HÀ NỘI 16-4 (TH) - Nhiều báo ở Việt Nam kêu ca suốt nhiều tháng qua rằng cốc (ly, tách) nhiễm chì và hóa chất độc hại cadmium sản xuất ở Trung Quốc.
Nhưng hiện nay, những thứ này đang tràn ngập các cửa tiệm, hàng bán trên cả nước, từ chợ biên giới Lạng Sơn, Hà Nội, Sài Gòn, phố núi Lâm Ðồng, siêu thị An Giang hay chợ Ðà Nẵng, đâu đâu cũng có.
Báo Dân Việt ngày Thứ Sáu 15 tháng 4 nói, “Tại một số địa bàn các tỉnh miền Bắc, cốc thủy tinh có nguồn gốc từ Trung Quốc đang được bày bán tràn lan, trong khi người tiêu dùng không hề biết những nguy cơ độc hại từ những vật dụng này”.
Ngày 14 tháng 4 báo điện tử VNExpres cho hay “Kiểm tra 15 mẫu thì có đến 7 cốc thủy tinh bị chi cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng thuộc Sở Khoa Học Công Nghệ tỉnh Lâm Ðồng phát hiện hàm lượng chì cao hơn mức cho phép hàng nghìn lần”.
Ngay từ giữa tháng 1, VNExpress đã căn cứ vào một thông báo của Cục Quản Lý Chất Lượng Sản Phẩm Hàng Hóa cho hay “Một loại cốc thủy tinh in hình ảnh và các nhân vật hoạt hình dành cho trẻ bị phát hiện có chứa hàm lượng chì cao gấp hàng nghìn lần mức độ cho phép và một số chất độc hại khác có thể làm giảm chỉ số thông minh của trẻ”.
Bài báo này cũng thuật lại tin từ An Giang nói “Chi Cục Tiêu Chuẩn Ðo Lường Chất Lượng An Giang đã lấy 10 mẫu cốc thủy tinh, bình nhựa, ly nhựa tại 3 siêu thị trên địa bàn tỉnh. Qua thử nghiệm cho thấy hàm lượng chì có trong ly thủy tinh vượt mức cho phép hơn 2,000 lần, bình và ly nhựa vượt 1.2 đến 8.3 lần cho phép. Các loại ly, bình này có nguồn gốc nhập khẩu từ Trung Quốc”, Theo VNExpress ngày 13 tháng 1, 2011.
Vì thế, tờ báo này nói “Cục khuyến cáo các cửa hàng, siêu thị không buôn bán, người tiêu dùng không mua và sử dụng các loại cốc thủy tinh nêu trên. Ðồng thời, Chi Cục Tiêu Chuẩn Ðo Lường Chất Lượng phối hợp cơ quan chức năng các tỉnh, thành tiếp tục kiểm tra và xử lý đối với các cơ sở kinh doanh vi phạm theo quy định của pháp luật”.
Ðầu tháng 6 năm 2010, đại công ty nhà hàng thức ăn nhanh McDonald ở Mỹ ra loan báo thu hồi 12 triệu chiếc ly thủy tinh in hình 4 diễn viên hoạt họa của phim Shrek vì nhiễm chì và cadmium nặng. Các thứ ly này sản xuất từ Trung Quốc. Những ai đã lỡ mua thì đem trả để lấy lại tiền.
Kim loại và hóa chất độc hại trên không làm hại ngay nhưng có tác dụng về lâu về dài với sức khỏe con người, đặc biệt là trẻ em, làm cho loãng xương, hư thận, nặng hơn có thể bị ung thư.
Tại Việt Nam, tuy thấy có những lời cảnh cáo của cơ quan kiểm soát phẩm chất hàng hóa, đến nay, qua tin tức của nhiều báo thì ly tách bằng nhựa hay thủy tinh nhiễm chì và cadmium cùng nhiều thứ hóa chất độc hại khác vẫn ào ào đi vào Việt Nam.
Tại sao lại như vậy? Không ai có trách nhiệm gì đến sức khỏe của dân dù “của dân, do dân và vì dân” như vẫn tuyên truyền?
Theo ông Ðào Ngọc Chương, phó vụ trưởng Vụ Châu Á-Thái Bình Dương (Bộ Công Thương) hôm Thứ Bảy 16 tháng 4 năm 2011, khi trả lời phỏng vấn Dân Việt về tình trạng tràn lan cốc thủy tinh nhiễm chì tại Việt Nam nói đó không phải là lỗi của Bộ Công Thương.
Bộ này chỉ có trách nhiệm kiểm soát về thuế, “về mặt nhập khẩu” còn “Quản lý về chất lượng hàng hóa như kiểm nghiệm, kiểm dịch các chất gây hại có trong sản phẩm hay kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm đối với nông sản, thực phẩm... là do các Bộ KHCN, NNPTNT, Y tế.”
Ðiều đáng ngạc nhiên là, theo ông này nói trong cuộc phỏng vấn của báo Dân Việt Thứ Bảy, ngay ở cửa khẩu “Ngoài lực lượng hải quan, tất cả các bộ ngành đều có đại diện kiểm nghiệm của mình tại cửa khẩu. Việc kiểm tra, kiểm soát hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc về đều đã có hệ thống như vậy. Bất cứ một sản phẩm nào đều phải qua các khâu kiểm tra như thế”.
Cái đám ban bệ thẩm quyền đó đã được lót tay bồi dưỡng đầy đủ nên nhắm mắt cho qua? Hay không có cái chỉ thị nào từ trung ương ra lệnh chặn hàng hóa độc hại? Không thấy báo Dân Việt nêu ra.
Khi hàng hóa đã tràn vào rồi, tung đi khắp nơi rồi, ông Ðào Ngọc Chương cũng cho biết giới hạn của Bộ Công Thương tới đâu, còn chuyện phẩm chất, độc hại, không phải chuyện của những người như ông và thuộc cấp.
Ông nói trên Dân Việt: “Lực lượng quản lý thị trường sẽ phải phối hợp với các đơn vị khác để kiểm tra, kiểm soát hàng kém chất lượng chứ không có quyền tịch thu hàng hóa đó. Hàng hóa kém chất lượng chỉ bị tịch thu khi bị phát hiện không có giấy tờ, xuất xứ. Nếu có biểu hiện là loại hàng hóa kém chất lượng thì cơ quan quản lý thị trường sẽ chuyển cơ quan quản lý khác để kiểm tra, xử lý. Chất lượng hàng hóa đó thế nào sau khi kiểm tra thì mới có quyết định tiêu hủy hay xử lý cụ thể...”
Qua lời của ông Chương, người ta thấy gián tiếp sự thờ ơ của nhà cầm quyền đối với phẩm chất hàng hóa dù nó có liên quan đến sức khỏe của người dân.
Trong một cuộc tiếp xúc với báo chí, ông Nguyễn Trung Việt, trưởng phòng quản lý chất thải rắn, Sở Tài Nguyên và Môi Trường Sài Gòn cho biết, “Thực tế cho thấy, ở Việt Nam, việc trẻ em tiếp xúc với đồ chơi có hóa chất độc hại gây ra các triệu chứng như loét miệng, tay, chân, viêm mũi dị ứng... khá phổ biến. Tuy nhiên, những căn bệnh trên chưa nguy hiểm bằng các chứng bệnh liên quan đến nội tạng mà phải 10 đến 15 năm mới phát bệnh như tiêu chảy, mất khả năng tiết các chất dịch vị tiêu hóa, loét bộ phận như dạ dày, đường ruột...”
No comments:
Post a Comment