ĐỒNG NAI - Từ lâu, làng bè trên sông La Ngà đã trở thành nét đặc trưng của huyện Ðịnh Quán, tỉnh Ðồng Nai. Khách đi Ðà Lạt trên quốc lộ 20, khi đi qua đây, có thể thấy làng bè La Ngà là một cảnh quan đặc biệt, đẹp mắt, vội ghi lại một vài tấm ảnh. Nhưng với chúng tôi, đã từng tìm hiểu làng bè La Ngà, thì không khỏi xót xa, trước cuộc sống mỗi ngày một thêm khốn khó của bà con ở đây.Cư dân làng bè La Ngà sinh sống bằng nghề nuôi cá bè; phần lớn là bà con nghèo, từ những tỉnh miền Tây tới đây tìm kế sinh nhai; và một số bà con là Việt kiều ở Campuchia hồi hương, lập nghiệp. Hiện nay làng bè La Ngà có trên 100 hộ gia đình; bà con sống lênh đênh trên sông nước, hầu như tách biệt hẳn với dân cư của xã La Ngà.
Nhà bè nổi trên sông để ở, đặt trên những thùng phuy, can nhựa; bè nuôi cá ở dưới, là những chiếc lồng được làm bằng loại gỗ tốt, có sức bền chịu nước. Thường mỗi bè ở đây có diện tích trung bình khoảng 40 m2. Bà con chủ yếu nuôi các loại cá như: cá diêu hồng, cá chình, cá bống, đặc biệt là cá lăng. Người ta cho rằng cá lăng thích hợp với nước sông La Ngà hơn cả, được các chỗ thu mua chiếu cố nhiều nhất; có thể xem cá lăng là đặc sản của làng bè La Ngà.
Gặp lại ông cụ già 70 tuổi Phan Văn Lập, trong cái quán nhỏ của xã La Ngà, gần ven sông, tôi hỏi thăm về đứa cháu nhỏ mà ông Lập từng chở đi học bằng xe đạp hàng chục cây số mỗi ngày, “bị nó ham đi học quá, khó khăn mấy tui cũng phải kiếm cái xe đạp chở nó tới trường...” tôi nhớ ông Lập đã nói vậy, cách đây ba, bốn năm.
Ông lắc đầu, nói: “Thì giờ đâu nữa mà đi học được, nó nghỉ học hai năm rồi, ở nhà phụ giúp ba má nó.” Rồi ông Lập chỉ tay về phía mấy con trâu đang gặm cỏ ở ven sông: “Tui trông chừng mấy con trâu giùm nó; bị bữa nay nó đau bụng đi tiêu chảy, đang nằm nghỉ ở dưới.”
Tôi ngỡ gia đình ông đã tậu được trâu, nhưng không phải. Ông Lập kể, mấy con trâu đó của ông thầy giáo trong trường; thấy thương đứa cháu ông ham học, học giỏi nữa, mà phải nghỉ học vì gia đình cứ mãi lận đận, lao đao trên sông nước cả chục năm rồi, vẫn không thoát khó thoát khổ. Nên ông thầy giáo đã bảo đứa cháu ông Lập chăn trâu, mỗi tháng thầy giáo giúp đỡ ít tiền để phụ vào kinh tế gia đình ông Lập.
“Trước khi được ông thầy giáo giúp đỡ, cho chăn trâu, cháu tui phải đi mò cua bắt ốc ở ven sông, vừa để ăn vừa để bán, cực khổ như trẻ nhỏ ở đồng quê thuở xa xưa vậy.” Ông Lập cho biết đám trẻ nhỏ ở làng bè La Ngà vẫn kiếm thêm tiền phụ giúp cha mẹ bằng cách đó.
“Hồi gặp chú, gia đình tui túng thiếu một, nay túng thiếu tới mười...,” ông Lập nói. Chúng tôi biết, không phải chỉ riêng gia đình ông Lập, mà gần như hầu hết cư dân làng bè La Ngà cũng gặp khó khăn, khi chỉ sống với nghề nuôi cá bè trên dòng sông này.
Những năm trước, nước sông La Ngà vẫn một dòng chảy êm xuôi, mà đời sống cư dân làng bè cũng còn nhiều khó khăn. Cho tới thời gian cuối năm 2009, mực nước sông La Ngà xuống thấp dần, tới nay trở nên đục, nước nhiều chỗ muốn chạm mặt bùn, cá dưới bè bị chết quá nhiều. Chúng tôi cũng vừa mới ghé vùng huyện Tân Phú, cách La Ngà khoảng vài chục cây số, thấy mực nước của nhánh sông Ðồng Nai ở đấy xuống thấp quá, có chỗ trơ đá ngầm. Sông La Ngà là phụ lưu của sông Ðồng Nai, tất nhiên chịu ảnh hưởng nặng.
“Cái bè kế bên tui, của anh Thái, từ miền Tây lên đây sanh sống cũng được mười năm rồi. Ảnh nghèo, khi tới đây hai bàn tay trắng, làm cái bè phải đi vay mượn khắp nơi, tới bi giờ trả chưa dứt nợ. Ðợt cá chết trắng sông năm rồi, ảnh lại trắng tay.”
Từ lần gặp ông Lập cách đây ba, bốn năm, chúng tôi đã biết cả gia đình ông hồi hương lập nghiệp, rời Biển Hồ ở Campuchia, nơi gia đình ông đã sinh sống mấy chục năm.
Tôi hỏi ông Lập, cuộc sống ở làng bè La Ngà có khó khăn hơn hồi ở Biển Hồ? Ông Lập nói:
“Nó tùy theo thời điểm, có lúc khó khăn hơn có lúc dễ sống hơn. Nói chung thì cuộc sống ở làng bè La Ngà và ở Biển Hồ cũng giống nhau: Trẻ em thì không đi học, con nít biết bơi cùng lúc biết đi... Cái đợt mấy ông ở trường học làm thống kê trẻ em làng bè La Ngà có đến lớp, biểu rằng có hai ba chục phần trăm số trẻ đi học lận. Thực tế, ông thầy giáo có mấy con trâu đó, ổng nói trong hai ba chục phần trăm trẻ đi học, thiệt sự bám lớp có chừng vài ba đứa mà thôi!...
Còn ở Biển Hồ bên Campuchia, bởi mình là dân “duồn” (chỉ người Việt Nam), nên chánh quyền ở đó không ai quan tâm, họ còn làm khó dễ là đàng khác. Quanh năm suốt tháng, tụi tui cũng không thấy mặt một ông nào là của tòa Ðại Sứ Việt Nam mà xuất hiện ở làng ghe chài người Việt. À, chú đã nhìn thấy chưa, ở chỗ phía dưới cây cầu La Ngà, có một dãy bè đang làm đó, là của bà con mới ở Biển Hồ về. Họ biểu bi giờ làm nghề đánh cá ở bển khó khăn quá, lượng cá Biển Hồ giảm đi nhiều lắm rồi. Họ biểu, mấy chuyên gia gì đó nói, bị Trung Quốc làm tới mười bốn cái đập nước ở sông Mékong bên nước họ, là thượng nguồn chảy xuống nhánh sông Tông-lê Sap, vào Biển Hồ. Nên khi ở mấy cái đập đó xả lũ, ảnh hưởng lớn tới Biển Hồ, cá trôi đi đâu hết. Mấy chuyên gia đó nói, tương lai không xa, Biển Hồ sẽ hết cá, cạn nước. Nên họ phải về đây sinh sống thôi...”
Chúng tôi thấy rằng, làng bè La Ngà cứ tồn tại như thế, vì tình trạng của nó khó có thể thay đổi, vì cư dân nuôi cá bè không thể làm gì khác, ngoài cái số phận phải “sinh nghề tử nghiệp.” Hiển nhiên, với sinh hoạt của làng bè, dòng sông La Ngà bị ô nhiễm. Nước sông La Ngà đã chịu đựng bao nhiêu năm nay, ảnh hưởng độc hại từ dư lượng thuốc kháng sinh cho cá, từ dầu nhớt ghe thuyền qua lại, từ chất thải trong sinh hoạt hằng ngày của cư dân làng bè...
Ông Lập cho biết, hồi trước Tết Tân Mão, lãnh đạo chính quyền địa phương đã phải “bó tay” trước ý định giải thể làng bè La Ngà. Họ phải thừa nhận sự hiện diện của làng bè La Ngà, nêu phương hướng về công tác quản lý dân sinh, và sẽ cấp hộ tịch cho bà con ở đây...
Rồi ông Lập cười, nói: “Chú biết không, trẻ sanh ra ở làng bè La Ngà chưa từng có một tờ giấy khai sanh. Ðó cũng là vì, từ chánh quyền tới bà con ở đây, chưa ai thắc mắc về ba cái giấy tờ đó. Bà con thì lo kiếm sống đã hết hơi rồi.”
No comments:
Post a Comment