Nhìn AiCâp Mong ViệtNam

Saturday, February 26, 2011

Qui hoạch đô thị tại TPSaigon

Tại Hội thảo Khoa học “Các thành phố Châu Á trong tiến trình toàn cầu hóa” do Viện Nghiên cứu Phát triển Thành phố SG  phối hợp với Đại học Meijo của Nhật Bản vừa tổ chức tại thành phố SG
người tham dự đã phân tích những thực trạng khó khăn mà thành phố lớn nhất nước này đang đối mặt trong quá trình thực hiện mục tiêu phát triển để trở thành một đô thị bền vững.
Những thách thức này liên quan đến vấn đề gì. Quỳnh Như có cuộc nói chuyện với Phó Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Thành phố SG  và tường trình hầu quý thính giả.
Thành phố SG  với trên 10 triệu dân hiện đang đứng trước nhiều khó khăn trong việc xây dựng chiến lược Phát triển Đô thị Bền vững tầm nhìn thế kỷ 21 để trở thành một thành phố văn minh, hiện đại, với vai trò làm trung tâm cho sự phát triển của khu vực phía Nam và cả nước.
Đây quả là một thách thức lớn cho trung tâm đông dân nhất cả nước này với làn sóng nhập cư vẫn tiếp diễn cộng với những khó khăn về cơ sở hạ tầng cũ kỹ được xây dựng từ thời Pháp thuộc, và chỉ được tu bổ vá víu trong những thời gian sau đó.

Thiếu vốn đầu tư hạ tầng cơ sở

Phó Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Thành phố SaiGon cho biết cụ thể những vấn đề khó khăn này như sau:
“Thách thức lớn nhất ở đây là đầu tư cho phát triển đô thị thì nguồn vốn còn hạn hẹp, nhất là hệ thống giao thông, nhà ở, v.v… Vì Thành phố này có thu hút đầu tư về công ăn việc làm nên có nhiều người vào Thành phố thành ra dân số Thành phố tăng rất nhanh, thế thì quỹ hạ tầng chưa kịp phát triển thì số lượng người đã tăng. Thứ hai, là vấn đề thu nhập của người dân Thành phố SG gần đây tương đối đã nhiều lên và tương đối tăng nhanh chóng. Thành ra nhu cầu sử dụng xe hơi, xe máy của người dân rất nhiều. Chính vì vậy các mâu thuẫn làm nảy sinh những vấn đề, gây ra nạn kẹt xe.

Ngoài ra, vấn đề biến đổi khí hậu hiện nay cũng là một vấn đề rất lớn. Thành phố SG nằm trên vùng đất mà nền rất yếu, mà đất lại cũng thấp so với những vùng khác thành ra nguy cơ bị ngập lụt rất nhiều, nhất là những lúc trời mưa, kết hợp với triều cường v.v… thì hiện nay cũng đã gặp rồi. Còn tương lai nếu nước biển dâng lên hơn nữa thì nguy cơ ngập nước càng nhiều.”


Mặc dù tốc độ tăng trưởng kinh tế của Thành phố SG  không ngừng tăng trong vòng 10 năm trở lại đây, và quá trình đô thị hóa được mở rộng nhưng khả năng đầu tư cho đô thị vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của cư dân. Trong tổng số các dự án đầu tư cho cơ sở hạ tầng về dân cư đã đăng ký, số dự án thực sự được đầu tư chỉ chiếm 25%, nên người dân vẫn còn thiếu chỗ ở.
Giải thích cho tình trạng này, ông Nguyễn Trọng Hòa cho biết:Tìm kiếm nguồn vốn đầu tư cho phát triển cơ sở hạ tầng là rất khó vì các nhà đầu tư chủ yếu mặn mà với các khoản cho vay để sinh lời ngay, nhưng còn các khoản cho vay mà để chúng ta phải mấy chục năm mới trả được thì hiện nay chủ yếu dựa vào các nguồn vốn ODA từ Nhật và một số các quốc gia. Ngoài ra, các nhà đầu tư cũng không mặn mà với các dự án đầu tư hạ tầng, vì vậy mà vốn đầu tư cho hạ tầng bị thiếu. Chính vì vậy chúng tôi làm nhiều lúc một con đường chỉ có thể làm cây cầu, nhưng lại không có tiền làm đường, hoặc là xây đồng bộ. Những cái đó cũng gây thêm phức tạp cho thành phố.”
Vấn đề đầu tư xây dựng và cải thiện hạ tầng giao thông tại Thành phố SG  đang là mối quan tâm hàng đầu của nhiều nhà khoa học và các ngành chức năng. Ông Hòa cho biết về một đề suất về biện pháp giải quyết tình trạng này, ông nói:
“Chúng tôi cũng nghiên cứu đề suất trong hội thảo, phải có cơ chế phát triển bền vững, cũng phải hạn chế cho đăng ký xe máy. Hạn chế một số khu vực trong thành phố không cho phát triển giao thông cá nhân nữa tập trung vào các phương tiện giao thông công cộng.”

Bảo vệ môi trường

Ngoài ra, còn một điểm cần lưu ý trong chiến lược Phát triển Đô thị Bền vững hiện nay có liên quan đến vấn đề biến đổi khí hậu. Vấn đề này đặt ra cho Thành phố yêu cầu phải kết hợp hài hòa giữa sự phát triển kinh tế với việc bảo vệ môi trường, bảo vệ không gian xanh.
“Để đảm bảo cho Thành phố phát triển bền vững thì phải tìm ra những giải pháp làm sao mà sống chung được với mực nước biển dâng, lựa chọn phương pháp xây dựng hợp lý. Phải tập trung phát triển đô thị ở những khu vực thật tốt, không phát triển đô thị tràn lan.”

Giải quyết làn sóng nhập cư

Để giải quyết làn sóng người nhập cư vào thành phố. Viện Nghiên cứu Phát triển Thành phố đề nghị:
“Cần có cơ chế, giống như Hà Nội đang đề nghị có Luật Thủ đô. Thành phố SG  tuy không có Luật riêng nhưng cũng phải có những cơ chế để giảm sức ép nhập cư. Hiện nay chúng tôi cũng đang giảm sức ép nhập cư bằng biện pháp thay đổi cơ cấu phát triển kinh tế, thay vì sử dụng những lao động giản đơn, thặng dư lao động thì chúng tôi chuyển sang những ngành công nghệ cao, yêu cầu chuyên môn sâu hơn, cao hơn, những loại hình dịch vụ v.v…thì lượng người lao động đơn giản bắt buộc là phải quay về tỉnh.”

Bảo tồn văn hóa


Ông Lê Đăng Khoa, một cư dân cố cựu của đất Saigon luôn băn khoăn trước viễn cảnh đô thị hóa thành phố này, bộc bạch những suy nghĩ về vấn đề phát triển đô thị như sau:

“Theo tôi thì vấn đề quy hoạch đô thị và phát triển bền vững có hai vế. Thứ nhất về vấn đề quy hoạch đô thị, thì khi quy hoạch đô thị phải lấy gì là trung tâm, cái đó là chính. Tôi cho rằng là phải lấy lợi ích, tiện ích của nhân dân làm trung tâm. Bởi vì tất cả những quy hoạch đô thị nếu không vì lợi ích nhiều nhất dành cho người dân để họ được thụ hưởng, thì quy hoạch đó là một quy hoạch vô hồn.
Tôi lấy ví dụ, Việt Nam trong những năm đầu thì bê nguyên xi cái quy hoạch đô thị ở Liên Xô áp dụng cho một số các tỉnh thành ở Việt Nam thì sau này bị vỡ hết, vì những cái đó không thích ứng với người dân Việt Nam.
Muốn phát triển đô thị bền vững, theo tôi là phải dựa vào văn hóa dân tộc, vì nếu phát triển một đô thị mà không dựa vào văn hóa dân tộc, truyền thống của đô thị thì phát triển đó chắc chắn là lai căng và sẽ không bền vững được.
Tôi lấy ví dụ như ở Thành phố SG . Thành phố này có văn hóa là sống trên bến dưới thuyền. Thành phố uốn lượn quanh con kinh rất lớn. Thì tại sao người ta không quy hoạch để đưa cái đó vào hồn sống của người dân Thành phố.
Thứ hai là về những cái hẻm ở đây. Hiện nay đối với Thành phố Hồ Chí Minh có rất nhiều những con hẻm và những con hẻm đó là những hồn sống của người dân cư ngụ tại điạ phương đó. Vô một con hẻm mình sẽ biết được văn hóa sống của người dân ở khu vực đó như thế nào; từ cái buôn bán nhỏ, những tiệm chạp phô, rồi những quán càfê, hủ tíu. Những cái đó nếu mình quy hoạch mà nói là vì vấn đề phát triển mà mình dẹp hết thì hóa ra mình bỏ đi các văn hóa sống của người ta.”
Luật Quy hoạch ra đời và có hiệu lực từ đầu năm ngoái cũng tác động phần nào đến công tác quy hoạch hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, tránh được tình trạng phân cắt trong quy hoạch đô thị, và tạo khả năng đối phó với những khó khăn do môi trường phức tạp gây ra. Với những yếu tố khó khăn đã được phân tích trên đây, thì vấn đề sẽ còn tùy thuộc vào các nhà làm chính sách, các nhà quản lý đô thị có đưa ra được một kế hoạch hợp lý, khả thi cho việc xây dựng và phát triển thành phố trở nên một đô thị bền vững hay không.

No comments:

Post a Comment