Nhìn AiCâp Mong ViệtNam

Tuesday, April 19, 2011

Campuchia phản đối Lào xây đập Xayaburi

Đập thủy điện Xayaburi của Lào là mối đe dọa duy nhất hiện nay đối với sông Mekong và người dân. Trong lúc Việt Nam, Thái Lan và các nhà khoa học quốc tế lên tiếng đập này sẽ có những tác động xấu như gây xói lở, thay đổi dòng chảy, thay đổi môi trường sống của nhiều loài thủy sản…; thì Campuchia có suy nghĩ gì về điều này, và Ủy ban sông Mekong Campuchia có chấp thuận cho Lào tiến hành xây dựng hay không? Quốc Việt có bài tường trình sau đây.


Tham vấn trước khi xây dựng


Chính phủ Hoàng gia Campuchia và các chuyên gia bảo vệ môi trường nước này bày tỏ e ngại về tác động tới môi trường, hệ sinh thái, nguy cơ mất nguồn cá cũng như thực phẩm đối với hàng chục triệu người dân sống dựa vào sông Mekong vì Lào có dự án xây dựng công trình thủy điện Xayaburi.


Phó chủ tịch Ủy ban sông Mekong Campuchia, ông Sing Ny Ny, khẳng định với Đài Á Châu Tự Do rằng, Ủy ban quốc gia sông Mekong mới kết thúc cuộc họp với liên Bộ để yêu cầu Lào cung cấp thông tin theo đúng quy định để tham vấn, và tác động trực tiếp, gián tiếp từ đập thủy điện Xayaburi đến người dân Campuchia sống ở hạ lưu con sông này.


Campuchia còn yêu cầu Lào gia hạn thêm thời gian tham vấn và cung cấp thêm thông tin chi tiết về dự án trên trước khi có quyết định là cần phải xây dựng đập này hay không.


Ông Sing Ny Ny cho biết, nhiều cuộc họp vừa qua, phía Lào chưa cung cấp đầy đủ thông tin liên quan, do đó Campuchia yêu cầu Lào tôn trọng bản thỏa thuận năm 1995 của Ủy ban sông Mekong, các nước thuộc Ủy ban sông Mekong bắt buộc phải trải qua quá trình tham vấn mỗi khi có dự định xây dựng công trình thủy điện trên sông Mekong.


Xayaburi là một trong 12 dự án đập thủy điện trên dòng sông Mekong. Đập này nằm hoàn toàn trên lãnh thổ của Lào. Đập thủy điện dự kiến dài 810 mét, cao 32 mét, công suất dự kiến 1.260 MW. Hầu hết sản lượng điện của dự án trị giá 3,5 tỷ USD này sẽ được bán cho Thái Lan. Chính phủ Lào đã chính thức thông báo cho Ủy ban sông Mekong tham vấn trong thời gian 6 tháng kể từ tháng 10 năm 2010.


Theo quy định, hạn cuối để các nước thể hiện quan điểm chính thức là ngày 22 tháng 4 năm 2011. Bên cạnh đó, Campuchia cũng đang nghiên cứu 2 dự án, Thái Lan có 2 dự án, và Lào có 8 dự án. Trong đó dự án đập thủy điện Xayaburi đang tham vấn được coi là vấn đề nóng gây tranh cãi ở khu vực hạ nguồn sông Mekong.


Ảnh hưởng đến môi trường


Ông Cheam Yeap, Chủ tịch ủy ban tài chính kinh tế Quốc hội Campuchia và là thành viên của Ủy ban thường trực Quốc hội Campuchia đã lên tiếng phản đối dự án Xayaburi. Ông cho rằng, nếu Lào xây dựng đập thủy điện trên thì nó sẽ gây tác động rất mạnh đến môi trường, đặc biệt là việc sử dụng nguồn nước của các nước tiểu vùng sông Mekong chẳng hạn Campuchia, Việt Nam, và Thái Lan.


Lào là thành viên của Ủy ban sông Mekong (MRC), cho nên Ủy ban này sẽ xem xét và đưa ra quyết định chính thức vì cuộc họp tại tỉnh Preah Sihanouk vừa qua vẫn chưa có một quyết định chính thức có chấp thuận dự án thủy điện này hay không. Ông Chem Yeap có nhận định thêm:


“Campuchia là nước nông nghiệp, có nhu cầu sử dụng nước rất nhiều. Vậy, nếu Lào xây dựng đập này thì nó sẽ ảnh hưởng đến nguồn nước, nguồn cá, đặc biệt là đời sống người dân ở hạ lưu con sông này trong đó cũng có Việt Nam. Tôi yêu cầu Lào ngừng xây dừng đập đó và nên đi xây dựng nơi khác để tránh gây ảnh hưởng đến dòng nước chảy, đặc biệt là người dân Campuchia, Lào và Việt Nam.”
Liên quan vấn đề này, trưởng Ban chấp hành diễn đàn Tổ chức phi chính phủ (NGO Forum) Chhit Sam Art nhận định rằng, qua quá trình nghiên cứu và báo cáo của các nhà khoa học, thì đập này sẽ ngăn cản sự di cư của cá, làm giảm nguồn lợi thủy sản, và gây ra thảm họa về an ninh lương thực. Ông nói rằng, Lào chỉ cung cấp thông tin tham vấn và nghiên cứu khoảng 10 cây số từ đập Xayaburi, tuy nhiên họ chưa nghiên cứu về tác động đến các nước láng giềng. Do đó, các tổ chức phi chính phủ và nhóm chuyên gia môi trường yêu cầu Lào hoãn xây dựng đập trên trong vòng 10 năm nhằm đảm bảo tất cả các tác động của việc xây dựng.


Ủy ban sông Mekong Campuchia cũng cho biết, Ủy ban sông Mekong Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam đã ký một thỏa thuận từ năm 1995 về việc sử dụng, quản lý và phát triển nguồn nước trên Mekong. Các thành viên của Ủy ban bắt buộc phải trải qua quá trình tham vấn mỗi khi có dự định xây dựng đập thủy điện trên sông Mekong. Các thành viên không thể lợi dụng, hay vi phạm quyền sử dụng nước, mặc dù họ chỉ sử dụng trong phạm vi của nước mình.

No comments:

Post a Comment