Mập mờ để ăn hối lộ
HÀ NỘI 15-4 (TH) - “Việc công khai, minh bạch trong khai thác khoáng sản sẽ đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người dân và doanh nghiệp, chấm dứt nhập nhèm các nguồn thu - nguyên viện trưởng Viện Chiến Lược Bộ Công An chia sẻ tại hội thảo chiều 14 tháng 4 ở Hà Nội về sáng kiến minh bạch trong khai khoáng.”
Bản tin tường thuật của VietNamNet hôm Thứ Sáu nói về cái chính sách đánh trống bỏ dùi, luật có mà kẻ thừa hành không áp dụng để ăn hối lộ, hay hủy hoại môi trường, tài nguyên của những nhóm lợi ích bám vào các kẻ có quyền ở Việt Nam.
Tại cuộc hội thảo nói trên, ông Phạm Quang Tú, phó viện trưởng Viện Tư Vấn và Phát Triển kể ra cho thấy, “trong hai năm 2010 và 2011, Bình Ðịnh dự kiến sẽ thu của các doanh nghiệp khai thác titan trên địa bàn huyện Phù Mỹ 25 tỷ đồng đóng góp nghĩa vụ bảo vệ môi trường, nhưng đến nay, tỉnh mới thu được hơn 4 tỷ. Còn rất nhiều địa phương khác ‘thất thu’ khi vận động doanh nghiệp khai khoáng thực hiện nghĩa vụ”.
Bài tường thuật không nói rõ “doanh nghiệp” này là doanh nghiệp nào mà tại sao lại có thể không đóng thuế.
Ðây mới chỉ nêu ra thí dụ ở huyện Phù Mỹ. Trong những bài viết về tình trạng khai thác cát titan ở Quảng Trị, Quảng Nam cũng đều thấy tình trạng tương tự. Cam kết để được cấp phép nhưng sau đó để lại một khu vực tan hoang, kể cả những khu vực trồng cây dương chống bão dọc theo biển.
Theo bài viết trên, cả nước có tới “5,000 mỏ và điểm quặng của hơn 60 loại khoáng sản khác nhau”. Nhưng nhà nước chẳng thu được bao nhiêu tiền từ thuế tới phí trong khi hiện không biết tài nguyên thiên nhiên của đất nước còn được bao nhiêu.
Ông Ðậu Anh Tuấn, phó trưởng ban Pháp chế Phòng Thương Mại và Công Nghiệp Việt Nam tố cáo trong cuộc hội thảo: “Khai thác khoáng sản là một trong những mảnh đất tiềm năng cho nạn tham nhũng và là nguồn gốc cho nhiều bất ổn, xung đột giữa chính quyền địa phương với người dân vì va chạm lợi ích”.
VietNamNet tường thuật cho thấy “việc thu thuế tài nguyên chỉ thuần túy dựa trên con số báo cáo của doanh nghiệp. Trong khi đó, nhà nước không kiểm soát được trữ lượng khoáng sản đã được khai thác, nhất là tình trạng khai thác bừa bãi titan khu vực ven biển miền Trung”.
VietNamNet kể lại, trên nguyên tắc, công ty khai thác khoáng sản phải nộp tiền để phục hồi môi trường, cải tạo hạ tầng, đường sá hư hỏi vì các loại máy móc cơ giới, xe cộ vận chuyển. Nhưng hầu như các công ty khai thác đều lờ đi trong sự đồng lõa của kẻ có quyền của địa phương sau khi đã ăn hối lộ.
“Tại hội thảo, một số chuyên gia còn phân tích, Việt Nam chưa công khai, minh bạch các số liệu về khai khoáng cũng như quyền khai thác. Ðây là mảnh đất phát sinh tham nhũng, tệ xin-cho, chuyển nhượng lậu...” VietNamNet tường thuật.
Trong cuộc hội thảo ngày 14 tháng 5 năm 2010 ở Sài Gòn, đám quan chức Bộ Tài Nguyên Môi Trường khắp nơi kêu ca tình trạng “loạn cấp phép khai thác khoáng sản” trên cả nước, theo tin báo Dân Trí. Nhưng những lời kêu ca suông chẳng dẫn tới đâu.
Tháng trước, dân một xã ở huyện Hải Lăng tỉnh Quảng Trị đã bắt nhốt cán bộ địa phương vì cho phép khai thác cát titan, bất chấp quyền lợi của dân.
No comments:
Post a Comment