Nhìn AiCâp Mong ViệtNam

Sunday, April 24, 2011

Lang thang kiếm sống trong tuổi già bóng xế

ÐÀ NẴNG - Một cụ già chín mươi sáu tuổi, dáng hom hem, gương mặt trầm ngâm, bà cầm một xấp vé số. “Cô cậu ơi, có ai cho tui quá giang về, con tôi lại lên cơn đau!”

Tôi đã gặp bà trong công viên thành phố Ðà Nẵng.

Bà cụ tên Nguyễn Thị Tư, hiện trú tại phường Hòa Cường, quận Núi Thành, thành phố Ðà Nẵng. Mỗi ngày, bà thức dậy lúc 5 giờ sáng, vặn người tập thể dục mấy cái rồi súc miệng, rửa mặt và cầm xấp vé số bước ra đường.

Và như mọi ngày, bà cụ ghé qua chỗ giường con gái đang nằm ngủ xem thử con mình da dẻ ra sao, hơi thở có đều đặn hay mệt nhọc.

Ði bộ một đoạn đường dài gần 5km, từ Hòa Cường đến Hải Châu, bà ghé vào bất kì quán cà phê, quán ăn nào để mời vé số. Và không phải lúc nào cũng mời được khách, không phải lúc nào bụng cũng được no.

Tôi mua hai tờ vé số với giá mỗi tờ năm ngàn đồng và kèm theo một ít tiền lẻ biếu bà. Nhưng, khi đếm tiền xong, bà mếu máo khóc: “Cám ơn cậu, cậu tốt bụng quá, già này để ý cậu lâu nay đã cố tình bỏ thêm tiền lẻ cho già!” Nói xong, bà cụ chắp tay vái tôi. Chuyển từ ngạc nhiên sang bàng hoàng trước hành động của bà cụ, tôi chắp tay vái lại bà, mặc cho ai đó chung quanh đang nhìn.

Lúc này chừng 5 giờ 30 sáng, trời phủ sương nhá nhem, mờ mờ ảo ảo, gương mặt bà cụ nhìn càng thêm có chút ảm đạm, khó tả...

Tôi hỏi thăm bà cụ đã ăn uống gì chưa, bà nói: “Cậu ơi, đã hơn hai mươi năm nay già không ăn sáng, quen rồi, chỉ cần đi bán thật nhiều vé là mừng lắm rồi. Tội nghiệp con gái của già, nó sáu mươi mấy tuổi, nằm ở nhà...” Nói đến đây, bà nghẹn ngào.



Hơn ba mươi năm không nhà



Tôi xin phép chở bà cụ về nhà. Bà nói rằng mình không có nhà, đã ba mươi mấy năm nay bà sống lưu lạc vỉa hè, công viên khắp nơi, cũng có lúc bà được ngủ trong nhà, nhưng đó là nhà của chủ mà bà đến ở đợ. Cứ thế, cuộc đời bà và người con gái trôi dạt.

Ngồi sau xe, bà chậm rãi kể câu chuyện đời mình: “Già vào Ðà Nẵng trong trận Khe Sanh, năm 1972, hồi đó chiến tranh ác liệt quá, thấy người chết nhiều quá, già đi tản cư, trên đường đi gặp xác người nằm khắp nơi, có chỗ đã bốc mùi, già nghĩ rằng chắc là mình khó mà sống, rồi cứ vậy mà đi, đến khi vào tới Ðà Nẵng thì hay rằng mình còn sống.”

Tôi hỏi cụ: “Vậy khi vào đây, ngoại có được mấy người con, họ cùng theo ngoại vào cả hay sao?”

Bà cụ nói: “Già có hai đứa con, một con gái ruột, một con nuôi, đứa con gái ruột thì bệnh nằm tại chỗ đã hai mươi lăm năm nay, còn đứa con gái nuôi giờ đi đâu mất rồi. Già nuôi nó lúc già còn khá giả, giờ mình lụn xuống, không thấy ai hết, mà có khi nó đã chết hoặc mất tích trên biển cũng nên!”

“Mình già cõng con gái đi từ nhà này sang nhà khác ở đợ. Cũng may những người chủ nhà tốt bụng, họ chịu chứa mẹ con già. Nhưng rồi chuyện ấy cũng trôi qua, vì giờ không ai thuê già giúp việc nữa, già đã quá già, không ai dám thuê...”

Tôi hỏi tiếp: “Vậy mỗi ngày ngoại bán được bao nhiêu tấm vé? Rồi chuyện ăn uống như thế nào?!”

Bà cụ thở dài: “Cũng may, có ngày bán được cả trăm vé, tiền lãi cũng được năm chục ngàn đồng (tương đương $2.5), như vậy là có tiền lo thuốc men, ăn uống cho hai mẹ con. Nhưng cũng có ngày đi suốt mà bán chẳng được mấy vé, thậm chí còn nghe người ta nói thầm với nhau là không nên mua vé số của người già, vì người già sắp chết thì còn gì lộc mà mua với bán...”

“Nghe vậy, ngoại (lúc này bà cụ chuyển sang xưng ‘ngoại’ với tôi) buồn não nùng. Ngoại nghĩ chẳng lẽ số phận mình hẩm hiu đến vậy sao, đến mức bán mấy tấm vé số để qua ngày đoạn tháng cũng không xong sao!”



Mái nhà buồn của hai số phận nghiệt ngã



Nói là mái nhà, nhưng nhà đâu mà gọi là mái. Chữ mái ở đây được hiểu là mái hiên, mái phố, mái trời, mái lá cây, mái tình người lan man nơi phố lạ... Họ đã lang thang từ nơi này đến nơi khác, từ con đường này đến con đường khác, từ mái nhà này đến mái nhà khác.

Suốt mấy chục năm trời mang thân phận lưu lạc xứ người dù rằng đường về quê chỉ cách mấy con đèo, mấy con sông. Nhưng họ đã không về, bởi hai mẹ con lưu lạc không còn chốn quay về. Căn nhà xưa đã rơi vào tay người khác, khu vườn xưa giờ cỏ cây cũng lạ...

Lúc này, một người già chín mươi sáu tuổi và một người trẻ sáu mươi ba tuổi đang nương tựa nhau trong một căn phòng. Cái diện thích chưa đến mười mét vuông này có được nhờ vào lòng thương của một chủ đại lý vé số.

Người già chín mươi sáu tuổi hằng ngày đi bán vé số để nuôi người trẻ bị bệnh tim. Người trẻ thì nằm bẹp dí ở nhà với căn bệnh tim trầm kha mấy mươi năm nay.

Người mẹ tội nghiệp nói: “Nó mặc cảm bệnh tật con à, ngày xưa, ngoại gả nó cho một anh thanh niên trong làng, nhà ngoại ở Triệu Phong, Quảng Trị, thế rồi mới hứa hôn, chiến tranh, lưu lạc, đủ thứ chuyện, chồng tương lai nó chết trận, vậy là nó ở vậy cho đến giờ, bệnh mỗi lúc một nặng hơn. Và suốt mấy chục năm nay nó không chịu soi gương hay cho ai chụp hình. Nó vẫn còn chờ đợi chồng nó...”

Câu chuyện càng kể càng thêm buồn. Cái buồn nhất trong câu chuyện này là chiến tranh đã im tiếng súng mấy chục năm nay, nhưng hai mẹ con người già tội nghiệp vẫn cứ cõng nhau lang thang từ nơi này đến chốn nọ để kiếm kế sinh nhai.

No comments:

Post a Comment