Việt Nam có vẻ bị nhiễu thông tin về việc Bộ Y tế đã có sẵn kịch bản cho người dân uống thuốc kali iốt để dự phòng nhiễm phóng xạ.Nhà nước có chương trình dự phòng
Vấn đề này được báo Saigon Tiếp Thị điện tử đưa lên mạng vào ngày 12/4. Tờ báo trích lời TS Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế cho biết, dù Việt Nam chưa ở trong giai đoạn bị ảnh hưởng bởi phóng xạ từ Nhật Bản. Tuy nhiên Bộ Y tế đã xây dựng chương trình dự phòng về vấn đề này, thuốc viên kali iốt có thể được nhập khẩu và dự trữ để khi cần sẽ phân phát cho người dân.
Trả lời Nam Nguyên vào tối ngày 14/4, ông Lê Văn Hồng Phó Viện trưởng Viện Năng lượng Nguyên Tử từ Hà Nội nhận định, thảm họa hạt nhân nhà máy điện Fukushima về cơ bản đã được kiểm soát, nhưng nó vẫn còn những diễn biến rất phức tạp mà mình chưa thể biết được. Tuy vậy mọi số liệu đo đạc được Việt Nam cho tới lúc này (14/4) là không ảnh hưởng sức khỏe cộng đồng. Phó viện trưởng tiếp lời:
“Cơ quan hữu trách người ta dự phòng trước thì bao giờ cũng tốt hơn, thế nhưng tình hình hiện nay mình chưa đến mức phải lo lắng như vậy, hàm lượng phóng xạ đo được là cực thấp. Muối iốt phát ra để chống phóng xạ phải là chuyên dụng hàm lượng i ốt phải cao, người ta uống để cho i ốt tập trung vào tuyến giáp trước. Khi bụi phóng xạ I 131 đến dù vào cơ thể nó không ngưng tụ hoặc là rất ít rồi bị bão hòa thì không gây ảnh hưởng.
Trường hợp những nơi ở sát nhà máy Fukushima thì người ta phải dùng, chứ còn các nước lân cận cũng chẳng có nhu cầu, bất cứ cái gì xảy ra thường người ta hay nêu ra nhiều tình huống mà người dân thì không có hiểu biết sâu sắc, không rõ hết sự chính xác đến mức nào khi nghe bên này nghe bên kia.”
Phản ứng của cộng đồng với thông tin Bộ Y tế xây dựng chương trình phòng chống nhiễm xạ cho người dân được ghi nhận khá đặc biệt. Trong khi các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM im ắng thì các tỉnh ven biển mịền Trung và Tây Ninh hết sức chộn rộn. Người dân nghe truyền miệng nước biển nhiễm phóng xạ ở Nhật Bản sớm muộn sẽ về tới Việt Nam, nên đổ xô đi mua muối và nước mắm để trữ, Mặt hàng muối vơi dần một cách nhanh chóng. Một cán bộ nghỉ hưu ở Ninh Thuận nhận định:
“Nhiều khi nghĩ rằng là ở gần biển, nước biển từ bên kia chảy xuống, rồi gió mây mưa nó trôi gió thổi xuống dưới này cũng có ảnh hưởng. Người ta lo xa cũng như hồi trước có cúm gà H5N1, cả thành phố chạy đi mua thuốc Tamiflu trị cúm gà đó, cuối cùng để đó đâu có sử dụng gì tới. Chuyện như vậy làm cho một số người có lợi, họ tung tin để bán được hàng hóa, cũng có thể có một phần từ đó.”
Theo báo Dân Việt trang mạng điện tử của Báo Nông Thôn Ngày Nay, ngày 13/4 mặt hàng muối được tiêu thụ gấp bốn lần ngày thường, nhiều người ở tận Quảng Trị, Quảng Nam đã đi xe buýt về Đà Nẵng để mua sỉ muối ở các chợ hoặc siêu thị. Nhà báo ghi nhận các tiểu thương Chợ Cồn ngày thường chỉ bán được 20-30kg muối thì nay bán được 100kg. Phần lớn mỗi người mua 5-10kg muối, cá biệt có người mua cả bao muối hạt 30kg về dự trữ. Nhà báo cho rằng người dân đổ xô đi mua muối là do tâm lý, chứ bản thân họ không biết và không hiểu gì về tin đồn nước biển Việt Nam nhiễm phóng xạ.
Được biết diêm dân ở Việt Nam sản xuất muối từ nước biển dẫn vào các cánh đồng ở ven biển, giá muối gần đây thấp hơn giá thành khiến diêm dân lao đao.
Dân hoang mang do nhiễu thông tin
Vẫn theo Dân Việt Online, muối ế phơi đống ở Đức Phổ tỉnh Quảng Ngãi đã được tư thương đến mua hết với giá 800đ/kg so với giá 500đ/kg mấy hôm trước. Hợp tác xã sản xuất muối số 1 Xã Phổ Thạnh đã bán được hơn 500 tấn muối với giá 800đ/kg, mức giá cao nhất từ đầu năm 2010 tới nay. Ông Chủ nhiệm Hợp tác xã tin tưởng là sẽ nhanh chóng tiêu thụ được 1.500 tấn muối tồn kho với giá cao.
Người dân ven biển miền Trung mua trữ muối vì hoang mang, chứ không hiểu rằng muối biển có hàm lượng iốt rất ít chỉ dùng trong thực phẩm để ngừa bệnh bướu tuyến giáp. Còn nếu ăn thật nhiều muối thì lại quá mặn không ai ăn được, như ông Lê Văn Hồng Phó viện trưởng Viện Năng lượng Nguyên tử đã nói với chúng tôi: kali iốt là thuốc chuyên dụng có hàm lượng iốt cao hơn nhiều so với muối biển.
Một phụ nữ TP.HCM có gia đình thân tộc ở Nha Trang sau chuyến về thăm quê nhà kể lại với chúng tôi:
“Có Bà ở bên Tháp Bà che chở, còn nếu không bị một phát là tiêu ‘dên’ hết như bên Nhật thôi có gì đâu. Vấn đề này từ bà bán cá bán rau bán hành ở ngoài chợ cũng bàn tán theo kiểu chấp nhận là tới đâu hay tới đó, chớ bây giờ hỏi có lo có sợ cũng chẳng làm được cái gì…nghe nói nhà đất ở các tỉnh miền biển đặc biệt là Nha Trang mất giá ghê lắm.”
Câu chuyện đổ xô đi mua muối vì tin đồn nước biển nhiễm phóng xạ không chỉ diễn ra ở các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ, báo điện tử Dân Trí ghi nhận tình trạng tương tự đã diễn ra ở Tây Ninh một tỉnh có ranh giới giáp Campuchia. Tờ báo thuật lại tin của Tây Ninh Online, theo đó suốt cả tuần lễ người dân Thị xã Tây Ninh đổ xô đi mua muối về dự trữ do tin đồn nước biển nhiễm phóng xạ tới Việt Nam sẽ ảnh hưởng đến muối biển. Giá muối bỗng nhiên tăng vọt, nguồn cung cấp nhỏ giọt trong khi nhu cầu tiêu thụ tăng khiến mặt hàng muối ở Tây Ninh trở nên khan hiếm.
Bác sĩ Huỳnh Hòa Thanh, một cán bộ nghỉ hưu ở TP.HCM nói với chúng tôi là người dân bị nhiễu thông tin về vấn đề phóng xạ từ Nhật Bản ảnh hưởng đến Việt Nam. Ông cho rằng báo chí phải có trách nhiệm thông tin trung thực cho dân chúng. BS Thanh tiếp lời:
“Ngành y tế và ngành phóng xạ hạt nhân nên tuyên truyền cho người dân hiểu rõ về mặt kiến thức nhiều hơn. Chủ trương một chính sách gì thì cần giáo dục tuyên truyền cho người ta nhận thức trước rồi mới thực hiện sau.”
Trong cuộc phỏng vấn của chúng tôi, ông Lê Văn Hồng Phó Viện trưởng Viện Năng lượng Nguyên tử trụ sở ở Hà Nội nói rằng người dân Việt Nam không nên hoang mang. Ông tiếp lời:
“Theo tôi mọi người dân cứ bình tĩnh, theo dõi tin của mạng quan trắc phóng xạ của Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam đưa qua trang web của Bộ Khoa học Công nghệ. Nếu như diễn biến tăng lên mà mức đo được thể hiện tăng lên thì chúng tôi sẽ có cảnh báo và sẽ có những khuyến cáo cho bà con. Hiện nay diễn biến không có vấn đề gì cả, nó vẫn đều đều và ở mức rất là thấp, có thể nói rằng mức phóng xạ hiện nay so với mức cho phép là rất thấp không ảnh hưởng sức khỏe con người và môi trường, mọi người cứ bình tĩnh và sinh họat bình thường.”
Trước tình trạng xáo động ở một số tỉnh thành, ngày 14/4 Thanh Niên Online đưa tin, Bộ Khoa học-Công nghệ đã bác bỏ tin đồn nước biển ở Việt Nam bị nhiễm phóng xạ. Người dân ở nhiều địa phương đặc biệt là các tỉnh duyên hải miền Trung từ Quảng Trị đến Quảng Nam, Đà Nẵng đã đổ xô đi mua muối iốt dự trữ, sau khi truyền thông báo chí đưa tin Nhật xả nước nhiễm phóng xạ ra biển và nâng mức báo động sự cố nhà máy điện hạt nhân Fukushima lên cấp độ 7 mức cao nhất trong thang cảnh báo.
No comments:
Post a Comment