Nhìn AiCâp Mong ViệtNam

Saturday, April 30, 2011

Bùi Chát bị giữ ở Tân Sơn Nhất

Nhà thơ Bùi Chát, trở về Việt Nam sau chuyến đi Argentina nhận giải thưởng Tự do Xuất bản 2001, đã gặp trở ngại với công an và hải quan.Trả lời Đài Á Châu Tự Do vào lúc khoảng 10 giờ tối thứ Bảy 30-4, Bùi Chát cho biết ông còn đang bị giữ ở khu vực kiểm tra của hải quan sân bay Tân Sơn Nhất.

Bùi Chát là một trong những người chủ trương nhà xuất bản tự do mang tên "Giấy Vụn" ở thành phố SaiGon

Trong tuần rồi ông Bùi Chát sang thành phố Buenos Aires của Argentina để nhận giải thưởng Xuất bản Tự do năm 2011 do Hiệp hội Các nhà xuất bản Quốc tế, IPA trao tặng, nhân hội chợ sách quốc tế lần thứ 37 tổ chức tại đó.


Cũng tin liên quan, Blogger Thiên Sầu, tên thật là Ngô Thanh Tú, được cho về nhà vào tối hôm qua sau sáu ngày bị phía cơ quan an ninh Việt Nam giam giữ.

Hoãn xây đập Xayaburi chưa phải đã hết lo

Ngày 27/4 Lào tuyên bố tạm hoãn xây dựng đập thủy điện Xayaburi để xem xét lại các khuyến nghị của Việt Nam và Campuchia đưa ra trong phiên họp Ủy hội sông Mekong trước đó một tuần.Bốn nước Lào, Campuchia, Thái Lan và Việt Nam là thành viên Ủy hội sông Mekong thành lập năm 1995.


Trả lời Nam Nguyên vào tối 28/4, TS Dương Văn Ni, chuyên gia mạng lưới sông ngòi Việt Nam tán dương quyết định của Lào:


“Chính phủ và người dân Lào đã biết thông cảm với nỗi lo chung của dân chúng nhiều nước trong khu vực trong đó có cả Lào nữa. Sự lo lắng của cộng đồng khu vực là có cơ sở, người ta dựa trên những tài liệu đã được nghiên cứu đã được công bố thấy rằng chưa đầy đủ chưa phản ánh hết những điều mà cộng đồng quan tâm. Tôi cho rằng tuyên bố của Lào là một tin mừng.”


Ảnh hưởng sản xuất
Vị trí dự án thủy điện Xayaburi ở trung lưu sông Mekong trên dòng chính gần cố đô Luang Prabang. Nơi này cách vùng đồng bằng sông Cửu Long Việt Nam ở hạ lưu khoảng 2.000km. Công trình Xayaburi trị giá 3,5 tỷ USD, dự kiến mỗi năm thu lợi 600 triệu USD tương đương 1/10 GDP của Lào. Xayaburi là 1 trong 11 dự án thủy điện trên dòng chính sông Mekong mà các nước vùng trung lưu có kế hoạch xây dựng.


Theo Tuổi Trẻ Online, Thứ trưởng Tài nguyên Môi trường Nguyễn Thái Lai trong dịp hội kiến Thượng Nghị sĩ Jim Webb ở Hà Nội hôm 21/4 đã phát biểu rằng, cộng với các đập thủy điện mà Trung Quốc xây dựng ở thượng lưu, nếu tất cả 11 đập thủy điện ở vùng trung lưu hoàn tất thì vùng đồng bằng sông Cửu Long sẽ chịu tác hại nghiêm trọng về sản xuất lúa và thủy sản. Cụ thể tổng lượng phù sa 26 triệu tấn mỗi năm sẽ chỉ còn 7 triệu tấn. Lượng dinh dưỡng sẽ suy giảm từ 4.000 tấn/năm còn 1.000 tấn và nguồn cá mỗi năm suy giảm 450.000 tấn.


Cụ thể hơn sản lượng lúa đồng bằng sông Cửu Long sẽ giảm 300.000 tới 400.000 tấn mỗi năm do thiếu nước, theo đánh giá của PGS-TS Nguyễn Đình Hòe thuộc Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam trong bài viết trên báo điện tử Đại Đoàn Kết.


Câu chuyện đập thủy điện Xayaburi đầy tranh cãi và mối lo ngại của cộng đồng được thể hiện tới tận những người nông dân sống nhờ vào cây lúa. Một người trồng lúa vùng đồng bằng sông Cửu Long phát biểu với chúng tôi:

“Mỗi năm tiếp theo lượng nước ngọt càng giảm, lượng phù sa ít đi những năm gần đây những con nước lớn mùa nước nổi cứ kém dần, kém dần như hiện tại.
Nếu bên Lào xây đập thủy điện mà chúng tôi nghe được một số thông tin trên báo đài thì đồng bằng sông Cửu Long càng khó khăn. Lào chưa xây đập mà lượng nước còn rất ít, nếu họ xây chắc là làm lúa rất khó.”


Bản thân người Lào cũng đã có kinh nghiệm của chính mình về các đập thủy điện ở thượng nguồn sông Mekong, qua lời giáo sư Souphab Khouangvichit Trưởng khoa môi trường Đại học Quốc gia Lào trên báo Tuổi Trẻ Online ngày 25/4.


Theo lời giáo sư, việc Trung Quốc xây dựng nhiều đập thủy điện ở thượng lưu sông Mekong thật sự ảnh hưởng lượng nước của dòng sông này, trong mùa khô nước cạn hẳn so với những năm trước. Để chứng minh rõ hơn thì cần có thêm các nghiên cứu khoa học.


Giáo sư Khouangvichit dẫn nghiên cứu khả thi của đập Xayaburi, con đập được xây dựng trên dòng chính sông Mekong, nước được giữ lại trên sông có thể sẽ thay đổi hệ sinh thái của dòng sông như làm thay đổi sự di cư của cá, làm ổn định dòng chảy. Giáo sư Khuangvichit nhìn nhận đập Xayaburi sẽ gây ảnh hưởng đối với lưu vực sông Cửu Long của Việt Nam hay vùng biển hồ Tonle Sap của Campuchia.


Tuy nhiên đối với Lào, giáo sư Khuangvichit cho rằng việc dòng chảy ổn định sẽ làm giảm lũ lụt nếu kiểm soát được lũ, sản lượng nông nghiệp của Lào sẽ tốt hơn. Tỷ lệ người dân Lào có điện còn thấp, Vientiane hy vọng tới năm 2020 90% người dân Lào sẽ được sử dụng điện. Lào hiện mới sản xuất 1.000MW, trong khi tiềm năng điện lực của Lào hơn 20.000MW.


Phối hợp phát triển hài hòa
Liên quan tới vấn đề Lào muốn chuyển nguồn tài nguyên nước dồi dào của mình thành điện năng để phát triển kinh tế và nước Lào có kế hoạch xây tới 100 đập thủy điện, chuyên gia mạng lưới sông ngòi Việt Nam TS Dương Văn Ni nói với chúng tôi:


“Hiện nay bối cảnh trong khu vực cũng như toàn cầu, nếu nói về phát triển thì khó có quốc gia nào đứng riêng một mình mà có thể phát triển được. Trong thời kỳ gọi là toàn cầu hóa sự phụ thuộc giữa quốc gia này với quốc gia khác rất lớn. Phụ thuộc ở đây có hai mặt, trước hết là phụ thuộc nền kinh tế qua lại, sự phát triển của nước bạn cũng là sự phát triển của nước mình.


Điều này càng rõ ràng hơn trong khu vực Đông Nam Á, bất kỳ một sự xáo trộn hay bất ổn của một quốc gia nào thì nó sẽ kéo theo ảnh hưởng cho quốc gia khác. Tôi nghĩ rằng đặc biệt người dân bốn nước Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam đã có truyền thống lâu đời và hiểu chuyện đó rất cặn kẽ.”

Từ những lập luận này, TS Dương Văn Ni xác định quan điểm của riêng mình và cũng có thể là của nhiều nhà khoa học khác. Ông nói:


“Chúng ta không cấm cản một quốc gia nào mà cùng phối hợp phát triển cho hài hòa. Đặc biệt ở đây là chuyện sử dụng nguồn nước, bản thân nguồn nước giúp cho sự phát triển các quốc gia trong lưu vực sông Mekong. Đặc biệt ở hạ lưu chúng tôi dựa trên nền tảng chủ yếu về nông nghiệp, nguồn nước xem như là xương sống cho phát triển nông nghiệp.


Do vậy, Lào Thái Lan Campuchia hay Việt Nam đều thấy rằng sự phụ thuộc lẫn nhau rất là quan trọng. Trên ý nghĩa hiểu biết đó tôi cho rằng việc Lào tạm dời quyết định xây dựng đập lại để bổ sung xem xét nghiên cứu kỹ hơn để biết rõ những cái được và mất để cân phân chuyện này một cách chín chắn hơn, thì tôi cho rằng cũng là quyết định mang tính thông cảm và hiểu biết nhau trong lưu vực.”


Tác động môi trường?
Nói về chuyện tạm hoãn việc xây dựng đập thủy điện Xayaburi, ngày 27/4 ông Viraphonh Viravong Tổng Cục trưởng Tổng cục Điện lực Lào loan báo nước ông sẽ thuê tư vấn quốc tế để xem xét lại ảnh hưởng môi trường của đập Xaburi trên sông Mekong.


Việt Nam và Campuchia đã bày tỏ quan ngại việc cản dòng chảy sông Mekong sẽ ảnh hưởng hàng chục triệu người phụ thuộc vào nguồn thực phẩm từ thủy sản và lúa gạo.


Riêng Việt Nam đề nghị hoãn việc xây đập Xayaburi trong 10 năm để nghiên cứu thấu đáo về vấn đề ảnh hưởng môi trường.


TS Dương Văn Ni nói rõ về sự cần thiết một khoảng thời gian đủ dài để nghiên cứu sâu rộng về tác động môi trường nếu xây dựng đập Xayaburi. Ông nói:


“Tôi nghĩ trong khoảng 10 năm đó có rất nhiều cách, thứ nhất bổ sung những đánh giá mang tính khoa học hơn có nghĩa là có cơ hội tìm hiểu kỹ hơn về cái được cái mất.

Thứ hai trong 10 năm đó cũng là thời gian mà với trình độ khoa học công nghệ của thế giới hiện tại, chúng ta có thể học tập kinh nghiệm từ các nước đang phát triển khác để có thể chọn lựa giải pháp phù hợp hơn giải pháp kỹ thuật mà đập Xayabury dự định xây là loại đập dâng nước, có thể tìm được kỹ thuật khác phù hợp hơn nếu thấy phần thiệt hại không đáng kể so với phần được. Nhưng nếu thấy phần thiệt hại vẫn to lớn thì nên xem xét hủy bỏ dự án là tốt hơn.”


Người Việt, người Thái, người Lào, người Khmer đã chẳng làm gì được khi Trung Quốc xây một loạt thủy điện trên thượng nguồn sông Mekong.


Theo đánh giá của các chuyên gia, nếu các nước vùng trung lưu sông Mekong tiếp tục 11 dự án thủy điện được biết tới, trong đó có đập Xayaburi của Lào thì khoảng 1/3 tổng lượng nước sông Mekong sẽ bị điều tiết theo ý muốn của chủ sở hữu đập.


Để bảo vệ nồi cơm chung của 65 triệu người dân sống nhờ nguồn lợi thủy sản và lúa gạo trong lưu vực sông, đặc biệt là Campuchia và Việt Nam, nói như PGS-TS Nguyễn Đình Hòe, tốt nhất là không xây dựng bất cứ con đập nào chắn ngang sông Mekong, vì những khủng hoảng môi trường trên diện rộng tầm cỡ quốc tế do con người gây ra là điều có thể thấy trước một cách chắc chắn.

Câu chuyện nhân ngày 30/4

Đối với nhiều thuyền nhân Việt Nam, tháng Tư là khoảng thời gian hồi tưởng lại một thời kỳ mà họ cho là ‘đen tối’ trong quãng đời của họ, khi phải lênh đênh trên biển đi tìm đến một nơi sống mới.Đó là thời điểm mà sự sống và cái chết chỉ cách nhau ‘gang tấc’.


Nhân dịp kỷ niệm ngày 30 tháng tư năm nay, mời quí thính giả nghe lời kể của một thuyền nhân may mắn được một viên thuyền trưởng Hoa Kỳ cứu thoát năm nào, sau đó đã tìm lại được vị ân nhân đó; cũng như tâm tình của người ra tay cứu mạng cho những người này.


Thưa quí thính giả, người may mắn khi đang lênh đênh trên biển năm nào đó là bà Nguyễn Diệu Liên Hương, nay định cư tại Orange County thuộc tiểu bang California. Và vị ân nhân cứu mạng bà và hai con là thuyền trưởng Charles Romano.


Cuộc hội ngộ kỳ thú
Tiếp xúc với bà Nguyễn Diệu Liên Hương, điều đầu tiên bà cho biết hạnh phúc lớn nhất trong đời bà là khi tìm lại được người ơn đã cứu mạng bà cùng hai con. Đó là viên thuyền trưởng tàu MV. Rainbow của công ty dầu khí Exxon Mobil, ông Charles Romano.


Khi ấy chiếc ghe đánh cá chở 52 thuyền nhân trong đó có bà cùng hai con lênh đênh giữa biển khơi và bắt đầu gặp trục trặc, trên ghe hết nước uống, hết xăng, ghe hỏng máy. Nhiều tàu đi ngang qua, nhưng không ai dừng lại cứu mặc dù những người trên ghe kêu la, vẩy cờ trắng SOS.


Nếu như không gặp tàu MV. Rainbow và được thuyền trưởng Romano cứu, thì không biết số phận của mỗi người bây giờ sẽ ra sao, vì khi tất cả mọi người lên tàu thì chiếc ghe bắt đầu chìm. Hồi tưởng lại sự kiện xảy ra cách đây 30 năm về trước bà Liên Hương nói:


“Mỗi mùa Thanksgiving tới, tôi nghĩ, người mà tôi phải cảm ơn nhiều nhất trong cuộc đời tôi, sau vai trò của cha mẹ sinh thành dưỡng dục, thì người đã tái sinh tôi là ông thuyền trưởng Romano khi tôi vượt biên năm 1981."


Về phía thuyền trưởng Charles Romano, người đã ra tay cứu giúp chiếc ghe chở người vượt biên hư hỏng năm xưa cũng vui mừng không kém. Ông nói:

Tôi rất vui khi bắt được liên lạc với những người này vì sau đó tôi không có tin tức gì về họ, không biết tình trạng họ như thế nào, có đến nơi trú ngụ an toàn không. Thật là một điều bất ngờ vô cùng tuyệt vời. Tất cả mọi người đều được sống sót và thành công. Họ quả là những con người thật dũng cảm và có sức mạnh phi thường. Tôi rất mừng cho họ.


Bẳng đi hàng mấy chục năm trời khi được tin họ tôi hoàn toàn ngạc nghiên và vui mừng. Thế là chúng tôi có một cuộc hội ngộ kỳ thú tại nhà tôi ở Rhode Island. Gia đình tôi cũng rất vui khi gặp những người này. Tôi vẫn nghĩ tới họ luôn, nhưng không ngờ có cơ hội gặp lại.”


Bà Liên Hương đã ghi khắc trong tâm ơn cứu mạng của người thuyền trưởng, nhưng đã bị thất lạc địa chỉ. Và việc tìm lại địa chỉ để liên lạc với vị ân nhân cứu mạng này cũng thật tình cờ. Nhân lúc sửa nhà bà Liên Hương tìm thấy phong bì đựng “tài liệu vượt biên” trong đó có tấm danh thiếp mà thuyền trưởng Romano đã đưa cho bà trước đây. Lập tức bà viết thư cho ông và được phúc đáp ngay.


Sau đó cuộc hội ngộ giữa vị ân nhân với một số người thọ ơn cứu mạng năm xưa đã được tổ chức tại nhà thuyền trưởng Romano. Ông Charles Romano ở tuổi 70, đã về hưu và hiện sống ở Rhode Island, sau nhiều năm gắn bó cuộc đời với sóng nước đại dương. Còn bà Liên Hương đang sống và hành nghề nha sĩ ở Orange County thuộc tiểu bang California. Những người cùng đi trên chiếc ghe năm xưa cũng thành đạt và ổn định cuộc sống ở nhiều vùng khác nhau tại Hoa Kỳ.


Ân nhân cứu mạng

Trở lại với thời gian những năm cuối thập niên 70 và những năm 80, khi làn sóng thuyền nhân ra đi ồ ạt, các tàu được lệnh không được đón các thuyền nhân lên tàu, mà chỉ có thể cung cấp thực phẩm, nước uống, hay những hỗ trợ để họ đi tiếp.


Thuyền trưởng Romano biết lệnh ấy, và cũng nghĩ tới khả năng có thể bị mất chức, mất việc, nhưng mệnh lệnh từ trái tim, mệnh lệnh của lòng nhân ái còn lớn hơn. Sở dĩ ông đã trái lệnh cấm vì khi nhìn thấy mấy chục người trên chiếc ghe hư hỏng mà biết rằng sắp tới sẽ có một cơn bão lớn quét ngang qua.


Quả thật, cũng vì quyết định này, sau đó thuyền trưởng tàu MV. Rainbow đã gặp nhiều rắc rối với công ty và cuối cùng phải chuyển sang làm việc cho một tàu khác, lúc ấy ông Charles Romano chỉ mới 40 tuổi và có 4 con phải nuôi dưỡng. Khi hỏi tại sao lúc ấy ông lại quyết định hành động như thế, viên thuyền trưởng cho biết:


“Tôi đã ở Việt Nam 3 năm lúc còn phục vụ trong lực lượng hải quân Hoa Kỳ, sau đó tôi đã trở về Mỹ được mấy năm, nhưng tôi vẫn nhớ đến cuộc chiến tranh Việt Nam, và tôi nghĩ rằng người Việt Nam là một dân tộc rất tuyệt vời, rất mạnh mẽ và dũng cảm. Tôi không thể nhìn thấy họ đang hoạn nạn cần giúp đỡ mà không cứu, đó là một hành động của tình người. Nghĩ vậy nên tôi đã đón tất cả lên tàu ở vài ngày và sau đó liên lạc để đưa họ vào đất liền của một nước láng giềng gần đó, vì trên tàu chúng tôi cũng không có đủ các điều kiện và phương tiện để cứu trợ trong khi có một số người đang cần sự chăm sóc về y tế.”

Gặp lại những người từng được ông cứu giúp, và thấy được sự thành đạt của gia đình bà Liên Hương cũng như của những người khác, điều đó đã làm ông Romano hài lòng vì ông đã làm một việc đúng, và những thiệt thòi mà ông và gia đình phải cam chịu sau đó cũng được đền đáp xứng đáng. Nhận định về sự phát triển của cộng đồng người Việt tị nạn tại Hoa kỳ, ông cho biết:


“Tôi thấy rất ấn tượng về những gì mà những người Việt tị nạn đã làm để xây dựng được một cuộc sống tốt đẹp cho họ trên đất nước này. Họ được kính trọng trong xã hội. Con cái họ học hành đến nơi đến chốn, có người trở thành luật sư bác sĩ, có người là nhà phẩu thuật, v.v...


Tôi cảm thấy tự hào về họ. Hầu như mọi người trong số họ đều thành đạt. Vì thế cho nên vợ tôi, và những bạn bè thân hữu của tôi đều nói rằng tôi đã mang những người tốt đến Hoa Kỳ. Họ đã đóng góp công sức cho quê hương mới, và họ xứng đáng được tuyên dương vì những đóng góp này.”


Đánh đổi sinh mạng

Cũng như bao nhiêu thuyền nhân khác, gia đình bà Liên Hương phải lìa bỏ quê hương vì hoàn cảnh quá khó khăn lúc bấy giờ. Tháng 5/1975 chồng bà đã phải vào trại cải tạo để lại người vợ trẻ đang mang thai và hai con nhỏ một đưá con trai mới lên 3 và đứa bé gái chỉ mới 17 tháng.


Vừa tần tảo nuôi con bà Liên Hương lại còn bị địa phương thúc hối phải đi kinh tế mới, rồi ở nơi làm việc cũng gây áp lực khó khăn cho bà vì có chồng làm việc cho chế độ cũ đang đi cải tạo. Hoàn cảnh lúc đó thật khổ sở vô cùng, bà kể lại cảm nghĩ khi quyết định phải ra đi:


“Cái ván bài đánh bằng sinh mạng của con mình và của mình thì nó lớn lắm. Không phải nói ra đi là vì để đi tìm một cái điều sung sướng gì khác, nhưng mà vì một cái bế tắc, mà mình nghĩ rằng may ra có thể gỡ được bằng cách là nếu không chết thì có thể sống được một cuộc đời có một chút giá trị nào đó.”

Để đề phòng những bất trắc có thể xảy ra, gia đình bà phải chia ra đi làm 2 lượt – chồng và đưa con trai lớn đi trước, bà và hai con nhỏ đi sau, nhưng bước đường vượt biên cũng đầy gian truân và gặp nhiều khổ nạn.


Chiếc ghe đánh cá đưa chồng và con trai bà đi gặp cướp trên biển cả thảy 14 lần và lần chót thì bọn hải tặc gở luôn cả máy tàu vì nghi ngờ có dấu vàng trong đó, chiếc tàu đánh cá nhỏ nhoi cứ thế mà trôi dạt, cũng may là gần bờ nên khi tàu đụng đáy thì người ta mới biết mà nhảy xuống lội vào bờ.


Còn về phần bà Liên Hương và hai con cũng đến lần thứ 6 mới đi trót lọt, nhưng chiếc ghe mong manh cũng không chịu đựng nổi bão táp, sóng biển và sắp tan tành giữa biển khơi thì may mắn gặp được thuyền trưởng Charles Romano cứu giúp.


Không quên


Hiện nay bà Nguyễn Diệu Liên Hương vẫn hay đi về nơi chôn nhau cắt rốn để thăm những người thân và giúp đỡ cho một số trẻ em tật nguyền, và những học sinh nghèo hiếu học. Bà nói:


“Những người nghèo khổ của Việt Nam từ trước 1975 hay sau 75 họ không có tội lỗi gì hết, họ bế tắc, họ nghèo, họ bệnh, họ gặp đủ mọi chuyện. Nếu mình có một điều kiện sống tốt hơn về tinh thần về vật chất, mình là người may mắn.

Có thể có những trường hợp tôi nghĩ họ đang ở trước một cái hố, họ khốn khổ, vẩy vùng trong cảnh bế tắc vì nghèo đói vì bệnh tật, trong khi họ vẫn có ý chí thì tôi đưa tay cho họ, tôi nói nhảy qua cái hố đi. Tôi kéo họ qua được rồi thì họ đi phần họ tôi đi phần tôi, chứ không phải tôi cõng họ suốt đời, nhưng nếu không có được sự nhắc nhở đó, đôi khi họ sẽ lún luôn vào đường khốn khổ họ không có cơ ngoi lên.


Tôi không nghĩ họ thuộc vào thành phần chính trị nào mà tôi nghĩ rằng đó là những người dân Việt Nam tội nghiệp của tôi. Thành ra luôn luôn nếu có điều gì giúp được trong vòng khả năng của tôi thì tôi cũng làm.”


Ra đi trong điều kiện muôn vàn hiểm nguy, có lúc thấy cái chết đã cận kề, và khi đến xứ người lập nghiệp với hai bàn tay trắng bà Liên Hương và gia đình cũng như bao nhiêu người Việt tị nạn khác, phải lao động cật lực để tạo dựng lại từ đầu mới có được một cuộc sống như ngày hôm nay, con cái được học hành và có nghề nghiệp ổn định trong xã hội. Nhưng người phụ nữ năng nổ tích cực hoạt động này không làm ngơ trước cảnh khó khăn, cơ cực của những người dân trên mảnh đất quê hương còn nhiều khốn khó.

Những câu chuyện Di Tản của nhà văn Tiểu Tử

Hành trình vượt biên được nói nhiều, viết nhiều bởi những ngòi bút hải ngoại, nhưng bên cạnh cuộc vượt biên vĩ đại đó, những hình ảnh của cuộc di tản cũng không kém phần đau thương của người dân Việt Nam hầu như bị bỏ quên.Nhà văn Tiểu Tử - hiện đang định cư tại Pháp - là một trong số rất ít những nhà văn đã ghi lại những hình ảnh này để nhớ lại một giai đoạn bi thảm trong hành trình tìm tự do. Thông tín viên Tường An trò chuyện với nhà văn Tiểu Tử và giới thiệu một vài đoản văn của ông về cuộc di tản trước ngày 30 tháng 4 năm 1975. Mời quý vị cùng nghe:


Với lối hành văn mộc mạc của người Nam Bộ, những truyện ngắn của nhà văn Tiểu Tử luôn luôn gây xúc động cho người đọc bằng những hình ảnh rất đơn giản trong cuộc sống hàng ngày: một chiếc nón lá, một tô cháo huyết, một cái quần rách, một bản vọng cổ. Những hình ảnh rất đời thường đó, qua giọng văn của ông đã biến thành những âm điệu quê hương khơi dậy nhiều dòng nước mắt.


Cuộc di tản kinh hoàng
Trong tâm tư người Việt hải ngoại, cuộc vượt biên đánh dấu một đoạn đời không thể quên, tuy nhiên nhà văn Tiểu Tử muốn nhắc cho mọi người nhớ lại một một cuộc hành trình khác không kém phần bi thảm đã xảy ra trên chính quê hương của mình trước ngày 30 tháng 4 năm 75. Đó là cuộc di tản từ miền Trung vào miền Nam, từ làng này sang làng khác của người dân để trốn chiến tranh. Ông cho biết lý do ông chọn đề tài này:


"Mỗi một hình ảnh có một cái đau thương riêng của nó. Hình ảnh di tản là cái đầu tiên hết mà mình thấy, thành ra nó gây xúc động mạnh hơn cái hình ảnh của cuộc hành trình tị nạn. Mặc dù rằng hành trình tị nạn có nhiều cái ví dụ như chết ở dưới biển, bị Thái lan nó hãm hiếp rồi nó chặt đầu….này kia…Cái đó là cái mình thấy sau này. Tức là không phải cũng một lúc mà mình có ngần đấy hành trình tị nạn, nghĩa là, nó rời rạc.


Trong lúc đó, thì cuộc di tản nó ồ ạt, nó nhiều, nó đông và cùng một lúc. Thành ra những cái đau thương của cuộc di tản bị cái ồ ạt đó che lấp đi mình không thấy. Nếu mà mình thấy được, viết ra được tất cả những cái đau thương khổ cực trong lúc di tản. Mình sẽ thấy có nhiều hơn nhiều lắm. Bởi vì, nó đông, cái số người đi di tản cũng một lúc, đông lắm."

Xin mời quý thính giả cùng nghe 1 đoạn tả lại một hình ảnh trong cuộc di tản:


Giữa cầu thang, một bà già, bà mặc quần đen áo túi trắng đầu cột khăn rằn, bà đang bò nặng nhọc lên từng nấc thang. Bà không dáo dác nhìn trước ngó sau hay có cử chỉ tìm kiếm ai, có nghĩa là bà già đó đi một mình. Phía sau bà thiên hạ dồn lên, bị cản trở nên la ó! Thấy vậy, một thanh niên tự động lòn lưng dưới người bà già cõng bà lên, xóc vài cái cho thăng bằng rồi trèo tiếp.


Chuyện chỉ có vậy, nhưng hình ảnh đó đã đeo theo nhà văn Tiểu Tử từ bao nhiêu năm, ông thắc mắc:


"Bà già đó sợ gì mà phải đi di tản? Con cháu bà đâu mà để bà đi một mình? Rồi cuộc đời của bà trong chuỗi ngày còn lại trên xứ định cư ra sao? Còn cậu thanh niên đã làm một cử chỉ đẹp – quá đẹp – bây giờ ở đâu?... Tôi muốn gởi đến người đó lời cám ơn chân thành của tôi, anh ta đã cho tôi thấy cái tình người trên quê hương tôi nó vẫn là như vậy đó, cho dù ở trong một hoàn cảnh xô bồ hỗn tạp như những ngày cuối cùng của tháng tư 1975…"


Những bàn tay nhân ái
Đàn bà, trẻ con luôn luôn là những mảnh đời lau sậy, yếu đuối trong cơn lốc của chiến tranh, truyện của Tiểu Tử hầu như luôn có những bàn tay nhân ái đưa ra gánh vác những mảnh đời lau sậy này:


Trong luồng người đi như chạy, một người đàn bà còn trẻ mang hai cái xắc trên vai, tay bồng một đứa nhỏ. Chắc đuối sức nên cô ta quị xuống. Đứa nhỏ trong tay cô ta ốm nhom, đang lả người về một bên, tay chân xụi lơ. Người mẹ - chắc là người mẹ, bởi vì chỉ có người mẹ mới ôm đứa con quặt quẹo xấu xí như vậy để cùng đi di tản, và chỉ có người mẹ mới bất chấp cái nhìn bàng quan của thiên hạ mà khóc than thống thiết như vậy - người mẹ tiếp tục van lạy cầu khẩn.


Bỗng, có hai thanh niên mang ba lô đi tới, một anh rờ đầu rờ tay vạch mắt đứa nhỏ. Anh nầy bồng đứa nhỏ úp vào ngực mình rồi vén áo đưa lưng đứa nhỏ cho anh kia xem. Thằng nhỏ ốm đến nỗi cái xương sống lồi lên một đường dài…

Anh thứ hai đã lấy trong túi ra chai dầu, rồi cạo gió bằng miếng thẻ bài của quân đội. Họ bồng đứa nhỏ, vừa chạy về phía cầu thang vừa cạo gió! Người mẹ cố sức đứng lên, xiêu xiêu muốn quị xuống, vừa khóc vừa đưa tay vẫy về hướng đứa con. Một anh lính Mỹ chợt đi qua, vội vã chạy lại đỡ người mẹ, bồng xốc lên đi nhanh nhanh theo hai chàng thanh niên, cây súng anh mang chéo trên lưng lắc la lắc lư theo từng nhịp bước….


Hình ảnh người Mẹ lúp xúp chạy theo đứa con sắp chết của mình trong tay một người xa lạ, Hình ảnh ấy, mặc dù đã hơn ba mươi năm, nhưng khi viết lại câu chuyện này, nhà văn Tiểu Tử vẫn:


"Cầu nguyện cho mẹ con thằng nhỏ được tai qua nạn khỏi, cầu nguyện cho hai anh thanh niên có một cuộc sống an vui tương xứng với nghĩa cử cao đẹp mà hai anh đã làm. Bây giờ, tôi nhìn mấy anh lính Mỹ với cái nhìn có thiện cảm!"


Quê hương xa rồi
Cái nón lá, hình ảnh mộc mạc, thân quen đến độ người ta không còn nhớ đến nó, không để ý đến nó. Nhưng trong giờ phút chia lìa, nó bỗng trở thành một cái gì gắn bó, một cái gì thân thuộc mà nếu rời xa, người ta tưởng chừng như xa cả quê hương:


Cũng trên chiếc cầu thang dẫn lên tàu, một người đàn ông tay ôm bao đồ to trước ngực, cõng một bà già tóc bạc phếu lất phất bay theo từng cơn gió sông. Bà già ốm nhom, mặc quần đen áo bà ba màu cốt trầu, tay trái ôm cổ người đàn ông, tay mặt cầm cái nón lá. Bà nép má trái lên vai người đàn ông, nét mặt rất bình thản của bà, trái ngược hẳn với sự thất thanh sợ hãi ở chung quanh!


Lên gần đến bong tàu, bỗng bà già vuột tay làm rơi cái nón lá. Bà chồm người ra, hốt hoảng nhìn theo cái nón đang lộn qua chao lại trước khi mất hút về phía dưới. Rồi bà bật khóc thảm thiết…


Bà già đó chắc đã quyết định bỏ hết để ra đi. Yên chí ra đi, vì bà mang theo một vật mà bà xem là quí giá nhứt, bởi nó quá gần gũi với cuộc đời của bà:


"Đó là cái nón lá! Đến khi mất nó, có lẽ bà mới cảm nhận được rằng bà thật sự mất tất cả. Cái nón lá đã chứa đựng cả bầu trời quê hương của bà, hỏi sao bà không xót xa đau khổ? Tôi hy vọng, về sau trên xứ sở tạm dung, bà mua được một cái nón lá để mỗi lần đội lên bà sống lại với vài ba kỷ niệm nào đó, ở một góc trời nào đó của quê hương…"


Những cuộc chia tay xé lòng
Ngòi bút của ông trải dài qua nhiều đoạn đời bi thảm của cuộc di tản, nhưng hình ảnh thương tâm nhất đã ở lại mãi trong tâm hồn ông là cảnh chia tay xé lòng của hai cha con trên một bến tàu, cuộc chia tay không có tiếng còi tàu hú dài, cũng không có cả một lời từ biệt mà cả cha lẫn con đều biết là sẽ không có ngày gặp lại, nhà văn Tiểu Tử chia sẻ:


"Cái hình ảnh làm tôi xúc động nhất có lẽ là cái hình ảnh mà thằng nhỏ mà Cha nó dẫn đi ra bến tàu. Cầu tàu kéo lên rồi Cha nó lạy lục những người trên tàu. Những người trên tàu thòng xuống cái sợi dây. Người Cha nắm được cái sợi dây cột ngang eo ếch của thằng con, rồi ra dấu cho ở trên kéo thằng con lên.


Thằng con không khóc, không giãy dụa. Nó nghiêng người nhìn xuống cái người đứng ở dưới, lúc đó tôi mới đoán ra cái người đứng ở dưới là Cha của nó. Người đứng ở dưới ra dấu "đi đi, đi đi". Rồi tự nhiên tôi thấy ông già đó úp mặt vô hai tay khóc nức nở, tôi thấy tôi cũng ứa nước mắt.

Bên cạnh ông là một thằng nhỏ cỡ chín mười tuổi, nép vào chân của ông, mặt mày ngơ ngác. Người đàn ông chắp tay hướng lên trên xá xá nhiều lần như van lạy người trên tàu. Bỗng trên tàu thòng xuống một sợi thừng, đầu dây đong đưa. Mấy người bên dưới tranh nhau chụp. Người đàn ông nắm được, vội vã cột ngang eo ếch thằng nhỏ. Thằng nhỏ được từ từ kéo lên, tòn teng dọc theo hông tàu, hai tay nắm chặt sợi dây, ráng nghiêng người qua một bên để cúi đầu nhìn xuống. Người đàn ông ngước nhìn theo, đưa tay ra dấu như muốn nói: "Đi, đi! Đi, đi!". Rồi, mặt ông bỗng nhăn nhúm lại, ông úp mặt vào hai tay khóc ngất! Không có tiếng còi tàu hụ buồn thê thiết khi lìa bến, nhưng sao tôi cũng nghe ứa nước mắt!


Không biết thằng nhỏ đó –bây giờ cũng đã trên bốn mươi tuổi -- ở đâu? Cha con nó có gặp lại nhau không? Nếu nó còn mạnh giỏi, tôi xin Ơn Trên xui khiến cho nó đọc được mấy dòng nầy."


Bên cạnh nghề chính là một kỷ sư hóa học. Nhà văn Tiểu Tử, với trên dưới 30 truyện ngắn ở hải ngoại đã cùng với Lê Xuyên, Bình Nguyên Lộc, Nguyễn Ngọc Tư đưa văn học miền Nam đến với người đọc bằng ngôn ngữ bình dị mà thắm thiết, lắt léo mà bao dung, đơn sơ nhưng chan hòa tình cảm.

Chó dại cắn 10 người, chết trung tá công an


PHÚ YÊN (SGTT) -Khu phố Trung Hòa, huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên đang hoảng loạn vì cùng lúc 10 người bị chó dại cắn, nhất là sau cái chết của ông chủ nhà, trung tá công an huyện Sơn Hòa hôm 26 tháng 4.
Báo Sài Gòn Tiếp Thị cho biết, từ Tháng Chạp Tết Nguyên Ðán vừa qua, con chó của ông Nguyễn Văn Trường 49 tuổi, trung tá, đội trưởng đội Ðiều Tra của công an huyện Sơn Hòa lên cơn dại.

Hai nạn nhân đầu tiên của con chó lên cơn điên là ông Nguyễn Văn Trường và bà vợ tên Hà. Sau đó, con chó này chạy cắn thêm 6 người hàng xóm và 2 con chó khác. Hai con chó nọ lại cắn tiếp 2 người khác nữa, tổng cộng có 10 người bị chó dại cắn.

Ba ngày sau khi bị cắn, ông Trường đem thịt con chó dữ làm mồi nhậu. Và chỉ 7 ngày sau, 2 con chó bị cắn lăn ra chết.

Một trong những nạn nhân trong vụ này là bà Ðào Thị Hạnh 60 tuổi, ngụ tại nhà đối diện nhà ông Trường cho biết bà và con gái, cháu ngoại bị chó của ông Trường cắn trong cùng một ngày. Ðầu tháng 4 vừa qua, bà lật đật dắt con cháu đi chích ngừa bệnh dại thì mới biết đã quá muộn.

Sáng ngày 24 tháng 4, ông Trường bị tức ngực, khó thở được đưa vào bệnh viện cứu cấp. Tối hôm sau, ông trút hơi thở trên giường bệnh.

Tin này khiến bà Hạnh và các nạn nhân khác lo sốt vó. Tất cả đều quay qua tìm mèo mun, cóc và cả... dòi trong bồn cầu uống để chữa bệnh (?).Có người còn chuẩn bị khăn gói đi tỉnh Phú Thọ tìm thầy lang xin cứu mạng.

Ðà Lạt tấn công nhiều quán thịt rừng

ÐÀ LẠT (TT) - Hôm 29 tháng 4, Chi Cục Kiểm Lâm Lâm Ðồng phối hợp với Hiệp Hội Bảo Tồn Ðộng Vật Hoang Dã (WCS) đã bất ngờ kiểm tra hệ thống các nhà hàng, quán ăn ở thành phố Ðà Lạt và đã bắt quả tang 16 trong số 27 nhà hàng, quán ăn đang kinh doanh trái phép thịt rừng.
Tin của báo Tuổi Trẻ cho hay, các giới chức đã thu giữ 88kg thịt thú rừng bao gồm heo rừng, nhím, nai, cheo, dúi, rắn, cầy, tê tê và các sản phẩm sừng, gạc bò tót, nai cà toong, sơn dương, và thú nhồi vượn và chà vá...

Ðội truy quét cũng thu giữ hơn 100 con vật còn sống gồm dúi, cu đất, kì đà, gà rừng, gà lôi, chồn bạc má, cầy vòi mốc và don.

Một cuộc khảo sát trước đó cho thấy 84% (57/68) các nhà hàng có phục vụ các sản phẩm thú rừng.

Trước đó, trong năm 2010, Hạt Kiểm Lâm Lâm Ðồng phối hợp với WCS đã kiểm tra trên 10 nhà hàng ở Ðà Lạt và bắt giữ trên 300kg thịt thú rừng, trong đó có nhiều loại quí hiếm như voọc chà vá, sóc bay, bàn tay gấu...

Chém chết cha vợ, con rể lãnh án tử hình

SÀI GÒN (TN) - Tòa án thành phố Sài Gòn hôm 29 tháng 4 đã tuyên bản án tử hình với bị cáo Nguyễn Hoàng Sáng, 28 tuổi, quê Ðồng Tháp, về tội giết người.
Tin của báo Thanh Niên cho biết, vào năm 2007, Sáng cưới vợ là chị D. và ở rể nhà ông Nguyễn Văn Hó. Sáng làm nghề thợ hồ kiếm sống.

Trong gia đình, ông Hó thường la rầy Sáng vì hay nhậu nhẹt, không chí thú làm ăn nên Sáng hậm hực trong lòng. Ðến tháng 10 năm 2010, Sáng không muốn sống chung với cha vợ nên bàn với vợ dọn ra sống riêng nhưng chị D. từ chối.

Báo Thanh Niên trích bản cáo trạng, chiều 9 tháng 10, 2010, sau khi xong việc, Sáng và 4 người bạn kéo nhau đi nhậu hết 2.5 lít rượu. Ðến khoảng 18 giờ 30 phút, Sáng về nhà thấy ông Nguyễn Văn Hó trách rầy vợ mình nên nghĩ cha vợ muốn đuổi hai vợ chồng Sáng ra khỏi nhà.

Lúc này, nhớ đến chuyện ông Hó la rầy mình trước đây và nhớ chuyện chị D. không nghe lời dọn ra sống riêng để bị chửi, Sáng bực tức, vào nhà lấy dao đuổi chém vợ.

Trên đường đuổi chém vợ, Sáng gặp người nào chém người đó. Cụ thể, lúc chạy ngang cửa buồng thấy ông Hó đứng đó, Sáng chém vào cổ cha vợ; thấy mẹ vợ ngồi cản đường, Sáng chém luôn, rồi tiếp đó là ba người khác; cuối cùng Sáng quay lại chém tiếp vào người cha vợ nhiều nhát.

Sau đó, Sáng bị anh T. (hàng xóm) tước dao, bắt giữ giao công an.

Hậu quả, ông Hó tử vong khi nằm điều trị tại bệnh viện đa khoa thị xã Châu Ðốc, tỉnh An Giang, còn những người khác bị thương tật 4-25% vĩnh viễn.

Trốn nợ, phó giám đốc Sở Giáo Dục Cà Mau ‘mất tích’

CÀ MAU - Báo Ðất Việt cho biết, bà Nguyễn Thị Kim Liên, tỉnh ủy viên, phó giám đốc Sở Giáo Dục Ðào Tạo (GDÐT) tỉnh Cà Mau mất tích do trốn nợ.

Nhà bà Liên ở khu dân cư Hoàng Tâm, thành phố Cà Mau, nhiều ngày qua đóng cửa im ỉm. Hàng xóm bà Liên cho biết, trước đây, khi bà Liên và gia đình chưa vắng nhà đã từng có những người mang theo hung khí tìm đến nhà bà Liên đòi nợ, hăm dọa.

Báo Ðất Việt dẫn lời ông Dương Thanh Bình, bí thư Tỉnh Ủy Cà Mau xác nhận: “Lãnh đạo Sở GD-ÐT, nơi bà Liên công tác vừa báo cáo Tỉnh Ủy việc bà Liên nghỉ việc không xin phép trong 3 ngày qua (từ 26 đến 28 tháng 4).”

Hiện nay, nhiều người làm trong ngành giáo dục đang là “chủ nợ” của bà Liên. Trước đó 2 tháng, gia đình bà Liên đã bán căn nhà ở thị trấn Ðầm Dơi với giá 500 triệu đồng.

Bầu cử Quốc Hội Việt Nam: Kết quả đã được ‘cơ cấu’ trước rồi

Ðiều 2 luật bầu cử đại biểu Quốc Hội (BCÐBQH) quy định: “Công dân nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, không phân biệt dân tộc, nam nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ văn hóa, nghề nghiệp, thời hạn cư trú, đủ mười tám tuổi trở lên đều có quyền bầu cử và đủ 21 tuổi trở lên đều có quyền ứng cử đại biểu Quốc Hội theo quy định của pháp luật”.

Tiêu chuẩn để trở thành ÐBQH quy định tại điều 3 luật này cũng không phức tạp, ai mà chẳng muốn “làm cho dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”, nghe rất hay, đọc xong có hứng thú tự ứng cử ÐBQH liền.

Tuy nhiên, đi vào phần thủ tục mới thấy các điều luật tiếp theo bên dưới đã ngang nhiên dùng công cụ “hiệp thương” gạt bỏ quyền tự ứng cử và quyền tự-do-lựa-chọn- người-đại-diện-cho-mình-khi-bầu-cử-của-công-dân.

Theo điều 30, 31, 37, 38 luật BCÐBQH (17 tháng 4, 1997) và luật BCÐBQH sửa đổi bổ sung (25 tháng 12, 2001) thì mục đích của hội nghị hiệp thương là “thỏa thuận về cơ cấu, thành phần và số lượng người” ứng cử và “để lập danh sách sơ bộ những người ứng cử đại biểu Quốc Hội và gửi lấy ý kiến cử tri nơi cư trú; đối với người tự ứng cử thì còn được gửi lấy ý kiến cử tri nơi người đó làm việc (nếu có)”.

Luật bầu cử đại biểu Quốc Hội nước CHXHCN Việt Nam qua các thời kỳ đều đưa vào luật thủ tục “hội nghị hiệp thương” nhưng không giải thích rõ hiệp thương là gì. Từ điển tiếng Việt khái niệm hội nghị là “cuộc họp quan trọng để bàn những vấn đề lớn”; hiệp thương (hiệp: giúp đỡ; thương: bàn luận) là “họp nhau để bàn bạc, thương lượng, dàn xếp công việc, cùng bàn bạc để thống nhất”.

Như vậy, xét theo tiêu chuẩn tại điều 2, điều 3 luật BCÐBQH những người đều đạt yêu cầu, không thuộc những trường hợp bị mất quyền ứng cử và bản thân họ có mong muốn, nguyện vọng chính đáng ứng cử làm người đại diện cho nhân dân cả nước nhưng thực tế chưa bầu cử thì họ đã bị cái gọi là “thỏa thuận về cơ cấu, thành phần” gạt ra ngoài.

Cơ cấu, theo cách nói nôm na bình dân là “chia phần, chia bánh” kiểu dàn đều hay theo cánh hẩu (không “cùng cánh” xin mời cút xéo đi chỗ khác).

Ví dụ: Mỗi ngành, mỗi nghề, mỗi dân tộc, thành phần ông già, phụ nữ, trung niên, thanh niên, tôn giáo, hội đoàn... phải có 1-2 ứng viên đưa vào, dù thực tế trình độ, năng lực không đáp ứng nhiệm vụ nhưng vì “cơ cấu” phải ráng “nhét vào” cho đủ số, mặc kệ những người đủ năng lực và nhiệt huyết nhưng dư so với “cơ cấu” thì bị gạt ra ngoài.

Ðây cũng là lý do để nhiệm kỳ trước người ta gạt bỏ ứng viên rất được lòng dân là ông Ðặng Hùng Võ - nguyên thứ trưởng Bộ Tài Nguyên-Môi Trường (đã nghỉ hưu trước khi ứng cử) vì đảng “không phân công ông ứng cử đại biểu Quốc Hội”, mà “cơ cấu” vào những vị hễ mở mồm ra là gây ngao ngán kiểu như ông Trần Tiến Cảnh, hay có vị tham gia liên tiếp 4 nhiệm kỳ chỉ để “gật gù”.

Thành phần của cái hội nghị hiệp thương này “gồm đoàn chủ tịch ủy ban trung ương Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam (MTTQ), đại diện ban lãnh đạo các tổ chức thành viên của mặt trận”. Ðiều này thật phi lý và trái với Hiến pháp, bởi lẽ bầu ÐBQH là đại biểu cho dân cả nước chớ có phải bầu đại biểu cho MTTQ đâu, vậy một nhúm nhỏ người của tổ chức MTTQ (là đảng viên đảng CSVN, ăn lương từ ngân sách nhà nước) lấy tư cách gì gạt bỏ quyền ứng cử của công dân với lý do “cơ cấu, thành phần”; trong khi danh sách người ứng cử có vẻ như rất bí mật, người dân cả nước không hề biết ai là người dự định làm “tiếng nói” cho dân và dân chưa hề có ý kiến đồng ý hay không đồng ý vị ứng cử viên này mà MTTQ đã gạt tên họ ra ngoài?

Với những trường hợp tự ứng cử ÐBQH thì người ta cũng dùng chiêu bài “lấy ý kiến cử tri nơi cư trú; đối với người tự ứng cử thì còn được gửi lấy ý kiến cử tri nơi người đó làm việc” (điều 38 luật BCÐBQH) để tước đoạt quyền ứng cử và quyền tự-do-lựa-chọn- người-đại-diện-cho-mình-khi-bầu-cử-của-công-dân.

Trả lời phỏng vấn BBC tiếng Việt ngày 31 tháng 3 năm 2011, Luật Sư Lê Quốc Quân (người tự ứng cử ÐBQH Việt Nam khóa XIII và hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016) kể rằng nhà cầm quyền địa phương tổ chức “lấy ý kiến” ở một ngôi nhà bít bùng và có “lực lượng ta” hùng hậu “cản địa” hết lối vào bên ngoài, “chỉ người dân tổ 64 của phường mới vào được”, bạn bè của ông Quân bị ngăn cản không vào bên trong được dù sự có mặt của bạn bè ông Quân không có nghĩa là những người bạn này có quyền biểu quyết.

Ông Quân cho biết “cử tri tổ 64 phường Yên Hòa là chừng 120 người nhưng chỉ có trên 40 người được chọn mời đến dự họp”, “một số người thân quen ông Quan (cũng là người dân tổ 64) đã không được phép vào”. Dĩ nhiên, không cần đợi đến phần biểu quyết mà ngay từ đầu có thể hiểu rằng 40 người “được chọn” này đều chống lại ông Quân. 40 người “được chọn” này lấy tư cách gì thay mặt cho 120 người của tổ 64 phường Yên Hòa, càng không đủ tư cách thay mặt cử tri cả nước nhưng nhóm “được chọn” này được “nhà nước ta” chống lưng đã ngang nhiên tước đoạt quyền lựa chọn đại diện của ít nhất 120 người, còn rộng ra là quyền của hơn 80 triệu người dân Việt Nam trên toàn quốc.

Người ta ứng cử đại biểu Quốc Hội, tức đại diện cho hơn 80 triệu công dân cả nước chớ có phải ứng cử “đại biểu xóm”, “đại biểu công ty” đâu mà đưa ra lấy ý kiến một nhúm người rồi gạt bỏ tư cách ứng cử của người ta?

Nếu thật sự người của “đảng cử” mà dân ủng hộ nhiệt tình (như lần nào cũng công bố kết quả kiểm phiếu đạt từ 90% trở lên) thì “nhà nước ta” hãy để cho người dân “dạy cho kẻ khoái tự ứng cử một bài học” bằng lá phiếu của họ, ứng cử mà không ai thèm bầu thì hắn ta tự quê độ hết dám ứng cử lần nữa, mất công tổ chức hội nghị hiệp thương, lấy ý kiến dân phố chi cho hao người tốn của mà còn mang tiếng bóp nghẹt nhân quyền!

Ứng cử viên được cử tri tín nhiệm hay không cứ để cho cử tri quyết định bằng chính lá phiếu của họ bằng cách gạch hay không gạch trên lá phiếu là xong, cần gì phải lấy ý kiến tín nhiệm trước khi bầu cử chính thức?

Lý do duy nhất chỉ có thể hiểu theo hướng “nhà nước ta” sợ dân sẽ bầu cho những người tự ứng cử còn người của “đảng cử” bị gạch tên đến tối tăm mặt mũi, bởi lẽ người “đảng cử” thì dân không ưa, còn người dân ưa thì “đảng không cử”.

Tuổi Trẻ ngày 27 tháng 4 năm 2011 đăng tin: Thay mặt Hội đồng bầu cử, chủ tịch hội đồng Nguyễn Phú Trọng đã ký nghị quyết số 351/NQ-HÐBC công bố 827 người ứng cử đại biểu Quốc Hội khóa XIII nhưng tôi tìm “nát nước” mà không thấy cái danh sách này ở đâu hết, kể cả trang web của Quốc Hội lẫn chính phủ Việt Nam cũng không thấy.

Dư luận đang đồn rằng nếu danh sách ứng cử này có tên ông Nguyễn Thanh Nghị (con trai đương kim Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng) thì chắn chắn ông Nguyễn Thanh Nghị sẽ trúng cử ÐBQH, nếu ông Nghị trúng cử trở thành ÐBQH thì chắn chắn ông sẽ trở thành bộ trưởng Bộ Giao Thông Vận Tải, một kiểu “dọn đường cho thái tử” như Kim Jong Il “dọn đường” cho Kim Jong Un bên Bắc Hàn vậy. Có đi bầu cử hay không cũng vậy thôi, kết quả đã được “cơ cấu” trước hết rồi. Tin này không biết chính xác cỡ nào, người dân Việt Nam hãy chờ xem!

Sờ mó bệnh nhân, bác sĩ gốc Việt mất bằng

ANAHEIM HILLS (OC Register) -Một bác sĩ gốc Việt bị tố cáo sờ mó bệnh nhân vừa bị tước bằng hành nghề hôm Thứ Sáu.

Hội Ðồng Y Khoa California tước bằng hành nghề của Bác Sĩ David Hung Do, 40 tuổi, cư dân Anaheim Hills, sau khi năm bệnh nhân nữ của công ty bảo hiểm Kaiser Permanente tố cáo họ bị ông sờ mó trong lúc khám bệnh trong khoảng thời gian từ năm 2006 đến 2008.

Hồi Tháng Chín năm ngoái, nghi can không nhận tội sau khi bị tố cáo bốn tội xâm phạm tình dục. Nghi can sẽ ra tòa vào ngày 3 Tháng Năm tới đây, theo Biện Lý Cuộc Quận Cam.

Hội đồng y khoa kết luận rằng Bác Sĩ David Hung Do xâm phạm tình dục với ít nhất ba bệnh nhân.

Trong một trường hợp, một bệnh nhân nữ đến gặp nghi can để xin thuốc chống say sóng. Bác sĩ này đã sờ ngực và phần dưới của bệnh nhân.

Nạn nhân này khai tại buổi điều trần của hội đồng y khoa rằng lúc đó bà cảm thấy sốc quá nên không nói nên lời. Bác Sĩ David Hung Do viết toa thuốc cho bà. Bà liền báo cáo sự việc cho hãng Kaiser.

Kaiser liền cho nghi can nghỉ việc và sau đó ông bị cảnh sát bắt.

Khi quyết định tước bằng hành nghề, ông James Ahler, một thành viên trong hội đồng, nói rằng Bác Sĩ David Hung Do là một “quỷ râu xanh.”

Phóng viên không thể liên lạc được với Luật Sư John Barnett, đại diện cho nghi can, để phỏng vấn.

Phật Giáo Liên Châu đặt vòng hoa tưởng niệm Tháng Tư Ðen

WESTMINSTER (NV) - Cộng Ðồng Phật Giáo Việt Nam Nam California và Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Liên Châu vừa đặt vòng hoa tại Tượng Ðài Chiến Sĩ Việt Mỹ, Westminster, tối Thứ Sáu để tưởng niệm Tháng Tư Ðen. Khoảng 50 tu sĩ, dân cử và đồng hương Việt Nam đã có mặt. Ðược biết, đây là một trong nhiều sự kiện chuẩn bị cho Ðại Lễ Phật Ðản, PL 2555, được tổ chức vào lúc 2 giờ chiều Chủ Nhật, 1 Tháng Năm, tại Anaheim Convention Center. Trong hình, tu sĩ Phật Giáo đặt vòng hoa tại Tượng Ðài Việt Mỹ.

Đôi uyên ương mới của Hoàng gia Anh hoãn kế hoạch hưởng tuần trăng mật


Các giới chức Hoàng gia Anh cho biết cặp vợ chồng mới là Hoàng tử William và Catherine Middleton quyết định đi hưởng tuần trăng mật vào một thời điểm khác sau này.

Hôm nay các giới chức nói rằng đôi uyên ương sẽ nghỉ những ngày cuối tuần ở Anh và Hoàng tử William sẽ quay lại làm phi công trong quân đội vào tuần sau.

Hoàng gia đã cho đăng trên internet một bức hình chụp đôi vợ chồng này nắm tay nhau rời điện Buckingham sáng sớm hôm nay, nhưng chưa rõ họ sẽ nghỉ cuối tuần ở đâu.

Các giới chức nói rằng địa điểm ở nước ngoài cho tuần trăng mật trong tương lai cũng sẽ không được tiết lộ trước.

Hai người vừa được phong tước hiệu Công tước và Nữ Công tước Cambridge đã kết hôn ngày hôm qua tại Nhà thờ Westminster, trong buổi lễ có gần 2 ngàn quan khách.

Khoảng 1 triệu người đã chen chúc trên đường phố London để xem đám cưới trong khi có chừng 2 tỉ người trên thế giới theo dõi qua màn ảnh truyền hình.

Đám cưới Hoàng gia này đã phá kỷ lục phát sóng truyền hình trực tiếp trên mạng và thu hút hơn 2 triệu bình luận trên trang mạng xã hội Twitter. Điều này giúp cho Hoàng gia Anh, một trong những định chế cổ kính nhất nước, tiến bước một cách vững vàng vào thời hiện đại.

Syria đưa thêm quân đến Daraa

Tin cho hay trong ngày thứ Bảy, chính phủ Syria đã đưa thêm xe tăng và máy bay trực thăng đến thành phố xáo trộn Daraa để trấn áp cuộc nổi dậy từ 6 tuần qua. Các nhân chứng thuật lại quân chính phủ đã chiếm được ngôi đền Omari, một điểm quan trọng của phe nổi dậy. Một số người chết tại Daraa vẫn chưa được chôn cất vì cư dân đều ở yên trong nhà, lo sợ khi thấy mấy chục xe tăng và máy bay trực thăng tiến vào thành phố.

Rất khó để tiếp xúc với cư dân Daraa, nhưng ông Khaled El Ekhetyar, một người của phe nổi dậy đang có mặt ở Beirut nói rằng hôm thứ Bảy ông vẫn liên lạc được với họ và họ cho biết thành phố này đang bị pháo kích nặng, ngay cả những xe tải có tủ lạnh mà phe nổi dậy dùng để chứa tạm xác chết cũng bị quân chính phủ nhắm làm mục tiêu.

Ông El Ekhetyar giải thích: “Những người mà tôi tiếp túc xúc được nói rằng quân chính phủ đã nhắm vào các xe tải này để xóa vết tích tội ác. Nếu họ phi tang được những xác chết này thì không có bằng chứng nào về người chết.”

Cư dân Daraa cũng cho ông biết họ đang khan các dịch vụ cơ bản và các nhu yếu phẩm.

Ông nói: “Tình hình thật vô cùng bi đát. Họ thiếu bột mì, nước, thuốc men, xăng dầu, kể cả bánh mì cũng thiếu.”

Các tổ chức nhân quyền nói có hơn 500 người biểu tình đã chết kể từ khi có cuộc nổi dậy hôm 15 tháng 3 và Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc đã yêu cầu mở cuộc điều tra.

Libya: Ông Gadhafi nhất quyết không ra đi

Lãnh đạo Moammar Gadhafi của Libya nói trên đài truyền hình ông sẽ chết trên quê hương, giữa lúc máy bay NATO oanh kích gần nơi ông lên tiếng hôm thứ Bảy. NATO tuyên bố sẽ tiếp tục oanh kích bao lâu mà thường dân Libya vẫn còn lâm nguy. Các nhân chứng tại thành phố cảng Misrata miền Tây nói rằng lực lượng trung thành của ông Gadhafi pháo kích bừa bãi vào thành phố trong ngày thứ Bảy, gây nhiều thiệt hại.

Cuộc pháo kích diễn ra chỉ vài tiếng đồng hồ sau khi ông Gadhafi lên đài truyền hình đòi quân nổi dậy ở Misrata phải đầu hàng, và yêu cầu NATO chấp nhận ngưng bắn để đàm phán.

NATO đã bác bỏ đề nghị này, nói rằng họ muốn thấy thường dân Libya hết còn bị đe dọa.

Bài nói chuyện trên đài truyền hình của ông Gadhafi dài gần một tiếng rưỡi, nhắc lại ông không giữ một chức vụ chính thức nào trong chính quyền nên không có chuyện từ chức, và ông sẽ không bao giờ rời khỏi Libya.

Ông nhấn mạnh thế hệ cha ông của ông đã chiến đấu chống lại người Ý vào năm 1911, và bây giờ ông sẽ nối tiếp truyền thống đó.

Máy bay NATO đã giội bom một tòa nhà chính phủ ở Tripoli trong lúc ông Gadhafi nói chuyện trực tiếp trên truyền hình.

Không rõ ông Gadhafi có mặt trong tòa nhà này hay không, nhưng cuộc nói chuyện vẫn tiếp tục và tín hiệu TV chỉ mất trong thời gian ngắn.

Trong bài nói chuyện, ông lên án NATO định giết ông và chất vấn rằng liệu bỏ bom các tòa nhà chính phủ có phải là bảo vệ thường dân như nghị quyết của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc đã đề ra hay không.

Để trả lời câu này, ông Abdel Hafiz Ghoga, Phó Chủ tịch Hội đồng Quốc gia Chuyển tiếp, tổ chức lãnh đạo cuộc nổi dậy, nói rằng ông Gadhafi luôn tỏ ra hiếu chiến, dù lúc nào cũng tuyên bố tôn trong ngưng bắn.

Vẫn theo lời ông Ghoga, thông điệp của Đại tá Gadhafi gửi cho thế giới đã quá rõ, ông ta coi thường quyết định của quốc tế khi tiếp tục các hành động quân sự, dù đã tuyên bố đã ngưng hẳn.

Ông Ghoga nói thêm cuộc tấn công Misrata hôm nay, thứ Bảy, chứng tỏ ông Gadhafi chẳng hề quan tâm đến sinh mạng thường dân.

TT Obama thăm vùng thiên tai

TUSCALOOSA, Alabama (Reuters) -Tổng Thống Barack Obama bay đến tâm điểm của một trong những nơi từng xảy thiên tai lốc xoáy gây thiệt hại trầm trọng nhất ở Mỹ hôm Thứ Sáu và hứa sẽ cung cấp sự hỗ trợ của chính phủ liên bang để tái thiết sau khi có 310 người thiệt mạng vì các cơn lốc xoáy tuần này.
Tổng Thống Obama và gia đình đến thăm khu vực Tuscaloosa ở Alabama, nơi bị thiệt hại nặng nề nhất trong bảy tiểu bang gặp bão tố và lốc xoáy tuần này khiến nhiều khu vực dân cư bị san bằng. Ðây là thiên tai gây tổn thất nhân mạng tầm trọng nhất ở Mỹ kể từ khi có trận bão Katrina năm 2005.

Khi sắp tới phi trường Tuscaloosa, phi cơ Air Force One của tổng thống bay lượn trên khu vực bị bão tàn phá, cho tổng thống và gia đình cái nhìn rõ ràng về cảnh tượng tàn phá dài mấy cây số và rộng hàng trăm thước.

Ông Obama muốn chứng tỏ rằng ông đang tìm cách đưa trợ giúp của liên bang nhanh chóng đến nơi này và lưu tâm đến dân chúng trong vùng thiên tai. Người tiền nhiệm của ông, Tổng Thống George W. Bush, bị chỉ trích nặng nề vì bị coi là phản ứng chậm chạp sau bão Katrina.

Phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc, ông Jay Carney, nói rằng Tổng Thống Obama muốn cho cả nước Mỹ thấy sự thống khổ của nhiều gia đình đang bị ảnh hưởng bởi trận bão vừa qua.

Việc tái thiết có thể cần đến nhiều tỉ đô la, và ngay cả với sự trợ giúp của liên bang, thiên tai có thể tạo thêm khó khăn cho nỗ lực phục hồi kinh tế của các tiểu bang bị ảnh hưởng.

Lốc xoáy là điều thường thấy ở vùng Nam và Trung Tây nước Mỹ, nhưng ít khi nào gây ra sự tàn phá ghê gớm như vừa qua. Tổn thất nhân mạng cũng được báo cáo tại tiểu bang Mississippi, Tennessee, Arkansas, Georgia, Virginia và Louisiana.

Các cơn lốc xoáy vừa qua gây thiệt hại nặng nề cho kỹ nghệ nuôi gà ở Alabama, tiểu bang nuôi gà lớn hàng thứ ba ở Mỹ, và làm hư hại ít nhất là một mỏ than cùng các nhà máy và các kỹ nghệ sản xuất khác.

Nhà máy điện nguyên tử lớn thứ nhì ở Mỹ, nhà máy Browns Ferry ở Alabama, có thể phải tạm ngưng hoạt động trong nhiều tuần lễ sau khi hệ thống điện bị cắt và lò phản ứng tự động ngừng chạy để không gây ra tai nạn nguyên tử, theo giới hữu trách.

Công ty sản xuất quần áo VF Corp. cho hay một trung tâm phân phối của họ ở Hackleburg, Alabama bị phá hủy và một nhân viên thiệt mạng.

Tổn thất nhân mạng ở thành phố Tuscaloosa được cho biết là 42 người với khoảng 900 người khác bị thương. Trường đại học University of Alabama thay đổi lịch thi cuối khóa và dời ngày tốt nghiệp sang đến Tháng Tám.

Ðám cưới hoàng gia Anh diễn tiến hoàn hảo

LONDON (AP) - Ðám cưới của Hoàng Thái Tử William và cô Kate Middleton được cử hành trang trọng trong không khí tưng bừng độc đáo và khung cảnh huy hoàng của vương triều Anh Quốc hôm Thứ Sáu 29 tháng 4 tại London.
Hôn lễ kéo dài một giờ ở giáo đường Westminster Abbey với sự hiện diện của Nữ Hoàng Elizabeth II và Thái Tử Charles cùng khoảng 1,500 quan khách. Các hệ thống truyền hình lớn của Hoa Kỳ và toàn thế giới làm phóng sự trực tiếp bắt đầu từ hơn hai tiếng đồng hồ trước. Theo ước tính có khoảng 2 tỷ khán giả đã theo dõi qua màn ảnh truyền hình. Tại California những người muốn xem trực tiếp toàn bộ đám cưới phải thức từ 1 giờ hơn đến gần 6 giờ sáng.

Một triệu dân London tham dự hôn lễ, đứng dài hai bên đường dài một dặm dẫn đến nhà thờ tay cầm cờ Anh và một số cờ quốc gia khác vẫy chào các xe của những thượng khách đi ngang. An ninh trật tự được bảo đảm hoàn hảo không có một hỗn loạn hay trục trặc gì dù là nhỏ. Hơn 5,000 viên chức an ninh cùng hàng ngàn quân đội được triển khai và tất cả mọi diễn tiến đều theo đúng dự tính không có vấp váp nào. Tất cả những ưu điểm ấy là thể hiện đặc tính của người dân Anh, một xã hội dân chủ tiên tiến nhưng đồng thời tôn trọng giá trị truyền thống bảo thủ.

Sau hôn lễ, William và Kate ngồi trên xe ngựa mui trần từ nhà thờ về hoàng cung ở điện Buckingham. Dân chúng đi theo tập trung trong công viên chờ cô dâu chú rể bước ra đứng trên bao lơn lầu một. Hoàng Tử William - bây giờ là Công tước Cambridge - và cô Kate Middleton - bây giờ là nữ Công tước Cambridge - đã hôn nhau hai lần trong tiếng vỗ tay vang dậy của mọi người.

Lễ nghi chấm dứt với hai đội máy bay phi diễn ngang hoàng cung, gồm máy bay thời Thế Chiến II đã bảo vệ Anh Quốc chống xâm lăng Ðức Quốc Xã và máy bay chiến đấu phản lực tân tiến nhất của Không quân Hoàng gia Anh.

Buổi trưa và buổi tối trong khi hoàng gia tiếp tân và mở dạ tiệc khoản đãi quan khách, dân chúng London tham gia vào hàng trăm sinh hoạt vui được tổ chức trên đường phố.

Những quan sát viên đều đồng ý rằng như mong muốn của hoàng gia và chính phủ, đám cưới William-Kate đã là dịp để dấy lên sự hứng khởi, niềm tự hào của người dân và thể hiện giá trị tinh thần của xã hội nước Anh.

Tổng Giáo phận Sài Gòn thành lập Ban Mục vụ Công lý và Hòa bình

Kể từ ngày thành lập tới nay, Ủy ban Công lý và Hòa bình trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam do Đức cha Phaolo Nguyễn Thái Hợp làm chủ tịch, đã có những hành động tích cực trong các vụ việc như: vụ án 6 giáo dân Cồn Dầu, đất đai của Dòng Chúa Quan Phòng tại tỉnh Sóc Trăng, gần đây là những can thiệp tích cực cho sự tự do của luật sư Lê Quốc Quân và Bác sĩ Nguyễn Hồng Sơn và trước mắt là cuộc tọa đàm về Ủy ban Công lý và Hòa bình sẽ được tổ chức tại Hội trường Fx. Nguyễn Văn Thuận, thuộc Trung tâm Mục vụ Tổng Giáo phận Sài Gòn, vào ngày 27/5 tới đây.



Trong lá thư mục tử tháng 5/2011 gửi cộng đồng Dân Chúa Tổng Giáo phận Sài Gòn, Đức Hồng y GB. Phạm Minh Mẫn đã chính thức công bố thành lập “Ban Mục vụ Công lý và Hòa bình” thuộc Tổng Giáo phận.

Sau khi trình bày sơ lược về nguồn gốc và mục đích của Ủy ban Công lý và Hòa bình của Tòa Thánh, Đức Hồng y cho biết mục đích của Ban Mục vụ Công lý và Hòa bình là: “soi đường dẫn lối cho cộng đồng dân Chúa làm chứng và loan truyền Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô, cùng tiếp nối sứ vụ Phúc Âm hoá của Ngài, vì sự sống cùng sự phát triển con người và đất nước hôm nay”; đồng thời cũng cho biết nhiệm vụ của ban Mục vụ Công lý và Hòa bình là: “nghiên cứu, đào sâu, và phố biến Giáo huấn của Giáo Hội về xã hội, đặc biệt nội dung những văn bản sau đây :

- “Hợp tuyển giáo huấn của Giáo Hội về xã hội” trong hai thế kỷ 19 và 20, do Hội đồng Giáo hoàng Công lý và hòa bình xuất bản năm 2000, với Lời Tựa của Đức cố Hồng y Fx. Nguyễn Văn Thuận;

- “Tổng lược Học Thuyết xã Hội của Giáo Hội Công Giáo”, xuất bản năm 2004, với Lời giới thiệu của Đức Hồng y Sodano, Quốc Vụ Khanh Vatican, và của ĐHY Martino, đương kim Chủ tịch Hội đồng của Giáo hoàng về Công lý và Hòa bình.”

Sau khi Hội Đồng Giám mục Việt Nam thành lập Ủy ban Công lý và Hòa bình, từ tháng 10/2010 tới nay, một số giáo phận đã nhanh chóng thành lập Ban Công lý và Hòa bình của giáo phận, như tại Giáo phận Vinh và một số Giáo phận khác và nay là Tổng giáo phận Sài Gòn.

Kể từ ngày thành lập tới nay, Ủy ban Công lý và Hòa bình trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam do Đức cha Phaolo Nguyễn Thái Hợp làm chủ tịch, đã có những hành động tích cực trong các vụ việc như: vụ án 6 giáo dân Cồn Dầu, đất đai của Dòng Chúa Quan Phòng tại tỉnh Sóc Trăng, gần đây là những can thiệp tích cực cho sự tự do của luật sư Lê Quốc Quân và Bác sĩ Nguyễn Hồng Sơn và trước mắt là cuộc tọa đàm về Ủy ban Công lý và Hòa bình sẽ được tổ chức tại Hội trường Fx. Nguyễn Văn Thuận, thuộc Trung tâm Mục vụ Tổng Giáo phận Sài Gòn, vào ngày 27/5 tới đây.

Việc các giáo phận thành lập Ban Công lý và Hòa bình hy vọng sẽ góp phần cách tích cực để cùng với Ủy ban Công lý và Hòa bình của Hội đồng Giám mục Việt Nam gióng lên tiếng nói cho công bằng xã hội, cho tự do tôn giáo, cho nhân quyền tại quê hương Việt Nam.

30/4/2011

Nữ Vương Công Lý

Những thay đổi quan trọng sắp diễn ra tại Giáo triều Roma

Hôm nay, ký giả Andrea Tornielli của tờ La Stampa đã dành trọn một bài viết nói về một sự thay đổi nhân sự quan trọng sẽ xảy ra trong Giáo triều Roma (Roman Curia), đó là việc bổ nhiệm Phó Quốc Vụ khanh Tòa Thánh, trong thực tế là “Bộ trưởng Bộ Nội vụ” của Vatican. Vị Phó Quốc Vụ Khanh hiện tại, TGM Fernando Filoni, sẽ được thăng tiến trong những ngày sắp tới để trở thành Tổng trưởng Bộ Truyền bá Tin Mừng cho các Dân tộc (Propaganda Fide) thay thế ĐHY Ivan Dias. Người thay thế cho TGM Filoni trong chức vụ then chốt đó có thể là vị Sứ thần Tòa Thánh (Apostolic Nuncio) tại Cuba, TGM Giovanni Angelo Becciu, 62 tuổi. Việc thay đổi, trừ khi có bất ngờ vào phút cuối, sẽ được tiến hành trong tháng năm. TGM Becciu chịu chức linh mục tại giáo phận của Ozieri năm 1972 và từ năm 1984 đã là thành viên bộ ngoại giao của Tòa Thánh. Ngài làm việc tại các tòa Sứ Thần Toà Thánh ở châu Phi, New Zealand, Anh, Pháp và Hoa Kỳ. Vào tháng 10 năm 2001, ĐGH Gioan Phalô II bổ nhiệm ngài làm Sứ thầnTòa Thánh ở Angola. Ở đây, tại Luanda vào tháng Ba năm 2009, lục địa này đã tiếp nhận và chào đón Đức Thánh Cha Benedictô XVI trong trạm dừng chân thứ hai của chuyến viếng thăm Châu Phi của ngài. Ratzinger, bốn tháng sau đó, đã bổ nhiệm đại sứ của mình cho Cuba, không phải là mục tiêu dễ dàng cho một nhà ngoại giao Vatican: sự lựa chọn đó cho thấy sự quí trọng đối với khả năng của TGM Becciu.

Đức Tổng Giám mục Filoni có kinh nghiệm rộng rãi ở châu Á và Trung Đông. Ngài sinh ngày 15 tháng 4, 1946, tại Manduria, miền nam nước Ý, và thụ phong linh mục vào năm 1970. Sau khi vào ngành ngoại giao của Tòa Thánh vào năm 1981, ngài làm việc tại Brazil và tại Vatican (1985-1989), nhưng chủ yếu là ở châu Á (Sri Lanka, Iran, Philippines). Từ năm 1992 -2001, ngài được chính thức bổ nhiệm làm Sứ thần Tòa thánh cho Philippines nhưng đặt văn phòng tại Hồng Kông, như lời ngài nói với UCANews lúc đó, là ngài đang tiến hành một sứ vụ học hỏi.
Trong thời gian đó, Đức Cha Filoni trở nên như một chuyên gia trong các vấn đề Trung Quốc và là người thi hành các chỉ thị của ĐGH Gioan Phaolô II khi ngài tìm cách tiếp xúc với tất cả các giám mục Trung Quốc trong nỗ lực tìm cách thống nhất Giáo hội Công giáo tại Hoa lục.



Việc công bố sự thay thế cho Hồng y Ivan Dias đã có rất nhiều dự đoán xung quanh Roma khi ngài đến tuổi nghỉ hưu vào tuần trước.






Thánh bộ Truyền giáo có nhiệm vụ điều phối các hoạt động của Giáo Hội trong các vùng truyền giáo. Tổng trưởng bộ truyền giáo có quyền lực đáng kể, với các trách nhiệm về việc tuyển định các giám mục.


Phạm Hương Sơn lược thuật

(Nguồn: Andrea Tornielli, CNA/EWTN News)

Libya nói NATO không kích gần đài truyền hình khi ông Gadhafi đọc diễn văn

Libya cho biết không quân NATO đã oanh tạc một địa điểm gần tòa nhà của đài truyền hình quốc gia sáng sớm hôm nay trong lúc lãnh tụ Moammar Gadhafi đang ở bên trong tòa nhà này để đọc bài diễn văn cho dân chúng trân cả nước.

Chính phủ nói rằng vụ oanh tạc này chứng tỏ là lực lượng đồng minh chọn ông Gadhafi làm mục tiêu tấn công.

Trong diễn văn truyền hình dài một tiếng rưỡi đồng hồ, nhà lãnh đạo Libya thề không từ chức. Ông cũng kêu gọi các nước NATO tham gia chiến dịch không kích ở Libya hãy thương thuyết để kết thúc vụ xung đột và ngưng ném bom.

Hôm qua, vụ xung đột ở Libya đã lan sang các nước láng giềng, khi các lực lượng trung thành với ông Gadhafi đụng độ với binh sĩ của Tunisia sau khi họ tràn qua biên giới để truy đuổi những chiến binh của phe nổi dậy.

Vụ xâm nhập này đã gặp phản ứng mạnh của giới hữu trách Tunisia. Chính phủ ở Tinis đã triệu Đại sứ Libya đến để phản đối.

Các lực lượng của ông Gadhafi đang tìm cách chiếm lại cửa khẩu biên giới trong vùng Wazin ở miền tây bị phe nổi dậy chiếm cứ hồi tuần trước.

Syria đưa xe tăng tiến vào thành phố Daraa

Những người mục kích ở Syria cho biết giao tranh ác liệt đang diễn ra ở Daraa, nơi đã trở thành tâm điểm của những vụ biểu tình chống chính phủ và là mục tiêu của vụ đàn áp gây nhiều chết chóc.

Người ta trông thấy binh sĩ Syria dùng xe tăng và xe bọc sắt tiến vào thành phố này ngày hôm nay, và họ nghe thấy tiếng súng nổ ở nhiều nơi.

Việc này xảy ra một ngày sau khi những người tranh đấu cho biết ít nhất 62 người thiệt mạng trong vụ đàn áp biểu tình trên khắp nước, kể cả thành phố Daraa.

Các tổ chức nhân quyền nói rằng nhiều trăm người bị giết hại kể từ khi những vụ phản kháng bùng ra cách nay 6 tuần.

Hôm qua, Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc đã biểu quyết để thông qua nghị quyết lên án việc Syria sử dụng vũ lực gây chết chóc cho thường dân. Hội đồng này cũng đồng ý thực hiện một cuộc điều tra về tình hình bạo động ở Syria.

Số tử vong vì lốc xoáy ở Mỹ lên tới gần 350 người

Giới hữu trách Hoa Kỳ cho biết số tử vong vì bão tố và lốc xoáy trong tuần này đã lên tới ít nhất 350 người.

Cơ quan Đại dương và Khí quyển Quốc gia nói rằng thứ Tư vừa qua là ngày có số tử vong trong một ngày vì lốc xoáy cao hàng thứ nhì trong lịch sử nước Mỹ. Những trận lốc xoáy ở miền trung năm 1925 giết chết 747 người.

Hôm qua, những người sống sót và những người tình nguyện ở 7 tiểu bang đã tìm người sống sót và những vật dụng cá nhân trong các đống đổ nát.

Tổng thống Barack Obama đã đến xem xét thiệt hại ở tiểu bang Alabama, nơi có ít nhất 254 người bị thiệt mạng và nhiều cộng đồng dân cư bị san thành bình địa. Ông nói rằng ông chưa bao giờ trông thấy cảnh tượng tàn phá kinh hoàng như vậy và cảm thấy rất đau lòng.

Ông Obama an ủi những người sống sót và nói chuyện với các giới chức địa phương về nỗ lực cứu hộ và dọn dẹp. Ông cam kết sẽ “bảo đảm” là khu vực bị bão tàn phá sẽ “không bị quên lãng.”. Ông nói rằng chính phủ liên bang sẽ cung cấp trợ giúp tới mức tối đa.

Ông cũng gặp gỡ thống đốc Robert Bentley của Alabama và các giới chức khác.

NATO bác bỏ đề nghị đàm phán của ông Gadhafi

NATO vừa bác bỏ một đề nghị của lãnh tụ Libya Moammar Gadhafi về việc đàm phán để chấm dứt vụ xung đột ở Libya.

Một giới chức NATO hôm nay nói rằng liên minh này muốn thấy hành động chứ không phải lời nói suông. Nhân vật này nói thêm rằng chiến dịch của NATO sẽ tiếp tục cho tới khi nào thường dân Libya không còn bị đe dọa.

Phe nổi dậy Libya cũng đã bác bỏ đề nghị thương thuyết vì cho rằng thời gian để thỏa hiệp đã trôi qua. Những người thuộc Hội đồng Quốc gia Chuyển tiếp nói rằng chính quyền Gadhafi đã hoàn toàn mất uy tín.

Trước đó trong ngày hôm nay, ông Gadhafi đọc bài diễn văn truyền hình dài một tiếng rưỡi đồng hồ. Ông cho biết ông sẵn sàng thương thuyết với điều kiện NATO ngưng oanh tạc, nhưng ông sẽ không rời bỏ quyền lực.

Giới hữu trách Libya cho biết không quân NATO đã oanh tạc một địa điểm gần tòa nhà của đài truyền hình quốc gia sáng sớm hôm nay trong lúc lãnh tụ Moammar Gadhafi đang ở bên trong tòa nhà này để đọc diễn văn.

Chính phủ nói rằng vụ oanh tạc này chứng tỏ là lực lượng đồng minh chọn ông Gadhafi làm mục tiêu tấn công.

Hàng chục ngàn người đến Roma tham dự lễ phong chân phước Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolồ II

Hàng chục ngàn khách hành hương hôm nay đã đổ đến thủ đô Roma của Ý để chuẩn bị tham dự lễ phong chân phước cho Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolồ đệ nhị ngày mai. Theo dự kiến, sẽ có từ 300 ngàn đến 500 ngàn giáo dân dự lễ phong chân phước, được cử hành trên quảng trường Thánh Phêrô.




Nhưng phần lớn sẽ phải theo dõi thánh lễ trên đại lộ Via della Conciliazione dẫn đến Vatican hoặc qua các màn ảnh lớn đặt ở nhiều nơi trong thành phố Roma. Chuẩn bị cho buổi lễ, linh cữu của cố Giáo Hoàng hôm qua đã được đưa ra khỏi hầm mộ của Vatican và được đặt trước mộ vẫn được xem là mộ của Thánh Phêrô, người sáng lập Giáo hội Công Giáo và là người được coi như là vị Giáo Hoàng đầu tiên. Sáng mai, linh cữu của Ngài sẽ được đặt trước bàn thờ chính của Đền thờ Thánh Phêrô.

Vào tối nay, trong một buỗi lễ dự kiến sẽ có hơn 100 ngàn người dự, nữ tu Marie Simon-Pierre sẽ kể về việc bà đã được khỏi bệnh Parkinson vào năm 2005, ngay sau khi Giáo Hoàng Gioan Phaolồ đệ nhị qua đời. Phép lạ này được Đức Giáo Hoàng Benedicto 16 công nhận và là cơ sở để phong chân phước cho Giáo Hoàng Gioan Phaolồ đệ nhị, nhằm đáp ứng nguyện vọng của nhiều tín hữu, vốn rất tôn sùng vị Giáo Hoàng đã hiện đại hóa hình ảnh của Giáo hội Công giáo La Mã.

Án phong chân phước cho Cố Giáo Hoàng đã được mở ngay từ tháng 6 năm 2005 và kết thúc vào tháng Giêng năm nay, một khoảng thời gian nhanh kỷ lục trong lịch sử Vatican.

Thêm một blogger bị câu lưu ở Việt Nam

Sáng nay, theo nguồn tin từ gia đình, anh Ngô Thanh Tú, tức blogger Thiên Sầu, vừa được trả tự do sau 6 ngày bị tạm giam ở Sài Gòn. Anh đã bị bắt giữ tại sân bay Tân Sơn Nhất ngày 25/4 khi chuẩn bị lấy máy bay đi Thái Lan du lịch. Hiện nay chưa ai biết rõ lý do vì sao công an đã tạm giữ blogger Thiên Sầu suốt mấy ngày như vậy.




Theo lời em trai của blogger Thiên Sầu, anh Ngô Thanh Hận Trường, sau mấy ngày bị tạm giam, blogger này đã gầy đi rất nhiều, mặt mày hốc hác. Trong thời gian bị tạm giam, công an chủ yếu đã tra hỏi blogger Thiên Sầu về mối liên hệ với nhà thơ Bùi Chát, người vừa được trao giải thưởng tự do xuất bản của Hiệp hội các nhà xuất bản quốc tế vào đầu tuần này tại Buenos Aires.

Có tin nói rằng blogger Thiên Sầu là thành viên của Câu lạc bộ nhà báo tự do ở Việt Nam. Tuy nhiên, từ nhiều tháng qua, anh đã không còn viết blog, bởi vì như anh đã viết trên trang blog Thiên Sầu vào cuối năm ngoái : « Dạo này, ngoài việc đi chơi và chụp hình, mình chỉ còn cái thú là đọc sách, báo. Chẳng muốn viết gì cho dù chỉ là viết trên facebook, trên blog cho bạn bè đọc và bình luận. Việc viết lách ở Việt Nam dường như là một việc nguy hiểm. Với mình, độ nguy hiểm có khi được xếp ngang bằng với các công nhân mỏ. » Anh nêu lên trường hợp của nhiều blogger đang bị giam hoặc đã bị câu lưu như Điếu Cày, Mẹ Nấm, Người Buôn Gió, Anhbasg, Cô Gái Đồ Long. Tuy nhiên, blogger Thiên Sầuvẫn khẳng định : « Một xã hội muốn phát triển, trở nên văn minh thì xã hội đó đòi hỏi phải cho công dân được tự do tư tưởng, tự do ngôn luận. »

Trước đây, khi còn là sinh viên, blogger Thiên Sầu cũng đã từng tham gia các cuộc biểu tình chống chính sách của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa.

Friday, April 29, 2011

“Giải phóng miền Nam”: Cho ai và vì ai? (Phần 2)

Hàng năm, cứ mỗi lần đến ngày 30 tháng 4, Đảng và Nhà nước Việt Nam long trọng tổ chức kỷ niệm ngày “giải phóng miền Nam”. Trong dịp này, những người “chiến thắng” luôn tự hào và hãnh diện vì đã đánh thắng đế quốc Mỹ, một cường quốc hùng mạnh nhất thế giới.


Cái gọi là “công cuộc giải phóng miền Nam” mà những người Cộng sản Việt Nam đã tiến hành, ngoài mục đích xóa bỏ chế độ tư bản, kẻ thù của Chủ nghĩa Xã hội theo học thuyết Mác – Lênin, những người Cộng sản Việt Nam còn bị chi phối bởi mục đích nào khác?


Con cờ trong bàn cờ của Trung Quốc


Khi tiến hành “giải phóng miền Nam”, Đảng Cộng sản Việt Nam không chỉ bị chi phối bởi Liên Xô mà còn chịu nhiều tác động từ Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Dựa trên các tài liệu đã được giải mật, do kế hoạch của Mao Trạch Đông muốn bành trướng xuống khu vực Đông Nam Á trong tương lai, nên lãnh đạo Trung Quốc không muốn cuộc chiến Việt Nam sớm kết thúc, mà muốn chiến tranh kéo dài để làm Việt Nam suy yếu.


Tháng 8 năm 1965, tại cuộc họp Bộ Chính trị BCH Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, ông Mao Trạch Đông tuyên bố: “Chúng ta phải giành cho được Đông Nam Á, gồm cả miền Nam Việt Nam, Thailand, Miến Điện, Malaysia, Singapore... Một vùng như Đông Nam Á rất giàu, ở đấy có nhiều khoáng sản, xứng đáng với sự tốn kém cần thiết để chiếm lấy”.


Và những người Cộng sản Việt Nam đã giúp Trung Quốc thực hiện kế hoạch này. Trong số các tài liệu đã được giải mật, một tài liệu được lưu trữ ở Trung tâm Wilson cho thấy, trong cuộc họp với Mao Trạch Đông hồi năm 1970, ông Lê Duẩn đã cho ông Mao Trạch Đông biết, Việt Nam đang trường kỳ kháng chiến chống Mỹ là vì Trung Quốc. Ông Lê Duẩn đã nói, nguyên văn như sau: “Tại sao chúng tôi giữ lập trường bền bỉ chiến đấu cho một cuộc chiến kéo dài, đặc biệt trường kỳ kháng chiến ở miền Nam? Tại sao chúng tôi dám trường kỳ kháng chiến? Chủ yếu là vì chúng tôi phụ thuộc vào công việc của Mao Chủ tịch…Chúng tôi có thể tiếp tục chiến đấu, đó là vì Mao Chủ tịch đã nói rằng 700 triệu người Trung Quốc đang ủng hộ nhân dân Việt Nam một cách vững chắc”.


Ở một tài liệu khác, cuốn “Sự thật về quan hệ Việt Nam - Trung Quốc trong 30 năm qua” – do Nhà xuất bản Sự Thật của Đảng Cộng sản Việt Nam phát hành – tại trang 53, có đăng nguyên văn nội dung lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam trả lời ông Đặng Tiểu Bình hồi năm 1966, như sau: "Sự nhiệt tình của một nước XHCN, với một nước XHCN khác là xuất phát từ tinh thần quốc tế vô sản. Chúng tôi không bao giờ nghĩ nhiệt tâm là có hại. Nếu các đồng chí nhiệt tâm giúp đỡ thì chúng tôi có thể đỡ hy sinh 2-3 triệu người... Miền Nam chúng tôi sẽ chống Mỹ đến cùng và chúng tôi vẫn giữ vững tinh thần quốc tế vô sản".


Những lời thú nhận


Tuy tiến hành cuộc chiến tranh “giải phóng miền Nam” là nhằm phục vụ mục tiêu đưa cả thế giới cùng tiến lên Chủ nghĩa Cộng sản, như tuyên bố của ông Lê Duẩn, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam: “Ta đánh Mỹ là đánh cho Liên Xô, đánh cho Trung Quốc, cho các nước xã hội chủ nghĩa và cả nhân loại”, nhưng Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn không thể làm hài lòng cả Liên Xô lẫn Trung Quốc. Vì sao?


Cùng là Cộng sản nhưng cả Liên Xô lẫn Trung Quốc không thể “đoàn kết” với nhau, bởi bên nào cũng muốn tạo ảnh hưởng, chi phối khu vực Đông Dương và rộng hơn là khu vực Đông Nam Á.

Sau khi chiến tranh kết thúc, nhận thấy Việt Nam có vẻ muốn ngả hẳn về phía Liên Xô, năm 1979, Trung Quốc đã xua quân tràn sang Việt Nam, nhằm “dạy cho Việt Nam một bài học”. Đến lúc này, Nhà xuất bản Sự Thật – một cơ quan thuộc Đảng Cộng sản Việt Nam - mới công bố những bí mật trong quan hệ Việt – Trung ở giai đoạn tiến hành “giải phóng miền Nam”, “đánh Mỹ cho Liên Xô, Trung Quốc, cho các nước xã hội chủ nghĩa và cả nhân loại”, qua cuốn “Sự thật về quan hệ Việt Nam – Trung Quốc trong 30 năm qua”.


Tại trang 5 của tác phẩm vừa dẫn, Đảng Cộng sản Việt Nam đã thú nhận: “Trên thế giới chưa có người lãnh đạo một nước nào mang danh là ‘cách mạng’, là ‘xã hội chủ nghĩa’ và dùng những lời lẽ rất ‘cách mạng’ để thực hiện một chiến lược phản cách mạng, cực kỳ phản động như những lãnh đạo Trung Quốc. Trên thế giới chưa có những người lãnh đạo một nước nào về mặt chiến lược đã lật ngược chính sách liên minh, đổi bạn thành thù, đổi thù thành bạn nhanh chóng và toàn diện như những người lãnh đạo Trung Quốc”.


Ở trang 73 của tác phẩm này, những người cộng sản Việt Nam đã cay đắng thú nhận: “Những người cầm quyền Trung Quốc, xuất phát từ lợi ích dân tộc, họ có giúp Việt Nam khi nhân dân Việt Nam chiến đấu chống Mỹ, nhưng cũng xuất phát từ lợi ích dân tộc, họ không muốn Việt Nam thắng Mỹ và trở nên mạnh, mà chỉ muốn Việt Nam yếu, lệ thuộc Trung Quốc...Họ lợi dụng xương máu của nhân dân Việt Nam để buôn bán với Mỹ... Họ muốn chia rẽ Việt Nam với Liên Xô và các nước XHCN khác”.


Cũng trong tác phẩm vừa dẫn, ở trang 100, Đảng Cộng sản Việt Nam cho biết âm mưu của Trung Quốc trong cuộc chiến Việt Nam như sau: “Họ bật đèn xanh cho Mỹ ném bom miền Bắc Việt Nam, đồng thời đưa quân Mỹ trực tiếp xâm lược miền Nam, Việt Nam. Khi Việt Nam muốn ngồi vào thương lượng với Mỹ để phối hợp ba mặt trận: quân sự, chính trị, ngoại giao thì họ ngăn cản. Khi nhân dân Việt Nam trên đà đi tới thắng lợi hoàn toàn thì họ bắt tay với chính quyền Nixon, dùng xương máu của nhân dân Việt Nam để đưa nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa lên địa vị ‘siêu cường thứ ba’ và đổi chác việc giải quyết vấn đề Đài Loan”.


Mười một năm trước khi lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam nhận ra và thú nhận những điều vừa kể, vào tháng 3 năm 1968, khi phát biểu tại trường Đại học Kansas, Thượng nghị sĩ Robert Kennedy đã tuyên bố, mục tiêu của cuộc chiến “giải phóng miền Nam” do Đảng Cộng sản Việt Nam tiến hành, thật ra chỉ vì Trung Quốc muốn Mỹ sa lầy.


Ông Robert Kennedy nhận định: “Mao Trạch Đông và các đồng chí Trung Quốc của ông ta yên lặng ngồi nhìn: [Việt Nam] đánh Mỹ đến người Việt Nam cuối cùng. Họ xem chúng ta làm suy yếu một nước, là hàng rào vững chắc chống lại sự bành trướng của Trung Quốc xuống phía Nam. Họ hy vọng sẽ buộc chúng ta chặt hơn trong cuộc chiến kéo dài ở Campuchia, Lào và Thái Lan. Họ tự tin rằng cuộc chiến ở Việt Nam ‘sẽ càng làm cho Mỹ sa lầy, hủy hoại tài nguyên, mất uy tín về sự kỳ vọng của các nước vào sức mạnh của Mỹ, chúng ta bị đồng minh xa lánh, xung đột với Liên Xô, và bất đồng gia tăng trong dân chúng Mỹ’. Như một nhà quan sát Mỹ đã nói: ‘chúng ta dường như đang bị chơi đúng kịch bản mà Mao đã viết ra’.”


Ba mươi sáu năm sau khi cuộc chiến tranh “giải phóng miền Nam” kết thúc, Trung Quốc càng ngày càng hùng mạnh hơn và sự hùng mạnh đó đang gây trăn trở cho hàng triệu người Việt. Còn lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn tiếp tục tự hào vì đã “giải phóng miền Nam”.

“Giải phóng miền Nam”: Cho ai và vì ai? (Phần 1)

Hai con quái vật dang ngồi ăn thịt người vào tháng 8 năm 1959 tai BắcKinh


Tháng 4 năm 1975, những người cộng sản tiến vào Sài Gòn “giải phóng miền Nam” kết thúc cuộc chiến giữa hai miền Bắc – Nam, kéo dài trong 21 năm.Ba mươi sáu năm sau cuộc chiến này, dựa trên các tài liệu đã được giải mật thời gian gần đây, nhiều người nhận ra, cái gọi là “công cuộc giải phóng miền Nam” do những người Cộng sản Việt Nam tiến hành, thật sự không phải vì Việt Nam.


Vì Liên Xô vào để truyền bá Chủ nghĩa Cộng sản


Sau Đệ nhị Thế chiến, Joseph Stalin, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô bắt đầu thực hiện kế hoạch mở rộng phạm vi ảnh hưởng của mình bằng cách hỗ trợ nhiều quốc gia tiến hành cách mạng vô sản, sử dụng bạo lực để lật đổ các chính thể hiện hành, thiết lập các nhà nước Xã hội Chủ nghĩa, đưa cả thế giới cùng tiến lên Chủ nghĩa Cộng sản.


Năm 1958, ông Hồ Chí Minh, người lãnh đạo chính quyền Cộng sản ở miền Bắc, Việt Nam, tuyên bố: “Không có chế độ nào tôn trọng con người, chú ý, xem xét những lợi ích cá nhân đúng đắn và bảo đảm cho nó được thỏa mãn bằng chế độ Xã hội Chủ nghĩa”.


Tháng 1 năm 1959, Hội nghị lần thứ 15 Ban Chấp Hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam đã ra nghị quyết cho phép các lực lượng Cộng sản miền Nam sử dụng bạo lực để lật đổ chính quyền miền Nam. Và rồi cuộc chiến Bắc - Nam đã được những người Cộng sản khơi mào bằng các phong trào kiểu như “Đồng khởi” ở Bến Tre, lan ra các tỉnh Nam Bộ, sách động quần chúng đấu tranh vũ trang kết hợp với chính trị.


Thực hiện Nghị quyết Trung ương Đảng, cuối năm 1960, Đảng Cộng sản cho ra đời Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, một tổ chức chính trị, quân sự của Đảng Cộng sản, hoạt động ở miền Nam với mục đích lật đổ chính quyền miền Nam, thống nhất Việt Nam, để biến Việt Nam thành một khối thống nhất, thành viên của cộng đồng các quốc gia xã hội chủ nghĩa.


Trong giai đoạn vừa kể, những người lãnh đạo Cộng sản Việt Nam và Cộng sản Liên Xô liên tục qua lại thăm viếng nhau. Đến cuối năm 1960, hai bên bắt đầu ký nhiều thỏa thuận, trong đó, Liên Xô cam kết viện trợ quân sự và kinh tế cho chính phủ miền Bắc, để giúp miền Bắc “giải phóng miền Nam”.


Ngày 6 tháng 1 năm 1961, hai tuần trước khi ông Kennedy tuyên bố nhậm chức tổng thống Mỹ, ông Nikita Khrushchev, Thủ tướng Liên Xô, tuyên bố, Liên Xô sẽ hỗ trợ "các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc" trên toàn thế giới, trong đó có Cuba và Việt Nam. Khrushchev gọi đây là những cuộc chiến tranh “thần thánh”. Ông Ilya Gaiduk, nhà sử học người Nga, tiết lộ, trong kế hoạch của Moscow, Việt Nam trở thành một kênh chính để tạo ảnh hưởng của Liên Xô ở Đông Nam Á.
Ngày 31 tháng 1 năm 1961, Tổng thống Kennedy tuyên bố, những diễn biến vừa kể là bằng chứng về tham vọng muốn thống trị thế giới của Cộng sản Liên Xô và Trung Quốc.


“Tiền đồn của phe XHCN ở Đông Nam Á”


Ngoài việc Liên Xô muốn vào truyền bá Chủ nghĩa Cộng sản, những người Cộng sản Việt Nam cũng muốn biến đất nước trở thành “tiền đồn của phe XHCN ở Đông Nam Á”.
Nghị quyết Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 15, năm 1959, nêu rõ: “Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là tiền đồn của phe xã hội chủ nghĩa ở Đông Nam Á. Đế quốc Mỹ chiếm cứ miền Nam, âm mưu xâm lược miền Bắc là để tấn công phe xã hội chủ nghĩa. Cho nên, thắng lợi của cách mạng Việt Nam quan hệ trực tiếp đến phe xã hội chủ nghĩa, làm cho phe xã hội chủ nghĩa càng rộng lớn, vững mạnh”.

Ngày 9 tháng 2 năm 1964, báo Pravda của Đảng Cộng sản Liên Xô đưa tin, một đoàn đại biểu của Đảng Lao Động Việt Nam do ông Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất dẫn đầu, đã đến thăm Liên Xô. Theo đó: "Hai bên đã thể hiện sự đoàn kết của phe XHCN và phong trào cộng sản thế giới, tăng cường tình đoàn kết hữu nghị giữa Đảng cộng sản Liên Xô và Đảng Lao động Việt Nam, giữa Liên bang Xô Viết và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trên nền tảng Chủ nghĩa Mác-Lênin và các nguyên tắc của phong trào vô sản quốc tế".


Kể từ đó, khối cộng sản, đứng đầu là Liên Xô, đã gia tăng viện trợ quân sự, từ vũ khí, đạn dược, xe tăng, tên lửa, máy bay…cho đến các cố vấn quân sự, thậm chí cả binh lính, cho chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa, để lật đổ chính quyền miền Nam, thực hiện cuộc cách mạng vô sản, biến Việt Nam thành “tiền đồn của phe XHCN ở Đông Nam Á”.


Trong bài nói chuyện đăng trên báo Nhân Dân, ngày 20 tháng 7 năm 1965, ông Hồ Chí Minh đã cảm ơn Liên Xô, Trung Quốc về sự giúp đỡ này, ông nói: “Tôi thay mặt đồng bào cả nước nhiệt liệt cảm ơn Liên Xô, Trung Quốc và các nước Xã hội Chủ nghĩa anh em khác, cảm ơn nhân dân tiến bộ khắp năm châu. Nhân dân Việt Nam quyết tâm làm tròn nhiệm vụ thiêng liêng, giải phóng Tổ quốc của mình, chặn tay bọn đế quốc Mỹ xâm lược, giữ vững tiền đồn của phe XHCN ở Đông Nam Á”.


Tuy Liên Xô, Trung Quốc và các nước XHCN giúp đỡ lãnh đạo miền Bắc với mục đích truyền bá Chủ nghĩa Cộng sản vào Việt Nam và rộng hơn là các nước Đông Nam Á, thế nhưng ông Hồ Chí Minh chỉ thấy sự giúp đỡ này là “vô tư”, “không vụ lợi”. Ông cho biết: “Các nước bạn giúp ta một cách khẳng khái, vô tư, như anh em giúp nhau, tuyệt đối không có chút gì vụ lợi. Các nước bạn chỉ mong chúng ta cố gắng làm cho nhân dân ta thắng lợi trong cuộc đấu tranh”. Và ông ông Hồ Chí Minh cho biết, ông "luôn hướng về Liên Xô, đất nước của Lênin vĩ đại và coi Liên Xô là Tổ quốc của cách mạng, Tổ quốc thứ hai của mình".


Tháng 2 năm 1966, khi đến Moscow tham dự Đại hội Đảng Cộng sản Liên Xô lần thứ 23, ông Lê Duẩn tuyên bố, ông có hai tổ quốc, đó là Tổ quốc Việt Nam và Tổ quốc Liên Xô. Ông Lê Duẩn cũng cám ơn Liên Xô về sự "viện trợ to lớn và nhiều mặt" cho chính phủ miền Bắc. Trả lời phỏng vấn báo chí nước ngoài, ông Lê Duẩn cho biết: “Liên Xô giúp chúng tôi bằng trái tim của họ, và họ đã giúp chúng tôi nhiều hơn chúng tôi có thể sử dụng, và Trung Quốc cũng giúp đỡ chúng tôi”.


Sử gia Douglas Pike nhận xét về cuộc chiến “giải phóng miền Nam” do miền Bắc khởi xướng như sau: “Bản chất của cuộc chiến tranh đã thay đổi trên thực tế: từ một anh Việt Cộng chân đất với khẩu súng ngắn tự tạo, cho tới những lực lượng quân đội Cộng sản Việt Nam được trang bị những thứ vũ khí hiện đại nhất mà thế giới cộng sản có thể sản xuất”.


Cuộc chiến tranh được gọi là “giải phóng miền Nam”, ngoài mục đích Liên Xô muốn đưa Chủ nghĩa Cộng sản vào Việt Nam, biến Việt Nam thành tiền đồn của phe Xã hội Chủ nghĩa ở Đông Nam Á, những người Cộng sản Việt Nam đã “giải phóng miền Nam, là “giải phóng” cho ai? Đó sẽ là nội dung của bài kế tiếp.

Chống “ngoại xâm” bằng “ngoại nhân”

Cách nay 36 năm, chiến tranh Việt Nam kết thúc với chiến thắng thuộc về những người Cộng sản. Cuộc chiến kéo dài 21 năm, do những người Cộng sản miền Bắc tiến hành, được cho là cuộc chiến “chống giặc ngoại xâm”, dần dần cho thấy, thực chất đây không phải là mục đích của cuộc chiến.


Câu hỏi được đặt ra, vì sao những người cộng sản chiến thắng? Ngoài những sai lầm của chính quyền miền Nam và đồng minh Hoa Kỳ mà giới phân tích đã nêu ra từ trước tới nay, còn có nguyên nhân nào khác?


Đánh tráo mục đích cuộc chiến


Cuộc chiến Bắc – Nam được những người Cộng sản gọi là chiến tranh “chống Mỹ cứu nước”, “giải phóng dân tộc”, nhưng gần đây, qua các tài liệu mới được giải mật, ai cũng có thể thấy, về thực chất, đó chỉ là cuộc chiến của những người Cộng sản, muốn biến Việt Nam thành một quốc gia Xã hội Chủ nghĩa.


Có nhiều bằng chứng cho thấy, khi phát động cái gọi là cuộc chiến “chống ngoại xâm”, những người lãnh đạo Cộng sản đều hiểu rằng, sự hiện diện của người Mỹ ở miền Nam chỉ nhằm ngăn chặn Chủ nghĩa Cộng sản, chứ hoàn toàn không phải để chiếm miền Nam làm thuộc địa như những gì mà họ tuyên truyền.


Có thể dùng chính các ý kiến của ông Hồ Chí Minh để dẫn chứng về việc giới lãnh đạo Cộng sản Việt Nam hiểu một cách tường tận tại sao người Mỹ có mặt và hỗ trợ chính quyền miền Nam Việt Nam.


Ngay từ năm 1944, ông Hồ Chí Minh đã từng hợp tác với Sở Hành động Chiến lược (OSS) và Sở Thông tin Chiến tranh (OWI) của Hoa Kỳ, và phía Mỹ đã từng giúp quân du kích Việt Minh chống lại Nhật.


Qua các tuyên bố của chính phủ Mỹ, lãnh đạo miền Bắc, Việt Nam hiểu rất rõ Hoa Kỳ không có ý định chiếm Việt Nam làm thuộc địa. Sách “Hồ Chí Minh Toàn tập”, tại trang 90, tập 4, đã đăng bài trả lời báo chí về các tuyên bố của Tổng thống Mỹ Truman, liên quan đến các nước Đông Nam Á, ngày 2 tháng 11 năm 1945, ông Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh: “Điểm thứ nhất ‘Hoa Kỳ không nghĩ tới một sự mở mang bờ cõi nào vì những mục đích ích kỷ’. Về điều này từ trước đến nay dân tộc Việt Nam đã hiểu rõ chính sách quang minh của Mỹ, nhất là từ ngày Mỹ thừa nhận Phi Luật Tân độc lập, thì dân VN càng tin tưởng chính sách rộng rãi của Mỹ”.

Không những ông Hồ Chí Minh hiểu rõ điều đó, mà chính ông Hồ Chí Minh đã từng xác nhận rằng, Hoa Kỳ luôn bênh vực cho tự do, độc lập của các dân tộc khác trong khu vực. Báo Cứu quốc, cơ quan ngôn luận của Tổng bộ Việt Minh, hôm 31 tháng 12 năm 1945 có đăng bài “Thế giới với Việt Nam”, trong đó ông Hồ Chí Minh khẳng định: “Chúng ta không thể quên nước bạn của chúng ta là nước Mỹ, một nước dân chủ bao giờ cũng bênh vực sự tự do, độc lập cho các dân tộc nhỏ yếu. Thấy bọn thực dân Pháp và Hà Lan đang hoành hành ở miền Nam, Á châu, Tổng thống Tơruman (Truman) lên tiếng cảnh cáo bằng lời tuyên bố trong ngày Hải quân ở Nữu Ước: 'Tất cả các dân tộc đã bị vũ lực đè nén đều được giải phóng nếu sự thay đổi ấy thích hợp với quyền lợi của họ. Tất cả các dân tộc đều được tự trị lấy xứ sở mình. Họ phải có một chính phủ tự trị của họ’.”


Sau khi hiệp định Geneva được ký, nhận ra Việt Nam xung phong làm tiền đồn của khối Cộng sản ở Đông Nam Á, quyết tâm giúp Liên Xô truyền bá Chủ nghĩa Cộng sản trong khu vực, Hoa Kỳ mới hỗ trợ cho chính phủ miền Nam Việt Nam, chống lại sự bành trướng của Chủ nghĩa Cộng sản trên toàn Việt Nam.


Tuy hiểu rõ lập trường của Mỹ trong vấn đề hỗ trợ miền Nam, thế nhưng, lúc phát động chiến tranh, giới lãnh đạo Cộng sản vẫn đánh tráo mục đích cuộc chiến. Trong tuyên truyền, họ bảo: "Mỹ là một tân đế quốc, can thiệp vào miền Nam để biến miền Nam thành thuộc địa, một căn cứ quân sự của Mỹ”, và kêu gọi toàn dân đứng lên “giải phóng miền Nam thoát khỏi ách thống trị tàn bạo của đế quốc Mỹ”.


Chính lối tuyên truyền đó đã kích động hàng triệu người Việt không tiếc máu xương, không ngại hy sinh mạng sống của mình, bởi họ tin rằng, cần “quyết tử cho tổ quốc quyết sinh”. Hàng triệu người đó không hề biết rằng, họ đã chiến đấu và hy sinh cho sự bành trướng của Chủ nghĩa Cộng sản, nay đã bị phá sản gần như trên toàn thế giới.


Trong một lần trả lời phỏng vấn Đài Á châu Tự do, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Tụ, bút danh Hà Sỹ Phu – một trong những người sống cùng thời với hàng triệu người chấp nhận hy sinh để Việt Nam trở thành một quốc gia Cộng sản – nhận định: “Chủ nghĩa Cộng sản đã lẻn vào Việt Nam qua cổng chống ngoại xâm, chứ nó không vào theo cổng chính của đất nước, thông qua vọng gác của trí tuệ. Cho nên giới khoa học, tức là giới tinh hoa của đất nước, từ trước tới nay không đủ năng lực để rà soát chủ nghĩa đó về mặt trí tuệ. Trái lại nó đã bị chủ nghĩa đó lôi cuốn, biến thành kẻ tòng phạm đắc lực”.


Dùng “ngoại nhân” để chống “ngoại xâm”


Tuy là phía phát động cuộc chiến “chống ngoại xâm”, thế nhưng giới lãnh đạo Cộng sản Việt Nam đã bí mật cho phép rất nhiều “ngoại nhân” từ Liên Xô, Trung Quốc và một số quốc gia Cộng sản khác đến Việt Nam tham chiến, chống lại đồng bào của mình. Hàng loạt tài liệu mới được giải mật trong thời gian vừa qua cho thấy, tuy giới lãnh đạo Cộng sản miền Bắc lên án kịch liệt về sự hiện diện của lính Mỹ ở miền Nam, nhưng ngay tại miền Bắc, luôn có rất nhiều lính Liên Xô, Trung Quốc.


Sử gia Dan Ford dựa trên một số tài liệu, cho biết, ngoài 320.000 người Trung Quốc có mặt ở Việt Nam mà các nhà sử học nhắc tới, có khoảng 22.000 người Liên Xô đã từng phục vụ ở Việt Nam với vai trò cố vấn và tham gia lực lượng phòng không, không quân. Sự hiện diện của những người lính Liên Xô này đã bị cả giới lãnh đạo Cộng sản Việt Nam lẫn giới lãnh đạo Cộng sản Liên Xô phủ nhận cho đến khi chế độ cộng sản ở Liên Xô sụp đổ.

Năm 2008, Đài truyền hình Nga, Russia Today, cho biết, đã có hàng ngàn binh lính Liên Xô tham gia chiến đấu tại miền Bắc Việt Nam. Ông Nikolay Kolesnik, một cựu chiến binh Liên Xô đã từng chiến đấu ở miền Bắc Việt Nam, cho biết: "Chúng tôi chính thức được mọi người biết đến như là một nhóm chuyên gia quân sự. Người chỉ huy đơn giản được gọi là chuyên gia cao cấp. Như vậy, về mặt kỹ thuật, không có đơn vị Liên Xô nào tại Việt Nam. Điều duy nhất chúng tôi biết rằng chúng tôi là dân Liên Xô, binh lính Liên Xô, và chúng tôi phải làm bất cứ điều gì để ngăn chặn các cuộc không kích. Đó là những gì chúng tôi đã làm".


Đáng nói là ngay vào lúc những người lãnh đạo chính quyền Cộng sản ở miền Bắc cho phép sự hiện diện của các cố vấn, chuyên gia quân sự, cũng như binh lính nước ngoài cầm vũ khí vào Việt Nam, thì họ vẫn lên án sự có mặt của các cố vấn Mỹ ở miền Nam. Ông Hồ Chí Minh đã từng phản đối chính phủ Hoa Kỳ, về các cố vấn Mỹ ở miền Nam. Ông nói: "Danh từ 'cố vấn' dùng để ngụy trang số binh sĩ Mỹ, không lừa bịp được ai cả".


Sau khi có khá nhiều tài liệu liên quan đến sự tham gia của quân đội Liên Xô vào cuộc chiến Việt Nam được Nga bạch hóa, cách nay vài năm, báo chí Việt Nam cũng bắt đầu xác nhận về sự hiện diện của quân đội Liên Xô trong cuộc chiến Việt Nam. Một trong những bài báo này đã giới thiệu nhật ký của một đại tá Liên Xô, nguyên văn như sau: “Ngày 24-7-1965, trong vùng rừng núi, chúng tôi triển khai tên lửa SAM. Vừa ngụy trang xong, chúng tôi phát hiện máy bay Mỹ bay về hướng Hà Nội, theo hai tuyến, chỉ cách trận địa tên lửa 10km. Đơn vị tên lửa AA bên cạnh nổ súng đầu tiên và họ đã thành công: hai tên lửa bắn trúng đích. Chúng tôi cũng hạ được một máy bay và sau đó còn đánh gục được một máy bay trinh sát không người lái”.


Tháng 4 năm 1975, cuộc chiến Việt Nam kết thúc. Chứng kiến thực tế Việt Nam, không ít người đã từng cầm súng hoặc hy sinh cho công cuộc “chống ngoại xâm”, may mắn còn sống, bắt đầu tự hỏi về sự cần thiết của cuộc chiến được gọi là “chống ngoại xâm”, kéo dài trong 21 năm, cũng như mục tiêu của cuộc chiến. Đã có rất nhiều người trong số họ cảm thấy hối tiếc và phản kháng về những bất toàn của một chính thể, hình thành bởi máu xương của hàng triệu triệu người.

Mục sư Nguyễn Công Chính bị CA bắt

Thông tấn xã Việt Nam chính thức cho biết ông Nguyễn Công Chính bị cơ quan an ninh chức năng tỉnh Gia Lai bắt hôm ngày 28 tháng tư vừa qua, với cáo buộc ông này ‘phá hoại chính sách đại đoàn kết dân tộc’.Bắt người, xét nhà


Theo truyền thông trong nước thì qua việc khám xét nhà, cơ quan chức năng thu được nhiều tài liệu mà họ cho là mang nội dung ‘tuyên truyền chống chính quyền nhân dân’.


Trước vụ việc mục sư giáo phái Lutheran Nguyễn Công Chính bị cơ quan chức năng bắt giữ, chúng tôi liên lạc với bà Nguyễn thị Hồng, vợ của ông Nguyễn Công Chính để tìm hiểu vụ việc và được bà cho biết:


Tôi đợi cách xa phường khoảng nửa cây số. Vì nơi đó có đường luồng nên khi họ đưa ông mục sư Nguyễn Công Chính đi tôi không thấy. Chờ lâu quá, tôi đi đến phường, sắp đến nơi có hai nữ an ninh và hai ba người công an nam nữa đến áp tải tôi về nhà.


Khi về đến nhà tôi thấy mục sư Chính đã bị còng rồi. Tôi nhận thấy rất nhiều ban, ngành cấp phường, thành phố, tỉnh; rồi dân quân, y tế…, đủ ban ngành.
Thấy cảnh đó tôi hỏi tại sao bắt chồng tôi và khám xét nhà, họ trả lời ‘phạm tội’. Tôi nói phạm tội phải nêu rõ lý do, bằng chứng chứ sao lại bắt người vô cớ như thế. Tôi nói nhà tôi đã bị mấy anh ‘cướp’ nhiều lần rồi. Tài sản do vợ chồng tôi sắm ra, tài sản của giáo hội bị mấy anh ‘cướp’ hết. Họ nói rằng vợ chồng tôi ‘phá hoại chính sách đoàn kết, tuyên truyền, ‘gây chia rẽ trong mọi tầng lớp nhân dân’. Tôi yêu cầu họ đưa bằng chứng ra. Vợ chồng chúng tôi là người ‘có đạo’, sống rất ôn hoà với bà con điạ phương, họ rất thương.


Hai công an kèm hai bên mục sư Chính, khi nào ông mở miệng nói là họ bịt miệng lại. Sau đó họ chụp hình, quay phim. Họ xét nhà, tịch thu nhiều thứ rồi niêm phong, buộc mục sư Chính ký vào. Nhưng ông Chính không chịu ký với lý do đưa ra ‘họ vào nhà nhiều người và bỏ vào những thứ gì khác ai biết được’; nên không ký.


Năm nữ an ninh đến buộc tôi ký, tôi cũng không chịu và nói nếu có chĩa súng vào đầu tôi bắn tôi cũng không ký. Vợ chồng tôi không làm gì có tội cả. Cách đây hai năm, hồi 2009, các anh đã nhiều lần kêu mục sư Chính lên, đánh đập, hành hạ …Vợ chồng tôi im lặng, tiếp tục lo công việc Chúa, không đụng chạm ai; tại sao lại bắt bớ. Việc bắt này làm cho vợ chồng chúng tôi và anh em con cái Chúa hết sức bất ngờ.


Gia Minh: Hôm ngày 8 tháng tư, cơ quan chức năng đã có quyết định khởi tố ông Nguyễn Công Chính rồi, gia đình có biết không?


Bà Nguyễn Thị Hồng: Quyết định khởi tố đề ngày 8 tháng tư; họ ra quyết định trước đến bây giờ mới bắt. Rất ngạc nhiên, lần bắt này khiến gia đình và giáo hội rất bất ngờ.


Ngoài ra có quyết định khởi tố bị can Nguyễn Công Chính nữa. Họ giao cho gia đình hai quyết định này. Họ nói khi đi thăm nuôi mang theo bản quyết định đó. Hôm nay tôi đến trại giam T20 nhưng họ không cho thăm nuôi, thứ năm mới là ngày thăm nuôi. Họ đuổi tôi về.


Cây muốn lặng mà gió chẳng đừng


Gia Minh: Bà nói việc bắt mục sư Nguyễn Công Chính gây bất ngờ, vậy vì sao như thế?


Bà Nguyễn Thị Hồng: Mục sư Chính và giáo hội Lutheran Việt Nam gần đây không muốn đụng chạm đến chính quyền nữa, vì mục sư Chính đã đụng chạm rất nhiều rồi. Ông bị vu oan, bắt nhốt nhiều lần rồi nên chỉ muốn được yên để lo việc Giáo hội, việc Chuá. Chỉ muốn đi giảng đạo cho đồng bào sắc tộc tại Tây Nguyên.
Nay gần hai năm như thế nay bị bắt nên khiến mọi người bất ngờ.


Vợ chồng tôi chỉ giảng đạo, làm theo lời Chuá chứ có làm gì đâu. Trước đây họ đã sử dụng những lời buộc tội quá cũ, nay lại sử dụng. Hôm tối 28 tháng tư cũng đưa lên VTV3 những điều đó.


Gia Minh: Giáo hội Lutheran đã có đăng ký theo yêu cầu của chính quyền thế nào?
Bà Nguyễn Thị Hồng: Năm 2010, giáo hội Lutheran có ban điều hành ra đăng ký với chính phủ nhưng họ nói chưa cho phép. Giáo hội muốn chấp hành, nhưng họ không cho phép. Dù họ không cho phép nhưng giáo hội vẫn tồn tại.Giáo hội đã tồn tại từ lâu rồi, họ không cho phép ‘tín ngưỡng’ vẫn phát triển thôi.


Gia Minh: Cám ơn Bà Nguyễn thị Hồng về những thông tin việc bắt giữ Mục sư Nguyễn Công Chính hôm ngày 28 tháng tư.


Xin được nhắc lại, mục sư Nguyễn Công Chính sinh năm 1969. Ông cùng vợ và bốn con sống tại phường Hoa Lư, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai.


Thời gian trước đây, ông sinh hoạt trong giáo hội Tin Lành Mennonite, nay chuyển sang giáo hội Lutheran. Ông từng có thời gian tham gia Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Trước đây ông từng bị cơ quan an ninh tỉnh Gia Lai mời đi làm việc nhiều lần, và ông từng lên tiếng tố cáo bị chính quyền địa phương sách nhiễu bằng những hành động như đặt chốt canh gác trước nhà ông, ném đá…

Chiến lược lúa gạo đang được điều chỉnh

Nhu cầu lương thực gia tăng không ngừng trên thế giới nhưng Thái Lan tính chuyện thay đổi chiến lược lúa gạo theo hướng giảm diện tích trồng lúa. 'For Entry and Pay Online, click here' Việt Nam sẽ nhân cơ hội này để vượt qua Thái Lan hay không. Nam Nguyên phỏng vấn TS Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông Nghiệp Nông thôn Việt Nam trụ sở tại Hà Nội về vấn đề liên quan.

Hướng về chất lượng, giá trị và khả năng chống chịu
Nam Nguyên: Thông tin quốc tế cho biết Thái Lan có ý định từ bỏ vị trí xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, bỏ hẳn vụ 3 trồng lúa giá thấp, để chống sâu bệnh, giảm xuất khẩu 2 triệu tấn gạo. Thưa ông Việt Nam có đủ nguồn lực để thay thế vị trí thứ 1 này hay không?TS Đặng Kim Sơn: Tôi nghĩ nếu Thái Lan giảm xuất khẩu lúa gạo thì đương nhiên sản xuất của Việt Nam sẽ tự động vươn lên. Tuy nhiên điều quan trọng không phải là số lượng 1 triệu hay 2 triệu tấn, điều này phải tùy thuộc vào vấn đề giá cả ở trên thị trường. Năm nay giá trên thị trường thế giới tốt thì nông dân đồng bằng sông Cửu Long sẽ tăng sản xuất lên, sản lượng ở Việt Nam sẽ tăng lên, nhưng tôi không nghĩ là có thể tăng lên tới 2 triệu tấn được. Chắc chắn sản lượng lúa của Việt Nam sẽ tăng lên nhưng nó vẫn theo cơ chế thị trường và còn bị tùy thuộc vào tác động của biến đổi khí hậu vì ngay như hiện nay sản xuất lúa ở đồng bằng sông Cửu Long cũng gặp khó khăn như bị xâm nhập mặn, thiếu nước trong mùa khô. Cho nên mức độ tăng sản lượng sẽ chỉ ở mức độ nhất định.
Nam Nguyên: Thái Lan điều chỉnh chiến lược trồng lúa chỉ tập trung lúa thơm giá trị cao, nhường lại thị trường gạo trắng giá rẻ cho Việt nam và các nước khác. Theo ông, kế hoạch phát triển “Cánh đồng mẫu lớn” sản xuất tập trung ở ĐBSCL có phải là sự điều chỉnh chiến lược của Việt Nam?
TS Đặng Kim Sơn: Vấn đề điều chỉnh chiến lược sản xuất lúa ở Việt Nam có nhiều góc độ khác nhau. Góc độ thứ nhất là tăng về chất lượng, sử dụng các loại giống chất lượng cao hơn và có thể có giá bán tốt hơn. Có góc độ tăng về sử dụng giống chống chịu tốt hơn để sau này có thể chống cự với biến đổi khí hậu tốt hơn, có sự thay đổi làm thế nào điều chỉnh mức nước và kỹ thuật canh tác để giảm thải các-bon vào môi trường. Có thể nói có nhiều sự điều chỉnh khác nhau đang diễn ra ở trên đồng bằng, nó chịu tác động của cả yếu tố thị trường cả yếu tố về thay đổi môi trường và cả yếu tố về thay đổi qui mô sản xuất, tổ chức sản xuất. Như vậy sẽ có một góc độ tổng hợp làm thay đổi dần cơ cấu sản xuất lúa ở đồng bằng sông Cửu Long theo hướng chất lượng, giá trị và khả năng chống chịu tăng lên.

Cảnh giác về biến đổi môi trường trên dòng Mekong
Nam Nguyên: Với nguy cơ các đập thủy điện trên dòng Mekong ở thượng nguồn và gần đây nhất là ở Lào, đe dọa đến sản xuất lúa, nguồn lợi nghề cá, môi trường sinh thái, dân sinh ở đồng bằng sông Cửu Long. Việt Nam làm gì để tồn tại nếu như dòng chảy sông Mekong bị ngăn trở vì các đập thủy điện
TS Đặng Kim Sơn: Việt Nam theo dõi rất chặt chẽ tình hình thay đổi ở phía thượng nguồn của sông Mekong và chúng tôi quan tâm sâu sắc và lo lắng đến những thay đổi tác động đến môi trường cũng như tác động đến sinh kế của người dân. Một mặt chúng tôi phối hợp với các nước trên thượng nguồn để có kế họach xây dựng hợp lý.
Ở Việt Nam có nhiều ý kiến, nhiều cuộc hội thảo cả chính thức lẫn trong nhân dân về vấn đề này. Mặt khác chúng tôi phối hợp với Viện lúa Quốc tế, các cơ quan nghiên cứu quốc tế để tìm ra những giống lúa chống chịu, tăng khả năng chịu mặn, chịu hạn, chịu ngập của cây trồng nhất là với lúa. Đồng thời tiến hành các giải pháp về thủy lợi, các giải pháp về tổ chức sản xuất, điều chỉnh lại mùa vụ để tăng hiệu quả sản xuất nông sản. Nói chung theo chúng tôi điều quan trọng nhất là hiệu quả sản xuất, giá trị sản xuất chứ không phải là khối lượng. Thế thì tất cả quá trình điều chỉnh này phối hợp với quốc tế để điều chỉnh sử dụng nước ở sông một cách hợp lý và tất cả các hoạt động liên quan phải đồng bộ và tổng hợp với nhau, cái này bổ xung cho cái kia không thể thiếu một mặt nào, đảm bảo sản xuất ở đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục phát triển bền vững và hiệu quả, đảm bảo cuộc sống của khối lượng đông đảo người dân đồng bằng sông Cửu Long.
Nam Nguyên: Cảm ơn Tiến sĩ Đặng Kim Sơn đã trả lời đài chúng tôi.

Mở hội nghị tuyên tuyền bầu cử cho cộng sản trong khu vực Nhà thờ, GP Thái Bình còn nuôi những linh mục phản trắc đến bao giờ?

NVCL – GP Thái Bình). Một linh mục đã dùng nhà xứ thuộc nhà thờ của Giáo xứ để tổ chức “Hội nghị tuyên truyền bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân”… Điều đó như chuyện đùa thời Cộng sản.

Nhưng, rất tiếc, đó là sự thật ở Giáo phận Thái Bình.

Nếu như ở Sài Gòn có Lm Phan Khắc Từ đã tự hào biến nhà thờ thành nơi chế bom đánh Mỹ, thì ở GP Thái Bình, linh mục Phạm Văn Tuyên cũng chẳng hề kém cạnh chút nào khi biết nơi nhà xứ, nhà thờ thành ổ tuyên truyền cho Cộng sản.



Chiều nay, 29/4/2011, tại nhà xứ Giáo xứ Trung Châu, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên, thuộc GP Thái Bình, linh mục Vincent Phạm văn Tuyên đã tổ chức “Hội nghị tuyên truyền bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân” cho giáo dân, đặc biệt các ban ngành, trùm trưởng các xứ, họ thuộc huyện Khoái Châu.
Cuộc “hội nghị” này do chủ trương của Mặt trận Tổ quốc huyện Khoái Châu thúc đẩy, tài trợ tiền bạc. Linh mục Vincent Phạm văn Tuyên được sự hỗ trợ của linh mục lân cận là linh mục Giuse Nguyễn Văn Hải quản xứ An Vĩ – Linh mục Hải là linh mục thuộc Dòng Thừa sai Đức Tin (GP Phú Cường).



Tham gia cuộc hội nghị này có Mặt trận Tổ quốc tỉnh, huyện, đài truyền hình, các phóng viên báo chí cũng như một số giáo dân, ban trùm của các giáo xứ tham dự.



Dưới chân tượng Đức Mẹ tại nhà xứ, dưới Chúa Thánh Thần với biểu tượng chim bồ câu là huy hiệu của Mặt trận Tổ quốc (tổ chức ngoại vi của đảng Cộng sản) một phông bạt dựng lên ghi rất rõ ràng: “Hội nghị tuyên truyền cuộc bầu cử quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016. Khoái Châu, 29/4/2011”.



Một chiếc rạp dược dựng lên che mưa và bàn ghế được sắp xếp thành một bãi trước sân.
Theo linh mục Tuyên, việc này làm ở nhà xứ là để tránh tiếng nếu đưa vào nhà thờ. Cũng theo linh mục Tuyên, kế hoạch là có hai linh mục Hải và linh mục Hinh cũng như các ban ngành trùm trưởng về tham dự. Nhưng hai linh mục Hải và Hinh đến giờ khai mạc cũng không thấy, mà chỉ có các ban ngành trùm trưởng của Xứ An Vĩ, Trung Châu cùng linh mục Tuyên đến dự để về tuyên truyền lại trong các giáo xứ, giáo họ của mình cho giáo dân. Theo tin chúng tôi nhận được, linh mục Her. Hinh, quản xứ Hàm Tải và Sài Quất đã không cho các ban ngành đi họp cuộc họp này. Tuy vậy, trước ống kính máy quay, trước những người tham dự, viên chủ tọa vẫn hô rằng: Tham dự cuộc họp có Linh mục Tuyên, Ủy viên Mặt trận Tỉnh, các linh mục xứ ở Khoái Châu, các ban ngành trùm, Hội đồng Giáo xứ về đông đủ (Sic). Chắc là để bà con nghe Truyền hình nhà nước cứ hiểu rằng hội nghị này đông đúc và được sự nhất trí cao lắm.



Tham dự cái “hội nghị” này, phía công giáo, lèo tèo một số người thuộc ban ngành, trùm của các giáo xứ thuộc quyền quản lý của các Phạm Văn Tuyên, linh mục Nguyễn Văn Hải (Dòng Thừa sai Đức Tin).



Phía nhà nước, có Phạm Ngọc Huy, tỉnh ủy viên, Chủ tịch UBMTTQ tỉnh Hưng Yên, Nguyễn Văn Toản, ủy viên thường trực, trưởng ban huấn luyện của MTTQ Tỉnh, Nguyễn Hữu Toản, Giám đốc Trung tâm trợ giúp Pháp lý tỉnh Hưng Yên, các đại biểu huyện Khoái Châu, xã Đông Kết…



Lực lượng báo chí, truyền hình được huy động, chắc chắn rằng việc này sẽ được dùng để tuyên truyền cho nhân dân, đặc biệt cho giáo dân biết được ở GP Thái Bình, việc dùng nhà thờ, nhà xứ để tuyên truyền cho cộng sản là điều bình thường.

Chừng như thấy việc làm của mình là bất chính, những người tham dự, chỉ đạo và tổ chức cái gọi là “hội nghị” này đi lại rất khẽ, nói năng thầm thì, mặt mày lấm lét… mà bất cứ người nào nhìn vào cũng thấy sự hèn hạ và lén lút của nó.




Một linh mục – công cụ của cộng sản



Linh mục Vincent Phạm văn Tuyên vốn là một linh mục được nhà nước cộng sản nuôi dưỡng từ lâu, trước đây quản xứ Hưng Yên.



Chúng tôi đã đến Hưng Yên và ngao ngán cho một cái gọi là Xứ đạo nơi Phố Hiến này.
Hầu như tất cả giáo dân đã bỏ đạo, thậm chí có những giáo họ nhà thờ rộng rãi hàng ngàn mét vuông đất, chỉ còn lại 5 giáo dân trên danh nghĩa, có họ nhiều hơn, được 13 giáo dân trên danh sách.



Nhà xứ của linh mục Tuyên, là nơi để hàng ngày bọn nghiện hút, chích choác xì ke, thậm chí cả gái làm tiền… nằm ngổn ngang tự nhiên như nơi không người, linh mục Tuyên suốt ngày đi họp cái tổ chức của Cộng sản là Ủy ban Đoàn kết, nhà thờ chẳng mấy khi có lễ lạt gì, giáo dân hầu như không còn trên thực tế. Khuôn viên nhà thờ bị chiếm hầu hết, còn mỗi nhà thờ đóng cửa.



Sau những kỳ họp triền miên với chức danh là Ủy viên Ban Thường trực của cái gọi là “Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam” nhà xứ chỉ là nơi ông trở về tá túc cùng với các loại tệ nạn xã hội.



Khi chuyển về Trung Châu, hầu như vẫn chứng nào giữ tật ấy, việc phục vụ giáo dân, chăm sóc nhà thờ, nhà xứ chỉ là việc phụ không đáng để linh mục này quan tâm. Nhà thờ vẫn lạnh lẽo, hoang vắng và lẫn lộn nhà dân. Ngoài sân, hai bức tượng đứng hai bên mà thoạt nhìn, chúng tôi phát hoảng vì không biết đó là những bức tượng gì? Hỏi giáo dân mới biết, đây là kiệt tác của cha xứ. Điều này thể hiện trên hai tác phẩm mà giáo dân mỉa mai với chúng tôi là chính tay cha xứ đắp nên.



Nếu bạn không tin, hãy nhìn đôi mắt của hai bức tượng này. Thật là một sự phỉ nhổ vào nghệ thuật Thánh trong thời đại hiện nay. Quả thật không thể nói gì hơn đây là những quái tác của một tâm hồn thiếu thánh thiện và đạo đức nên cái nhìn cũng bị méo mó.
Ngoài ra, không chỉ linh mục Tuyên, vốn đã thành tinh, thành ma của Giáo phận Thái Bình, điều đáng buồn hơn là một linh mục trẻ dù không tham gia ủy ban này, cũng hùa theo các chủ trương của nó.



Chẳng hạn như chiều nay, linh mục Hải vẫn cho các ban ngành, trùm trưởng đến tham dự cái gọi là “hội nghị” này để về tuyên truyền lại cho giáo dân.



Đặc biệt, linh mục Hải lại là linh mục thuộc Dòng Thừa sai Đức Tin(?). Không rõ dòng này, thừa sai Đức Tin là Đức Tin gì khi linh mục thuộc Dòng đã cho các “Thừa sai” của mình đi họp cái “hội nghị” của Cộng sản ngay trong khuôn viên Nhà thờ Trung Châu nhằm làm các tuyên truyền viên cho cộng sản trong trò hề bầu cử? Phải chăng đó là Đức Tin?



Thái độ của giáo dân



Khi bên ngoài, mỗi người được mời dự họp thì được phát 1 phong bì đựng 100 ngàn, những người vãng lai được phát 30 ngàn đồng, nhưng vẫn chỉ có một nhóm lèo tèo tham gia “hội nghị” để nghe tỉnh ủy viên hô hoán rằng nhà nước ta là nhà nước của dân, do dân và vì dân… trong khi đó ở trong nhà thờ, một số giáo dân vẫn đọc kinh, cầu nguyện và chia sẻ với nhau.



Một số người trong “ban tổ chức” đã vào nhà thờ đề nghị mọi người khi nào nghe loa mời thì ra dự “hội nghị”, nhưng giáo dân nhất định không ra. Ngay cả khi linh mục Phạm Văn Tuyên thấy lượng người quá hẻo, đã bảo một người vào kêu giáo dân ra cùng tham dự để quay phim, nhưng chẳng có ai ra tham gia việc đó. Một giáo dân còn đáp lại: Việc mời thì cứ mời, còn ra hay không là tùy vào quyền của cộng đoàn.
Và cuối cùng thì ai diễn cứ diễn, ai cầu nguyện cứ cầu nguyện.



Chúng tôi hỏi một giáo dân đang cầu nguyện trong nhà thờ là tại sao không ra ngoài đó để tham dự, ngoài đó tham dự sẽ được phát tiền? Một cụ già bảo tôi: “Cha muốn làm gì ngoài đó, tham gia việc xã hội là việc của cha, còn ở đây là việc của Giáo hội, không được phép đưa vào đây và người không có đạo từ đâu đến không được phép vào đây quấy phá. Tiền với chúng tôi rất thiếu, nhưng tiền không phải để muốn làm gì thì làm”.



Điều đó nói lên tâm tình của giáo dân ở Trung Châu và giải thích vì sao giáo dân xứ Hưng Yên đã hầu hết bỏ đạo khi linh mục Phạm Văn Tuyên được giao coi sóc ở đó.



Trách nhiệm của Giám mục Thái Bình ở đâu?



Một số linh mục Thái Bình cho chúng tôi biết: “Linh mục Tuyên này cũng có một tên Thánh là Vincent, đó là tên của cha mẹ đặt cho, chứ linh mục này đâu có chú ý gì đến chuyện đó”.



Linh mục Tuyên bất chấp bề trên hay bề dưới, ông làm việc phục vụ nhà nước Cộng sản, dù được phép hay không được phép của Giám mục. Thời ĐC Nguyễn Văn Sang, năm 2008, cựu Giám mục Thái Bình đã phải lên công luận nói về linh mục Phạm Văn Tuyên này rằng: “Lm Phạm Văn Tuyên đi họp không do tôi cử đi hay được phép và tôi cũng không hay biết việc đi dự họp này diễn ra ngày nào và ở đâu? Do đó, không nên hiểu Lm Phạm Văn Tuyên là đại biểu của giáo phận Thái Bình đi họp, hay được giám mục giáo phận đề cử hoặc cho phép”.



Một thời Đức Cha Nguyễn Văn Sang tự hào là ở Thái Bình không có Ủy ban Đoàn kết Công giáo, nhưng việc tham gia của các linh mục vào các tổ chức cộng sản không được dẹp bỏ đã là vấn nạn to lớn. Ngoài linh mục Tuyên, một số linh mục tham gia cái gọi là Mặt trận Tổ quốc – cái tổ chức mà một thời luôn là niềm tự hào của ĐC Sang về sự quen biết và kính trọng của những người đứng đầu tổ chức này dành cho ngài. Vì thế mà có những linh mục như linh mục Đỗ Cao Thăng, lấy cái huân chương kèm 3 triệu đồng được Mặt trận Tổ quốc phong tặng như một niềm vinh hạnh lớn, có ai vào là đưa khoe như một niềm vinh dự của mình.



Thậm chí, có những linh mục thân cận của GM Sang đã từng ở ngay tại Tòa Giám mục, từng là chánh xứ nhà thờ Chính tòa, cũng hành động chẳng khác gì mấy với cộng sản. Theo giáo dân cho chúng tôi biết, thì chính linh mục này đã nói với giáo dân rằng: “GM Sang đã sai lầm khi cuối đời dính vào vụ Tòa Khâm sứ, Thái Hà… cứ im lặng thì có phải được nhà nước và công an ủng hộ như thời gian trước đây ngài rất được ủng hộ của nhà nước hay không?”. Và trong cách hành động, phát ngôn, vị linh mục này cũng chẳng khác cách làm của cộng sản là mấy. Thế nhưng, tất cả những ai không vừa ý ngài hoặc không ca tụng ngài đều được ngài gán cho danh hiệu là “cộng sản”.




Đó là những hậu quả tai hại.



Như vậy, một Giám mục phải bó tay trước linh mục cộng sản của mình. Điều này có ẩn giấu những gì ở đằng sau? Việc Giám mục Sang không giải quyết được vấn đề, có thể do những điều gì đó không tiện nói, nhưng đó là thời đã qua.



Còn Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Đệ, Giám mục hiện nay của GP Thái Bình thì sao?



Khi ĐC Nguyễn Văn Đệ được Tòa Thánh bổ nhiệm làm Giám mục Thái Bình sau những “tháng ngày đau khổ” cơm không lành, canh không ngọt tại Bùi Chu với Đức Cha Hoàng Văn Tiệm, người ta mong Thái Bình sẽ khởi sắc, sẽ có thay đổi với một chủ chăn mới đã có kinh nghiệm từ Bùi Chu. Nhưng thời gian qua đã lâu mà vẫn chưa thấy điều gì đáng hi vọng.



Linh mục Tuyên cho chúng tôi biết ông đã trao đổi với Đức Cha Nguyễn Văn Đệ và ngài đồng ý với ông những việc ông làm, vì thế những chuyện tổ chức “hội nghị” như hôm nay, không cần phải xin phép hoặc bất cứ vấn đề gì.



Rõ ràng, trong cách nói và hành động, linh mục này không biết dựa vào đâu, nhưng rất coi thường Giám mục của mình.



Phải chăng với Đức cha Nguyễn Văn Sang, ông đã không cần nể nang, thì Đức cha Nguyễn Văn Đệ cũng chẳng là gì với ông?



Thông tin rằng, Đức Cha Nguyễn Văn Đệ đồng ý cho vị linh mục này làm tay sai cho cộng sản đúng hay sai, cần được Đức Giám mục Thái Bình minh xác cẩn thận, bởi đây không phải chuyện đùa.



Nếu Đức Cha Nguyễn Văn Đệ chấp nhận cho linh mục Phạm Văn Tuyên, cũng như một số linh mục khác tham gia các tổ chức của cộng sản như Ủy ban Đoàn kết công giáo, Mặt trận Tổ quốc… thì Giám mục Nguyễn Văn Đệ sẽ trả lời như thế nào với trách vụ của mình là Chủ tịch Ủy Ban truyền thông Công giáo của Hội đồng Giám mục Việt Nam? Khi đó, ngài Chủ tịch sẽ “truyền” như thế nào để cho giáo dân “thông” được?




Nếu Đức cha Nguyễn Văn Đệ không đồng ý mà đó chỉ là lời bịa đặt của linh mục Tuyên, vậy thì Linh mục Tuyên có thuộc sự quản lý của Đức Cha Đệ nữa hay không?



Đức Cha Đệ có quyền hành gì với những linh mục Cộng sản kiểu này? Tuần Thánh vừa qua, trong lễ truyền phép Dầu Thánh, linh mục này có tuyên hứa lại sự vâng phục Đức Giám mục hay không?



Rõ ràng, đây là một vấn đề không thể bỏ qua, không thể coi là chuyện thường mà Tòa Giám mục Thái Bình và trước hết người có trách nhiệm chính là Đức cha Nguyễn Văn Đệ cần giải quyết dứt điểm.



Đó không phải là một yêu cầu của cá nhân các giáo hữu tại Trung Châu, mà là cả một vấn đề của Giáo hội, khi hiểm họa quốc doanh Giáo hội đang từng bước hiện hữu trước mắt chúng ta.



Giáo phận Thái Bình có một bề dày lịch sử anh hùng, người dân Thái Bình có truyền thống anh dũng và đạo đức, hàng linh mục Thái Bình có tiếng là can đảm và kiên cường, không lẽ nào để cho những đại nạn này hoành hành gây nên nỗi đau cho Giáo hội.



Một giáo hội thỏa hiệp với tà thần Cộng sản, một giáo hội quốc doanh… không thể có đất sống ở một Giáo phận đạo đức như Thái Bình.



Nếu những hiện tượng phản Kito này tại Giáo phận Thái Bình vẫn không có gì thay đổi trong thời gian tới, chúng tôi sẽ có dịp hầu chuyện quý vị về những “sự thật thực” đã và đang diễn ra tại đây.

Video “Hội nghị tuyên truyền bầu cử quốc hội và HĐND tại Giáo xứ Trung Châu, GP Thái Bình:
http://www.youtube.com/watch?v=tVlAweQPSwU&feature=player_embedded