Hội đồng Bảo an LHQ bỏ phiếu đồng loạt áp lệnh thanh trừng chế độ Muammar Gaddafi tại Libya trong khi Ngoại trưởng Anh kêu gọi Gaddafi từ chức.
HĐBA hậu thuẫn lệnh cấm vận bán vũ khí và phong tỏa tài sản trong khi đề nghị trao Đại tá Gaddafi cho Tòa án Tội phạm Quốc tế do cáo buộc gây tội ác chống nhân loại.
Trước đó Hoa Kỳ đã công bố biện pháp trừng phạt chống lại chính phủ Libya và Tổng thống Barack Obama ký một sắc lệnh ngăn chặn bất động sản và các giao dịch liên quan đến nước này.
Tổng thống Mỹ Barack Obama nói nhà lãnh đạo Libya nên từ chức và rời khỏi nước này ngay lập tức.
Ông Gaddafi hiện vẫn kiểm soát thủ đô Tripoli, nhưng miền đông Libya đã về tay phe nổi dậy chống chính phủ.
Tin mới nhận cho hay thị trấn Zawiya của Libya hiện đang nằm trong tay của phe nổi dậy chống lại Đại tá Gaddafi mặc dù giới chức nói ngược lại.
Phóng viên BBC đến địa điểm cách thủ đô Tripoli 50km nói khu trung tâm và vùng vành đai gần có vẻ hoàn trong tay phe chống chính phủ, mặc dù vây xung quanh là các lực lượng trung thành với ông Gaddafi.
Dân địa phương nói với phóng viên rằng quân chính phủ một vài lần tấn công, nhưng không thể xuyên vào được khu trung tâm.
Cao ủy tị nạn LHQ nói khoảng 100.000 người đã bỏ chạy khỏi vùng loạn lạc Libya sang các nước láng giềng trong tuần qua.
Các con số từ UNHCR nói đa số đây là lao động nhập cư nước ngoài, chủ yếu từ các nước Ai Cập và Tunisia.
Một phóng viên BBC có mặt tại biên giới Libya và Tunisia nói tình hình rất căng, với đoàn người chờ đợi không có điều kiện vệ sinh phù hợp, đường xe cộ bị tắc nghẽn và tiếp tục có thêm người đổ về.
Ngoại trưởng Anh William Haguevào cuối tuần nói "đã tới lúc" để nhà lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi từ chức.
Tuyên bố của ông đưa ra sau khi 150 công nhân dầu mỏ, trong số đó có nhiều người Anh, được đưa ra khỏi các trại ở sa mạc tại Libya bằng không vận và hiện ước tính còn khoảng 300 công dân Anh còn kẹt lại ở Libya.
Anh đã rút bỏ quyền miễn trừ ngoại giao của mình trên đất Anh cho Libya và lệnh này cũng áp dụng đối với gia đình và người nhà Gaddafi.
Tấn công bằng hỏa lực
Ngày thứ Sáu, một cuộc biểu tình chống chính phủ ở thủ đô Tripoli của Libya đã bị hỏa lực loại hạng nặng tấn công.
Khoảng 1.000 người biểu tình được cho là đã bị giết hại bởi quân đội của ông Gaddafi vốn cố gắng dập tắt các cuộc nổi dậy.
Các nhân chứng cho biết về nhiều ca tử vong và thương vong mới nhất là do dân quân và quân đội của chính phủ tấn công những người biểu tình gây ra, khi họ vừa ra khỏi một số nhà thờ Hồi giáo, sau buổi cầu nguyện hôm thứ Sáu và bắt đầu tiến hành biểu tình ở một số khu vực của thành phố.
Đồng thời, truyền hình nhà nước Libya cho thấy cảnh Đại tá Gaddafi phát biểu từ khu thành lũy cổ của Tripoli, thúc giục đám đông thân hữu hãy tự vũ trang và bảo vệ đất nước và dầu mỏ, chống lại các phần tử chống đối Gaddafi vốn đã nắm quyền kiểm soát phần lớn đất nước này.
"Chúng ta sẽ tiêu diệt bất kỳ cuộc xâm lược nào", Gaddafi nói. "Khi cần thiết, chúng ta sẽ mở các kho vũ khí. Để tất cả mọi người Libya, tất cả các bộ lạc Libya có thể được vũ trang... Libya sẽ trở thành ngọn lửa đỏ, một viên than nóng bỏng."
Phần lớn miền đông của đất nước đã nằm trong tay của những người biểu tình chống Gaddafi cũng như của nhiều đơn vị quân đội Libya phản chiến, nay chống lại nhà lãnh đạo đang níu giữ quyền lực này.
Tổng thư ký Ban Ki-moon cho biết chính phủ Libya đã tiến hành các hành vi vi phạm quyền con người.
Ông cũng cho hay 22.000 người đã rời bỏ Libya qua Tunisia, và hơn 15.000 người khác đi qua ngả Ai Cập.
"Một số lượng lớn bị mắc kẹt và không thể ra đi," ông nói thêm. "Có các tin đang rộng rãi về người tị nạn bị sách nhiễu và bị đe dọa bằng súng lẫn dao."
'Mở ngỏ'
Ông nói điều quan trọng đối với các nước láng giềng của Libya, kể cả các nước châu Âu, là cần để ngỏ biên giới cho những người di tản chạy trốn bạo lực.
Ông Ban cũng nói rằng đang diễn ra một cuộc khủng hoảng lương thực, thực phẩm bên trong Libya và rằng Chương trình lương thực thế giới (WFP) dự kiến tình hình sẽ xấu đi.
WFP cho biết đường dây cung cấp thực phẩm của Libya có nguy cơ bị sập vì nhập khẩu đã không được tiếp nhận vào nước này và việc phân phối thực phẩm bị ảnh hưởng do bạo lực.
Trong một diễn biến đặc biệt, Phó Đại sứ Libya tại Liên Hợp Quốc đã rơi nước mắt tại một phiên họp của Hội đồng Bảo an về tình hình khẩn cấp ở Libya.
Các nhà ngoại giao tại Hội đồng Bảo an nói rằng Anh và Pháp đã soạn thảo một dự thảo nghị quyết bao gồm một gói các biện pháp nhằm cô lập các nhà lãnh đạo Libya cả về chính trị và quân sự.
Các biện pháp trừng phạt này có thể bao gồm một lệnh cấm vận vũ khí, và một văn bản soạn thảo đệ trình tình hình của Libya tới Tòa án Hình sự Quốc tế.
Đại sứ Libya tại LHQ, ông Mohamed Shalgham, tố cáo Đại tá Gaddafi hôm thứ Sáu, chỉ ba ngày sau khi ca ngợi ông này là "người bạn của tôi".
Ông nói với Hội đồng Bảo an, ông "không thể tin được" quân đội của Đại tá Gaddafi đã bắn vào những người biểu tình, nhưng khi chứng kiến nhà lãnh đạo Libya kêu gọi khống chế và đàn áp các cuộc biểu tình bằng vũ lực, ông Shalgham đã ủng hộ lệnh trừng phạt hiện nay.
Khi phát biểu xong, ông này đã được Phó Đại sứ Libya, Ibrahim Dabbashi, ôm hôn trong khi òa khóc. Nhiều nhà ngoại giao quốc tế khác được thấy đã có cử chỉ và động tác chia sẻ với các ông này.
Các sự kiện đang diễn ra tại Libya cũng như tại nhiều nơi ở Bắc Phi vừa qua cũng được nhiều người tại Việt Nam chú ý, đặc biệt là những người hoạt động dân chủ.
Luật sư Lê Quốc Quân, một nhân vật bất đồng chính kiến trong nước, cho BBC biết anh và những người đồng chí hướng thấy các diễn biến vừa qua tại Bắc Phi là một 'nguồn cảm hứng'.
Bài học quan trọng nhất, theo anh, là tinh thần bất bạo động.
No comments:
Post a Comment