Nhìn AiCâp Mong ViệtNam

Monday, February 28, 2011

Giá cước vận tải chạy theo giá xăng dầu

rfa250.jpg

Dịch vụ vận tải là ngành chịu tác động trước tiên của đợt tăng giá xăng dầu kỷ lục mới đây.
Truyền thông trong nước cho biết sắp tới cước phí vận tải dự trù tăng từ 10% đến 15% đối với tuyến đường dài, tuyến đường ngắn sẽ tăng 20%.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp Hội Vận Tải Ô Tô Việt Nam cho biết, xăng dầu chiếm từ 40% tới 60% tổng giá thành dịch vụ vận tải, vì thế sau đợt tăng giá các loại nhiên liệu mới đây, giá cước vận tải sẽ tăng ít nhất là 10%, nếu tính luôn cả những chi phí gián tiếp như giá điện, lãi suất ngân hàng, thì giá thành cước vận tải sẽ tăng khoảng 15%.
Ông Đỗ Quốc Bình, Chủ tịch Hiệp Hội Taxi Hà Nội cũng nói với báo chí là một số doanh nghiệp taxi cả nước đang tính toán lại chi phí để đưa ra quyết định tăng giá cước trong vài ngày tới. Các công ty taxi dự kiến mức tăng khoảng 10% tức là trên dưới 1000 đồng mỗi km.
Vấn đề tăng giá cước vận tải rõ ràng là chuyện không thể tránh được khi mà nhiên liệu cho các phương tiện vận chuyển là xăng dầu tăng giá ở mức kỷ lục như vừa qua. Các công ty quản lý bến xe sẽ hoàn tất những thủ tục, sau đó sẽ chính thức thông báo quyết định tăng giá vé xe khách. Giá mới sẽ được công khai niêm yết tại các bến xe.
Giá xăng dầu tăng buộc cước vận tải tăng theo là điều khiến giới vận chuyển hết sức băn khoăn. Ông Đạt, một tài xế taxi tại Saigon cho biết về tác động của đợt tăng giá xăng dầu hồi cuối tuần rồi:
Xăng mới tăng gần 3 ngàn, một lít, vật giá cũng nhón lên chút xíu, việc chạy xe thì mình cũng phải tăng giá lên, rồi người ta cũng hạn chế đi taxi. Xăng tăng giá cũng không đáng kể, mình nghĩ là tăng 3000 một lít, chạy 100 cây số, mình mất đi khoảng mấy chục ngàn, cho nên mình cũng không dám tăng giá cao quá.”


Xăng dầu tăng giá cũng kiến giá tour du lịch lữ hành nhích lên cao, hiện nay ở Việt Nam đang là mùa hành hương đầu năm mới âm lịch nên giá tour nội địa sắp tăng 10%, tức là tăng ít nhất 100 ngàn đồng, mỗi người. Các dịch vụ lưu trú, ăn uống cũng đều tăng 10%.
Tuy nhiên việc tăng giá các tour du lịch cũng không dễ thực hiện vào thời điểm này. Ông Hoài, một hướng dẫn viên công ty du lịch lữ hành ở Hà Nội giải thích:
“Có một số công ty du lịch, họ vẫn phải giữ giá cũ, vì họ đã gởi thư mời, thư ngỏ về những chương trình bao giá, áp dụng từ ngày này đến ngày kia, ví dụ như từ ngày mồng một tháng một đến ngày 30 tháng tư, mồng một tháng 5 chẳn hạn, đã gửi đi rồi thì vẫn phải thực hiện đúng theo chương trình ấy. Khi làm mail gởi đi thì đã làm trước rất lâu rồi, giá được tính cả năm trước nên không thể thay đổi.
Các chương trình mới thì thường cũng đã tăng từ 10% đến 15%, vì tất cả các dịch vụ như thuê ô tô, dịch vụ đưa đón, ăn nghỉ, rồi xăng dầu, điện đều tăng giá. Hiện tại lương cán bộ, công nhân viên, vẫn giữ mức trung hòa, đến tháng 5 này mới rục rịch tăng lên 850 nghìn đồng, mức lương cơ bản tối thiểu hiện vẫn là 730 nghìn đồng. Khi mà tất cả sinh hoạt đều tăng thì nhu cầu đi du lịch của người dân Việt sẽ bị hạn chế và ngành du lịch sẽ gặp khó khăn.”
Giải thích lý do của đợt điều chỉnh giá xăng dầu hôm thứ 5 vừa qua, Bộ Tài chánh cho biết, trong năm 2010, giá xăng dầu thế giới tăng trên 28%, lẽ ra xăng phải tăng giá tới gần 6500 đồng một lít, tuy nhiên giá xăng dầu trong nước được bình ổn nhờ các biện pháp cắt giảm thuế liên tiếp 6 lần. Bộ trưởng Tài chánh Vũ Văn Ninh tuyên bố với báo chí rằng, tăng giá điện, xăng dầu như vậy, nhà nước vẫn lỗ.
Đối với nhiều người dân, chuyện lỗ lã của chính phủ khá xa vời, bởi họ không hiểu hết thấu các qui luật vận hành của nền kinh tế. Trách nhiệm điều hành thuộc các nhà quản lý xã hội, người dân chỉ mong sao những biện pháp của cơ quan chức năng có hiệu quả để cuộc sống người dân không bị thường xuyên tác động bởi những đợt giá tăng bất thường như lâu nay.

No comments:

Post a Comment