“Ngôi nhà điên” ấy có những thành viên rồ dại và hung dữ hết sức: họ dùng chày giã chết vợ, ném xuống giếng và tự vẫn, họ đâm công an, đập vỡ đầu bố đẻ, đâm thủng bụng hàng xóm; họ bị gia đình và chính quyền đóng gông nhốt suốt 7 năm trời.
Nhưng họ vẫn chưa được công nhận là… người điên, để hưởng các chế độ (tiền, thuốc, sự quản lý) khám chữa bệnh đầy nhân ái của Nhà nước.
2.500 ngày bị gông cùm vì điên thê thảm
Tình cờ tôi biết đến cái xóm tận khổ ở xã Phú Lạc, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ đó. Người ta đồn rằng, xóm này kỳ lạ lắm. Xóm toàn đàn bà góa. Có khi đếm từ 1 đến 10, các gia đình ở sát sàn sạt nhau cùng góa chồng. Lại có khi ở một nhà ba thế hệ bà, mẹ và con dâu, con gái cùng là… đàn bà góa từ rất sớm. Nhiều người đặt vấn đề về nguồn nước hay một câu chuyện khoa học nào đó (chứ không phải mê tín dị đoan như dư luận) cho lời đồn khá xác thực kể trên. Khi tìm hiểu, chúng tôi còn liên tiếp gặp những gia đình tận khổ vì tàn tật và điên loạn ở cái xã Phú Lạc trung du nghèo khó đó.
Gia đình ông Vít có 5 người mù; cách đó 50m, gia đình ông Lê Văn Phiên, 77 tuổi, có 3 đứa con trai đều bị điên. Họ điên đến thảm khốc, trong khi mấy thập niên qua ông Phiên vẫn đau đáu kiến nghị, đã viết đơn trình lên lãnh đạo xã, đã đề xuất với trung tâm khám chữa bệnh người tâm thần ở thị xã Phú Thọ… nhưng các con ông vẫn không được coi là người điên.
Ông thở dài: “Khi con tôi vác cuốc bổ vỡ đầu tôi, khi nó ném vợ nó chết thảm dưới giếng nhà tôi, tôi vẫn không thấy cái sự điên đó nó khó hiểu bằng việc thằng Nghĩa, thằng Nga nhà tôi không được công nhận là người điên”. Nói rồi ông khóc, tôi mang 25 triệu “xin” được của các nhà hảo tâm đến giúp ông lợp lại nhà, mua đồ ăn thức uống trong cái chuồng cọp hơn 2.500 ngày sầu tủi của Lê Văn Nga, ông Phiên cứ chắp tay lạy tôi, mà rằng: sao ở đời còn có những người (nhà hảo tâm, chứ không phải tôi) tốt đến mức ấy?
Tiền, trong trường hợp này, nó có nghĩa với những người chăm sóc bệnh nhân điên là ông Phiên thôi, chứ với 3 con người cuồng loạn của ông, họ có “biết” gì đâu? Họ sống trong một cõi khác chúng ta. Trong vuông bếp bé như cái chuồng gà ở góc vườn, ở ngay gần cái giếng có người đàn bà bị chồng lẩn mẩn dùng chày gỗ lớn đập chết rồi ném xuống kia, Lê Văn Nga vẫn nằm rên hừ hừ. Anh nằm mà hai chân vẫn xiên qua hai lỗ cùm gỗ lớn. Ông Phiên thêm một lần nói cái câu mà ông đã hơn một lần nói với tôi: “Nó chém tôi toác đầu, ai cũng nghĩ tôi chết. Nhưng tôi không oán thán nó, nó là thằng điên. Tức giận thằng điên thì chẳng nhẽ mình cũng điên nốt à? Tôi đau nhất, hai tay chắp bụng (chết) tôi cũng không thể đau hơn, là bởi vì: tôi là bố nó, mà lại đem cùm con vào mấy nghìn ngày như bọn thực dân đế quốc nó cùm người thế này... Nhưng tôi biết làm sao hả nhà báo ơi?”.
Tôi chưa kịp nói gì, những người hàng xóm đã xôn xao đem vết sẹo của mình do người điên tấn công ra “khoe”. Ai cũng bảo, nhốt người thế này dã man quá, nhưng với tình cảnh hiện nay của nhà ông Phiên, ông và dân đen chúng tôi biết phải làm gì hơn như thế được đây? Tôi lại gần, ông Phiên ý tứ gạt hết ghế gỗ, gạch đá, dao dựa ra khỏi tầm tay Lê Văn Nga. Anh Nga có vẻ hiền lành, cúi mặt rên khe khẽ: “Cho tôi xin miếng xà phòng. Da tôi thối hết rồi. Tôi hết điên rồi, tôi không đánh người nữa đâu mà sợ”. Hai ống chân Nga teo đi chỉ còn cẳng xương, da dăn deo, sờ vào da không còn chút nóng ấm nào nữa, đúng là da bọc ống xương. Cái lỗ cùm và các khoanh cùm ở gần chỗ Nga bị “định vị” nó đều nhẵn bóng mồ hôi, đọng đầy thức ăn thừa, mùi khai và mùi thối xộc lên đến buồn nôn.
“Tôi như chuối chín cây. Mai này tôi chết, đàn con tôi sẽ đi về đâu, tóc chúng nó cũng sắp bạc cả rồi”, ông Phiên tấm tức. Da của Lê Văn Nga đã hoại tử, đóng vảy, chết thối nhiều phần. Hai đùi anh toong teo, cũng chỉ còn da bọc xương. Đã 7 năm nay Nga chưa được mặc quần theo đúng nghĩa. Vì cây cùm rất kiên cố, nó được thợ mộc đóng kỹ bằng hai cây gỗ dài chừng 3m, ốp vào nhau, ở khúc giữa được khoét một cái lỗ đúng bằng chu vi cổ chân Lê Văn Nga. Công an xã và gia đình, xóm mạc khống chế đè ngửa Nga ra, trói lại, rồi đặt hai cẳng chân anh vào giữa hai khúc gỗ, dùng đinh và dây thép đóng chặt hai khúc gỗ lại với nhau. Thế là xong một cái cùm tương đối vĩnh cửu.
Cũng bởi cây cùm “oái oăm” đó mà Nga không thể rút chân ra mặc quần được. Thế là ông Phiên nghĩ ra cách cắt bỏ đũng quần đùi của con, rồi chui cái quần đùi từ trên đầu xuống, Nga mặc quần không đáy. Sau hàng nghìn ngày gào thét, giờ đây, tuổi gần ngũ tuần, sức tàn lực kiệt, anh Nga chỉ rên lên khe khẽ, nói năng “dịu dàng” dần. Chỉ có điều càng nói anh càng tỉnh. “Cho con ra ngoài đi bố ơi, con hết điên rồi, con không đánh được ai nữa đâu; ăn uống ỉa đái tại chỗ 7 năm rồi, nếu là bố, bố có sống được không?”. Nói xong câu đó, anh Nga còn biết dụi mắt khóc.
Gió lùa lạnh buốt, quần áo mong manh, tôi luôn tin rằng tính mạng anh Nga đang bị đe dọa bằng cái lối cùm dã man và vi phạm luật pháp và quyền con người nhất đó. Và nữa, xin mở ngoặc luôn: là nhà báo, tôi chỉ có thể phán ảnh sự thật lên cơ quan chức năng, nhắc nhở họ hành động, hoặc cùng lắm là đem tiền “xin” được của các nhà hảo tâm cho gia đình ông Phiên. Chứ để cứu mạng 3 người điên trong ngôi nhà bi thiết kia, phải là một hoặc nhiều cơ quan có thẩm quyền của nhà nước. Về vấn đề này, chúng ta đã có quy định rất rõ ràng.
Những chuyện không thể rùng rợn hơn!
Trong căn nhà trống hoác, đồ đạc lèo tèo, bé Giang, con gái Lê Văn Nghĩa khóc thút thít khi có người đến thắp nhang cho mẹ mình. Mẹ Giang lúc bị bố Giang lên cơn điên loạn đập chết ném xuống giếng còn trẻ hơn cả Giang bây giờ! Trên ban thờ, người đàn bà xấu số có gương mặt trong veo, cái nhìn dường như không một chút oán thán nỗi đời mỏng phận… Bố Giang (Lê Văn Nghĩa, năm nay chừng gần 50 tuổi) đứng ngẩn tò te, tủm tỉm cười bí ẩn mà ngắm Giang và ngắm chúng tôi. Đôi lúc Nghĩa huýt sáo theo kiểu trẻ mục đồng cầm con châu chấu cho chim ăn.
Lê Văn Nghĩa bị điên khá đột ngột. Hoặc nói cho “chắc ăn”, anh được ghi nhận là người điên, bị đề phòng như đề phòng một thằng điên, chỉ sau khi anh ta đập chết rồi quẳng xác vợ mình xuống giếng. Nói thật là tôi phải rùng mình, thủ thế, phải tính nước thoái lui khi thắp nhang cho vợ của người điên trước con mắt điên dại của anh ta. Đấy là chưa kể, lúc đó, ở ngoài sân, anh Lê Văn Tuấn còn đang lẩn mẩn vai u thịt bắp, mặc độc chiếc quần cộc và ngồi chơi… dao phay. Chơi chán anh ta lại gào rú, lại cười sằng sặc hoặc gườm gườm trêu ghẹo tôi.
Chuyện Lê Văn Nghĩa giết vợ xảy ra vào Tết năm 1991. Bấy giờ cô Trịnh Thị Tân lấy chồng là anh Lê Văn Nghĩa được 6 năm, sinh hạ được 3 người con. Khi thi thể cô Tân được khênh lên, các vết chày gỗ nện vào khắp nơi còn để lại dấu tích rõ ràng trên cơ thể. Người đàn bà bị chồng đập dã man bằng chày lớn trước khi ném xuống giếng. Ngay sau đó, Nghĩa cũng tự tử nhưng không chết. Hồ sơ của ngành công an bấy giờ đã kết luận: Nghĩa giết vợ cực kỳ tàn độc vào lúc 21 giờ đêm hôm mùng 2 Tết năm 1991.
Sau khi đi lính về, Nghĩa phát bệnh điên, lúc nặng, lúc nhẹ, người cứ “dớ dẩn, vớ vẩn” như ở trên mây. Song bố mẹ quá nghèo, lại có cả đàn em cùng điên, nên Nghĩa vẫn phải đi làm thuê kiếm sống, phụ giúp cha mẹ và nuôi đàn con. Một hôm nhóm bạn phu phen mới khích bác: mày là đồ điên, ba đứa con không phải con của mày đâu, vợ mày nó “đánh ngạnh” (ngoại tình) mà có đấy. Chỉ là lời đùa vu vơ nhưng không ngờ cơn rồ dại sẵn có trong Nghĩa đã vin vào đó mà “bốc” lên. Đêm ấy, anh ta giết vợ. Chị Tân chết, cuộc đời nghèo khó không để lại một tấm ảnh nào, ngoài một tấm chứng minh thư nhòe cũ. Gia đình đem lên phố huyện gỡ cái ảnh chứng minh thư đó ra làm ảnh thờ. Trong nhang khói, dấu giáp lai vẫn hằn in trên di ảnh của người đàn bà xấu số.
Ba đứa trẻ sống sót sau cơn đối mặt với “tử thần”, các cháu khóc ròng cả đêm, cháu Lê Thị Anh (con của Nghĩa và chị Tân) bấy giờ còn đang tuổi bú mẹ, chỉ biết khóc rồi lả đi. Sáng ra, nghe tiếng khóc của trẻ, hàng xóm mới phá cửa xông vào. Bé Lê Thị Anh thì miệng đã cứng vì khát sữa, họ phải cạy miệng cháu ra bơm sữa nước vào, cháu mới tỉnh dần. Năm đó, cả xóm coi như thêm đủ thứ tang thương trong một cái Tết nghèo.
Sau khi giết vợ, Lê Văn Nghĩa bị công an bắt về tỉnh, tạm giam ở trại Phủ Đức (TP Việt Trì) 4 tháng. Giám định pháp y chỉ rõ: Nghĩa bị bệnh tâm thần, không kiểm soát được hành vi. Ông Phiên đi xe khách xuống tỉnh, bà cán bộ tòa án bảo ký vào giấy bảo lãnh cho thằng con giời đày của mình… về nhà. Bảo lãnh cho một thằng điên đã giết người rồi, lại tiếp tục về nhà sống chung với người tỉnh, không biết cơ quan chức năng nghĩ gì khi bảo (xui) ông Phiên làm việc đó? 20 năm qua, ông Phiên và bà vợ nghèo phải nuôi 3 đứa cháu nội mồ côi mẹ, trong khi bố đẻ các cháu cứ lêu têu, lêu lổng, lúc điên lúc tỉnh, hứng lên là đánh bố đẻ bất tỉnh nhân sự như vậy.
Đầu năm 2011, đang viết những dòng này, tôi lại nhận được điện thoại (ông Phiên đi gọi nhờ hàng xóm) kêu cứu của ông Lê Văn Phiên. Tuổi ngót nghét 80, lại thêm bệnh tật bủa vây, ông lập bập đi nhiều. Ông nhờ tôi “xin Nhà nước cho thằng Nghĩa đi trại tâm thần, chứ nó chưa bị cùm, nó còn phá hơn thằng Nga”.
Vậy là suốt 20 năm qua, “thủ phạm điên” ấy vẫn chưa được công nhận làm… người điên! Lê Văn Nga, Lê Văn Nghĩa không có sổ tâm thần, không được đi chữa bệnh, quản lý, khống chế một cách cần thiết và nhân văn như những người có lương tri hằng mong muốn. Vì sao? Không lẽ đưa một người đích thị điên, điên đến mức không thể điên hơn vào trại điên chật vật đến vậy ư?
Thảm cảnh người điên - do người tỉnh gây ra
Lê Văn Nga (người đã 7 năm bị cùm) may mắn chưa giết ai nhưng nỗi ám ảnh mà anh gây ra cho gia đình và hàng xóm trong suốt những năm tháng “tung hoành” cũng không kém ông anh là bao. Anh thích nhất là đánh người và ăn trộm, anh đánh bố đẻ, đâm thủng bụng công an xã rồi cười khà khà đắc chí vác dao đi… chơi. Anh đã đánh hầu như không thiếu người đàn ông nào trong xóm.
Nhớ lời ông Phiên nói với tôi trong lần đầu gặp gỡ: “Thằng Nga nó điên loạn, nó thích ăn ngon, nó rỡ cả cột nhà, xà nhà nhà tôi đem bán để ăn quà. Nó bắt lợn bắt chó nhà hàng xóm, cắt lấy cái đầu, moi lấy bộ lòng, tim, gan về ăn xì sụp, còn lông lá thịt thà bỏ lại tuốt ngoài bụi tre. Nó ăn trộm cả cái xô cái chậu của bất kỳ gia đình nào, đem ra ngã ba chỗ gần ủy ban bán, lấy đôi ba nghìn, hí hửng mua gói kẹo, “bắn” điếu thuốc lá rồi lững thững về. Tôi đi vay hàng xóm được 1 triệu đồng, tổ chức cưới vợ cho nó (là cô Mai Thị Vịnh, cùng xã), nó đánh vợ toạc máu đầu, đẻ được con thì nó ăn hết phần của con. Vợ nó hãi quá ẵm con bỏ đi biệt. Xóm này, cả chục người bị nó đánh cho thập tử nhất sinh. Cả trưởng công an xã cũng bị nó đâm cho mấy nhát, phải vào viện điều trị. Nếu không cùm lại, chắc chắn nó đã gây án mạng rồi. Nó sẽ giết tôi đầu tiên”.
Nay gặp, tôi hứa sẽ tìm cách hỗ trợ ông Phiên đưa Nga đi điều trị ở viện tâm thần. Ông Phiên rùng mình: “Ối trời ơi, đừng có đụng vào cái cùm đó. Tháo ra là nó hung hăng lắm, nó đánh người thì tôi chết không nhắm được mắt. Lần trước, thấy con khỏi, lại thương con, tôi vừa thuê người tháo cùm ra thì nó đã đánh mấy người trong xóm, nó bổ vỡ toác đầu tôi, ngất xỉu, máu chảy đầy sân đây này”. Ông Phiên vạch đầu mình ra, viết sẹo dài thượt, trắng hếu, bổ dọc đỉnh đầu từ trán ra sau gáy.
Chủ tịch UBND xã Phú Lạc và Trạm y tế xã cũng xác nhận: xã rất sợ sự hung dữ của Lê Văn Nga. Công an xã, thôn xóm và gia đình đã phải chung tay khống chế, đưa anh vào cùm dưới sự đồng thuận tự nguyện của gia đình ông Phiên. Có cái gì thật bi hài, khi ông Chủ tịch UBND xã Phú Lạc run rẩy nói với tôi: Nó (Nga) đã tuyên bố sẽ giết Phó trưởng Công an xã, đánh công an viên nếu nó được ra khỏi cùm. Chao ôi, Nhà nước đã có quy định rõ là ngành y tế và cơ quan liên quan phải có trách nhiệm khống chế, đưa người điên vào trung tâm chữa bệnh, quản lý, cắt cơn cho người điên cơ mà. Hệ thống trại điên tiền tỷ của nhà nước đã trải khắp từ tỉnh về Trung ương mà. Sao lãnh đạo xã lại cũng bất lực như ông Phiên già?
Qua xác nhận của Trạm Y tế xã Phú Lạc, thông số rất rõ ràng: trong 3 người con của ông Phiên chỉ có người chưa gây án lớn là Lê Văn Tuấn, là có sổ khám chữa bệnh dành cho người tâm thần (cũng chỉ được cấp từ năm 2007, sau hàng chục năm anh phát bệnh). Còn các anh Nga và Nghĩa vẫn… chưa đủ thủ tục được công nhận là bệnh nhân tâm thần. Ông Phiên bảo, hằng tháng, ông cứ đi lĩnh thuốc tiêu chuẩn và tiền trợ cấp của thằng Tuấn về chia cho hai thằng điên còn lại. Thuốc thang cũng chia một suất làm ba, mỗi người con uống một tí.
Tiễn khách, ông Phiên và những người hàng xóm cùng gạt nước mắt khóc, trừ 3 anh chàng đang điên nhe răng cười. Tôi hứa sẽ mang bài báo này đặt lên bàn cơ quan chức năng huyện Cẩm Khê và tỉnh Phú Thọ, để hỏi cho ra nhẽ: vì sao cái thủ tục làm người điên của các thành viên trong “ngôi nhà tuyệt vọng” của ông già Lê Văn Phiên lại khó như thế? Hỏi rằng, có phải trăm cái tội người điên gây ra, phần lỗi đều thuộc về những người được xem là tỉnh táo không?!
No comments:
Post a Comment