Nhìn AiCâp Mong ViệtNam

Monday, April 25, 2011

Người nuôi treo chuồng, sốt giá heo

Việt Nam sẽ phải nhập khẩu 100.000 tấn thịt do nguồn cung bị thiếu hụt và người nuôi heo bỏ chuồng. Nguyên nhân nào khiến cả triệu hộ chăn nuôi gia đình nghỉ nuôi trong khi giá thịt heo tăng cao.
Chi phí thức ăn chiếm 70%


Năm nay, nhu cầu tiêu thụ thịt ở Việt Nam được Bộ Công thương ước tính khoảng 2,9 triệu tấn trong đó nhiều nhất là thịt heo và sẽ phải nhập khẩu một lượng lớn vì cung sẽ thấp hơn cầu. Hiện nay giá heo hơi trên toàn quốc đang tăng cao kỷ lục, một tạ heo hơi có giá từ 5,3 triệu tới 5,6 triệu đồng tùy vùng.

Là quốc gia nông nghiệp với 70% dân số sống ở nông thôn, chăn nuôi theo hộ gia đình là một thói quen từ lâu đời. Từ cuối năm 2010 đến nay khoảng một triệu hộ chăn nuôi bị phá sản không tiếp tục nuôi nguyên nhân được cho là vì giá thức ăn chăn nuôi tăng liên tục kèm dịch bệnh hoành hành làm cho người chăn nuôi lao đao.


Trong cuộc phỏng vấn của chúng tôi, ông Lê Bá Lịch Chủ tịch Hiệp hội thức ăn chăn nuôi Việt Nam phản biện rằng, việc không kiểm soát được dịch bệnh mới là nguyên nhân chính của tình trạng người chăn nuôi bỏ chuồng. Ông Lịch tính toán cụ thể là thức ăn chăn nuôi tuy cao do nguyên liệu nhập khẩu nhưng người nuôi heo vẫn có lời:

“Chi phí thức ăn chiếm 70% giá thịt, ba cân rưỡi tới bốn cân thức ăn được 1 cân (kg) thịt tính từ khâu nuôi lợn nái cho đến lợn thịt. Giá thức ăn 10.000đ/cân như vậy mất 35-40 ngàn thức ăn thì được 1 cân lợn thịt, trong khi giá thịt lợn hơi hiện nay khoảng 52 ngàn-55 ngàn một cân. Như thế rõ ràng vẫn còn một dư địa cho người chăn nuôi có lãi. Nhưng rủi ro lớn vẫn nằm ở chỗ dịch bệnh, theo tôi trong giai đoạn hiện nay phải đặt việc phòng và chống dịch lên hàng đầu và ưu tiên số một là ý thức của từng người công dân.”


Ông Lê Bá Lịch nhận định rằng ngành thú y gần như bất lực trong công tác phòng chống dịch bệnh. Vị Chủ tịch Hiệp hội thức ăn chăn nuôi đưa ra một số đề nghị:

Thứ nhất, phải tăng cường đội ngũ thú y phòng chống dịch ở cơ sở thôn bản làng xã. Thứ hai, đoàn thể thanh niên phụ nữ Hội Nông dân phải phân công giám sát hoạt động vệ sinh phòng bệnh của các hộ gia đình chăn nuôi. Nhiệm vụ phòng dịch là ưu tiên cần có đoàn thể tham gia tuyên truyền kiến thức phòng dịch và giám sát công tác phòng dịch cho người dân. Tiếp đến phải giám sát chất lượng vắc-xin thú y tiêm phòng, cứ nói là nhập từ nước này nước kia nhưng chắc gì chất lượng đã cao. Sau hết Nhà nước phải có chính sách khuyến khích người chăn nuôi”


Phòng chống dịch bệnh kém


Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp-Phát triển Nông thôn Diệp Kỉnh Tần, khi trả lời chúng tôi nhìn nhận là, Việt Nam cũng như nhiều nước Châu Á khác đã bị động với đợt dịch lở mồm long móng xảy ra khá bất ngờ từ mấy tháng trước. Thứ trưởng Diệp Kỉnh Tần cho biết:

“Cách đây khoảng hai tháng thì đúng là Việt Nam có thiếu vắc xin bây giờ thì không còn thiếu, đã từng có 39 tỉnh bị dịch lở mồm long móng nhưng đang có xu hướng giảm dần và trong tầm kiểm soát của Bộ Nông nghiệp.”


Theo các số liệu của thú y địa phương, chăn nuôi heo ở Đồng Tháp giảm đàn nghiêm trọng, năm 2010 tỉnh này có 400.000 con heo thì nay tổng đàn còn không tới 150.000 con. Tỉnh Long An cũng giảm đến 1/3 số đầu heo chỉ còn 200.000 con, các tỉnh khác ở đồng bằng sông Cửu Long như Hậu Giang, Sóc Trăng, Vĩnh Long đều ghi nhận đàn heo bị giảm từ 30% tới 40% so với năm ngoái.


Cư dân nông thôn Cần Thơ nói với chúng tôi:


“Bà xã đi chợ thịt heo tới 70.000đ-80.000/kg đắt hơn trước rất nhiều. Năm ngoái người nuôi heo chán nản nghỉ nuôi vì dịch bệnh và giá thức ăn cao. Thương lái lùng mua nhưng heo đâu có nuôi nhiều chỉ có một số bà con thả giống thôi, đợt này chắc có lời nhiều, thiếu hàng nội địa không đủ cung cấp, thịt nhập cảng đông lạnh bở lắm ăn không ngon. ”


Chăn nuôi là một phần đời sống của người nông dân Việt Nam, nhưng trong bối cảnh phòng chống dịch bệnh không hiệu quả, chi phí đầu vào ảnh hưởng vật giá leo thang, khiến nhiều người chưa dám tái đàn. Từ cuối năm ngoái tới nay lở mồm long móng làm gần 140.000 gia súc bị bệnh gồm heo và trâu bò. Ban đầu dịch đã bùng phát tại 39 tỉnh thành đến nay giảm còn 23 tỉnh.

No comments:

Post a Comment