Từ những sự việc mới xảy ra, ta có thể rút ra hai điều. Thứ nhất là khi người giáo dân không thụ động, không vòng tay chờ lệnh trên, nhưng nhận ra trách nhiệm của mình, chu toàn sứ mạng mà mọi tín hữu Chúa Ki-tô đã lãnh nhận khi chịu phép rửa là làm chứng cho Chúa, vừa biết chủ động lại vừa biết hiệp thông với anh em, thì tạo nên một sức mạnh phi thường. Thứ hai, và quan trọng hơn nhiều: nguồn sức mạnh của người tín hữu là ở nơi Thiên Chúa, do đó phải cầu nguyện.
Một sự trùng hợp có ý nghĩa
Ngày 13-04-2011 vừa rồi, theo hãng thông tấn AP, cựu tổng thống Ai-cập bị lật đổ H.Mubarak đã bị bắt ngay trong nhà thương, nơi ông được đưa vào để bị điều tra. Đó là số phận của một nhà cai trị độc tài sau nhiều thập niên làm mưa làm gió trên đất nước Ai-cập. Những biến cố gần đây tại Bắc Phi và Trung Đông cho thấy: thế kỷ XXI không còn chỗ cho các chế độ độc tài toàn trị. Cũng ngày 13-04 chính xác là vào lúc 21 giờ, hai nhân vật nổi tiếng trong số những nhà đấu tranh cho tự do dân chủ là luật sư Lê Quốc Quân và bác sĩ Phạm Hồng Sơn đã được trả tự do. Họ ở trong số những người bị bắt khi đi tham dự phiên toà “công khai” xử tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ hôm 04-04-2011.
Làm gì được ta ?
Bất chấp những tiếng nói chân thành của nhiều giới đồng bào ở trong và ngoài nước, của nhiều tổ chức quốc tế, qua phiên toà ngày 4 tháng 4, chính quyền cộng sản Việt Nam đã diễu võ dương oai với bản án thật nặng là 7 năm tù giam và 3 năm quản chế dành cho một nhà trí thức xuất thân từ một dòng tộc gồm nhiều công thần của chế độ. Chưa lấy thế làm đủ, nhân phiên xử đó, chính quyền bắt luôn hai nhân vật bất đồng chính kiến như đã nói trên, như muốn gửi đến những ai đang mơ tưởng đến một cuộc cách mạng hoa nhài hay hoa gì đó, rằng có muốn vào tù bóc lịch chơi thì cứ việc! Không chỉ bị bắt vô cớ, bị đánh, bị tống vào trại giam, nhưng còn bị xét nhà và lấy đi nhiều vật dụng như máy tính, điện thoại di động, đến két sắt cũng bị khiêng đi. Và chuyện lố bịch là những người chỉ muốn đi dự phiên toà một cách ôn hoà lại bị gán cho cái tội “gây rối trật tự công cộng”.
Phản ứng của giới Công Giáo
Ngày 05-04-2011, tức là ngay sau hôm luật sư Lê Quốc Quân bị bắt, Trưởng Cộng đoàn Giáo phận Vinh tại Hà Nội là anh Cao Xuân Linh đã ra thông báo về việc một thành viên của Cộng đoàn Giáo phận là luật sư Lê Quốc Quân “đã bị cảnh sát cơ động trang bị công cụ, dùi cui điện tấn công bắt bớ vô cớ, trái pháp luật… đang bị tam giam tại Công an quận Hoàn Kiếm”. Thông báo mời mọi người yêu mến Công Lý – Sự Thật – Hoà Bình tới nhà thờ Thái Hà tham dự thánh lễ lúc 19 giờ 30 ngày 08-04-2011.
Hưởng ứng lời kêu gọi trên, không chỉ tại nhà thờ Thái Hà, nhưng tại nhiều nơi khác như tại các giáo xứ Bến Đến, Lập Thạch, Yên Đại thuộc giáo phận Vinh, hay tại giáo xứ Thanh Minh thuộc giáo phận Thái Bình, đã có những buổi thắp nến cầu nguyện cho luật sư Lê Quốc Quân, một tín hữu Công Giáo gốc Vinh, và là thành viên của Uỷ Ban Công Lý – Hoà Bình.
Đến ngày 12-04 cộng đoàn Doanh Nhân – Trí Thức Công Giáo Việt Nam ra tuyên cáo phản đối hành vi đánh đập, bắt giữ người trái pháp luật của nhà cầm quyền đối với luật sư Lê Quốc Quân vốn là Trưởng ban liên lạc Cộng đoàn Doanh Nhân – Trí Thức Công Giáo và cũng là Uỷ viên Ban Công Lý – Hoà Bình. Tuyên cáo kêu gọi và phát động toàn thể cộng đồng và tất cả mọi cá nhân Doanh Nhân – Trí Thức Công Giáo trong toàn quốc tham gia phong trào cầu nguyện cho Công Lý – Sự Thật và cầu nguyện cho luật Lê Quốc Quân.
Vai trò người giáo dân
Nhớ lại hồi cuối năm 2007, người phát động phong trào cầu nguyện nhằm đòi lại thửa đất Toà Khâm Sứ cũ là Đức Tổng Giám Mục Hà Nội, đức cha Giu-se Ngô Quang Kiệt. Giữa lúc mọi người đang cảm nghiệm sức mạnh vô song của lòng tin bất khuất, thì văn thư của đức hồng y Quốc Vụ Khanh Bertone đã dập tắt phong trào cầu nguyện một cách vô cùng tàn nhẫn.
Nay thì những ai đã mơ tưởng đến một cuộc đối thoại với nhà cầm quyền cộng sản đã thấy được sự thật phũ phàng như thế nào. Là tín hữu Công Giáo, chúng ta tuân phục quyền bính của Đức Giáo Hoàng, nhưng chính sách ngoại giao của Vatican không được đảm bảo bởi tín điều bất khả ngộ.
Ta không thể quả quyết rằng: giả sử phong trào cầu nguyện cứ tiếp tục thì chế độ cộng sản tại Việt Nam đã sụp đổ. Nhưng điều không thể nghi ngờ là trong giả thuyết đó, Giáo Hội Việt Nam sẽ không bị chia rẽ, đức tin của cộng đoàn tiếp tục mạnh mẽ, hàng giáo phẩm được giáo dân tin yêu, nhà nước kính nể, và trong tư thế đó, hai chữ “đối thoại” mới thực sự có ý nghĩa. Nhưng đó là chuyện đã qua.
Trở về với câu chuyện hôm nay, điểm đáng chú ý là lần này, phong trào cầu nguyện là do những người giáo dân khởi xướng. Trong một Giáo Hội mà tinh thần giáo sĩ trị còn hết sức nặng nề thì đây là nét đặc trưng vô cùng khích lệ. Chỉ cần tại mỗi địa phương giáo dân được các linh mục ủng hộ, và tốt hơn nữa là khuyến khích, người giáo dân hôm nay đã cho thấy khả năng của họ.
Những người dân gốc Vinh
Luật sư Lê Quốc Quân sống ở Hà Nội, nhưng là người dân gốc Vinh. Ngay sau khi luật sư bị bắt, Cộng đoàn giáo phận Vinh tại Hà Nội đã mạnh mẽ lên tiếng, và liền sau đó là các buổi thắp nến cầu nguyện tại nhiều nhà thờ giáo phận Vinh, nơi đã quy tụ hơn 200.000 tín hữu Công Giáo trong buổi lễ 15-08-2008 để cầu cho Tam Toà. Trong buổi lễ đó, đức giám mục chủ sự là đức cha Cao Đình Thuyên đã nói với mọi người: “Giáo phận Vinh không chỉ có một, nhưng có tới 500.000 Cao Đình Thuyên!” Và những gì đã diễn ra trong thời gian qua cho thấy tinh thần Cao Đình Thuyên còn mạnh mẽ đến mức nào.
Sức mạnh của lời cầu nguyện
Tuy nhiên, nếu đặt câu hỏi: đâu là lý do mang tính quyết định trước việc nhà cầm quyền cộng sản cuối cùng buộc phải chùn tay và ra lệnh thả luật sư Lê Quốc Quân cũng như bác sĩ Phạm Hồng Sơn, thì câu trả lời đã quá rõ, đó là sức mạnh của lòng tin thể hiện qua các buổi cầu nguyện của các tập thể Công Giáo, khởi đi từ Toà Khâm Sứ, rồi giáo xứ Thái Hà, sau một thời gian lắng xuống, nay lại bùng lên, và lần này thì sẽ không có sức mạnh nào ngăn cản nổi.
Kết luận
Từ những sự việc mới xảy ra, ta có thể rút ra hai điều. Thứ nhất là khi người giáo dân không thụ động, không vòng tay chờ lệnh trên, nhưng nhận ra trách nhiệm của mình, chu toàn sứ mạng mà mọi tín hữu Chúa Ki-tô đã lãnh nhận khi chịu phép rửa là làm chứng cho Chúa, vừa biết chủ động lại vừa biết hiệp thông với anh em, thì tạo nên một sức mạnh phi thường.
Thứ hai, và quan trọng hơn nhiều: nguồn sức mạnh của người tín hữu là ở nơi Thiên Chúa, do đó phải cầu nguyện. Chỉ cần nhớ lại câu chuyện của Tin Mừng theo thánh Mác-cô (9,14-29). Sau khi các môn đệ được mời đi trừ quỷ mà không thành công, mới trở về hỏi Chúa tại sao thì Người trả lời: “Giống quỷ ấy, chỉ có cầu nguyện mới trừ được thôi!” (Mc 9,29).
Chính khi phải đối mặt với những thử thách không thể vượt qua, khi ở trong những tình huống xem như vô vọng mà người tín hữu khám phá ra sức mạnh và hiệu năng của lời cầu nguyện. Đó cũng là lúc cần nhớ lại lời Chúa Giê-su: “Giống quỷ ấy, chỉ có cầu nguyện mới trừ được thôi!”
Sài Gòn, ngày 16 tháng 04 năm 2011
Pascal Nguyễn Ngọc Tỉnh ofm
No comments:
Post a Comment