Nhìn AiCâp Mong ViệtNam

Tuesday, April 12, 2011

Ðồi trà Ðam Rông vang bóng một thời

LÂM ÐỒNG (NV) - Hiển nhiên ai cũng biết Bảo Lộc -còn gọi là B'lao- thuộc tỉnh Lâm Ðồng, là xứ sở của trà. Khách vãng lai vừa đi tới địa đầu của thị xã Bảo Lộc (thị xã Bảo Lộc mới được nâng lên cấp thành phố) đã cảm nhận rõ rệt hương trà B'lao tỏa ngát không gian. Ấy tuy nhiên, giới trẻ hôm nay hầu như không một ai biết tới đồi trà Ðam Rông của Bảo Lộc. Và những người lớn tuổi, nhớ về đồi trà Ðam Rông, chỉ biết tiếc thầm, than thở trước những đổi thay dâu biển của cuộc đời. Chúng tôi từng có dịp ghé thăm đồi trà Ðam Rông trước 30 tháng 4, 1975; sau này trở lại vài lần; lần này thì đồi trà Ðam Rông hầu như hoàn toàn biến mất.

Ðam Rông vốn là một vùng đồi mênh mông, cách trung tâm thành phố Bảo Lộc khoảng 4 cây số, sát bên quốc lộ 20 hướng lên Ðà Lạt; một phía đồi sát bên quốc lộ 55 đi Phan Thiết. Có thể nói, vùng đồi Ðam Rông là nơi duy nhất ở tỉnh Lâm Ðồng có những khu rừng già; với những cổ thụ hiếm quý như dầu, si le, chò lông, chò xót... thân to hai người ôm không hết, đứng vững vàng giữa mù sương giá lạnh quanh năm. Vào đầu thập niên 40 của thế kỷ trước, một số doanh nhân Pháp đã chọn vùng đồi Ðam Rông để lập đồn điền trà. Họ đã nghiên cứu kỹ lưỡng đất đai phong thổ vùng đồi Ðam Rông này; dùng phi cơ bay rà khắp rừng núi tỉnh Lâm Ðồng trước khi chọn lựa.

Mấy vị doanh nhân Pháp đó quản lý các đồn điền trà trong vùng đồi Ðam Rông; đồn điền trà chúng tôi từng ghé thăm rộng lớn nhất, khoảng 72 héc-ta, bà Thu Vân và chồng (doanh nhân Pháp) quản lý vào những năm 1960. Vì thế, thuở ấy đồi Ðam Rông còn được gọi là đồi Thu Vân. Bà Thu Vân -Lê Thị Vân- là cháu ngoại của nhà thơ - nhà soạn tuồng Ðào Tấn, danh nhân văn hóa Bình Ðịnh, thế kỷ 19. Ngôi biệt thự xây dựng trên đồi Ðam Rông thuở ấy vừa thuận tiện cho việc quản lý đồn điền trà, vừa nên thơ; là nơi vọng cảnh; nơi thù tiếp các bằng hữu, tao nhân mặc khách. Chúng tôi được biết, khi nhà văn Nhất Linh nghỉ dưỡng ở vùng thác Prenn - Ðà Lạt, ông thường ghé thăm vợ chồng bà Thu Vân, cùng vọng cảnh đồi Ðam Rông. Bài thơ thất ngôn tứ tuyệt của bà Thu Vân cảm tác trên đồi trà Ðam Rông, sau đó đăng ở báo Văn Hóa Ngày Nay của Nhất Linh, chúng tôi còn nhớ: Có những chiều thu êm ắng ghê / Êm êm nghe cả lối đi về / Nghe sương đồng nội rơi trên núi / Nghe dáng chiều đi lọt dưới khe.



Trà Lộc Sơn - B'lao



Trà Lộc Sơn - B'lao là thứ trà làm nên thương hiệu trà Bảo Lộc, tức trà B'lao. Vùng đồi Ðam Rông thuộc xã Lộc Sơn của huyện Bảo Lộc thuở trước; sau này, khi Bảo Lộc trở thành thị xã thì xã Lộc Sơn trở thành phường Lộc Sơn. Và nguồn gốc tạo nên hương vị đặc sắc của trà B'lao, đã xuất phát từ trà ở đồn điền trà Ðam Rông.

Khi lập đồn điền trà Ðam Rông, các doanh nhân Pháp đã lấy giống trà từ vùng Thái Nguyên ở miền Bắc Việt Nam, và trà Bạch Mao ở Trung Quốc. Việc trồng trà ở Ðam Rông cũng đặc biệt, bằng cách thức “ươm hạt và estum”. Theo cách thức này, lấy hạt trà già ươm dưới đất, rồi phủ lên một lớp cỏ tranh. Khi cây trà lên cao khoảng 40-50 cm thì nhổ lên; cắt rễ, ngọn; tỉa bớt lá; dùng cây nhọn xăm lỗ chôn chặt thân chè xuống.
Trồng theo cách thức này, cây trà sẽ sống thọ và chịu đựng hạn hơn cách thức trồng hạt và cành. Và nhất thiết phải trồng vào lúc trời mưa dầm. Ông Sa-lum, một người Việt gốc Khmer, từng là công nhân trồng trà từ lúc lập đồn điền trà ở đồi Ðam Rông, cho chúng tôi biết như vậy. “Chú biết không, mỗi khi đi trồng trà cho mấy ông Tây, thú vị lắm. Mấy ổng cho công nhân uống mỗi người một ly rượu Cỏ-nhác (Cognac); rồi anh em ra giữa đồi mưa gió mà ươm hạt, xăm lỗ, cắm thân cây...; rượu bừng lên nóng ấm cả người, khoái lắm!” Ông Salum nói. Ông già Salum là người duy nhất từ thuở ấy, còn lại ở phường Lộc Sơn hôm nay. Hai người vợ của ông đã mất từ mười mấy năm rồi; bà con cư ngụ lâu năm ở phường Lộc Sơn đều gọi ông Sa-lum là ông Hai Miên, tức ông người Miên hai vợ.



Ðồi Trà Ðam Rông mất dấu



Sau biến cố 30 tháng 4, 1975, gia đình bà Thu Vân sang Pháp, giao lại đồn điền trà Ðam Rông cho ông Lê Thành Minh, cháu gọi bà Thu Vân là cô. Xí nghiệp chè Lâm Ðồng tiếp quản, ông Lê Thành Minh cũng không thể làm gì khác hơn, là nhìn ngó những đồi trà xanh mướt bao la dần dần biến mất. Xí nghiệp trà Lâm Ðồng của “nhà nước cách mạng” đã làm một cuộc “cách mạng lớn”, là biến công việc của công nhân trồng trà, thành “làm ăn tập thể, khoán công làm cỏ!” Những đồi trà Ðam Rông trở nên hoang hóa, cỏ mọc lấp cả đồi trà. Xí nghiệp trà Lâm Ðồng thấy cỏ dại ở đồi Ðam Rông quá tốt tươi, đã giao cho hợp tác xã mua bán xã Lộc Sơn, mua bò về bán cho nông dân thả rông ăn cỏ trên đồi. Ngôi biệt thự trên đồi Ðam Rông, chúng tôi còn hình dung rõ mồn một: Kiến trúc kiểu Pháp, bằng gỗ bìa dày, sơn màu xanh lá cây, cửa kính nhìn ra tứ bề; nay ngôi biệt thự bị dỡ bỏ, thay vào đó là cái chuồng bò! Rồi tới hồi chia chác đất đồi Ðam Rông cho các “quan cán bộ”; họ bán hoặc sang nhượng tứ tung, ai có tiền vội mua ngay một miếng đất để làm nhà cửa, kinh doanh buôn bán, lập nên khu dân cư mới thuộc phường Lộc Sơn.

Thật đau lòng nhìn những khoảng đồi trà bị bỏ hoang nay trở nên đồi trọc, rác rưởi thu gom đổ cao thành đống ở đây; những trái đồi bị khoét lõm, xẻ san lấy đất làm nhà; những trái đồi bị đào đục như loài chuột khổng lồ ra sức phá hoại, để xây dựng nhà cao tầng hiện đại. Một số dân cư tiếp tục trồng trà; nhưng chất lượng trà Ðam Rông thuở nào không còn nữa, vì nước ở những suối nguồn Ðam Rông đã bị ô nhiễm hoặc cạn kiệt. Chúng tôi thăm ngôi biệt thự xưa, chỉ còn phế tích của cái chuồng trại nuôi bò, giữa nền ngôi biệt thự. Bốn bề đá chân tường của ngôi biệt thự ấy, cỏ mục đắp lên một lớp dày ẩm mốc. Một cô giáo mua lại được khoảnh đất sát bên ngôi biệt thự, nay trồng được một hai công cây cà phê. Chúng tôi hỏi sao chị không trồng trà, chị lắc đầu, nói: “Trà Lộc Sơn bây giờ không phải trà Lộc Sơn thuở trước. Trồng nó là lạc hậu rồi đấy!” Chúng tôi nhớ lời ông già Salum - Hai Miên: “Ngày trước, tụi tui hái trà Ðam Rông bằng tay, chọn đọt hái theo đợt. Còn bây giờ dùng liềm cắt; có nhiều lúc cắt cả đọt mới nhú, đâu còn đợt sau để hái. Trà đốn phát mặt chỉ được vài lứa, cây trà sẽ mau cỗi, chỉ ra lá xòe, tức là đọt điếc mà thôi.”

Ðồi trà Ðam Rông hoàn toàn mất dấu, trà B'lao vẫn còn nức tiếng, được mọi người ưa chuộng. Nhưng có mấy ai còn biết đến vùng đồi sản sinh ra thứ trà đặc sắc, tạo nên thương hiệu xứ trà cao nguyên đáng nhớ này?

No comments:

Post a Comment