Nhìn AiCâp Mong ViệtNam

Sunday, April 24, 2011

Kể chuyện khám, chữa bệnh ở Sài Gòn

Nhà nghèo đi khám bệnh phải thức từ 4 giờ sáng


Sinh-lão-bệnh-tử nói khơi khơi thì coi bộ chẳng mấy ai thấm thía, nhưng hễ cứ đặt chân vô bệnh viện đi rồi biết, không chỉ nhà nghèo mà đến cả nhà giàu cũng phải... khóc.
Ðến các bệnh viện tại Sài Gòn dù là công hay tư, mới hay cũ, lớn hay nhỏ, bất cứ khoa nào cũng đều thấy một tình trạng giống hệt nhau: “Sự quá tải!”

Tại một bệnh viện “thường thường bậc trung” là trung tâm cấp cứu bệnh viện Trưng Vương, gần trường đua Phú Thọ (cũ), khi chúng tôi có mặt, tuy chỉ mới 6 giờ sáng mà đã khá đông bệnh nhân tới chầu chực chờ khám, dù lịch khám bệnh là 6 giờ 30 sáng mới bắt đầu. Nghe chúng tôi thắc mắc về sự đông người, một dì lớn tuổi cười mà cho biết là nhà dì gần đây, 4 giờ sáng dì đi tập thể dục đã ghé phòng bảo vệ lấy số thứ tự khám bệnh, tuy số thứ tự khám của dì là số 5 nhưng dì cho biết có lẽ phải 7 giờ sáng mới tới lượt dì, vì có một số người già bệnh nặng được ưu tiên trước, hoặc những người còn sót lại từ chiều hôm qua.

Tìm hiểu quy trình khám bệnh tại đây, chúng tôi được biết, việc lấy thẻ khám bệnh phân làm hai loại chính là có thẻ bảo hiểm y tế và không có thẻ bảo hiểm y tế. Trong loại có thẻ bảo hiểm lại phân làm hai loại, khám dịch vụ phải đóng thêm tiền khám và khám bảo hiểm không yêu cầu dịch vụ không phải đóng tiền nhưng phải chờ lâu hơn.

Trong vai một người khám bệnh thường, tức không có thẻ bảo hiểm y tế, chúng tôi ra quầy phát thẻ và được phát tấm thẻ mang số thứ tự 1098. Hết hồn hết vía, chúng tôi kêu oai oái vì nghĩ với số thứ tự này tới tết Công Gô không biết đã tới lượt mình được khám chưa. Thấy vậy cô nhân viên phát thẻ cho chúng tôi giải thích, số 1 đầu tiên là chỉ quầy số 1 và số thứ tự là số liền sau, của anh là số 98, như vậy tới... trưa anh sẽ được khám. Tương tự, số 2 ngàn mấy đó là chỉ quầy số 2, khám bảo hiểm có dịch vụ và 3 ngàn mấy đó là khám bảo hiểm mà không yêu cầu dịch vụ.

Trở về chỗ ngồi chờ khám, chúng tôi được một thanh niên đưa bà mẹ đi khám bệnh giải thích cho hiểu thêm là khám bảo hiểm mà yêu cầu dịch vụ thì đóng thêm tiền khám. Bệnh thường là 21 ngàn đồng, còn bệnh khác như tim, huyết áp thì đóng 47 ngàn đồng, thuốc miễn phí, hoặc được giảm tới 80% cho những đơn thuốc đắt tiền. Khi chúng tôi hỏi thăm diện nào thì được mua bảo hiểm y tế, người thanh niên cho biết là nếu mình đi làm mà có ký hợp đồng lao động thì công ty không phân biệt là tư nhân hay nhà nước đều phải mua bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế cho mình. Nếu không thì mình có thể mua bảo hiểm tự nguyện tại địa phương mình có hộ khẩu thường trú với giá là 320 ngàn đồng/1 năm cho một người dân ở Sài Gòn.

Trường hợp dân ngoại tỉnh thì chỉ có thể mua bảo hiểm ở tỉnh và bệnh viện ở Sài Gòn chỉ giảm 30% tiền thuốc cho bệnh nhân ngoại tỉnh, trừ trường hợp có giấy chuyển viện từ dưới tỉnh lên. Trong trường hợp không có hộ khẩu để được mua bảo hiểm hoặc đi làm mà không có hợp đồng lao động thì coi như bệnh nhân phải móc tiền túi chi trả 100%.

Một dì gần bên nghe chúng tôi nói chuyện, góp lời thêm, coi bảo hiểm y tế “mèng” vậy chứ lợi hại lắm. Ðơn giản bữa trước dì thấy xốn mắt đi khám, có bảo hiểm bác sĩ kê toa và phát thuốc miễn thu tiền. Tháng sau thấy triệu chứng giống lần trước, lười đi khám vì bệnh viện đông quá, dì sai thằng con Út cầm hộp thuốc nhỏ mắt bữa trước bác sĩ cho chạy ra tiệm thuốc Tây mua, thằng nhỏ đem chai thuốc về cho biết giá chai thuốc nhỏ xíu mà hết... 50 ngàn đồng. Nhỏ mắt mà xót ruột, nên lần này dì đi khám bệnh viện để được lãnh thuốc vì dì có thẻ bảo hiểm y tế mua ở phường.

Khi chúng tôi hỏi người thanh niên có vẻ rành chuyện ở trên thì anh cho biết là về nguyên tắc thì thẻ bảo hiểm của nhân dân và công nhân, công chức đi làm đều được đối xử ngang nhau không hề phân biệt đối xử. Nhưng thực tế có khác, vì tiền nào của nấy, những người đi làm tư cho công ty nước ngoài lương cao, công ty thường mua bảo hiểm cho nhân viên ở những bệnh viện tốt như Hoàn Mỹ, Pháp-Việt, Vũ Anh... Công chức nhà nước thuộc diện “quyền cao chức trọng” thì họ có bảo hiểm y tế ở bệnh viện Thống Nhất, trước kia là bệnh viện Vì Dân. Còn lại dân lao động, công nhân, viên chức cấp thấp, dân thường thì đăng ký bảo hiểm tại các bệnh viện đa khoa quận, huyện hoặc như đăng ký ở Trưng Vương này thì lại quá đông vì bệnh viện này nhận bệnh nhân trên diện rộng hầu như toàn thành phố.

6 giờ 30, tiếng loa vang lên: Bệnh nhân 1001 đến quầy số 1. Bệnh nhân 2001 đến quầy số 2!...

Các bệnh nhân theo số thứ tự được gọi tới nạp sổ khám bệnh rồi ngồi chờ gọi tên nộp tiền, nếu là khám dịch vụ. Rồi mang sổ tới nộp trước phòng khám theo phân chia của từng loại bệnh, chờ y tá gọi tên vô cho bác sĩ khám, kê toa rồi cầm toa ra phòng duyệt toa, sau đó đem nộp lại tại quầy dịch vụ, ai phải đóng tiền thì sẽ được kêu tên đóng tiền, sau đó ngồi chờ đọc tên lên lãnh thuốc rồi... về. Quy trình làm việc này, theo anh thanh niên mà nãy giờ chúng tôi theo hỏi thăm thì hầu như được áp dụng cho toàn bộ các bệnh viện ở Việt Nam. Thấy chúng tôi có vẻ “phân vân” anh thanh niên cười cho chúng tôi biết là anh đang là sinh viên năm thứ 5 của trường Y. Hèn gì, dân Y có vẻ rành chuyện “nhà.” Anh sinh viên cũng cho chúng tôi biết, tuy bệnh viện Trưng Vương có số lượt người khám luôn rất đông nhưng nhân viên quầy thuốc ở đây làm việc rất tốt, anh đưa mẹ đi khám ở đây cả năm trời, chưa bao giờ bị phát lầm hay phát thiếu thuốc. Trong bối cảnh quá tải hiện nay thì đây là một điều đáng khen ngợi.

Hơn 12 giờ trưa hôm đó, các nhân viên của quầy phát thuốc vẫn vừa kêu loa vừa kiên nhẫn giải thích cho những bệnh nhân đang nóng ruột chờ lãnh thuốc, trong cái nóng hầm hập của trưa hè với những cái quạt máy treo trên trần nhà vẫn cố chạy hết công suất để xua đi cái nóng và sự bực bội của bệnh nhân chờ tới lượt. Nếu không kịp ca sáng , thì 1 giờ 30 chiều công việc lại bắt đầu cho tới tối mịt. Thấy thương cho các bệnh nhân nghèo mà cũng thấy thương cho các nhân viên y tế phải làm việc quá tải với đồng lương còn rất eo hẹp.

No comments:

Post a Comment