Việt Nam lãng phí quá nhiều vốn vào các ngành công nghiệp không thực sự hiệu quả như đóng tàu, lắp ráp ô tô thay vì đầu tư vào lãnh vực thế mạnh quốc gia như nông nghiệp.
Đầu tư vào công nghiệp ...
Sau hơn hai thập niên đổi mới và trở thành nước có thu nhập trung bình ở mức thấp, các nhà kinh tế nhận thức rằng Nhà nước Việt Nam đã chú tâm phát triển những ngành không dựa vào thế mạnh quốc gia, thí dụ như công nghiệp tàu thủy, sản xuất ô tô. Sự chệch hướng này lãng phí hàng chục tỷ USD, trong khi nông nghiệp được đầu tư rất ít nếu không muốn nói là bị lãng quên.Thật là nghịch lý nếu nhìn vào thành quả, nông thủy sản xuất khẩu đã chống đỡ cho nền kinh tế trong những giai đoạn ngặt nghèo nhất của cuộc khủng hoảng tài chánh toàn cầu.
Qua những cách nói khác nhau nhưng các nhà khoa học chuyên gia kinh tế đều cho thấy Việt Nam cần thay đổi tư duy kinh tế một lần nữa, trong giai đoạn hội nhập sâu với thế giới. Những nhận định thẳng thắn đã được đưa ra trong cuộc hội thảo khoa học “Tư duy kinh tế Việt Nam trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế” được tổ chức hôm 26/2 tại TP.HCM.
Trong cuộc phỏng vấn của chúng tôi, TS Lê Đạt Chí, Trường Đại Học Kinh Tế TP.HCM nhận định rằng, 20 năm trước trong chủ trương đổi mới các nhà hoạch định chính sách không thể tiên đoán đẩy mạnh sản xuất lương thực thực phẩm thành công, lại có thể đủ nuôi toàn bộ nền kinh tế. Lúc đó Việt Nam trong bối cảnh kinh tế bao cấp, muốn phát triển nhanh nên đã tập trung nguồn lực vào khai thác các nguồn tài nguyên như khoáng sản, rừng, thủy hải sản để có phương tiện phát triển công nghiệp hóa. Quá trình công nghiệp hóa để lại hậu quả là Việt Nam bị thâm hụt cán cân thương mại liên tục, 10 năm trước đã có ý kiến phải tái cấu trúc nền kinh tế nhưng đã không được chú ý. TS Lê Đạt Chí tiếp lời:Đảng và Nhà nước mong muốn bằng mọi cách phải phát triển nhanh nâng mức thu nhập trên đầu người, cho nên tất cả đã tập trung vào phát triển công nghiệp. Lúc này quá trình phát triển đẩy mạnh vào lãnh vực bất động sản, khi mất cân đối về ngoại tệ thì càng đẩy mạnh vì dòng vốn chảy vào bất động sản ở thị trường thực sự rất mạnh.
Đấy là những thành quả có thể đạt được, tuy nhiên nó để lại hậu quả rất lớn là ngành mũi nhọn của nền kinh tế bị chênh vênh. Ngành mũi nhọn lâu nay có là nông nghiệp đã không được chú ý đầu tư, thậm chí phát triển nhanh quá đã không để ý đến nguồn lợi về mặt dài hạn. Ngày hôm nay trước những vấn đề an ninh lương thực, giá lương thực không ngừng gia tăng, người ta mới nhìn nhận lại về lãnh vực thế mạnh mà Việt Nam bỏ sót hơn hai mươi năm nay.”
No comments:
Post a Comment