Cuối tuần trước, các hội thánh Tin Lành trong nước kỷ niệm 100 năm Tin Lành đến Việt Nam, đặc biệt lần đầu tiên có sự truyền giảng của một mục sư nước ngoài tại buổi lễ chỉ được nhà nước cho phép vào giờ chót ở TPSG.
Kỷ niệm 100 năm
Sự kiện các Hội Thánh Tin Lành ở Việt Nam, được nhà nước chấp thuận vào giờ chót cho cử hành lễ kỷ niệm một trăm năm đạo Tin Lành đến Việt Nam (1911-2011), được loan tải trên thông cáo báo chí của Compass Direct News, tổ chức chuyên theo dõi và đưa tin về những hành động bất dung tôn giáo trên thế giới.
Theo Compass Direct News, mười hai nghìn tín hữu Tin Lành thuộc các hệ phái khác nhau đã qui tụ tại sân vận động Thành Long ở thành phố Hồ Chí Minh để chào đón và nghe một nhà truyền giáo nước ngoài, mục sư Luis Palau, chia sẻ lời Chúa.
Tưởng cần nhắc từ năm 2005, chính phủ Việt Nam ban hành Pháp Lệnh Tôn Giáo Và Tín Ngưỡng, qui định các tổ chức Tin Lành, còn gọi là Cơ Đốc Giáo, phải đăng ký xin tư cách pháp nhân thì mới được sinh hoạt tôn giáo.
Từ California, mục sư Ray Rhodes, có nhiều năm kinh nghiệm làm việc với Tin Lành trong nước trước kia, nhận định về sự kiện ông cho là hi hữu trong hai ngày 9 và 10 vừa qua:
Thật là quan trọng, phải biết năm 2011 này là một trăm năm Tin Lành đã đến Việt Nam, luôn tiện lễ Phục Sinh sắp tới thì sự kiện rất đặc biệt là mục sư tiến sĩ Luis Palau, một người Mỹ gốc Argentina, được phép giảng tại buổi lễ đó.
Nhưng mà tôi biết họ mới được phép đàng hoàng trước khi bắt đầu khoảng chừng ba bốn tiếng thôi. Như vậy thì phái đoàn của nhà truyền giáo Luis Palau đã đi Việt Nam mà cũng không biết đến giờ chót thì sẽ được phép hay không.
Nhưng mà cuối cùng thì được là rất tốt. Chỉ ba bốn tiếng đồng hồ thì được phép tức là việc này cũng gấp rút cũng không được thoải mái lắm. Mục sư Rhodes nói theo chỗ ông biết thì các hội thánh tư gia tham dự hầu hết chưa đăng ký tư cách pháp nhân:
Dường như là hai hội thánh đã đăng ký, nhưng mà hơn hai mươi Hội Thánh Tư Gia thì chưa được đăng ký mà vẫn được tổ chức như thế thì cũng rất lấy làm lạ phải không. Có thể noí rằng chính quyền chịu chưa không phải là họ hoan nghinh, tại họ cũng biết các Hội Thánh Tư Gia, đã được mời từ lâu và dầu được phép hay không, thì người ta sẽ đến hàng ngàn người.
Chính quyền Việt Nam vẫn còn hay nghi ngờ phong trào Tin Lành tại Việt Nam, nhưng ai cũng thấy sự kiện này rất là an toàn, tốt đẹp, có ích lợi chung cho xã hội. Rất mong từ nay trở đi thì chính quyền Việt Nam sẽ hoan nghinh những việc như thế thay vì chỉ chịu chỉ bằng lòng thôi.
Khởi đầu?
Cũng tại Hoa Kỳ, mục sư Nguyễn Xuân Đức, hội trưởng Hội Liên hữu Tin Lành Việt Nam Thế Giới, nói rằng ông biết và xem hình ảnh lễ kỷ niệm một trăm năm Tin Lành đến Việt Nam là nhờ Internet:
Theo tôi biết đây là chương trình do một số hội thánh tư gia tại Việt Nam tổ chức, một số hội thánh đã đăng ký rồi và một số thì chưa, nhưng mà tất cả các hội thánh Tin Lành khác nhau đều có thể đến tham dự.
Quí vị này đã xin phép rất lâu nhưng cuối cùng thì nhà nước mới cho phép. Tôi nghĩ đây là vấn đề hành chánh và vấn đề hạn chế các buổi nhóm đông người như thế này. Nhưng đây là lễ kỷ niệm một trăm năm Tin Lành đến Việt Nam, một sự kiện quan trọng không những cho Tin Lành Việt Nam mà cho cả Tin Lành Thế Giới.
Bây giờ Tin Lành Việt Nam với gần hai triệu người tham dự vào cộng đồng Tin Lành thế giới. Trong những năm trước phần lớn người giảng dạy là người Việt Nam, lần đầu tiên Luis Palau một nhà truyền giáo nước ngoài được phép giảng ngoài trời cho hàng ngàn người.
Về đường lối của nhà nước thì cho đến bây giờ chưa có người ngoại quốc nào đến giảng một cách tự do tại Việt Nam. Có thể đây là điểm bắt đầu cho nhà nước suy nghĩ là nhà nước Việt Nam có tự do tôn giáo, tôn giáo cũng được tự do như thương mãi thì như vậy rất tốt cho nhà nước. Buổi lễ kỳ niệm một trăm năm Tin Lành đến Việt Nam(1911-2011) diễn ra tại sân vận động thành phố Hồ Chí Minh. Trưởng ban tổ chức là mục sư Nguyễn Thông, Hội Thánh Báp Tít Việt Nam Nam Phương, có tư cách pháp nhân vì đã đăng ký.
Phụ với mục sư Nguyễn Thông trong việc xin giấy phép tổ chức là mục sư Hồ Tấn Khoa thuộc Hội Than1h Tin Lành Trưởng Lão Liên Hiệp Việt Nam. Đây là một trong những giáo hội chưa có pháp nhân vì chưa đăng ký.
Tuy nhiên theo mục sư Hồ Tấn Khoa, một số chi nhánh của Hội Thánh Tin Lành Trưởng Lão vẫn được phép hoạt động vì được giấy phép của chính quyền địa phương.
Về lý do giờ chót mới được giấy phép, mục sư Hồ Tấn Khoa giải thích một phần là do có yếu tố người nước ngoài, tức liên quan đến mục sư Luis Palau, phần khác là do nơi địa điểm tổ chức:
Vì trong đơn có một số hệ phái có pháp nhân và một số hệ phái chưa có pháp nhân nên nhà nước không chấp nhận một đơn như vậy.
Sau đó trong những ngày cuối thì nhà nước mời chúng tôi đến và cho chúng tôi ở sân Thành Long. Chúng tôi không đồng ý vì sân Thành Long không đủ sức chứa một số lượng tín đồ lớn.
Mãi đến bốn giờ chiều thứ Bảy ngày 9, nhà nước nói không thể cho tổ chức ở Quận 12 theo đơn chúng tôi xin và chỉ có duy nhất ở Thành Long. Chúng tôi quyết định tổ chức ở Thành Long.
Được hỏi có tất cả bao nhiêu người tham dự, mục sư Hồ Tán Khoa trả lời là có khả năng từ mười hai đến mười bốn nghìn người, và đây cũng không phải lần đầu tiên tổ chức đông như vậy:
Mấy năm trước mùa Phục Sinh và Giáng Sinh chúng tôi từng tổ chức những buổi mưòi bốn mười lăm hai chục ngàn tín đồ. Thậm chí hơn ba chục ngàn người là chúng tôi đã làm rồi.
Lần này dù nhà nước cho phép trước hai ba tiếng đồng hồ nhưng vì chúng tôi đã chuẩn bị nên hai ba tiếng đồng hồ là chúng tôi dàn dựng sân khấu, cũng giống Giáng Sinh vừa rồi nhà nước cho phép ba tiếng đồng hồ trước thì chúng tôi cũng đã chuẩn bị và tổ chức một chương trình phước hạnh trong mùa Giáng Sinh 2010.
Sau buổi truyền giảng nhân kỷ niệm một trăm năm Tin Lành đến Việt Nam ở thành phố Hồ Chí Minh, mục sư Luis Palau đã cùng một số mục sư trong nước bay ra Hà Nội để xin tổ chức một buổi lễ tương tự cho các tín hữu Tin Lành miền Bắc trong hai ngày 15 và 16.
Từ Hà Nội, mục sư Nguyễn Hữu Mạc, hội trưởng Hội Thánh Tin Lành Miền Bắc, có qui chế pháp nhân của nhà nước,cho hay đã nhận được văn bản trả lời của Ban Tôn Giáo Chính Phủ nhưng chưa được sự đồng ý về địa điểm tổ chức cũng như sự hiện diện của nhà truyền giáo nước ngoài:
Về địa điểm tổ chức bên ngoài thì tới giờ nhà nước cũng chưa chấp thuận. Mới đầu thì dự kiến tổ chức tại Trung Tâm Thi Đấu Điền Kinh Mỹ Đình hoặc là Trung Tâm Thể Thao Quần Ngựa Ba Đình, có thể chứa được trên mười ngàn người. Nhưng cho đến giờ này về phía chính phủ họ chưa chấp thuận hai địa điểm thuận lợi đó.
Mục sư hội trưởng Hội Thánh Tin Lành Miền Bắc báo cho biết hôm nay, ngày 15, ông sẽ có cuộc họp về chuyện liên quan với Ban Tôn Giáo thành phố Hà Nội:
Xin cầu nguyện cho, cái này cũng không thể nói trước bởi vì khi làm việc với chính quyền thì khi nào họ có văn bản cho mình cầm trong tay thì mới chắc được. Được tổ chức thì có lợi vì nó thể hiện đường lối chính sách của nhà nước đối với tôn giáo.
Được biết các tỉnh phiá Bắc có ba mươi hội thánh và hội nhánh trực thuộc Hội Thánh Tin Lành Việt Nam ở miền Bắc. Trong số này, mười bốn hội thánh đã có pháp nhân chính thức với nhà thờ và cơ sở vật chất.
Bên cạnh đó, hơn một nghìn điểm nhóm của đồng bào dân tộc theo Tin Lành ở miền núi nhưng chỉ hơn hai trăm điểm được nhà nước công nhận.
Theo mục sư Nguyễn Hữu Mạc, cả mấy trăm điểm nhóm chưa có tư cách pháp nhân thì thực ra có đăng ký với chính quyền địa phương. Tuy nhiên dưới mắt chính phủ trung ương, các điểm nhóm như vậy vẫn bị coi là bất hợp pháp.
Và theo tin mới nhất từ Hà Nội, cách đây ba tiếng đồng hồ của tối 15 tháng Tư, Uỷ Ban Nhân Dân Thành Phố Hà Nội đã chấp thuận cho Tổng Hội Thánh Tin Lành Việt Nam ở miền Bắc được tổ chức lễ cầu nguyện và thánh nhạc Phục Sinh tại Cung Thi Đấu Điền Kinh Mỹ Đình. Lễ chỉ được phép tiến hành trong ngày 16 mà thôi.
No comments:
Post a Comment