Xăng dầu sẽ tăng giá nếu cuộc Cách mạng Hoa Lài lan tới Ả Rập Xê Út
Giá xăng dầu đang tăng vọt làm thế giới quan ngại. Nhiều người cho rằng việc này xảy ra vì cuộc biểu tình tại Libya. Nhưng theo một số chuyên gia thì vấn đề không hẳn như vậy.
Quỳnh Chi phỏng vấn Tiến sĩ Stelzer Irwin, kinh tế gia và là Giám đốc Viện Nghiên cứu Chính sách Kinh tế Hudson, Hoa Kỳ và được ông cho biết:
Hiệu ứng Domino
Dr. Stelzer Irwin: Không phải là thế giới đang lo về khủng hoảng dầu hỏa hay lo dầu lên giá vì có biểu tình ở Libya mà người ta lo rằng cuộc cách mạng này sẽ xảy ra ở Ả Rập Xê Út. Thực sự thì nếu sự việc tương tự xảy ra tại Ả Rập Xê Út thì chỉ có trời mới biết giá dầu sẽ tăng bao nhiêu.
Quỳnh Chi: Ông có thể nói rõ hơn không?
Dr. Stelzer Irwin: Bởi vì người ta nhìn tình hình Libya và lo ngại nó sẽ lan sang Ả Rập Xê Út. Cũng giống như khi bạn đau một ngón tay thì không có gì quan trọng nhưng mà sự ảnh hưởng của việc này đối với cơ thể bạn mới là chuyện đáng nói.
Người ta đang nghĩ tới cái gọi là hiệu ứng đô mi nô. Cái mà người ta sợ nhất là nó sẽ lan đến Ả Rập Xê Út. Dĩ nhiên là bây giờ sự việc này chưa xảy ra, nhưng nó cũng đủ làm người ta lo lắng. Thêm một điều nữa, sự lo lắng này xuất hiện trong bối cảnh thế giới đang phục hồi sau khủng hoảng kinh tế và sự bùng nổ kinh tế ở Châu Á làm mức cầu về xăng dầu gia tăng đáng kể.
Quỳnh Chi: Vậy sản lượng dầu mà Libya cung cấp ra bên ngoài có lớn không?
Dr. Stelzer Irwin: Sản lượng dầu mà Libya cung cấp cho quốc tế cũng rất nhỏ. Nếu muốn biết nó lớn hay nhỏ, quý vị có thể so sánh sản lượng này với sản lượng của Ả Rập Xê Út với con số khoảng 4 triệu thùng dầu thô mỗi ngày.
Quỳnh Chi: Tôi tưởng rằng sản lượng dầu Libya đứng thứ 18 trên thế giới?
Dr. Stelzer Irwin: Đúng vậy, nhưng mà xếp hạng 18 cũng không nói lên chuyện gì cả. Một vật có thể được xếp hạng 12 nhưng mà 11 vật được xếp hạng trước nó có thể hơn nó gấp 5 lần! Bởi vậy, các thứ hạng đôi khi không hẳn đã nói lên điều gì.
Khủng hoảng dầu hỏa
Quỳnh Chi: Vậy nếu cuộc cách mạng hoa Lài chỉ dừng lại ở Libya thì liệu thị trường dầu hỏa có ảnh hưởng?
Dr. Stelzer Irwin: Nếu khủng hoảng chính trị chỉ dừng lại ở Libya thì tôi cho rằng khủng hoảng dầu hỏa sẽ không xảy ra.
Quỳnh Chi: Vậy nếu tình hình ở Libya lắng dịu đi thì giá dầu có hạ xuống không?
Dr. Stelzer Irwin: Thậm chí nếu sự việc ở Libya lắng dịu đi thì thị trường dầu hỏa cũng sẽ ở tình trạng khủng hoảng như thế này một thời gian nữa vì người ta muốn đợi xem chuyện gì sẽ xảy ra ở Ả Rập Xê Út.
Có một vấn đề ở nước này mà tôi cần chia sẻ, thành phần trung lưu ở Ả Rập Xê Út được ăn học rất cao nhưng lại không có việc làm nên chính phủ rất khó thỏa mãn được thành phần trung lưu này. Chính phủ vừa hứa sẽ dùng 30 tỷ đô la cải thiện xã hội. Nếu việc này làm xã hội ổn định thì trong tương lai giá dầu không lên cao. Nhưng trong thời gian từ bây giờ đến lúc đó thì chắc chắn sẽ có nhiều ảnh hưởng.
Quỳnh Chi: Hôm thứ Năm, giá dầu thô ở Châu Âu khoảng 120 đô la 1 thùng, còn ở Hoa Kỳ khoảng 103 đô la 1 thùng. Nếu biểu tình xảy ra ở Ả Rập Xê Út thì giá này sẽ là bao nhiêu?
Dr. Stelzer Irwin: Rất khó nói, nhiều người nói là giá dầu có thể sẽ tăng lên 200 đô la 1 thùng nhưng tôi không biết. Nhưng tôi có thể nói rằng, nếu cách mạng xảy ra tại Ả Rập Xê Út thì thế giới sẽ mất đi một sản lượng dầu rất lớn và giá dầu sẽ tăng rất cao trong một thời gian rất dài.
Quỳnh Chi: Nếu khủng hoảng chính trị xảy ra thì có phải chỉ những nước nhập khẩu xăng dầu mới bị ảnh hưởng nặng nhất?
Dr. Stelzer Irwin: Thị trường xăng dầu là thị trường quốc tế. Xuất khẩu dầu đi đâu không quan trọng. Khi dầu khan hiếm thì nó sẽ ảnh hưởng giá cả mọi nơi. Nếu mà cuộc cách mạng hoa Lài lan sang Ả Rập Xê Út thì ảnh hưởng xấu cho Hoa Kỳ vì nước này cần nhiều xăng dầu.
Và thậm chí đối với các nước đang phát triển, ảnh hưởng này còn xấu hơn vì người dân khó có đủ tiền chi tiêu như vậy. Quý vị nên nhớ rằng khi dầu khan hiếm, không những giá xăng dầu tăng mà các mặt hàng khác cũng tăng.
Quỳnh Chi: Có người cho rằng khi giá dầu vượt mức 100 đô la 1 thùng thì GDP của một quốc gia có thể bị giảm từ 0.5% đến 1.5%. Ông nghĩ sao?
Dr. Stelzer Irwin: Tôi không có con số cụ thể nhưng mỗi khi giá dầu vượt mức 100 đôla 1 thùng, thì nó ảnh hưởng không nhỏ đến GDP 1 quốc gia, đặc biệt là các nước đang phát triển như Việt Nam.
Quỳnh Chi: Trước khi kết thúc câu chuyện, xin ông cho biết các nước nhập khẩu dầu có thể làm gì để kiềm chế sự tăng giá hay không?
Dr. Stelzer Irwin: Đáng tiếc các nước phải nhập khẩu dầu sẽ không làm gì được cả. Trong tương lai xa, nếu xã hội dùng những nguồn năng lượng khác để thay thế xăng dầu thì đó là chuyện khác. Quý vị thấy rằng Ả Rập Xê Út luôn muốn giữ giá dầu không cao quá bởi họ e rằng khi giá này quá cao người ta sẽ chuyển sang dùng các nguồn năng lượng khác như từ gió hay từ mặt trời chẳng hạn.
Quỳnh Chi: Xin cám ơn ông đã dành cho chương trình những ý kiến thú vị.
Thưa quý vị, vừa rồi là ý kiến của Tiến sĩ Stelzer Irwin. Tình hình giá xăng dầu đang tăng cao tạo ra quan ngại cho thế giới. Hy vọng những chia sẽ của ông đã phần nào giúp vấn đề sáng tỏ hơn.
No comments:
Post a Comment