Nhìn AiCâp Mong ViệtNam

Sunday, April 3, 2011

Chuyện Vỉa Hè: CSVN cấm đưa nhiều tin nhạy cảm

Chuyện Vỉa Hè



Tư Ngộ



HÀ NỘI (NV) - Từ cấm nêu học vị tiến sĩ của tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ đến cấm đưa tin về Lybia, diễn viên Hồng Ánh tham gia ứng cử Quốc Hội v.v... chế độ Hà Nội nêu ra 15 điều đòi hỏi các cơ quan truyền thông phải tuân theo.

Ðó là tiết lộ trên trang blog của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo ở Hà Nội. Trang blog này tiết lộ một bản “Thông Báo” của ông Vũ Quang Huy, phó giám đốc “Ðài truyền hình kỹ thuật số VTC,” gửi các cấp dưới quyền, các kênh địa phương, đòi hỏi “nghiêm túc thực hiện” mà ông nói rõ là “tiếp thu ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Thông Tin và Truyền Thông tại cuộc họp giao ban báo chí do Bộ Thông Tin và Ban Tuyên Giáo Trung Ương tổ chức ngày 29 tháng 3, 2011.”

Trong cuộc họp “giao ban” tức ngồi họp để nhận chỉ thị tuyên truyền này đây là các lệnh lạt mà guồng máy truyền thông độc diễn của nhà nước có nhiệm vụ phải thi hành trong khoảng thời gian tuần lễ từ 29 tháng 3, 2011 đến 5 tháng 4, 2011.

Nhận chỉ thị hàng tuần để phải chú trong vào loại tin gì, viết bình luận cái gì, báo nào, đài nào được làm hay không được làm, là việc của toàn bộ hệ thống báo đài của chế độ, là chuyện “thường ngày ở huyện.” Xưa nay, bàn dân thiên hạ chỉ được nghe nói tới cái cuộc họp “giao ban” như thế mà hiếm được nhìn thấy mặt mũi cái chỉ thị.

Nhưng nhờ nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, trọn một cái chỉ thị được bật mí như cái thông báo của đài truyền hình VTC thì người ta mới có “trọn một cái” để ngạc nhiên, để cười, để chán nản, để xót xa và để phẫn nộ.

Hiến Pháp CSVN bản phát hành năm 1992, Ðiều 69 viết: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, có quyền được thông tin, có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo qui định của Quốc Hội.”

Như vậy, bản thông báo của đài truyền hình VTC tố cáo, trong vai trò độc quyền thông tin, nhà nước buộc đám cán bộ tuyên truyền ở báo đài, không được đưa tin này, bỏ tin kia, tự động cắt cái quyền được thông tin của dân. Tức là làm ngược lại chính bản Hiến Pháp do họ đẻ ra.

Tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ hành xử quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí thì bị qui cho tội “tuyên truyền chống nhà nước” và sẽ phải ra tòa lãnh án vào ngày Thứ Hai, 4 tháng 4, 2011. Vụ án này được cả thế giới theo dõi mà nhiều người cho rằng đây là phiên tòa xử án chế độ CSVN về tội vi phạm chính các luật lệ và bản Hiến Pháp của họ.

Trước ông Vũ, hàng chục người từ luật sư, người viết blog, linh mục, nhà văn nổi tiếng ở Việt Nam đã đi tù vì bị qui cho tội “tuyên truyền chống nhà nước.”

Dưới đây là trọn 15 cái lệnh mà hệ thống đài truyền hình VTC ở Việt Nam phải theo, trong cái chỉ thị của phó giám đốc VTC Vũ Quang Huy gửi thuộc cấp:



1. Tuyên truyền các nội dung của kỳ họp Quốc Hội khóa 12 phải khách quan, toàn diện. Lưu ý khi bầu ÐBQH và HÐND các cấp, phóng viên không quay, chụp hình các lá phiếu gạch tên người ứng cử trong danh sách bầu, gây phản cảm.

2. Tuyên truyền Nghị Quyết 11 của chính phủ phải trích dẫn nguồn thông tin chính thống, phản ánh sự đồng thuận cao trong xã hội về nghị quyết này.

3. Chú ý những chương trình chính luận người dẫn chương trình phải nghiêm túc và nắm chắc vấn đề, không nói lan man...

4. Không đưa các thông tin nhạy cảm liên quan đến Libi.

5. Không đưa tin về mây phóng xạ ảnh hưởng tới Việt Nam mà không có sở cứ khoa học, gây tâm lý hoang mang trong dư luận.

6. Bộ Y Tế khuyến cáo các đơn vị truyền thông không đánh đồng thực phẩm chức năng với thuốc chữa bệnh. Tuyên truyền trung thực tác dụng của thực phẩm chức năng, không gây hiểu nhầm thực phẩm chức năng là thuốc chữa bệnh.

7. Không đưa tin về việc diễn viên Hồng Ánh tham gia ứng cử đại biểu Quốc Hội.

8. Liên quan đến vấn đề động đất, sóng thần tại Nhật Bản:

- Khi đề cao tinh thần vượt khó của nhân dân Nhật Bản không nên cường điệu, vô hình chung hạ thấp tinh thần của người Việt Nam.

- Tuyên truyền các hoạt động quyên góp ủng hộ nhân dân Nhật Bản đúng mực (ví dụ cảnh xếp hàng rồng rắn ủng hộ là không cần thiết).

9. Vụ Ông Ðặng Hùng Võ - Nguyên thứ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi Trường cưới vợ lần 3, đề nghị báo chí không đưa tin.

10. Vụ nhà báo Hoàng Hùng bị đốt, đề nghị báo chí không tiếp tục đưa tin.

11. Sắp tới sẽ xét xử vụ Cù Huy Hà Vũ, đề nghị khi nhắc về con người này thì không đưa danh vị tiến sĩ và chức danh luật sư.

12. Vụ việc Tamiflu, cơ quan chức năng không phát hiện ra sai phạm, do đó đề nghị báo chí cân nhắc khi đưa tin.

13. Về việc đoàn công tác của Liên Hợp Quốc sang thăm nước ta làm việc về vấn đề người nước ngoài ở Việt Nam, các phóng viên có thể ghi lại tư liệu nhưng chưa được đưa tin.

14. Không nhắc đến vụ chìm tàu tại Hạ Long để tránh ảnh hưởng đến du lịch của đất nước.

15. Không đưa tin các vấn đề liên quan đến nhà máy điện nguyên tử của Việt Nam.



VTC là một tập đoàn kinh doanh “đa phương tiện” trực thuộc Bộ Thông Tin-Truyền Thông, thường được gọi tắt là Bộ 4T, gồm cả truyền hình kỹ thuật số, báo điện tử, mạng viễn thông.

“Thế mới biết, việc chỉ đạo báo chí tuyên truyền của ta rất chặt chẽ...” Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo bình luận trên blog của ông, nguyentrongtao.org.

Trong bản thông báo của VTC, người ta còn thấy trong đó chi tiết “tại cuộc họp lãnh đạo bộ nêu xử phạt một số cá nhân và đơn vị mắc sai phạm như VTV3 bị xử phạt 18 triệu đồng về vụ ‘Lượm,’ 2 phóng viên Báo Lao Ðộng điện tử và giám đốc kênh VTC8 bị ngừng cấp thẻ nhà báo nhiệm kỳ tới vì thông tin không chính xác liên quan đến Thác Bản Giốc.”

Có thể chỉ thị cho VTC khác với một số cơ quan tuyên truyền khác. Hoặc có thể có sự “xé rào” hay “trên bảo dưới không nghe” nên một số tờ báo vẫn đăng tin liên quan đến cuộc nổi dậy của dân chúng Lybia chống lại nhà độc tài Kaddafi.

No comments:

Post a Comment