Nhìn AiCâp Mong ViệtNam

Friday, April 15, 2011

Những điều bất cập trong các phiên tòa ở Việt Nam

Cho đến hôm nay, vẫn còn rất nhiều dư luận lên án việc vi phạm luật hình sự tố tụng của phiên tòa xử Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ cũng như tính công khai của các phiên tòa dưới chế độ xã hội chủ nghĩa. Tường An cùng các luật sự, thân nhân của các bị cáo nêu lên những điểm bất cập trong các phiên tòa xã hội chủ nghĩa trong hai vụ án gần đây nhất là phiên tòa xử Đoàn Huy Chương, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, Đỗ thị Minh Hạnh và vụ án tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ. Phát ngôn viên bộ Ngoại giao Việt Nam, bà Nguyễn Phương Nga nói:

"Việt Nam xử lý các hành vi vi phạm pháp luật theo đúng các quy định của pháp luật Việt Nam và hoàn toàn phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế."

Tiêu chuẩn luật pháp?
Vậy, thế nào là một phiên tòa theo đúng với tiêu chuẩn Quốc tế? Và thế nào là một phiên tòa công khai? Từ Canada, Luật sư Lâm Chấn Thọ giải thích:

"Việt Nam đã ký những hiệp ước Quốc tế, thì một trong những cái tiêu chuẩn quan trọng vô cùng mà tất cả tòa án đều theo đó gọi là Alteram Partem, cái tiêu chuẩn đó nói rằng mình không thể nào là vừa là chánh án, cái conflict of interest tức là mình không thể nào vừa xử mà lại vừa có những có quyền lợi đối nghịch với người bị xử.
Có nhiều vụ xử người ta xử kín, để làm gì ? để bảo vệ những nhân chứng, ví dụ như những vụ hiếp dâm, vi phạm tình dục thanh thiếu niên. Thường thường khi mà xử kín là để bảo vệ những người nhân chứng vị thành niên đó.
Sau khi được yêu cầu của bên công tố viện cũng như bên bào chữa thì tòa án định là xử kín hay công khai. Thì sau khi tòa án đã định rồi thì lúc đó có những nguyên tắc phải theo.

Thì sau khi tòa án đã nói đây là một vụ xử công khai tức là phải mở ra cho công chúng chớ đâu có cáu vụ mà đem công an chận đường người này, chận đường người kia, không cho báo chí vô. Khi đã nói là công khai là đệ tam quyền, tức là phóng viên báo chí được quyền tham dự.
Lẽ dĩ nhiên có những điều kiện mà tòa án có thể đặt ra cho những người tham dự như bên Mỹ chẳng hạn không cho chụp hình, bên tôi là Canada thì không cho quay phim, cái đó tùy theo thủ tục tòa án của từng nước.

Nhưng mà khi đã nói công khai thì không chỉ thân nhân mà thôi mà mọi người được quyền, trong đó quan trọng nhất là báo chí, để họ có thể tường thuật lại."

Theo định nghĩa đó thì phiên tòa xử Chương Hùng và Hạnh rõ ràng đã không đáp ứng với tiêu chuẩn Quốc tế, các phiên tòa xử các nhà bất đồng chính kiến ở Việt Nam tuy được gọi là công khai nhưng hầu hết đều không cho thân nhân, báo chí được vào. Luật sư Đặng Thế Luân, luật sư của Chương Hùng và Hạnh cũng xác định:

"Phiên tòa xử công khai những lại không cho thân nhân các bị cáo vào tham dự phiên tòa, cũng như những người ngoài không ai được vào kể cả phóng viên báo chí. Tôi cho rằng như vậy là không đúng theo quy định của pháp luật."

Trong khi phiên tòa phúc thẩm của Chương Hùng Hạnh chỉ có bị can, luật sư và rất nhiều công an thì phiên tòa của TS Cù Huy Hà Vũ cũng không khác hơn, Luật sư Dương Hà, vợ của tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ, người thân duy nhất có mặt trong phiên tòa kể lại:

"Xét xử công khai mà chỉ có một người thân duy nhất là tôi ở trong tòa, còn đâu là tất cả anh em, người thân, họ hàng gia tộc chẳng ai được vào. Báo chí thì nghe nói có 2 hãng thông tấn của nước ngoài vào, nói vậy thôi những mà họ cũng ở phòng bên cạnh.
Chủ yếu là công an mặc quần áo đồng phục cũng như dân sự những cũng là công an. Tôi thấy đó không phải gọi là một phiên tòa xét xử công khai được."

Trong quá trình điều tra, điều tra viên đã vi phạm luật tố tụng.Bà Ngọc Minh, Mẹ của Đỗ thị Minh Hạnh cho



Anh Chương, anh Hùng và chị Hạnh. RFA file (UBBVLD)
biết cụ thể những vi phạm đó như sau:

"Tôi được biết rằng riêng cháu Hùng thì cháu có nói rằng công an có dọa nạt là sẽ nhốt cháu chung với những người mắc bệnh HIV hoặc là cho cháu vào nhà thương điên.
Cháu Chương thì cháu có nói rằng khi lấy lời khai thì khai một đoạn, rồi để trống một đoạn, cháu Chương sợ rằng sau khi về thì công an muốn điền gì vào đó thì điền, thêm tội cho cháu.

Còn riêng cháu Hạnh cháu có nói rằng cháu đề nghị sửa lại bản án, tức là cháu không phải khai như vậy, nhưng công an không sửa."
Về phần luật sư Dương Hà, bà cũng cho là phiên tòa xử tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ đã vi phạm điều 214 của bộ luật tố tụng hình sự:

"Theo đúng điều 214 Thẩm phán là phải công bố những tài liệu của vụ án, thế nhưng mà Thẩm phán thì đã không công bố những tài liệu của vụ án. Luật sư Trần Vũ Hải là bị đuổi ra là bởi vì trên đấy mấy phút thì luật sư Hải-thực ra là mọi người cùng nhìn thấy nhưng đều không phát hiện ra- là có một người ở ngòai đi vào đưa một tờ giấy gì đó cho Thẩm phán thì luật sư Hải đã đứng lên đề nghị là ông phải công bố ngày tờ giấy là tờ giấy gì.

Thế nhưng mà ông Nguyễn Hữu Chính thì quanh co mãi, cuối cùng ông ấy bảo rằng đó là một người thư ký yêu cầu đưa cho họ bản cáo trạng. Thực ra thì chúng tôi cũng không tin cái điều đó, nhưng mà bởi vì ông cứ quanh co mãi nên mọi người cũng không nhắc nữa. Nhưng mà lúc đó luật sư Hải đã rất là bức xúc vì chuyện đưa tờ giấy vào như là một sự chỉ thị hay cái gì đó.

Chính vì sự bức xúc đó, sự kiên quyết đó cho nên là Hội đồng xét xử đã không thích luật sư Trần Vũ Hải ở



Công An ngăn cản một số người dân bên ngoài tòa án Hà Nội, ngày 04 tháng 04 năm 2011. AFP
chổ đó rồi cho nên nhân cái cơ hội là luật sư Trần Vũ Hải yêu cầu phải công bố các tài liệu của vụ án, lúc bấy giờ ông Chính đề nghị công an đưa luật sư Hải ra ngoài.

Theo tôi nghĩ 50/50 khả năng là khó chịu với luật sư Hải về cái vụ việc luật sư Hải phát hiện ra vụ cái tờ giấy từ bên ngoài đưa vào cho thẩm phán nhiều hơn là cái chuyện bức xúc về cái chuyện đòi công bố tài liệu."

Trường hợp vụ án của Hùng Hạnh và Chương cũng như phiên tòa xử tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ tòa án đều không đưa ra những bằng chứng buộc tội cho luật sư và bị cáo. Luật sư Lâm Chấn Thọ nhấn mạnh:

"Cái tiêu chuẩn Quốc tế, khi anh buộc tội một người nào thì chúng ta phải « disclose », tức là chúng ta phải đem ra những văn kiện mà mình dựa trên đó mình buộc tội người ta.

Luật sư của bị can được quyền đòi hỏi, tiếng chuyên môn gọi là « actus reus » tức là những tang vật. Ông buộc tội ông nói rằng phạm tội đó thì những cái gì ông dựa trên đó ông dùng để xử người ta thì ông đưa cho tôi coi chứ!"

Quyền được nói trước tòa?
Một điều nhận thấy rõ là trong phiên tòa của Chương Hùng Hạnh, Hội Đồng xét xử đã không cho các bị can trình bày hết ý kiến của mình. Bà Ngọc Minh nói :
Khi Hùng Hạnh Chương đứng lên phát biểu thì bà thẩm phán không cho nói bằng cách là « thôi được rồi, thôi được rồi… » tức là không cho các bị can tự bào chữa cho mình, đó là phiên tòa sơ thẩm.

Còn phiên tòa phúc thẩm thì chúng tôi không được vào, những mà ở bên ngoài thì nghe khi mà bồi thẩm đoàn buộc tội các cháu thì âm thanh bình thường, nhưng mà khi bị can hay luật sư lên tiếng nói thì âm thanh bị cắt.



Linh Mục Nguyễn văn Lý bị bịt miệng không cho nói trước tòa.
Người luật sư hay bị can phải nói cho thật to, gào cho thật to lên để cho mọi người nghe.

(Xin mời quý thính giả cùng nghe một số âm thanh ghi lại trong phiên tòa xét xử Chương, Hùng Hạnh. Xin lỗi vì âm thanh không được rõ.)

Trích đoạn Chương bị cắt lời khi đang phát biểu :

Chương : Đấu tranh cho công nhân được giúp đỡ, những người công nhân khổ sở …..

Thẩm phán : Thôi được rồi

Hạnh là người bị cắt lời nhiều nhất trong quá trình xét xử :

Hạnh : Để giúp đỡ họ, khuyên nhủ vượt qua những khó khăn của họ và trình bày cái quyền lợi của họ, và tôi cảm thấy rằng…..

Thẩm phán: Thôi được rồi, được rồi, như vậy bị cáo..….

Khi nêu lý do để khẳng định mình không có tội, Hạnh cũng liền bị ngắt lời :

Hạnh : Đến giờ phút này, tôi vẫn thấy rằng mình vẫn không có tội, bởi vì tất cả..…

Thẩm phán: Thôi được rồi, bây giờ bị cáo chú ý, các bị cáo chú ý lời nói sau cùng.…..

Những trích đoạn cho thấy Hùng cũng bị cắt liên tục :

Hùng : ….bị bóc lột….

Thẩm phán : Thôi được rồi….ý của bị cáo là….đúng không ?

Hùng : đúng nhưng…

Thẩm phán: Thôi được rồi, bị cáo trả lời ngắn gọn câu hỏi của tòa thôi….

Hùng : Trước khi tòa tuyên án thì tôi yêu cầu quý tòa nên xem xét lại, vì trời cao có mắt….

Thẩm phán: Thôi được rồi, bây giờ bị cáo..………..

Khi không được quyền nói và cũng không được quyền hỏi, Hùng uất ức nói : Nếu mà ra lệnh như vậy thì phiên tòa có thể chấm dứt được rồi, xin nghe trích đoạn ;

Hùng : Tính hỏi phiên tòa…

Thẩm phán: bị cáo không được quyền hỏi, chỉ có hội đồng xét xử hỏi bị cáo….

Hùng : Nếu mà ra lệnh như vậy thì phiên tòa có thể chấm dứt được rồi.
Luật sư Dương Hà cho biết tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ cũng không được cho phát biểu:

"Anh Vũ nói thẳng ra là ngoài tòa tranh tụng là chúng tôi được quyền bình đẳng như các ông.Tôi và các ông bình đẳng như nhau cho nên là hãy để cho tôi được quyền nói nhưng mà họ không cho anh ấy nói, cái chuông cứ liên tục rung..

Nói cái gì thì ông ấy cũng nói là ông ấy « biết rồi, biết rồi, đấy là quan điểm của anh, đúng không ! » và đặc biệt là cái người đằng sau – trước đây mấy lần phỏng vấn tôi quên tôi không nói – là thay đến 3 công an và cuối cùng là một ông độ gần gần 50 tuổi, ngồi sau cùng và ngồi lâu nhất cứ liên tục giật áo và giật tay anh ấy không cho anh ấy nói."

Qua những đoạn ghi âm vừa công bố trong phiên tòa xử Chương Hùng Hạnh. Người nghe có cảm tưởng hội đồng xét xử chỉ muốn nghe bị cáo nhận tội mà không muốn nghe các bị cáo biện minh.

Nhìn lại các phiên tòa xử các nhà bất đồng chính kiến, người ta thấy rõ rằng các phiên tòa chỉ mang tính hình thức vì bản án dường như đã được định sẵn, những ý kiến của bị cáo cũng như những bài bào chữa với những chứng cứ rõ ràng của luật sư cũng không hề được hội đồng xét xử nghiên cứu nghiêm túc.

Là một bà Mẹ, Bà Ngọc Minh tin tưởng rằng những điều con bà làm là không có tội với pháp luật Việt Nam :

"Phiên tòa này là phiên tòa rất là bất minh. Tôi khẳng định rằng là con tôi và các cháu vô tội, không có tội. Các cháu yêu nước, yêu nhân dân thật sự , yêu những người lao động thật sự và muốn có một đất nước tốt đẹp, một đất nước tôn trọng nhân quyền và bình đẳng."

Là một người vợ, bà Dương Hà khẳng định chồng bà không có tội với pháp luật :

"Một người vợ mà biết chồng mình không có tội mà lại bị bắt, bị xử, bị bội nhọ thì không còn điều gì mà nói lên cái cảm nghĩ của mình, chỉ cảm thấy quá bức xúc thôi. Cái điều mà làm cho mình đớn đau như thế là anh ấy không có tội mà anh ấy còn có công. Anh ấy rất sợ mất nước, anh ấy rất sợ dân khổ. Nói chung anh ấy rất là đau đớn và trăn trở về nổi đau của những người dân bị mất nước. Đây không thể nói là một cái tội được."

Là một cơ quan tư pháp, nhưng những phiên tòa dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, tự bản thân nó đã không tôn trọng quyền tự do ngôn luận của người dân, dù người dân đó là một bị can. Bức hình Linh Mục Nguyễn văn Lý bị bịt miệng là một thí dụ rõ nhất.

Thế giới đã đồng loạt lên tiếng về sự vi phạm Nhân quyền này.

No comments:

Post a Comment