Nhìn AiCâp Mong ViệtNam

Friday, April 15, 2011

NATO công khai hóa mục tiêu lật đổ Kadhafi

Phải chăng Liên quân quốc tế đang chuẩn bị vượt thẩm quyền « bảo vệ thường dân Libya » mà nghị quyết 1973 của Hội đồng Bảo an quy định ? Diễn đàn do ba nhà lãnh đạo Mỹ- Anh -Pháp cùng ký tên công bố trên báo chí quốc tế hôm nay và bản tuyên bố chung sau cuộc họp Nato hôm qua tại Berlin khẳng định « Kadhafi phải ra đi ».




Tổng thống Mỹ Barack Obama, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy và Thủ tướng Anh David Cameron, trong một bài nhận định chung, tuyên bố: « Không thể tưởng tượng được rằng nước Libya có một tương lai với Kadhafi ». Ba nhà lãnh đạo của ba cường quốc Tây phương , thành viên thường trực Hội đồng Bảo an, nhấn mạnh nhu cầu gia tăng sức ép quân sự để lật đổ Kadhafi, hầu thực hiện giai đoạn chuyển tiếp chính trị.

Lãnh đạo Mỹ-Anh-Pháp xác định là: « Không lật đổ Kadhafi bằng vũ lực, nhưng một người lãnh đạo thảm sát dân của mình thì không thể có chỗ đứng trong một chính phủ mới ». Để đạt mục tiêu này, Mỹ-Anh-Pháp kêu gọi NATO và các thành viên trong liên quân duy trì áp lực quân sự .

Tại hội nghị cấp ngoại trưởng của Liên minh Bắc Đại Tây Dương vào ngày hôm qua, bản thông cáo chung khẳng định ba điểm cần phải thực hiện trước khi đi đến một giải pháp ngưng bắn : "Mọi hành động tấn công vào thường dân phải chấm dứt, lực lượng quân sự phải trở về đồn trại, triệt thoái khỏi 12 thành phố gồm Ajdabiya, Brega, Misrata và 9 nơi khác, và thứ ba là bảo đảm an toàn cho công cuộc cứu trợ". Cũng trong bản tuyên bố này, NATO “gánh trách nhiệm” thúc giục đại tá Kadhafi ra đi theo như yêu cầu của Nhóm tiếp xúc chỉ đạo chính trị can thiệp vào Libya họp tại Doha hôm 13/04/2011.

Theo giới phân tích, thì đây là lần đầu tiên NATO công khai mục tiêu lật đổ đại tá Kadhafi, một người bị xem là mất tính chính đáng lãnh đạo quốc gia vì đã sát hại dân và chuẩn bị tiêu diệt cả một thành phố, nếu không có nghị quyết 1973 thông qua vào giờ chót ngày 17/03/2011 vừa rồi.

Aisha Kadhafi, con gái của ông Kadhafi và cũng là luật sư từng bảo vệ cho Tổng thống Irak bị hành quyết Saddam Hussein lên án Tây phương « sỉ nhục » nhân dân Libya khi kêu gọi ông Kadhafi từ bỏ quyền lực.

Mục tiêu của Nato lật đổ Kadhafi không phải dễ thực hiện.

Vượt qua khuôn khổ nghị quyết 1973

Thứ nhất là mục tiêu này có được nghị quyết 1973 cho phép hay không ? Khó khăn thứ hai là làm cách nào để buộc Kadhafi từ chức ?

Theo giải thích của Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Gerard Longuet thì Liên quân « chắc chắn » đang vượt khỏi khuôn khổ nghị quyết 1973. Vì nghị quyết của Hội đồng Bảo an không đề cập đến « tương lai của Kadhafi ».

Theo Bộ trưởng Quốc phòng Pháp thì ba nhà lãnh đạo Anh-Pháp-Mỹ muốn gởi một thông điệp chung đến toàn dân Libya, dù là đối lập hay còn trung thành với chế độ phải « tự nhận lãnh trách nhiệm », vì Kadhafi không còn chỗ đứng lãnh đạo. Nhưng để thực hiện mục tiêu này , Liên quân cần một nghị quyết mới của Liên Hiệp Quốc.

Trước câu hỏi của báo chí liệu Nga và Trung Quốc có chấp thuận hay không, thì Bộ trưởng Gerard Longuet đáp lại bằng một câu hỏi : "Cường quốc nào thừa nhận một quốc trưởng giải quyết vấn đề bằng pháo kích vào dân?"

Yểm trợ đối lập võ trang đổ bộ vào Misrata ?

Về sức ép quân sự, qua phân tích của người đứng đầu Bộ Quốc phòng Pháp thì Paris và Luân Đôn muốn oanh kích vào những « trung tâm đầu não quân sự, kho đạn, hậu cần » mà cho đến nay vẫn chưa tấn công.

Ông Gerard Longuet thẩm định là nếu Liên quân tấn công vào các trung tâm « đầu não » của Libya, cùng lúc, lực lượng đối lập ở miền Đông, trong tinh thần liên đới « người Libya giúp người Libya » dùng tàu đổ bộ vào Misrata, thì vòng vây của quân Kadhafi phải tan vỡ, và sức mạnh võ trang của chính phủ sẽ bị vô hiệu hóa.

Người ta chờ xem trong những ngày tới lời tuyên bố trên đây chỉ là nhận định, hay thật sự sẽ là diễn tiến mới tại chiến trường Libya, trong khi chờ đợi một nghị quyết mới mà không ai tin rằng sẽ có đèn xanh của Nga và Trung Quốc.

No comments:

Post a Comment