Nhìn AiCâp Mong ViệtNam

Thursday, April 7, 2011

Triển vọng kinh tế Việt Nam 2011

Phá giá đồng bạc, chỉ số giá tiêu dùng tăng cao, thậm hụt ngân sách là những điểm nổi bật khi nói về kinh tế Việt Nam trong những tháng qua.
Các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước có những đánh giá khác nhau về triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm nay.


Tiền đồng xuống thấp kỷ lục


Hồi cuối tháng 3 vừa qua, hãng tin Bloomberg đưa tin tiền đồng Việt Nam đã xuống thấp đến mức kỷ lục trong vòng 18 năm qua, ở mức 20.900 đồng ăn một đô la Mỹ. Trước đó, vào tháng 2, ngân hàng nhà nước Việt Nam một lần nữa đã hạ giá đồng Việt Nam thêm 9,3%, lần phá giá thứ 4 trong vòng 15 tháng qua. Đây là một trong nhiều biện pháp mà chính phủ Việt Nam đang áp dụng trong nỗ lực nhằm kiềm chế lạm phát vốn đang tăng cao, cắt giảm thâm hụt ngân sách và đối phó với tình trạng thiếu hụt dự trữ ngoại tệ. Những diễn biến này đã khiến người ta phải đặt ra câu hỏi đâu là nguyên nhân khiến một đất nước vốn được coi là có nhiều triển vọng tại châu Á, một con rồng đang lên lại đang vất vả đến vậy để vật lộn với sự bất ổn về kinh tế?

Theo tác giả David Dapice, một chuyên gia kinh tế chuyên nghiên cứu về Việt Nam ở trường đại học Havard, thì có nhiều nguyên nhân dẫn đến những khó khăn mà Việt Nam đang phải đối mặt hiện tại. Nguyên nhân đầu tiên theo ông là do chính sách của Đảng cộng sản về việc duy trì vai trò chủ đạo của các doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế. Với chính sách này, các doanh nghiệp nhà nước đã được hưởng nhiều đặc quyền đặc lợi hơn so với các doanh nghiệp tư nhân, về mặt vay vốn, đất đai, hợp đồng với chính phủ, và do đó các doanh nghiệp này có thể coi như đã được hưởng lợi thế cạnh tranh độc quyền.


Có đến hơn một nửa số vốn tăng của doanh nghiệp kể từ năm 2004 đến nay đổ về các doanh nghiệp nhà nước trong khi các doanh nghiệp này chỉ đóng góp khoảng ¼ mức tăng trưởng sản phẩm.


Những ưu tiên đặc biệt dành cho doanh nghiệp nhà nước, trong khi thiếu sự quản lý chặt chẽ từ nhà nước đã dẫn đến việc vốn đầu tư bị lạm dụng và lãng phí. Trường hợp phá sản của Vinashin hồi năm ngoái là một trường hợp đáng chú ý với khoản nợ lên đến hơn 4 tỷ đô la. Vinashin đã đầu tư dàn trải vào những lĩnh vực kinh doanh không phải là chính của mình và không có hiệu quả.

Ông Lê Xuân Nghĩa, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia thừa nhận phần lớn các nguôn vốn cho vay hiện nay tại Việt Nam là vào các doanh nghiệp nhà nước họat động kém hiệu quả, ông phát biểu:


“Một khối lượng lớn của chi tiêu công là từ ngân hàng nhà nước sang các ngân hàng thương mại mua trái phiếu của chính phủ, rồi các ngân hàng thương mại cho vay vào khu vực công tức là các doanh nghiệp nhà nước thì khu vực này hiệu quả rất thấp.”


Vốn đầu tư không hiệu quả
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thì từ năm 2006 đến 2010 Việt Nam đầu tư đến hơn 739 nghìn tỷ đồng vào đầu tư công. Ngân hàng Thế giới cho rằng Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ vốn đầu tư công cao, chiếm gần 40% GDP.


Những khoản vốn đầu tư dàn trải và không hiệu quả này, theo tác giả David Dapice đến từ các khoản vay nước ngoài với lãi suất thấp. Tuy nhiên, vì Việt Nam đã gia nhập những nước có thu nhập trung bình trên thế giới nên việc nhận được khoản vay có lãi suất thấp như vậy trong tương lai sẽ ngày một ít đi.


Ngoài ra, theo tác giả David Dapice, thì việc tăng trưởng tín dụng nội địa đến mức đáng ngạc nhiên là 30% một năm kể từ năm 2000 trở lại đây, và gấp đôi cứ mỗi 30 tháng cũng đặt ra nhiều vấn đề. Ông cho rằng một phần lớn các khoản tiền này đã có thể được đổ vào bất động sản, đất đai. Bằng chứng là giá đất bán trao tay tại Hà Nội đã lên đến mức 10.000 đô la một mét vuông, cao hơn cả ở Bắc Kinh. Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho rằng đã tồn tại bong bóng nhà đất tại Việt Nam, ông cho biết:

“Ở thành phố Hồ Chí Minh, dọc theo xa lộ đông tây hiện bây giờ không biết bao nhiêu dự án xây căn hộ, theo ước tính là 780 ngàn căn nhà xây lên trong năm tới, với giá rất cao, cao ngất ngưởng là mấy chục triệu có khi cả trăm triệu đồng một mét vuông thì làm sao mà bán cho ai được. Nên đầu tư vào bất động sản ở trong nam bây giờ là những chủ đầu tư khó có thể tìm được tín dụng để xây dựng các dự án. Mà xây dựng lên rồi mà bán với cái giá chỉ các thương gia mua lại với nhau thì đó là thương phẩm để đầu cơ thì sau này sẽ đưa đến chỗ không có người mua nữa, mà đã vay tiền ngân hàng thì đến thời hạn thì phải trả nếu không trả được thì ngân hàng siết nợ. Mà siết nợ thì ngân hàng phải bán các tài sản đó với giá nào để thu hồi vốn trở lại, nó sẽ đi vào cái vòng nhiều sản phẩm quá với giá quá cao cho mua đi bán lại chứ không cho người ở, thì đó là một cái bong bóng khá nguy hiểm.”


Dồn tiền vào đất đai


Tác giả David Dapice cho rằng với việc ngân hàng nhà nước xiết chặt việc kiểm soát mua bán đô la và vàng trên thị trường tự do, hơn lúc nào hết, khiến người dân lại càng dồn tiền vào đất đai. Doanh thu từ đất đai là một nguồn thu cho ngân sách địa phương để phục vụ phát triển. Tuy nhiên với việc giá đất bị bóp méo và việc thiếu thuế bất động sản đã khiến cho các địa phương thường xuyên thiếu vốn cho việc xây dựng, phát triển cần thiết.


Với mức lạm phát hai con số, và chỉ số giá tiêu dùng cao ở mức 13,9% trong tháng 3, chính phủ Việt Nam vẫn đang cố gắng tìm cách ổn định nền kinh tế vĩ mô bằng cách đưa ra giải pháp thắt chặt chính sách tiền tệ, với việc tăng lãi suất cơ bản lên 9% hồi tháng 11 năm ngoái. Một động thái mà theo một số chuyên gia cho rằng có ảnh hưởng tích cực đến việc kiềm chế lạm phát, nhưng theo chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành thì ngược lại vì đã không khuyến khích được các doanh nghiệp trong nước vay vốn đầu tư phát triển sản xuất.

Trong khi đó, với thâm hụt thương mại ở mức hơn 12 tỷ đồng, và việc giảm dòng vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp từ nước ngoài, Việt Nam đã phải liên tục phá giá đồng bạc trong suốt hơn 1 năm qua và điều này làm cho sự mất lòng tin của người dân vào tiền đồng ngày một lớn. Theo tác giả David Dapice, thì ước tính tiết kiệm đô la và vàng trong dân có thể lên tới vài chục tỷ đô la. Chính phủ có thể tiếp cận với nguồn vốn này nếu như có thể đưa ra được các chính sách hợp lý gây dựng lòng tin trong dân. Tuy nhiên điều đáng tiếc nằm ở chỗ người dân đã trở nên hoài nghi và chính phủ thì dường như có thể quên đi việc bình ổn một khi mọi việc được ổn định trở lại và quay lại với lối đi cũ có thể gây lạm phát.


Hồi cuối tháng 3 vừa qua, ngân hàng thế giới đã dự đoán lạm phát của Việt Nam sẽ gỉam nhanh trong vòng 2 đến 3 tháng tới do chính sách ổn định kinh tế vĩ mô của chính phủ Việt Nam. Ngân hàng thế giới dự đoán mức tăng trưởng của Việt Nam năm nay sẽ ở mức từ 6,3% đến 6,8% và lạm phát dừng ở mức một con số là 9,5%. Tuy nhiên một số chuyên gia kinh tế cho rằng mặc dù đường lối chủ trương ổn định kinh tế vĩ mô của chính phủ Việt Nam có thể đúng hướng nhưng việc làm được đến đâu vẫn còn tùy thuộc ở năng lực của các bộ ngành và các cơ quan chức năng của chính phủ.

No comments:

Post a Comment