Nhìn AiCâp Mong ViệtNam

Tuesday, February 22, 2011

Việt Nam vừa kềm lạm phát vừa ‘thả’ hàng hóa tăng giá

Ðiều chỉnh giá hàng thiết yếu để xóa bao cấp giá’

HÀ NỘI (NV)
- Ðứng bên bờ vực khủng hoảng dẫn đến sụp đổ kinh tế, nhà cầm quyền Việt Nam mở một phiên họp mời “các nhà khoa học, các chuyên gia nhằm trao đổi, thảo luận về các giải pháp chủ yếu điều hành kinh tế vĩ mô” và chuẩn bị đưa ra một nghị quyết đối phó với tình thế.

Tham dự cuộc họp tư vấn này có cả Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng, các Phó Thủ Tướng Nguyễn Sinh Hùng, Hoàng Trung Hải, Nguyễn Thiện Nhân và “một số bộ, ngành chức năng” theo bản tin phổ biến trên trang mạng của chính phủ Việt Nam.

Dấu hiệu này cùng với hành động tăng lãi suất liên ngân hàng liên tiếp hai lần trong vòng một tuần lễ của Ngân Hàng Nhà Nước cho thấy Hà Nội đang nghiêm chỉnh muốn đối phó với lạm phát. Ðồng thời cũng cho hiểu những biện pháp đối phó với khó khăn kinh tế đề ra từ đầu năm đã không có tác dụng.

Không những vậy, lạm phát còn tăng tốc mà nếu không có các quyết định thật mạnh mẽ quyết liệt, nền kinh tế mong manh của Việt Nam khó tránh khỏi thảm họa. Bất ổn xã hội dẫn tới một kiểu “Cách Mạng Hoa Nhài” như ở Trung Ðông là cái mà người ta tin guồng máy cai trị độc tài đảng trị ở Hà Nội rất cảnh giác.

Bản tin của “chinhphu.vn” hé lộ cho thấy, không riêng gì giá điện sẽ phải tăng 15.28% từ đầu tháng 3, nhiều “mặt hàng” căn bản và quan trọng của đời sống kinh tế xã hội khác sẽ phải tăng giá.

Trong cuộc họp nói trên của ông thủ tướng với cả bộ tham mưu điều hành kinh tế tài chính, người ta thấy ông yêu cầu giảm cấp phát tín dụng xuống dưới 20%, một điều mà giới chuyên gia quốc tế từng hối thức nhiều lần trước đây và “điều hành lãi suất phù hợp để chống lạm phát, điều chỉnh tỷ giá phù hợp...”

Ông thời ông Dũng cũng đòi “thực hiện thắt chặt chính sách tài khóa, giảm 10% chi tiêu công, giảm bội chi dưới 5%, các bộ ngành phải rà soát cắt giảm dự án đầu tư công báo cáo Chính phủ ngay trong tháng 3. Tiếp tục thúc đẩy sản xuất kinh doanh, trước hết là đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp và kiểm soát chặt chẽ nhập siêu...”

Vào lúc ông Dũng họp tham mưu đối phó với tình hình kinh tế khó khăn, báo Dân Trí ngày Thứ Ba ghi nhận giá thực phẩm ở Hà Nội và Huế “leo thang từng ngày.”

Báo Ðất Việt cùng ngày nói “phân bón đội giá mạnh” khi nông dân miền Bắc đang vào cao điểm vụ Ðông Xuân, nhu cầu phân bón tăng mạnh. Trước đó, ngày 20 tháng 2 tờ Ðất Việt kêu rằng: “giá đường ở Việt Nam cao nhất Ðông Nam Á.”

Ngày Thứ Ba, 22 tháng 2, 2011, tờ Tiền Phong nói “choáng váng vì giá sữa.” Giá sữa ở Sài Gòn tăng từ 5% đến 10% tùy loại.

Một trong những thứ đang làm điên đầu nhiều giới là xăng dầu vừa khó mua vừa tự động tăng giá. Nhà nước thì cả quyết không thiếu xăng dầu, chưa tăng giá, nhưng trên thực tế, các cây xăng hoặc bán nhỏ giọt hoặc đóng cửa thấy ở khắp nơi. Những lời ỡm ờ không nói tăng giá xăng mà như chắc chắn sẽ tăng làm cho tình hình càng thêm rối mù.

Báo Bee.net kể cho thấy có những nơi như tỉnh Lâm Ðồng người dân đã phải bóp bụng mua xăng với giá 30,000đ/lít trong khi giá chính thức chỉ có 16,400đ/lít. Nhiều người không mua được xăng đã phải đẩy xe đi bộ hàng cây số vì xe hết xăng.

Tờ Người Lao Ðộng thì báo động “xăng dầu khan hiếm đã khiến nhiều ngư dân phải ngừng kế hoạch ra khơi và nông dân đứng trước nguy cơ mất trắng” khi điểm tình hình từ Cà Mau đến Ðắc Lắc.

Nhưng muốn kềm chế lạm phát mà không kềm nổi giá cả hàng hóa gia tăng thì kềm được không? Mới chỉ loan báo tăng giá điện mà nhiều loại hàng hóa thực phẩm đã tăng rồi. Tới khi xăng, than và một số loại hàng hóa căn bản khác chính thức tăng giá, cơn bảo giá sẽ lên tới đâu?
Trên Diễn Ðàn Kinh Tế (VEF) một phụ trang điện tử của báo điện tử VietnamNet ngày 22 tháng 2, 2011, tác giả Lê Khắc trong bài viết “Nói và làm: Trống đánh xuôi, kèn có thổi ngược” đã đưa ra những nhận xét cho thấy giữa chính sách chỉ đạo và sự thực hành “có độ vênh khá lớn.” (TN)

No comments:

Post a Comment