Nhìn AiCâp Mong ViệtNam

Monday, February 28, 2011

Libya: Thị trường vũ khí quan trọng của Nga và châu Âu

Trước làn sóng trấn áp những người biểu tình chống chế độ Kadhafi, ngày 26/02/2011, Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc đã nhất trí thông qua một loạt biện pháp tăng cường trừng phạt Libya, trong đó có lệnh cấm vận vũ khí và những thiết bị liên quan.
Nga và nhiều nước châu Âu, đối tác cung cấp vũ khí chính của Libya, đã buộc phải bỏ phiếu thuận cho dù quyết định này làm cho họ mất đi một thị trường quan trọng.
Theo hãng thông tấn Nga Interfax, trích dẫn nguồn tin quân sự-ngoại giao, thì trước mắt, Matxcơva có thể sẽ bị mất nhiều hợp đồng bán vũ khí, trị giá gần 4 tỷ đô la. Trong số các nước Cận Đông và Bắc Phi, thì Libya là nước mua nhiều thiết bị quân sự nhất của Nga.
Nguồn tin trên cho biết rõ : Nga đã ký một hợp đồng 2 tỷ đô la với Libya. Trong khi đó Matxcơva và Tripoli đang đàm phán mua bán các thiết bị hàng không và hệ thống phòng không, trị giá 1,8 tỷ đô la.
Quan hệ mua bán vũ khí giữa Nga và Libya có từ thời chiến tranh lạnh. Theo AFP, trong giai đoạn 1981-1985, Liên Xô cung cấp cho Tripoli khoảng 350 máy bay tiêm kích, trong đó có 130 Mig - 23, 70 Mig – 21, 6 oanh tạc cơ Su – 24 và 6 oanh tạc cơ siêu âm Tu – 22.
Do vậy, điều dễ hiểu là Nga đã có ý định tìm cách bảo vệ thị trường cung cấp vũ khí của mình tại Trung Đông, bất chấp những cuộc cách mạng và nổi dậy của người dân trong khu vực này.
Tuần trước, một quan chức Nga phụ trách xuất khẩu vũ khí, xin dấu tên nói với AFP là sự sụp đổ của một số chế độ tại Trung Cận Đông và Bắc Phi có thể làm cho Matxcơva bị mất khoảng 10 tỷ đô la do các hợp đồng không thể được thực hiện.
Trong khi đó, bộ trưởng Quốc phòng Nga Anatoli Serdioukov nói thẳng rằng Matxcơva rất lo ngại và mong muốn các hợp đồng bán vũ khí đã ký kết phải được thực hiện.
Nhiều nước châu Âu, đứng đầu là Ý, cũng có phần kém vui vì bị mất các hợp đồng bán vũ khí. Năm 2008, Roma và Tripoli đã ký hiệp định hữu nghị song phương. Theo số liệu chính thức mới nhất của châu Âu, được báo La Repubblica đăng tải, thì trong năm 2009, xuất khẩu vũ khí của Ý sang Libya lên tới 205 triệu euro. Theo sau là Pháp với 143 triệu euro, Đức 57 triệu, Anh Quốc 53 triệu, Bồ Đào Nha 21 triệu. Riêng con số 80 triệu euro liên quan đến Malta thì gây nghi ngờ vì đây có thể là xuất khẩu trá hình của Ý.
Nhật báo Corriere della Sera đã trích dẫn một báo cáo của bộ Nội vụ Ý và liệt kê ra một loạt các hợp đồng đã ký, các cuộc thương lượng đang diễn ra, giữa Libya và nhiều tập đoàn sản xuất vũ khí của Ý. Ví dụ, tập đoàn Augusta Westland vào tháng 10/2010, đã ký hai hợp đồng 70 triệu euro, cung cấp cho Tripoli 10 trực thăng. Hay trong năm nay, tập đoàn Intermarine Spa vừa bắt đầu thương lượng với Libya các hợp đồng bán thiết bị quân sự khoảng 600 triệu euro…
Mạng lưới giải trừ vũ khí, một tổ chức phi chính phủ của Ý tố cáo là « chính với các vũ khí này mà quân đội của Kadhafi đã bắn vào người dân Libya ».
Theo thẩm định của Liên Hiệp Quốc, cho đến nay, khoảng 1000 người đã thiệt mạng trong các vụ biểu tình, nổi dậy tại Libya. Do vậy, Nga và châu Âu không còn cách nào khác là phải cấm vận vũ khí đối chế độ Kadhafi.

No comments:

Post a Comment