Nhìn AiCâp Mong ViệtNam

Friday, April 1, 2011

Việt Nam thời giá cả tăng phát rồ

Sáng 30 tháng 3, thời tiết Sài Gòn trở chứng mát mẻ giữa mùa nắng, nhưng trở chứng điên rồ hơn là hàng triệu người Việt Nam vừa mới ngủ một giấc, mở mắt ra thì nhà nước đã tăng giá xăng dầu, đây là đợt tăng thứ hai từ sau Tết và được nhiều người ví như một cú đấm trong đêm, lén lút của nhà nước vào đời sống tả tơi của dân nghèo trong thời lạm phát.Những nhật báo lớn nhất trong nước dạo gần đây đều có diễn đàn, bài viết về bài học kinh nghiệm tồn tại trong thời bão giá dành cho người nghèo. Ðiều buồn cười là truyền thông khuyên dạy người dân kiểu như ông bà cha mẹ khuyên dạy đối với đám con cái đang cạn kiệt cả tinh thần lẫn sức lực, rằng: “Hạn chế đi lại khi giá xăng tăng. Công nhân nên đi làm thêm. Ðề nghị chủ được tăng ca...” Cũng tương tự như vậy là chuyện chính quyền cấp cao, đề nghị chính quyền địa phương đến vận động các chủ nhà trọ cho công nhân và dân nhập cư thuê mướn đừng tăng giá. Một ông chủ nhà trọ ở huyện Bình Chánh nói thẳng: “Cái gì nhà nước cũng tăng giá mà vận động tui thương người đừng tăng giá thì biết lấy ai thương tui. Nhà nước cái gì cũng muốn hốt, muốn vét của dân mà mở miệng nhân nghĩa, hửi không nổi.”

Trước chuyện xăng tăng giá đợt hai là chuyện các loại thịt đồng loạt tăng giá, trong đó giá thịt heo tăng làm mọi người xiểng niểng. Một cô công nhân làm việc ở khu công nghiệp Tân Tạo, lương, kể cả tiền tăng ca là 3 triệu đồng tháng. Công ty cô làm vừa tăng tiền phụ cấp vật giá 200,000 VND, cô định sẽ mua thịt về kho để dành ăn cho hết bịnh thiếu thịt, nhưng khi biết thịt heo tăng giá cô lại “hát” bài trứng kho đậu hũ quen thuộc. Cô nói nghe mà xót xa: “Cháu nói thiệt, có thịt cũng không dám gắp mạnh tay, nuốt cũng nghẹn nghẹn, làm như ăn cực khổ quen rồi hay sao đó.” Thế nhưng cũng trong thời điểm giá hàng hóa lên tróc da này, các quan cán bộ cộng sản cấp cao lại tiếp tục ngồi hết hội nghị này đến hội trường khác, rồi cùng gật-gật công bố: Không kỷ luật ai trong vụ Vinashin, hô biến gần một trăm ngàn tỉ tiền quốc khố. Số tiền khổng lồ này được họ nuốt ngon miệng như miếng bò bíp-tết.

Trong thời điểm này, chính các quân sư kinh tế, các trí thức tiền tệ của chế độ cũng cho rằng mục tiêu hạn chế lạm phát ở mức dưới 7% là không tưởng, bởi vì chỉ ngay 3 tháng đầu năm mức độ lạm phát đã là 6.12%. Thế thì chỉ có giới quan lại tham nhũng, giới giàu có bất minh mới điên rồ cho rằng, trong 9 tháng còn lại chỉ số lạm phát dừng lại ở một con số.

Một nhóm nông dân ngồi nhậu đám giỗ ở Long Xuyên bàn chuyện. Mấy nông dân mua không đủ xăng dầu để bơm nước tưới ruộng lúa do mua theo chỉ tiêu đầu người, cây xăng không bán theo nhu cầu cần nước của số ruộng lúa của từng gia đình. Một người trong số họ nói: “Giá lúa vụ mùa vừa mới nhích được giá năm ngàn rưỡi, sáu ngàn một ký lô thì nhà nước lại cho tăng giá xăng gần ba ngàn, tui tính sơ sơ riêng chuyện gặt một mẫu ruộng phải bỏ thêm gần 2 triệu để bù tiền xăng cho máy gặt, tiền vận chuyển lúa về nhà như vậy là làm mọi cho nhà nước và con buôn lúa.” Ở một khu bán gạo trên đường Dương Công Trừng, quận 11, so với mấy tháng trước giá gạo đồng loạt tăng từ 20% trở lên tùy theo loại gạo. Không bàn chuyện giá của các loại gạo ngon, dành cho giới nhà giàu như gạo đặc sản hoặc giống Ðài Loan, giống Thái... đều ở mức từ 1 đô rưỡi đến 2 đô một ký, chỉ riêng gạo chất lượng trung bình dành cho nhà bình dân cũng đã vọt tới giá khó sống. Hỏi thăm một bà mua gạo, bà cho biết: “Tui nghe theo người ta ăn gạo pha.” Chúng tôi không hiểu gạo pha là gì, bà giải thích là mua gạo mình thường ăn rồi mua gạo giá thiệt rẻ pha trộn vô cho đỡ tiền. Bà nói thêm: “Ông coi, mấy năm ăn gạo nở mềm cơm, tưởng đến già được ăn gạo ngon hơn, ai ngờ đâu giờ phải ăn gạo pha, chưa đến nỗi ăn độn khoai, độn mì nhưng thời buổi này ai biết đâu hà!”

Giới trung lưu đô thị, chỉ trong mấy tháng lạm phát nhiều người cũng rơi vào tình cảnh phải cầm cố gia sản. Một ông, vốn là chủ một công ty may cỡ nhỏ đang chạy tiền khắp nơi để mong giữ được căn nhà đang tới kỳ đáo hạn ở ngân hàng. Ông này nói qua nước mắt: “Con gái duy nhất của tôi cứ đòi tự tử nếu mất nhà, nhưng giữ được nhà lúc này còn khó hơn lên trời.” Không riêng gì ông, tình trạng chung của những doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam đang đứng trước nguy cơ phá sản hàng loạt, vì lãi suất vay đội nốc cũng như trước tình trạng thị trường tiêu thụ sụt giảm. Một tay chuyên làm dịch vụ giải chấp thuê cho những ai kẹt nhà ở ngân hàng nói: “Tôi dạo này cũng nhát tay, bộ điên khùng sao mà bung bạo như trước. Nhà cầm cố đầy nhóc ở các ngân hàng, nổ banh lúc nào không biết chừng đâu.” Nói theo những người làm dịch vụ giải chấp nhà đất là đừng nhìn vào sự hào nhoáng của hệ thống các ngân hàng dầy đặc trên khắp các đô thị Việt Nam, mà nên lườn trước chuyện bao giờ sẽ nổ ra sự cố nhà đất thế chấp.

Nhưng ngay bây giờ chỉ cần sáng sáng theo chân các bà nội trợ đi chợ thì ngoài chuyện nghe lời than vãn chửi rủa vì giá cả tăng, người ta còn cảm nhận được không khí đìu hiu của tất cả các trung tâm mua bán, dù ở chợ nhỏ hay siêu thị. Tiết kiệm đó là phương cách duy nhất để hàng triệu gia đình Việt Nam tồn tại, bình tĩnh chờ đón những biến động phát rồ của lạm phát, nhưng cũng là dấu hiệu cho thấy một thời kỳ sống trong bong bóng phồn vinh giả tạo đã kết thúc. Và nếu nghĩ xa hơn là hơn tám chục triệu người Việt Nam nhịn ăn, nhịn mặc... cũng chỉ cố sống sót để đóng thuế trả nợ cho cả một chế độ đầy dẫy bọn trấn lột và tham nhũng.

No comments:

Post a Comment