Nhìn AiCâp Mong ViệtNam

Sunday, April 24, 2011

Lạm phát Việt Nam cao hạng 3 thế giới

Bất kể giá tăng, vẫn giữ chỉ tiêu tăng trưởng



HÀ NỘI (TH) -Lạm phát tăng tốc tại Việt Nam với mức độ lên cao nhất từ hơn 2 năm qua cho thấy nền kinh tế có nhiều vấn đề này đang đối diện với nguy cơ khủng hoảng nếu không đưa ra các biện pháp kềm chế mạnh mẽ.

Chỉ số giá tiêu thụ tăng 17.51% trong tháng 4, 2011 so với cùng tháng này một năm trước, trong khi so với tháng 3 trước đó thì tăng những 3.32%, theo bản thông báo hôm Chủ Nhật của Tổng Cục Thống Kê Việt Nam.

Với con số mới nhất này, mức giá tăng nội trong 4 tháng đầu năm 2011 thôi, đã là 9.6%.

Cuối năm ngoái, Hà Nội đề ra chỉ tiêu kềm chế lạm phát ở mức 7% cho năm nay, bây giờ nó cao gấp hai lần rưỡi.

Năm ngoái, lạm phát tại Việt Nam là 11.75%. Tháng trước, khi loan báo một số biện pháp giảm bớt tín dụng và thâm thủng ngân sách, nhà cầm quyền trung ương không nói gì đến giảm chỉ tiêu tăng trưởng cho năm nay ở mức 7% đến 7.5%. Tổ chức lượng giá đầu tư quốc tế Moody's hoài nghi sự thành thật và khả năng của nhà cầm quyền Hà Nội trong việc đối phó với lạm phát.

Tháng 3, 2011, lạm phát đã gia tăng 13.89% so với tháng 3, 2010. So với tháng 2, 2011 thì gia tăng 2.17%.

Một cơ quan tư vấn đầu tư, Trading Economics, liệt kê lạm phát các nước và cho thấy mức lạm phát tại Việt Nam cao hạng 3 thế giới, chỉ dưới Venezuela (29.60%) và Mozambique (15.23%).

Trong vùng Ðông Nam Á, chỉ một mình Việt Nam là có mức lạm phát cao hơn 10%, theo Trading Economics.



Các biện pháp đối phó với lạm phát của nhà nước Việt Nam



“Lạm phát không có dấu hiệu gì giảm bớt theo các biện pháp đối phó của nhà cầm quyền trung ương như siết chặt thêm chính sách tiền tệ và ngân sách.” Bill Stoops, trưởng Ban Ðầu Tư của công ty quản lý Quỹ Ðầu Tư Tài Chính Dragon Capital ở Sài Gòn, nhận xét.

“Các giải pháp kềm chế lạm phát có vẻ đúng nhưng sự áp dụng các biện pháp phải hiệu quả hơn.” Lê Thẩm Dương, một kinh tế gia dạy tại Ðại Học Ngân Hàng ở Sài Gòn nhận xét. “Cần phải hạ thấp hơn chỉ tiêu tăng trưởng. Anh không thể cố kềm chế lạm phát mà vẫn nhắm đến mức tăng trưởng cao.”

Cũng như các nước Á Châu khác, Việt Nam đối diện với nguy cơ lạm phát vì cố thúc đẩy tăng trưởng nhanh. Nhưng không giống các nước khác, Việt Nam lại mất thăng bằng cán cân thanh toán, đe dọa sự ổn định kinh tế, bị áp lực rất lớn đối với giá trị đồng nội tệ.

Lạm phát ở các nước trong khu vực như Indonesia chỉ quanh quẩn khoảng 6.8%, Trung Quốc khoảng 5.4%, Singapore khoảng 5% và Phi Luật Tân khoảng 4.3% chứ không leo thang phi mã như tại Việt Nam.

Hệ quả của sự mất thăng bằng, thời gian gần đây, Hà Nội đã buộc phải loan báo một số biện pháp thay đổi chính sách kinh tế vĩ mô vốn vẫn theo đuổi chủ trương tăng trưởng bất chấp hậu quả.

Ngày 11 tháng 1, 2011, nhà cầm quyền trung ương tại Hà Nội đưa ra nghị quyết “7 nhóm giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế xã hội năm 2011.” Theo đó, nhóm giải pháp số 1 là “tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm cân đối lớn cho nền kinh tế. Cụ thể là phải kiểm soát lạm phát, bảo đảm ổn định thị trường...”

Sau đó, đến ngày 16 tháng 3, 2011, Bộ Chính Trị Ðảng CSVN lại ra một “Bản kết luận” nói “ưu tiên kềm chế lạm phát” với chủ trương “tập trung ưu tiên hàng đầu cho việc kềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô...”

Trong thực tế, Ngân Hàng Nhà Nước gia tăng lãi suất liên ngân hàng từ 12% lên 13%, lần thứ hai hôm 1 tháng 4, 2011 trong vòng chưa tới 1 tháng, nhưng lại cũng đánh sụt giá đồng bạc thêm 8.5% ngày 11 tháng 2, 2011, lần thứ tư trong 14 tháng.

Cũng ngược lại với các biện pháp chống lạm phát, nhà cầm quyền trung ương lại đồng thời tăng giá điện, xăng dầu và từ đầu tháng 5 này sẽ tăng lương cho cán bộ viên chức, do các khó khăn nội tại. Thực phẩm và vật giá đủ loại theo nhau lên giá chóng mặt khiến đại đa số quần chúng vốn dĩ không đủ sống lại càng điêu đứng hơn.

Nghị quyết mà Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng ký hồi đầu năm vẫn lập lại chỉ tiêu tăng trưởng cho năm nay giữa 7% đến 7.5%, một điều giới chuyên gia kinh tế đều khuyến cáo chặt bớt rất nhiều mới đối phó được phần nào với lạm phát.

Tuần trước, tổ chức tham vấn đầu tư quốc tế Moody's Investors Service cảnh cáo họ có thể hạ thấp vị thế của Việt Nam trên bảng thang điểm đánh giá đầu tư một phần vì không tin tưởng chính sách chống lạm phát của Việt Nam đang thi hành.

Theo Tổng Cục Thống Kê Hà Nội, lạm phát gia tăng trong tháng 4 phần lớn do giá cả gia tăng trong giáo dục, thực phẩm, địa ốc và vật liệu xây dựng.

Chỉ số thống kê giá tiêu dùng được căn cứ trên 24 ngày đầu của mỗi tháng. Nếu kể từ cuối năm 2010 đến nay, chỉ số giá tiêu dùng gia tăng 9.64%. Tuy nhiên nếu nhìn vào các con số giá cả thịt cá rau đậu leo thang ở Việt Nam đăng tải trên những tờ báo điện tử lớn như VNExpress, Vietnamnet, Dân Trí, Thời Báo Kinh Tế Việt Nam, v.v... thì giá thực phẩm tăng nhanh hơn lạm phát nhiều.

No comments:

Post a Comment