ven đường.

Mồ hôi bắt đầu tuôn ra thấm ướt cả chiếc áo thun tôi mặc bên trong và thấm sang cả chiếc áo khoác. Những bước chân của tôi bắt đầu nặng dần và nhóm người càng lúc càng đi xa tôi, có những lúc họ còn phải dừng lại để chờ tôi nữa.

Ðến một con suối nhỏ cắt ngang qua đường, mọi người dừng lại để nghỉ ngơi. Tôi lân la hỏi chị vợ của anh Ngọc, còn bao lâu thì tới. Chị trả lời còn thêm một đoạn bằng nửa quãng đường chúng ta đã đi nhưng phải đi con đường dốc hơn, nhiều đá và rừng rậm rạp hơn.

Bao nhiêu nhiệt huyết trong tôi bây giờ nguội lại. Ðiều tôi mong muốn bây giờ là có cái võng để ngả lưng ngủ một giấc cho đỡ mệt. Trong đầu tôi không suy nghĩ gì ngoài cái võng. Dẫu vậy, tôi vẫn cố để đi hết đoạn hành trình. Từ đoạn đường này trở đi, con đường trở nên khó khăn cực kỳ. Chỉ cần một chút sơ sẩy là có thể ngã chổng chơ ngay. Tôi phải chú ý đến từng tảng đã đặt trên đường để khỏi bị té ngã. Thật ngưỡng mộ biết bao khi đi bình thường đã khó nhưng mỗi người làm than họ phải gánh trên vai hơn 60kg nhưng lại đi rất bình thường.

Ði qua nhiều nương rẫy, nơi người dân phá núi để làm nương rẫy hòng tìm kiếm miếng ăn. Cuộc sống là một sự đấu tranh để sinh tồn. Con người phải đánh đổi màu xanh của rừng để đảm bảo nguồn thực phẩm no đủ hằng ngày.

Tôi không trách họ vì sao lại hủy hoại môi trường, vì đó là điều tất nhiên phải xảy ra khi họ không có một việc làm ổn định nào khác để có thể nuôi dưỡng gia đình. Chính quyền không tạo được công ăn việc làm cho họ mà còn tạo thêm những rắc rối như tịch thu phương tiện, công cụ, thành quả lao động, phong tỏa con đường để họ đến với rừng... Giải quyết công ăn việc làm là nhiệm vụ của chính phủ, nhưng ở đây chính phủ đã không làm được việc này.



Cái lán với 3 cái lò



Chúng tôi tới được một cái lán đầu tiên, anh Ngọc cho biết đây là một trong ba cái lò của anh. Thông thường mỗi người thợ đốt than có từ 2-3 cái lò như vậy. Ðiều này đảm bảo sẽ có than gánh về bán thường xuyên.

Tất cả những cái lò than đều có đặc điểm chung là được giăng lều bạt để che mưa, nó cũng là nơi để cho người làm than nghỉ ngơi. Lò được đào với chiều dài khoảng 2m và chiều rộng 1m5 và độ cao khoảng hơn 1m5.

Mỗi lò đều có 3 lỗ thông hơi ở phía trên hầm than-nơi được đắp kín bằng đất để cho khói bay ra. Một lỗ lớn nhất ở cửa lò, nơi để đưa củi tươi vào. Sau khi củi đã được sắp xếp trong lò, thường là phải dựng đứng khúc cây lên, người chủ lò đóng cửa lò lại bằng một tảng đá to để cho kín gió, như vậy than sẽ chín dần. Lửa xe được đưa vào theo một cái lỗ khác nằm ở phía dưới hông của lò.

Vì lò lớn như vậy, lúc cho củi vào thì phải chui vào trong để xếp củi. Lúc lấy than ra cũng phải chui vào trong để lôi than ra. Bụi than mù mịt, người làm than không có gì để bảo vệ phổi trừ một tấm vải bịt mặt.

Công đoạn chuẩn bị bao gồm việc đầu tiên là phải đốn cây. Những thân cây to gần bằng một vòng tay người ôm rất được ưa chuộng. Những loại gỗ lim, bằng lăng cho ra sản phẩm than tốt nhất, vì thân cây chắc, than sẽ nặng mà khó vỡ. Sau khi cây đã được đốn hạ, họ sẽ phải cưa thân cây ra sao cho chiều dài thích hợp với độ cao của lò. Thông thường là từ 1m-1m5.

Ngày trước họ làm công việc này bằng rìu hoặc bằng cưa tay, nhưng giờ đây họ sử dụng cưa máy để cho công việc được nhanh hơn. Song, công đoạn vác củi đưa vào lò thì họ phải làm bằng tay và sức lực của mình.

Nếu tính thời gian từ lúc đắp lò than đến khi than được ra lò thì phải mất từ 10-12 ngày. Vì thế, những người đốt than thường chọn vùng rừng núi nào có nhiều cây to, cao để không phải di chuyển nhiều. Cũng chính vì thế mà dân làm than phải đi xa tít lên tận đỉnh núi.

Anh Ngọc cho biết, những lò than mà anh đang sở hữu là do anh mua lại của một người làm than trước đó với giá 700,000 đồng Việt Nam, khoảng 35 đô la.

Anh tính, nếu đốn hết số lượng cây có tại đây thì phải mất khoảng 2 năm. Như vậy, tuổi thọ mỗi lò than phụ thuộc vào mật độ dày-thưa của cây cối tại khu rừng đó. Thông thường, công việc của họ là từ sáng cho đến chiều, nhưng những khi đưa cây vào lò thì họ phải ở lại qua đêm trên núi để canh không để cho lửa tắt trong hầm than.

Trung bình mỗi lò than cho ra được 250-300kg than. Mỗi kg than có giá là 4,500 đồng. Nghề làm than đòi hỏi phải làm theo nhóm, vì rất khó để làm một mình. Do vậy, lợi nhuận cũng phải chia ra, nó phụ thuộc vào sức khỏe để gánh vác.

Nghề làm than cực khổ nhất là đoạn phải gánh gồng than từ lò về điểm tập kết, nơi để sẵn xe, rồi từ đó mới dùng xe chở về. Ðoạn đường dài đầy hiểm trở đòi hỏi dân làm than phải có một sức khỏe cực tốt. Anh Ngọc nói với tôi:

“Cực nhất là vào mùa mưa, khi nước từ thượng nguồn đổ về con đường trơn trợt phải cẩn thận lắm mới không bị té ngã. Anh nghĩ đi, phải gánh hai bao than có khi nặng hơn 70kg đi trên con đường đầy đá, hiểm trở như vậy thì sao mà không nguy hiểm. Do đó tuy hiếm ai phải bỏ mạng vì nghề này nhưng có rất nhiều người bị trặc chân hoặc lọi giò.”

Nhưng như thế vẫn chưa được yên, họ còn phải trốn tránh sự kiểm soát, bắt bớ của kiểm lâm.



Ðồng áng không đủ ăn



Có một đồn kiểm lâm cách nơi những người làm than không xa. Ðồn kiểm lâm cũng chỉ lập ra cho có, chứ ít khi những người này đi thị sát trên rừng. Họ chỉ canh bắt người chở than chạy qua khi có những đợt chiến dịch từ cấp trên đưa xuống.

Nhìn những người gánh than với chỉ đôi quang gánh và phải gánh gồng trong suốt gần một tiếng rưỡi đồng hồ vượt qua con đường đầy hiểm trở mà lòng tôi chua xót. Họ phải làm những công việc cực nhọc này vì ngoài làm than ra họ chẳng biết làm gì hơn. Ðồng áng thì không đủ diện tích để cấy cày. Một hai sào ruộng đâu đủ cho họ có thể nuôi sống gia đình vượt qua thời bão giá.

Thanh cũng là dân làm than năm nay 27 tuổi nhưng đã có hai đứa con. Quê Thanh ở Quảng Bình, vào đây lập nghiệp. Thanh nói:

“Mình làm cực khổ như vậy nhưng cũng chẳng đủ tiền để cho con cái nó ăn học. Ðứa con lớn của mình nó đã vào lớp một, biết bao nhiêu thứ phải lo. Từ quần áo, sách vở rồi cả tiền trường lớp. Còn đứa nhỏ thì hằng ngày phải mua sữa, cháo cho nó ăn. Nhìn tụi nhỏ rách rưới, thua thiệt mọi người thì mình phải cố gắng thôi.”

Thanh không bằng những người khác, vì anh từ vùng quê khác vào trong này, lấy vợ rồi lập nghiệp nên trong tay chẳng có miếng ruộng nào. Do đó, anh chẳng thể trông cậy vào ruộng đồng để có nguồn cung cấp thực phẩm hằng ngày mà chỉ còn biết trông dựa vào cái nghề đốt rừng làm than mà thôi.

Tôi hỏi Thanh, vậy rồi những đứa con sau này lớn lên anh tính sao? Thì nuôi được tới đâu hay tới đó thôi. Thanh trả lời mà chẳng có cơ sở nào để anh chắc chắn một tương lai cho bọn trẻ.

No comments:

Post a Comment